QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Về việc ban hành Quy chế tạm thời về xét tuyển công chức
vào cơ quan Bộ Công nghiệp
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Thông tư số 04/1999/TT-TCCP ngày 20 tháng 3 năm 1999 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/1998/NĐ-CP; Quy chế về tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch công chức ban hành kèm theo Quyết định số 466/1998-QĐ-TCCP-BCVC ngày 05 tháng 9 năm 1998 của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tạm thời về xét tuyển công chức vào cơ quan Bộ Công nghiệp".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng các Vụ và Chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ XÉT TUYỂN CÔNG CHỨC VÀO CƠ QUAN BỘ CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2001/QĐ-BCN ngày 02/10//2001
của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này được áp dụng cho việc xét tuyển công chức vào cơ quan Bộ Công nghiệp.
Điều 2. Việc tổ chức xét tuyển công chức vào cơ quan Bộ Công nghiệp phải căn cứ vào chỉ tiêu biên chế, nhu cầu vị trí công tác và tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức cần tuyển.
Điều 3. Việc xét tuyển công chức vào cơ quan Bộ Công nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc công khai, công bằng và chất lượng; mọi công dân có đủ điều kiện (quy định tại Điều 5 quy chế này) đều được dự xét tuyển.
Điều 4. Việc tổ chức xét tuyển công chức vào cơ quan Bộ Công nghiệp do Hội đồng thi tuyển công chức (HĐTTCC) Bộ Công nghiệp thực hiện.
Điều 5.
1. Những người dự xét tuyển công chức vào cơ quan Bộ Công nghiệp (gọi chung là thí sinh) phải có đủ các điều kiện sau:
a) Là công chức đã có ít nhất 5 năm công tác liên tục tại những cơ quan, đơn vị ngoài cơ quan Bộ hoặc viên chức đã được biên chế trước khi ban hành Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp, tự nguyện làm đơn xin dự xét tuyển;
b) Tuổi đời dưới 40 đối với nữ và dưới 45 đối với nam; tốt nghiệp đại học trở lên;
c) Có lý lịch rõ ràng, có đủ các văn bằng chứng chỉ quy định phù hợp với tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức cần xét tuyển;
d) Có đủ sức khoẻ để đảm nhận nhiệm vụ được giao;
e) Không trong thời gian bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Hồ sơ cá nhân của thí sinh lập và nộp cho thư ký HĐTTCC Bộ Công nghiệp bao gồm:
a) Đơn xin dự xét tuyển có ý kiến của cấp có thẩm quyền đồng ý cho chuyển công tác;
b) Bản khai lý lịch do cơ quan đang trực tiếp quản lý xác nhận;
c) Các bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu về tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức cần tuyển, có xác nhận của cơ quan (riêng bản sao Bằng đào tạo chuyên môn phải có công chứng);
d) Phiếu khám sức khoẻ có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền (Bệnh viện cấp quận, huyện trở lên);
e) Hai phong bì dán tem, ghi rõ địa chỉ của người nhận; hai ảnh cỡ 4 x 6.
f) Hồ sơ xin dự xét tuyển công chức của từng thí sinh đựng trong phong bì riêng nộp về Hội đồng xét tuyển công chức Bộ công nghiệp (nói tại điều 6 Quy chế tạm thời về thi tuyển công chức vào cơ quan Bộ Công nghiệp);
Chương II
TỔ CHỨC XÉT TUYỂN
Điều 6. Căn cứ vào chỉ tiêu biên chế, nhu cầu vị trí công tác và tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức cần tuyển, Vụ Tổ chức - Cán bộ phối hợp với đơn vị có nhu cầu tuyển công chức tiến hành sơ tuyển các thí sinh có đơn xin dự xét tuyển; kết quả nhận xét, đánh giá đối với từng thí sinh gửi về thư ký HĐ tổng hợp trình Hội đồng thi tuyển công chức.
Điều 7. Định kỳ mỗi quý một lần, theo đề nghị của thư ký Hội đồng; Chủ tịch Hội đồng triệu tập họp để xét tuyển công chức vào cơ quan Bộ.
Điều 8. Việc xét tuyển công chức được tiến hành đối với từng thí sinh, đối chiếu hồ sơ của thí sinh với tiêu chuẩn ngạch công chức cần tuyển để lựa chọn. Nếu có nhiều thí sinh cùng đảm bảo các tiêu chuẩn Ngạch công chức của cùng một vị trí công tác thì ưu tiên lựa chọn theo thứ tự:
1. Người có bằng cấp chuyên môn đào tạo cao hơn;
2. Người có bằng tốt nghiệp về đào tạo chuyên môn đạt loại giỏi hơn;
3. Người có trình độ ngoại ngữ cao hơn;
4. Con cán bộ, công nhân viên đang công tác tại cơ quan;
5. Người là thương binh, con liệt sĩ, con thương binh bậc 1/4, bậc 2/4;
6. Người có thâm niên công tác lâu hơn.
Điều 9.
Trong thời hạn 10 ngày sau khi tổ chức xét tuyển, HĐTTCC phải báo cáo kết quả xét tuyển để Bộ xem xét quyết định; trong thời hạn 25 ngày sau khi xét tuyển HĐTTCC Bộ phải thông báo kết quả cho thí sinh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
1. Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ đăng ký số lượng công chức có nhu cầu cần xét tuyển với thư ký HĐ vào đầu quý để tổng hợp trình HĐTTCC tổ chức xét tuyển vào cuối quý.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng các Vụ có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
3. Trường hợp xét tuyển dụng công chức vào cơ quan Bộ không đúng quy trình, vi phạm các quy định của Quy chế này đều bị huỷ bỏ kết quả./.