Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN SỐ 347/TS-QĐ NGÀY 31-5-1984 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM KIỂM TRA VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG HÀNG THUỶ SẢN XUẤT KHẨU
BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 169-CT ngày 23-6-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giao nhiệm vụ kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản trước khi xuất khẩu;
Sau khi trao đổi thống nhất với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đào tạo và Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1
Nay ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Trung tâm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu (gọi tắt là Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu).
Điều lệ này là cơ sở pháp lý để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu cho các lô hàng thuỷ sản có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Điều 2
Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1984.
Điều 3
Các đồng chí Chánh văn phòng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở thuỷ sản và Giám đốc Trung tâm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐIỀU LỆ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM KIỂM TRA VÀ
CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG HÀNG THUỶ SẢN XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 347-TS/QĐ ngày 31-5-1984 của Bộ Thuỷ sản)
CHƯƠNG I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1
Trung tâm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu gọi tắt là Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu là đơn vị được Bộ giao quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản trước khi xuất khẩu theo Quyết định số 169-CT ngày 23-6-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu do Trung tâm cấp là văn bản pháp lý về chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu để cơ quan Hải quan thuộc Bộ Ngoại thương cấp thủ tục cho xuất khẩu.
Điều 2
Đối tượng mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu do Trung tâm cấp giấy chứng nhận chất lượng là:
1- Tất cả các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu do Trung ương thống nhất quản lý theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 113-HĐBT ngày 10-7-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.
2- Các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu ngoài danh mục nói ở điểm 1 trên đây nhưng do Công ty xuất khẩu thuỷ sản trực tiếp xuất khẩu.
CHƯƠNG II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TRUNG TÂM KCS
THUỶ SẢN XUẤT KHẨU
Điều 3
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu là đơn vị của Bộ đặt trong Công ty xuất khẩu thuỷ sản, nhằm tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu
Điều 4
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu có các nhiệm vụ sau đây:
1- Theo dõi chung và phân tích, đánh giá, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình trạng chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu cho Giám đốc công ty, cho Bộ và Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
2- Nghiên cứu đề nghị Công ty xuất khẩu thuỷ sản các biện pháp quản lý nâng cao chất lượng và kiến nghị với Bộ, với Nhà nước bổ sung, sửa đổi chính sách, cơ chế, phương hướng nhiệm vụ nhằm bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng thuỷ sản xuất khẩu theo yêu cầu thị trường quốc tế.
Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện phương hướng mục tiêu, chế độ, chính sách đó.
2- Nghiên cứu và góp phần xây dựng trình Bộ các tiêu chuẩn, định mức cấp ngành, cấp Nhà nước, xây dựng và đề nghị Công ty ban hành các tiêu chuẩn, định mức cấp cơ sở và các quy định kỹ thuật cho những mặt hàng mới cần sản xuất gấp theo yêu cầu của khách hàng trong khi chưa có tiêu chuẩn cấp ngành hoặc cấp Nhà nước.
4- Hướng dẫn thống nhất về nội dung, nghiệp vụ, phương thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu cho các cơ sở, xí nghiệp trong toàn quốc.
5- Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và xét, cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các lô hàng có đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
6- Hướng dẫn xây dựng về tổ chức chân rết và hoạt động cho hệ thống KCS ở những cơ sở, xí nghiệp có hàng thuỷ sản xuất khẩu trong toàn ngành theo điều lệ kiểm tra chất lượng sản phẩm ở các xí nghiệp công nghiệp, các trạm tái chế hàng thuỷ sản xuất khẩu.
7- Tham gia hoặc trực tiếp nghiên cứu, chế thử sản phẩm mới, chịu trách nhiệm đánh giá về chất lượng của các sản phẩm mới đó, làm cơ sở cho việc đăng ký chất lượng của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm của Nhà nước và để công ty quyết định hoặc công ty trình bộ xét quyết định cho phép sản xuất.
8- Lập kế hoạch và tổ chức việc đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ, nhân viên làm công tác KCS thuỷ sản xuất khẩu toàn ngành theo phân cấp của công ty và Bộ.
9- Xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện việc trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác kiểm nghiệm và đánh giá, chứng nhận chất lượng của trung tâm. Trong khả năng cho phép giúp đỡ các cơ sở trong ngành xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch trang bị các máy móc, thiết bị kiểm nghiệm cần thiết.
10- Làm công tác thông tin tư liệu, tuyên truyền về chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu.
11- Quản lý lao động, vật tư, tài sản của trung tâm theo phân cấp của Giám đốc Công ty xuất khẩu thuỷ sản và của Bộ.
CHƯƠNG III
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN VÀ QUAN HỆ LÀM VIỆC CỦA TRUNG TÂM KCS THUỶ SẢN XUẤT KHẨU
Điều 5
Giám đốc Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và Giám đốc Công ty xuất khẩu thuỷ sản về toàn bộ hoạt động và kết quả công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Điều 6
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu phải tuân thủ pháp luật và các chính sách, chế độ, quy định có liên quan đến quá trình hoạt động của mình trong quan hệ đối nội cũng như đối ngoại.
Điều 7
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu có các quyền hạn sau đây:
1- Xét cấp giấy chứng nhận về chất lượng cho các lô hàng thuỷ sản nói ở Điều 2 bản Điều lệ này, có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Quyết định ngừng xuất xưởng, ngừng xuất khẩu các lô hàng xét thấy không đạt yêu cầu về chất lượng xuất khẩu cho tới khi những lô hàng đó được xử lý theo đúng hướng dẫn của trung tâm.
2- Cử cán bộ đến những nơi cần thiết (nơi sản xuất, các cơ sở vận chuyển, bến cảng, kho tàng có hàng thuỷ sản xuất khẩu...) để theo dõi giám sát tình hình chất lượng sản phẩm.
3- Yêu cầu các cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh cung cấp mẫu sản phẩm, tài liệu, phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm.
4- Chỉ thị trực tiếp cho người phụ trách các tổ chức KCS ở các cơ sở sản xuất hay lưu thông về thuỷ sản xuất khẩu thực hiện các công việc cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ của trung tâm.
5- Gửi các báo cáo hoặc thông báo trực tiếp cho Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng các cơ quan có liên quan về tình hình chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu, kèm theo các đề nghị và yêu cầu cần thiết.
6- Công nhận và uỷ quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu cho các tổ chức KCS ở các cơ sở khi xét thấy có đủ các điều kiện cần thiết.
7- Tham gia ý kiến vào việc bổ nhiệm, bãi miễn, thưởng, phạt đối với cán bộ phụ trách tổ chức KCS ở các cơ sở có sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu trong ngành.
8- Tham gia Hội đồng (hoặc ban) của Bộ và Công ty xuất khẩu thuỷ sản về xét và công nhận hoàn thành kế hoạch xuất khẩu thuỷ sản.
9- Tham gia Hội đồng kỹ thuật thuộc các lĩnh vực xuất nhập khẩu thuỷ sản.
10- Thu lệ phí kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Điều 8
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu chịu sự lãnh đạo của Bộ, sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Giám đốc Công ty xuất khẩu thuỷ sản, sự giám sát Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Điều 9
Trung tâm KCS được phép làm việc trực tiếp với tất cả các xí nghiệp, cơ quan có liên quan tới trách nhiệm về kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Điều 10
Trung tâm thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, cả năm và đột xuất theo đúng yêu cầu về nội dung và thời gian cho Bộ trưởng, cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và cho Giám đốc Công ty xuất khẩu thuỷ sản. Báo cáo hàng tháng cho Giám đốc Công ty xuất khẩu thuỷ sản.
CHƯƠNG IV
CHẾ ĐỘ KIỂM TRA VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG
Điều 11
Tất cả các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu nói ở Điều 2 bản Điều lệ này đều phải qua kiểm tra, đánh giá và phải có giấy chứng nhận chất lượng thuỷ sản xuất khẩu do Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu cấp hoặc do chi nhánh KCS thuỷ sản xuất khẩu hoặc do một cơ quan được uỷ quyền nói ở điểm 6, Điều 7 trong bản Điều lệ này.
