Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Dự án tiền khả thi công viên lịch sử - văn hoá dân tộc
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 356/UB-KT ngày 29 tháng 01 năm 1997; và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2421-BKH-VPTĐ ngày 24 tháng 4 năm 1997;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.-
Phê duyệt dự án tiền khả thi công viên lịch sử - văn hoá dân tộc tại thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở Dự án quy hoạch tổng thể xây dựng quần thể công trình lịch sử - văn hoá dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 229/TTg ngày 20 tháng 4 năm 1995 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên Dự án: Dự án tiền khả thi công viên lịch sử - văn hoá dân tộc.
2. Địa điểm xây dựng: Tại phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh và xã Bình An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 408 ha; diện tích này cần phải được xác định lại và có bản đồ đo đạc chính xác.
3. Mục tiêu:
Làm điểm tựa giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc cho nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ (ở trong nước và đồng bào ở nước ngoài về thăm quê hương), góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tạo điều kiện giao lưu văn hoá trong nước và giới thiệu về văn hoá Việt Nam với nước ngoài; tăng cường tính phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của nhân dân thành phố.
Tạo nên một cảnh quan thiên nhiên thoáng rộng; góp phần cân bằng sinh thái cho môi trường của Thành phố; một mặt, giới thiệu có chọn lọc những sự kiện lịch sử và công trình văn hoá tiêu biểu của dân tộc Việt Nam; mặt khác, xây dựng một khu làng văn hoá dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tại đây, diễn ra các hoạt động văn hoá nhằm giới thiệu những lễ hội truyền thống, những phong tục tập quá, những trò chơi dân tộc thích hợp với mọi lứa tuổi.
Qua việc tái hiện và giới thiệu lịch sử - văn hoá dân tộc Việt Nam, khu công viên này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hoá trong nước và ngoài nước; đồng thời, mang lại những kết quả về kinh tế, văn hoá, xã hội cho thành phố và khu vực.
4. Các nguyên tắc thực hiện:
a) Đây là một dự án lớn về quy mô sử dụng đất và mức vốn đầu tư, có nội dung phong phú và phức tạp, vì vậy, trên cơ sở dự án tiền khả thi, cần triển khai xây dựng dự án khả thi chi tiết từng khu chức năng. Việc lựa chọn các mốc lịch sử và các công trình (mô hình) thể hiện phải tiếp tục được nghiên cứu kỹ hơn trước khi quyết định. Tuỳ tính chất của một số công trình cụ thể, cần xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
b) Việc xây dựng các công trình kiến trúc tái hiện lịch sử, cần bảo đảm sự hài hoà giữa tính dân tộc và việc sử dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại.
c) Việc sắp xếp vị trí, thiết kế kiến trúc và xử lý kỹ thuật các công trình cụ thể cần được cân nhắc kỹ, có sự tham gia của các chuyên gia thuộc các ngành văn hoá - xã hội, lịch sử, kiến trúc, môi trường và kỹ thuật có liên quan. Bộ Văn hoá - Thông tin cần tham gia xét duyệt trước khi quyết định đầu tư.
d) Cần chủ động tập trung đầu tư từng giai đoạn theo đặc điểm từng công trình, tuỳ theo khả năng huy động vốn, không làm dàn trải. Cơ sở kỹ thuật hạ tầng phải đồng bộ, bảo đảm những quy định chung về bảo vệ môi trường đối với khu vực xung quanh và ngay trong khu vực xây dựng quần thể công trình.
5. Nội dung đầu tư:
a) Xây dựng các công trình kiến trúc theo từng nội dung cụ thể của 4 khu vực chức năng:
Khu vực I: Tái hiện thời cổ đại và cảnh quan.
Khu vực II: Tái hiện thời trung đại và cảnh quan.
Khu vực III: Tái hiện thời cận đại, hiện đại và cảnh quan.
Khu vực IV: Khu sinh hoạt văn hoá và cảnh quan.
Kèm theo việc xây dựng mỗi khu vực là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và các công trình phụ trợ có quy mô thích hợp.
b) Nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, điều tra, nghiên cứu khảo cổ học.
c) Sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, phổ biến và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể có liên quan đến các công trình tái hiện lịch sử - văn hoá dân tộc của công viên này.
6. Vốn đầu tư: Tổng mức vốn đầu tư được tính toán trên cơ sở kết quả thẩm định các dự án đầu tư cụ thể.
Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cần có biện pháp huy động từ nhiều nguồn vốn hợp pháp khác nhau để đầu tư cho dự án này (kể cả vốn liên doanh với nước ngoài), ngoài phần vốn ngân sách trung ương và địa phương bố trí theo khả năng huy động hàng năm. Nguồn vốn xây dựng quần thể công trình này chủ yếu do thành phố tự huy động.
7. Chủ đầu tư: Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định cơ quan tổ chức quản lý thích hợp giúp thành phố tổ chức quản lý, chỉ đạo thực hiện Dự án.
Điều 2.- Trên cơ sở Dự án tiền khả thi được duyệt, Uỷ ban nhân dân thành phố cần tổ chức tiến hành quy hoạch chi tiết các khu chức năng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình duyệt theo quy định. Trong quá trình lập dự án, cần tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu để có thể lựa chọn các giải pháp kỹ thuật, kinh tế phù hợp nhất và có ý kiến tư vấn của Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Xây dựng, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan làm căn cứ cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư.
Trong quá trình thực hiện cần quán triệt sâu sắc những quan điểm và đường lối của Đảng về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Đối với việc tái tạo các công trình lịch sử phải nghiên cứu hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng bảo đảm hiệu quả giáo dục truyền thống, lịch sử, thẩm mỹ kiến trúc, tái tạo lịch sử của đất nước một cách trung thực, có sức hấp dẫn và thuyết phục; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan kiến trúc của thành phố, của khu vực.
Điều 3.- Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương tiến hành công tác nghiên cứu khoa học lịch sử, khảo cổ và các công tác chuẩn bị khác để phục vụ tốt cho việc tái hiện các giai đoạn lịch sử của đất nước có độ tin cậy và sự thống nhất cao về quan điểm.
Điều 4.- Giao Tổng cục Địa chính làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các cơ quan có liên quan để thực hiện việc giao đất một lần cho dự án đầu từ này. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm tổ chức tốt việc đền bù, tái định cư đối với dân cư và các đơn vị đang sống trong vùng dự án; quản lý, sử dụng đúng mục đích diện tích đất được giao. Tuỳ theo mục đích sử dụng đất và nội dung từng dự án đầu tư cụ thể được duyệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ cho phép Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế sử dụng đất thích hợp. Các chủ đầu tư của các dự án cụ thể phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định hiện hành của Luật Đất đai.
Điều 5.- Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hoá - Thông tin, Xây dựng, Quốc phòng; Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính; Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và nhân văn quốc gia; Chủ tịch các Hội: Khoa học lịch sử Việt Nam, Kiến trúc sư Việt Nam, Văn hoá dân gian Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.