Văn bản pháp luật: Quyết định 405/TM-XNK

 
Toàn quốc
Công báo số 11/1993;
Quyết định 405/TM-XNK
Quyết định
Hết hiệu lực toàn bộ
01/04/1994
13/04/1993

Tóm tắt nội dung

Công bố các danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu Việt Nam

 
1.993
 

Toàn văn

QUYếT địNH

QUYẾT ĐỊNH

Công bố các danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu Việt Nam

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ các quy định trong Nghị định số 114/HĐBT ngày 7-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý Nhà nước đối với xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ các quy định trong Quyết định số 108/TTg ngày 22-3-1993 của Thủ tướng Chính phủ về mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quản lý bằng hạn ngạch trong năm 1993,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Nay công bố các danh mục hàng hoá kèm theo Quyết định này áp dụng cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu Việt Nam:

1. Danh mục các mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

2. Danh mục các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu quản lý bằng hạn ngạch.

3. Danh mục các mặt hàng chuyên dùng do Bộ Thương mại phối hợp với các bộ chuyên ngành quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Danh mục các mặt hàng do Nhà nước chỉ định các doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu.

5. Danh mục các mặt hàng tạm ngừng cấp giấy phép nhập khẩu.

6. Danh mục các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu phải được Bộ Thương mại duyệt số lượng trước khi ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương.

7. Danh mục các mặt hàng được Phòng giấy phép xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có giá trị trong 6 tháng.

Điều 2. - Các danh mục nói ở Điều 1 trên đây có giá trị thi hành từ ngày ký đến ngày 1 tháng 3 năm 1994, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quy định khác.

Điều 3. - Đối với các mặt hàng không thuộc các danh mục từ 1 đến 6, các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu do Bộ Thương mại cấp được chủ động ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp phạm vi kinh doanh quy định trong giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại các Phòng giấy phép xuất, nhập khẩu khu vực, không phải qua Bộ Thương mại. Các Phòng giấy phép xuất nhập khẩu không được tuỳ tiện giảm bớt số lượng hoặc không cấp giấy phép khi các hợp đồng này không vi phạm các quy định của Nhà nước và không trái với tập quán thương mại quốc tế.

Điều 4. - Các Vụ chức năng của Bộ Thương mại, các Phòng giấy phép xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu trong cả nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 5. - Quyết định này thay thế Quyết định số 294-TMDL/XNK ngày 9-4-1992 của Bộ Thương mại và Du lịch. Mọi văn bản trước đây của Bộ Thương mại và Du lịch trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

 

PHỤ LỤC SỐ 1

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG CẤM XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU

I. Mặt hàng cấm xuất khẩu:

1. Vũ khí, đạn dược và chất nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

2. Đồ cổ và các loại văn hoá phẩm mà Nhà nước có yêu cầu bảo tồn, bảo tàng.

3. Các loại ma tuý, hoá chất độc.

4. Gỗ tròn, gỗ xẻ.

5. Song nguyên liệu.

6. Các loại động vật quý hiếm (theo danh mục quy định của Bộ Lâm nghiệp).

II. Mặt hàng cấm nhập khẩu:

1. Vũ khí, đạn dược, chất nổ dùng cho quốc phòng, quân trang, quân dụng.

2. Các loại ma tuý, hoá chất độc.

3. Các loại văn hoá phẩm đồi truỵ, phản động.

4. Thuốc lá điếu.

Ghi chú:

1. Bộ Văn hoá - Thông tin cùng Bộ Thương mại có văn bản hướng dẫn chi tiết về đồ cổ và văn hoá phẩm.

2. Bộ Công nghiệp nặng cùng Bộ Thương mại có văn bản hướng dẫn chi tiết về hoá chất độc.

3. Mục 1/4 và 1/5 xem thông tư của liên Bộ Thương mại - Lâm nghiệp - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước số 9-TTLB ngày 18 tháng 5 năm 1992.