Điều 12
Lô hàng xin cấp giấy chứng nhận chất lượng xuất khẩu của Trung tâm phải là lô hàng (hay những phần sản phẩm hợp thành lô hàng) đã được tổ chức KCS của cơ sở kiểm tra, chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng theo quy định và ghi rõ trong phiếu kiểm tra kèm theo bảng kê chi tiết của lô hàng.
Điều 13
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu theo một trong các phương thức sau đây:
1- Công nhận kết quả kiểm tra, đánh giá của tổ chức KCS cơ sở và cấp giấy nhận chất lượng (không phải lấy mẫu hay phân tích lại).
2- Lấy mẫu kiểm tra, phân tích, đánh giá và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu nếu đạt yêu cầu với những lô hàng.
- Thiết lập từ các cơ sở khác nhau gộp lại.
- Các kết quả kiểm tra, đánh giá của tổ chức KCS cơ sở không đủ tin cậy.
- Các lô hàng thuộc các cơ sở không có tổ chức KCS chuyên trách kiểm tra.
Điều 14
Khi cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu, đơn vị có hàng phải:
1- Nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu;
2- Nộp phiếu ghi kết quả kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng của tổ chức KCS đơn vị mình hay thủ trưởng đơn vị nếu đơn vị ấy chưa có tổ chức KCS chuyên trách;
3- Nộp bản kê khai chi tiết của lô hàng thuỷ sản xin cấp giấy chứng nhận chất lượng để xuất khẩu;
Các mẫu đơn, phiếu, bản kê khai nói ở trên đây do Giám đốc Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu hướng dẫn.
4- Cung cấp mẫu sản phẩm theo quy định của Trung tâm;
5- Nộp lệ phí theo quy định.
Điều 15
Việc lấy mẫu, kiểm nghiệm, đánh giá xử lý kết quả của Trung tâm phải theo đúng phương pháp quy định trong tiêu chuẩn Nhà nước, tiêu chuẩn của Bộ Thuỷ sản và tiêu chuẩn cơ sở do Giám đốc Công ty ban hành hay các quy định tạm thời của Trung tâm (trong trường hợp chưa có một trong các cấp tiêu chuẩn nói trên) và theo phương pháp thoả thuận ghi trong hợp đồng ký với khách nước ngoài.
Điều 16
Việc kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng của trung tâm phải tiến hành nghiêm túc và kịp thời với thời gian cụ thể như sau:
1- Nếu lô hàng không được chấp nhận, phải thông báo cho đơn vị xin cấp giấy chứng nhận biết không chậm hơn sau 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn.
2- Nếu lô hàng được chấp nhận, phải cấp giấy chứng nhận chất lượng không chậm hơn sau 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn.
Điều 17
Trong trường hợp có tranh chấp về chất lượng thì việc xử lý theo quy định sau đây:
1- Giữa KCS và Giám đốc trong cùng một đơn vị cơ sở và giữa các cơ sở trong ngành với nhau (không liên quan trực tiếp đến Trung tâm) thì do Giám đốc Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu xét, kết luận xử lý.
2- Giữa các đơn vị cơ sở trong ngành với Trung tâm do Giám đốc Công ty xuất khẩu xét, kết luận xử lý.
3- Các đơn khiếu nại Công ty xuất khẩu thuỷ sản do Bộ hoặc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng xét, kết luận xử lý.
4- ở mỗi trường hợp tranh chấp phải thực hiện theo kết luận xử lý của người có thẩm quyền như đã quy định trên đây. Nếu bên nào thấy việc kết luận xử lý chưa thoả đáng thì có quyền khiếu nại lên cấp trên tiếp đó theo quy định đã ghi trên.
5- Kết luận xử lý của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có giá trị pháp lý cao nhất về chất lượng sản phẩm (theo Điều lệ kiểm tra chất lượng sản phẩm ban hành kèm theo Nghị định số 62-CP ngày 12-4-1976 của Hội đồng Chính phủ).
6- Mọi phí tổn do việc khiếu nại, tranh chấp về chất lượng được giải quyết theo Điều lệ giao nhận hàng thuỷ sản ban hành kèm theo Quyết định số 282-TS/QĐ ngày 10-11-1981 của Bộ Thuỷ sản.
