1. Các tổ chức thiết kế chỉ được hoạt động kinh doanh thiết kế khi đã có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền theo quy định của nhà nước, và đã làm đầy đủ các thủ tục về tư cách pháp nhân của một tổ chức kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
2. Việc quyết định thành lập một tổ chức thiết kế căn cứ vào các mặt:
- Năng lực chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật để bảo đảm chất lượng các đồ án thiết kế;
- Có tổ chức hoàn chỉnh và ổn định để đảm bảo quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh;
- Có cơ sở vật chất để bảo đảm sản xuất kinh doanh.
3. Trong quyết định thành lập cần ghi rõ chức năng thiết kế xây dựng theo chuyên ngành, và phạm vi hoạt động thiết kế chủ yếu của tổ chức thiết kế.
4. Khi thực hiện một đồ án thiết kế, tổ chức thiết kế phải cử Chủ nhiệm đồ án. Đối với đồ án thiết kế đặc biệt quan trọng, Chủ nhiệm đồ án thiết kế do cấp trên của tổ chức thiết kế chỉ định.
5. Tổ chức thiết kế được hoạt động kinh doanh thiết kế theo đúng chức năng chuyên ngành thông qua kế hoạch của cấp trên giao và theo đúng quy chế giao nhận thầu xây dựng.
Trong khi chưa có Điều lệ hoạt động kinh doanh thiết kế, tạm thời các tổ chức kinh doanh thiết kế phải chấp hành theo Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ban hành kèm theo Nghị định số 93-CP ngày 8-4-1977 của Hội đồng Chính phủ và các chế độ chính sách hiện hành cho các xí nghiệp.
6. Tổ chức thiết kế nước ngoài thực hiện công việc thiết kế theo quyết định riêng của từng công trình.
1. Viện thiết kế công trình xây dựng là tổ chức thiết kế của các Bộ chuyên ngành, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, và có thể là của các Sở chuyên ngành xây dựng lớn, Uỷ ban Xây dựng tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
a. Viện có quyết định thành lập của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc có quyết định thành lập của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
Việc thành lập hoặc giải thể các Viện thiết kế xây dựng phải được sự thoả thuận của Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và của Bộ chuyên ngành tương ứng. Trường hợp tổ chức thiết kế có nhiều chức năng chuyên ngành thuộc bộ khác thì cần có thêm thoả thuận của Bộ chuyên ngành đó.
Ngoài công tác thiết kế theo hợp đồng giao nhận thầu, Viện thiết kế có nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác thiết kế, nghiên cứu phương pháp luận, dự thảo tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình thiết kế và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thiết kế theo chuyên ngành.
b. Viện thiết kế có thể tổ chức theo các hình thức:
- Viện chuyên ngành: có cơ cấu hoàn chỉnh về thiết kế công nghệ, xây dựng và kỹ thuật phục vụ khác theo chuyên ngành.
- Viện tổng hợp: tập trung nhiều loại thiết kế xây dựng hoặc tập hợp theo nhóm công trình có công nghệ gần nhau (của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Uỷ ban Xây dựng tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương).
- Viện chuyên đề: thiết kế chuyên sâu theo một dạng công trình hay kết cấu công trình có kỹ thuật phức tạp, hoặc thiết kế thực nghiệm và vừa nghiên cứu khoa học vừa thiết kế xây dựng.
c. Viện thiết kế có quyết định thành lập của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cần đảm bảo tối thiểu như sau:
- Lao động thiết kế trực tiếp (kiến trúc sư, kỹ sư và trung cấp kỹ thuật) 100 người trở lên;
- Sản lượng thiết kế hàng năm hoàn thành theo hợp đồng tính theo vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho công trình thiết kế khoảng một trăm triệu đồng (theo giá mới từ ngày 14 tháng 9 năm 1985).
2. Xí nghiệp thiết kế thành lập theo nhu cầu thiết kế trực tiếp mang tính chất sản xuất là chính. Xí nghiệp thiết kế do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
Việc thành lập hoặc giải thể các xí nghiệp thiết kế cần có sự thoả thuận của Bộ chủ quản chuyên ngành về chức năng và phạm vi hoạt động.
Xí nghiệp thiết kế có thể lập tại:
- Các Bộ, Tổng cục có nhu cầu lớn về thiết kế chuyên ngành nhưng chưa đủ điều kiện lập Viện;
- Các sở chuyên ngành xây dựng cơ bản (xây dựng, giao thông, thuỷ lợi) và Uỷ ban Xây dựng cơ bản của tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương;
- Các tổ chức khoa học lớn (Trường Đại học, Viện Nghiên cứu khoa học....) có khả năng về cán bộ khoa học kỹ thuật xây dựng và có nhu cầu thiết kế thực nghiệm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và tiến bộ kỹ thuật, hoặc các Viện thiết kế chuyên ngành cần giải quyết nhu cầu thiết kế của một vùng (hình thức Phân viện vùng).
Xí nghiệp thiết kế (và Viện trực thuộc cấp Sở) cần bảo đảm tối thiểu:
- Lao động thiết kế trực tiếp (kiến trúc sư, kỹ sư, trung cấp kỹ thuật) 50 người trở lên;
- Sản lượng thiết kế hàng năm hoàn thành theo hợp đồng khoảng 50 triệu đồng vốn đầu tư theo giá mới (tính từ ngày 14 tháng 9 năm 1985).
3. Xưởng hoặc phòng thiết kế.
Ngoài hai hình thức chủ yếu Viện và Xí nghiệp nói trên, khi có nhu cầu thật cần thiết và có đủ cán bộ chuyên môn, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có thể ra quyết định thành lập xưởng hoặc phòng thiết kế xây dựng.
Trong quyết định thành lập cần quy định rõ chức năng và phạm vi thiết kế phù hợp với chức năng chính (hoặc chuyên ngành chính) của tổ chức cấp trên của xưởng hoặc phòng thiết kế.
Tổ chức cấp trên của xưởng hoặc phòng thiết kế có thể là:
- Các sở;
- Các trường Đại học, Viện Nghiên cứu.
Xưởng, phòng thiết kế cần bảo đảm tối thiểu 20 lao động thiết kế trực tiếp (kiến trúc sư, kỹ sư, trung cấp kỹ thuật).
Về sản xuất kinh doanh xưởng, phòng thiết kế phải thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước như một tổ chức sản xuất kinh doanh.
4. Những tổ chức quần chúng về khoa học kỹ thuật xây dựng ở cấp Trung ương, nếu có đủ số lượng cán bộ chuyên môn và có sự thoả thuận của Bộ quản lý chuyên ngành, cũng có thể đề nghị Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước ra quyết định thành lập xưởng, phòng thiết kế phù hợp với chức năng, phạm vi hoạt động và nghĩa vụ đối với Nhà nước như quy định ở mục II-3.
Những người ngoài biến chế Nhà nước nếu có đủ năng lực và có các tiêu chuẩn sau đây:
- Có quyền công dân;
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên môn chính của đồ án thiết kế;
- Có giấy phép hoạt động thiết kế do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cấp và đã đăng ký hoạt động thiết kế ở Uỷ ban (hoặc Ban) xây dựng cơ bản địa phương, thì được làm thiết kế theo phương thức nhận thầu lại, làm chuyên gia cho các tổ chức thiết kế, hoặc chủ trì thiết kế cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở của nhân dân theo quy chế của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.