 

PHỤ LỤC SỐ 2

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

QUẢN LÝ BẰNG HẠN NGẠCH

I. Xuất khẩu:

1. Gạo

2. Hàng may, hàng dệt vào thị trường chung châu emdashu (EC), Canađa

3. Sắn lát vào EC

II. Nhập khẩu:

1. Nguyên liệu, phụ liệu sản xuất thuốc lá điếu.

Ghi chú:

1. Mục I/1: Theo hạn ngạch do Thủ tướng Chính phủ quy định. Bộ Thương mại cùng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chỉ định doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu làm đầu mối xuất khẩu và điều hành các doanh nghiệp thực hiện hạn ngạch.

2. Mục I/2: Theo hạn ngạch nước ngoài dành cho Việt Nam và thực hiện theo Thông tư liên Bộ Thương mại - Công nghiệp nhẹ số 1-TM/XNK ngày 4 tháng 3 năm 1993.

3. Mục I/3: Theo hạn ngạch nước ngoài dành cho Việt Nam. Bộ Thương mại cùng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã phân bổ hết hạn ngạch cho các doanh nghiệp và đã chỉ định doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu làm đầu mối xuất khẩu. Các doanh nghiệp có hạn ngạch và các doanh nghiệp được chỉ định làm đầu mối phải gửi về Bộ Thương mại báo cáo tình hình thực hiện. Chậm nhất đến ngày 30 tháng 4 năm 1993 các doanh nghiệp có hạn ngạch mà không có khả năng thực hiện, Bộ Thương mại sẽ thu hồi để cấp cho các doanh nghiệp khác có khả năng thực hiện.

4. Mục II/1: Chỉ phân bổ cho các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thuốc lá điếu.

5. Hàng may, hàng dệt, sắn lát bán vào thị trường khác (ngoài EC) thì được khuyến khích không cần có hạn ngạch.

 

PHỤ LỤC SỐ 3

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG CHUYÊN DÙNG CHO BỘ THƯƠNG MẠI

PHỐI HỢP VỚI CÁC BỘ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ VIỆC

XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

I. Xuất khẩu:

1. Văn hoá phẩm

(Bộ Thương mại - Bộ Văn hoá - Thông tin)

II. Nhập khẩu:

1. Các loại máy phát vô tuyến, hữu tuyến

(Bộ Thương mại - Tổng cục bưu điện)

2. Văn hoá phẩm

(Bộ Thương mại - Bộ văn hoá - Thông tin)

3. Thuốc chữa bệnh cho người và dụng cụ y tế

(Bộ Thương mại - Bộ Y tế)

4. Giống động vật, thực vật, động vật sống, thực vật tươi sống và thuốc chữa bệnh cho động vật, thực vật. (Bộ Thương mại - Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm).

5. Việc nhập khẩu thiết bị toàn bộ, dây chuyền sản xuất bằng nguồn vốn ngân sách được thi hành theo Quyết định số 91-TTg ngày 13 tháng 11 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ: Phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật do cấp Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ quản duyệt và phải qua gọi chào hàng hoặc đấu thầu.

Ghi chú:

Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá nêu trong danh mục này được quy định như sau:

1. Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp xin Bộ quản lý chuyên ngành duyệt: mặt hàng, số lượng từng mặt hàng.

2. Sau khi được Bộ quản lý chuyên ngành duyệt, doanh nghiệp đến thẳng Phòng giấy phép xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại làm thủ tục xuất khẩu hoặc nhập khẩu, không phải qua Bộ Thương mại (Vụ Quản lý xuất nhập khẩu) như trước đây.

 

PHỤ LỤC SỐ 4

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG DO NHÀ NƯỚC CHỈ ĐỊNH CÁC

DOANH NGHIỆP LÀM ĐẦU MỐI XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU.

I. Xuất khẩu:

1. Dầu thô.

2. Gạo.

II. Nhập khẩu:

1. Xăng dầu (trừ dầu nhờn).

2. Phân bón : Uréa, DAP.

Ghi chú: Các doanh nghiệp được chỉ định làm đầu mối được xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng nêu trên theo quy định tại Điều 3 của Quyết định số 405-TM/XNK ngày 13 tháng 4 năm 1993. Riêng, mặt hàng gạo theo ghi chú 1, Phụ lục số 2 của Quyết định đã dẫn trên; mặt hàng phân bón phải được Bộ Thương mại duyệt số lượng trước khi ký hợp đồng mua bán ngoại thương.

 

PHỤ LỤC SỐ 5

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG TẠM NGỪNG CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU.