Điều 18
Đối với các tranh chấp, khiếu nại của khách hàng nước ngoài về chất lượng nếu có thiệt hại về kinh tế thì Trung tâm phải báo cáo kịp thời về Bộ và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kèm theo bản sao các hồ sơ và xác định trách nhiệm thuộc về ai, sự bồi thường và những biện pháp đã được giải quyết khắc phục tình trạng đó.
CHƯƠNG V
TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM KCS THUỶ SẢN XUẤT KHẨU
Điều 19
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu có Giám đốc lãnh đạo theo chế độ thủ trưởng và có một số Phó giám đốc giúp việc Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản bổ nhiệm và bãi miễn.
Điều 20
Để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng thuỷ sản xuất khẩu ở khu vực I và khu vực II, Trung tâm có chi nhánh KCS thuỷ sản xuất khẩu I đặt tại Hải Phòng. Chi nhánh KCS thuỷ sản xuất khẩu II đặt tại Đà Nẵng. Các chi nhánh trên đây là cơ quan cấp dưới trực thuộc Trung tâm, đặt bên cạnh các chi nhánh xuất khẩu khu vực thuộc Công ty xuất khẩu thuỷ sản. Chi nhánh có tài khoản và con dấu để hoạt động.
Mỗi chi nhánh có một Giám đốc phụ trách theo chế độ thủ trưởng và một hoặc hai Phó giám đốc giúp việc do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản bổ nhiệm và bãi miễn.
Trong phạm vi nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn được Bộ giao, Giám đốc Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu quy định nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cho các chi nhánh KCS thuỷ sản xuất khẩu khu vực và gửi về Bộ để báo cáo.
Điều 21
Các phòng chức năng thuộc Trung tâm có:
1- Phòng hành chính - tổ chức phụ trách các công việc hành chính, quản trị, tổ chức cán bộ, kế toán, thiết bị, vật tư.
2- Phòng tổng hợp phụ trách các công việc về tổng hợp, kế hoạch, pháp chế, nghiệp vụ đào tào, bồi dưỡng nghiệp vụ KCS, thông tin tư liệu và tuyên truyền.
3- Phòng quản lý kỹ thuật phụ trách việc chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ ghi trong mục 3, Điều 4 của bản Điều lệ này, quản lý công tác đo lường trong ngành thuỷ sản xuất khẩu, tổ chức việc thanh tra tình hình hoạt động thuỷ sản và chất lượng ở các cơ sở thuộc đối tượng quản lý của Trung tâm. Tổ chức việc chế thử các sản phẩm mới phục vụ cho sản xuất kinh doanh xuất khẩu thuỷ sản toàn ngành.
4- Phòng kiểm nghiệm chuyên lo việc kiểm tra, kiểm nghiệm, đánh giá, lập các phiếu chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu và các sản phẩm mới.
Mỗi phòng có một trưởng phòng phụ trách và có một phó trưởng phòng giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể, quan hệ, lề lối làm việc của các phòng do giám đốc Trung tâm quy định.
Điều 22
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu đóng tại thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng thuỷ sản xuất khẩu cho các cơ sở từ Phú Khánh trở vào.
Điều 23
Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu tiến hành hạch toán kinh tế trên nguyên tắc bảo đảm trung thực và chính xác các hoạt động về kiểm tra và chứng nhận chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu. Các chỉ tiêu kế hoạch của Trung tâm do Giám đốc Trung tâm xây dựng, Giám đốc Công ty xuất khẩu thuỷ sản xét, tổng hợp vào kế hoạch chung của công ty và trình Bộ quyết định.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24
Điều lệ này được thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1984 đối với tất cả các cơ sở có liên quan về xuất khẩu thuỷ sản trong toàn ngành thuỷ sản.
Điều 25
Những quy định trong Quyết định số 3-TS/QĐ ngày 1-9-1983 của Bộ Thuỷ sản trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.
Điều 26
Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ này do Giám đốc Trung tâm KCS thuỷ sản xuất khẩu đề nghị Giám đốc Công ty xuất khẩu thuỷ sản xét và trình Bộ quyết định.