1. Quần, áo cũ.

2. Tivi, radio, radio-cassette, cassette recorder: đã qua sử dụng.

3. Đường ăn (trừ đường thô Cu Ba nhập khẩu theo Hiệp định đổi gạo giữa hai Chính phủ).

 

PHỤ LỤC SỐ 6

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

PHẢI ĐƯỢC BỘ THƯƠNG MẠI DUYỆT SỐ LƯỢNG TRƯỚC KHI

KÝ KẾT HỢP ĐỒNG MUA BÁN NGOẠI THƯƠNG.

I. Xuất khẩu:

1. Gạo.

2. Sắn lát vào EC.

3. Hàng may, hàng dệt vào EC và Canađa.

II. Nhập khẩu:

1. Nguyên liệu, phụ liệu sản xuất thuốc lá điếu.

2. Phân bón.

3. Linh kiện (dạng CKD, IKD): Để lắp ráp ô-tô, xe 2 bánh gắn máy, tivi, radio, radio-cassette, cassette recorder.

Ghi chú: Mục II/3: Chỉ cho phép các doanh nghiệp có cơ sở lắp ráp đã được Bộ Thương mại và Bộ quản lý chuyên ngành xác nhận có đủ điều kiện lắp ráp.

 

PHỤ LỤC SỐ 7

DANH MỤC

CÁC MẶT HÀNG ĐƯỢC PHÒNG GIẤY PHÉP XUẤT NHẬP KHẨU
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU,
NHẬP KHẨU CÓ GIÁ TRỊ TRONG 6 THÁNG.

(Tức là không cần giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến
theo từng lô hàng).

I. Xuất khẩu:

1. Nghêu, sò lông, sò huyết, ốc gạo: sống và khô (riêng các loại ba ba, rùa, rắn, ếch, cua đinh, ... đang có tình trạng khai thác để xuất khẩu quá nhiều dẫn tới nguy cơ lạm sát, tuyệt chủng ảnh hưởng đến việc cân bằng sinh thái, môi trường nên việc xuất khẩu các loại này phải theo sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Thuỷ sản).

2. Các loại rau, hoa, quả, củ.

3. Các loại bánh, mứt, kẹo, mỳ, miến.

4. Nước mắm, nước tương, các loại nước chấm khác.

5. Các loại trứng.

6. Cát, đá xây dựng, sỏi, vôi sống.

7. Mỹ phẩm và chất tẩy rửa.

8. Tóc rối, tóc giả.

9. Các loại văn phòng phẩm.

10. Hàng vàng mã.

11. Giấy vệ sinh.

12. Chiếu, thảm, mành bằng vật liệu thực vật.

13. Đũa tre, than tre, than gáo dừa.

14. Giầy, dép, ghệt, mũ, khăn, ô, dù, các loại gậy chống, cần câu.

15. Đồ gốm, sứ, gạch, ngói, thuỷ tinh.

16. Các loại đinh, ốc vít.

17. Dụng cụ cầm tay.

18. Các loại khoá, móc, chốt.

19. Nhạc cụ.

20. Đồ chơi, dụng cụ giải trí và thể dục, thể thao (trừ những loại làm bằng gỗ quý hiếm và pơ-mu).

21. Hàng mây, tre đan.

22. Sách, báo, tranh, ảnh, tem thư.

II. Nhập khẩu:

1. Sách, báo, tranh, ảnh, tem thư.

2. Hàng gia công.

Ghi chú:

Tuỳ thực tế tình hình Bộ Thương mại bàn với các Bộ có liên quan để mở rộng thêm danh mục này nhằm tạo thuận tiện và khuyến khích xuất khẩu.

Bộ Thương mại sẽ cụ thể hoá thủ tục này theo hướng có phiếu xuất khẩu, phiếu nhập khẩu cho từng mặt hàng thuộc phụ lục này có giá trị xuất khẩu, nhập khẩu trong 6 tháng, thay cho việc xin giấy phép từng chuyến, để các doanh nghiệp khi có hàng cần xuất khẩu, nhập khẩu thì đưa phiếu đến Hải quan làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và định kỳ 3 tháng một lần báo cáo về Bộ Thương mại (Vụ Quản lý xuất nhập khẩu) số lượng và kim ngạch đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu./.

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=10733&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận