Văn bản pháp luật: Quyết định 4444/1997/QĐ-BGD&ĐT

 
Công báo điện tử;
Quyết định 4444/1997/QĐ-BGD&ĐT
Quyết định
13/01/1998
29/12/1997

Tóm tắt nội dung

Quyết định về việc ban hành Quy định xây dựng, quản lý mục tiêu, kế hoạch đào tạo và chương trình môn học dùng cho trung học nghề

 
1.997
 

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
SỐ 4444/1997-QĐ-BGD&ĐT NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1997
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ MỤC TIÊU,
KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO VÀ CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC DÙNG CHO TRUNG HỌC NGHỀ"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

- Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ,

- Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định xây dựng, quản lý mục tiêu, kế hoạch đào tạo và chương trình môn học dùng cho trung học nghề.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và được áp dụng thống nhất cho các trường, lớp trung học nghề trong cả nước.

Các quy định trước đây về xây dựng Kế hoạch giảng dạy và chương trình môn học cho các trường lớp DNTH đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ THCN và DN, Vụ trưởng các vụ có liên quan, thủ trưởng các cơ quan quản lý đào tạo, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường Trung học nghề, các trường được phép đào tạo trung học nghề thi hành Quyết định này.

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ MỤC TIÊU, KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO
VÀ CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC DÙNG CHO TRUNG HỌC NGHỀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4444/1997/QĐ/BGD&ĐT
ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định về mục tiêu, kế hoạch đào tạo và chương trình môn học là văn bản pháp lý để quản lý thống nhất về mục tiêu, nội dung chương trình, chất lượng đào tạo Trung học nghề, được áp dụng cho tất cả các loại hình trường lớp Trung học nghề của nước CHXHCN Việt Nam.

Kế hoạch đào tạo, chương trình môn học là cơ sở để các trường, lớp tổ chức quá trình đào tạo, là căn cứ để các cơ quan quản lý giáo dục các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo của các trường.

Điều 2. Kế hoạch đào tạo, chương trình môn học phải phù hợp với nội dung, mục tiêu của Trung học nghề và phải được cấp có thẩm quyền ban hành theo phân cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Mục tiêu, kế hoạch đào tạo, chương trình môn học dùng cho Trung học nghề phải được xây dựng cho từng nghề theo danh mục nghề đào tạo công nhân kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ do Nhà nước ban hành.

 

CHƯƠNG II. XÂY DỰNG MỤC TIÊU, KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO,
CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC

Điều 4. Mục tiêu của Trung học nghề là giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng và nhân cách nhằm đào tạo công nhân kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ, có năng lực thực hành, khả năng tư duy sáng tạo, và có kiến thức văn hoá ở trình độ phổ thông trung học chuyên ban, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bao gồm:

4.1. Trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng. Giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang, các giá trị văn hoá dân tộc, có ý thức tự lực, tự cường góp phần xây dựng nước Việt Nam: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". - Có hiểu biết cơ bản, cần thiết về pháp luật, về Nhà nước XHCN pháp quyền Việt Nam.

- Hiểu biết về quyền lợi, nghĩa vụ công dân, có tính tổ chức, kỷ luật và tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng và xã hội.

4.2. Có trình độ học vấn phổ thông trung học chuyên ban phù hợp với nghề đào tạo, có đủ năng lực tiếp thu chuyên môn và phát triển nghề nghiệp, có tiềm năng để có thể học lên những bậc học cao hơn.

- Có kiến thức về kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định của một nghề chuyên môn, đáp ứng được trình độ lao động cần thiết ở vị trí lao động của nghề.

- Hình thành và củng cố năng lực tư duy kỹ thuật, có khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của khoa học kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực nghề đào tạo và thị trường sức lao động.

4.3. Có hiểu biết và thói quen rèn luyện thể lực, có sức khoẻ phù hợp với đặc trưng nghề nghiệp.

- Có một số kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, làm cơ sở để học sinh tham gia thực hiện nhiệm vụ quân sự trong nhà trường. Có ý thức phục vụ quốc phòng khi làm nghề chuyên môn. Sẵn sàng tham gia lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc.

Điều 5. Đối tượng tuyển sinh và thời gian đào tạo.

5.1. Trung học nghề chỉ tuyển những người tốt nghiệp Trung học cơ sở.

5.2. Thời gian đào tạo một khoá là:

- 3 năm (36 tháng) đối với các nghề kinh tế, dịch vụ, kỹ thuật ít phức tạp.

- 3,5 năm (42 tháng) đối với các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp.

- 4 năm (48 tháng) đối với các nghề phức tạp.

- Đối với các nghề đơn giản, các nghề chưa có trong danh mục thì không đào tạo theo loại hình Trung học nghề.

Điều 6. Nội dung đào tạo Trung học nghề quy định như sau:

6.1. Kiến thức chung: Bao gồm giáo dục chính trị - xã hội, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và thể chất.

Thời lượng cho các môn học chung được áp dụng cho tất cả các nghề quy định như sau:

+ Chính trị và pháp luật: 100 tiết.

+ Thể dục, thể thao: 60 tiết.

+ Quốc phòng: 3 tuần lễ.

6.2. Kiến thức văn hoá - khoa học: Bao gồm kiến thức các môn văn hoá phổ thông, Ngoại ngữ, Tin học.

Các môn Văn - Tiếng Việt; Toán; Ngoại ngữ; Tin học là những môn bắt buộc với tất cả các ngành nghề. Tuỳ theo ngành nghề phải chọn thêm ít nhất 2 môn trong số các môn văn hoá phổ thông còn lại (Vật lý, Hoá, Sinh vật, Lịch sử, Địa lý) để đưa vào kế hoạch đào tạo.

Nội dung kiến thức, thời gian cho mỗi môn học, cách thức lựa chọn môn học được quy định tại Quyết định số 1774/QĐ-GDDT ngày 21 tháng 8 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về "Quy định giờ giảng dạy các môn văn hoá phổ thông đối với các trường, lớp Trung học nghề và trung học chuyên nghiệp".

6.3. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp: Bao gồm kiến thức kỹ thuật cơ sở, kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng cơ bản, và thực tập chuyên sâu.

Số lượng, nội dung các môn học được quy định theo nhóm nghề hoặc từng nghề cụ thể. Thời gian dành cho mảng kiến thức này khoảng 50-55% thời gian thực học (trong đó từ 60-70% số giờ để cho thực hành).

Điều 7. Các nội dung kiến thức quy định tại Điều 6 được sắp xếp thành một hệ thống các môn học và hợp thành một tổng thể thống nhất trong quá trình đào tạo.

Điều 8. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo và chương trình môn học dùng cho Trung học nghề phải đạt được các yêu cầu sau:

8.1. Kế hoạch đào tạo và chương trình môn học phải đảm bảo nội dung đào tạo nghề xuyên suốt quá trình đào tạo. Mặt khác không xem nhẹ kiến thức phổ thông. Kiến thức phổ thông trung học được lựa chọn theo hướng chuyên, phù hợp với nghề, đồng thời phải đảm bảo học vấn ở trình độ phổ thông Trung học chuyên ban.

8.2. Kế hoạch đào tạo và chương trình môn học phải là một tổng thể thống nhất. Các kiến thức, kỹ năng thành phần phải liên kết với nhau theo logic khoa học và logic nhận thức.

Khi triển khai kế hoạch đào tạo không được tách rời thành giai đoạn "Văn hoá phổ thông/nghề" mà phải kết hợp để có thể khai thác tối đa các kiến thức kỹ năng thuộc nội dung văn hoá phổ thông giúp học sinh tiếp thu, hình thành kiến thức kỹ năng nghề nghiệp một cách vững chắc và có hệ thống. Vận dụng các kiến thức kỹ thuật cơ sở, chuyên môn nghề để mở rộng và làm phong phú thêm các kiến thức văn hoá khoa học, hình thành năng lực tư duy kỹ thuật, thực tiễn và sáng tạo.

8.3. Kế hoạch đào tạo và chương trình môn học phải thoả mãn các nguyên tắc sư phạm của quá trình dạy học, đảm bảo tính hiệu quả và đạt mục tiêu đào tạo trên tất cả các mặt văn hoá, chuyên môn, phẩm chất đạo đức, thể chất và quốc phòng.

8.4. Kế hoạch đào tạo và chương trình môn học phải có tính mềm dẻo, linh hoạt, tạo được khả năng liên thông giữa các bậc học, thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ và thị trường sức lao động.

Điều 9. Kết cấu kế hoạch đào tạo bao gồm các nội dụng sau;

9.1. Tên nghề đào tạo.

9.2. Tóm tắt mục tiêu đào tạo.

9.3. Trình độ tuyển sinh và thời gian đao tạo toàn khoá.

9.4. Phân bổ thời gian cho các hoạt động của toàn khoá học (theo đơn vị tuần lễ)

9.5. Danh mục môn học và phân bổ thời gian (theo tiết học cho môn lý thuyết, theo giờ học cho môn thực hành) cho từng môn học trong kỳ học, năm học, toàn khoá.

9.6. Các môn thi, kiểm tra cuối kỳ, năm học và các môn thi tốt nghiệp.

9.7. Hướng dẫn thực hiện kế hoạch đào tạo.

Điều 10. Chương trình môn học quy định những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo cần trang bị cho học sinh của môn học đã được lựa chọn trong kế hoạch đào tạo là căn cứ để biên soạn giáo trình, sách giáo khoa cho môn học và để kiểm tra chất lượng đào tạo của trường.

Nội dung của mỗi môn học phải đảm bảo tính cơ bản, tính hệ thống và thiết thực. Các kiến thức, kỹ năng đưa vào môn học phải là kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến, phổ biến và phù hợp với trình độ sản xuất và nghề nghiệp tương ứng.

Tuỳ theo tính chất, yêu cầu mục tiêu của môn học, và có thể cấu trúc thành hai phần:

- Phần cơ bản (phần cứng) là kiến thức văn hoá, khoa học, công nghệ, kỹ năng mang tính chất nền tảng đặc trưng cho một nhóm nghề, thể hiện được trình độ của bậc học, môn học.

- Phần đặc thù (phần mềm) là các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hoặc nâng cao mang tính đặc trưng riêng biệt hoặc phù hợp với vị trí lao động cụ thể của một nghề.

Phần đặc thù không vượt quá 25% thời lượng cho một môn học.

Điều 11. Cơ sở để xây dựng chương trình môn học thuộc phần chuyên môn nghề nghiệp là yêu cầu về vị trí, trình độ lao động của công nhân kỹ thuật, nhiên viên kỹ thuật và nghiệp vụ. Vì vậy nội dung của các môn học cơ sở, chuyên môn nghề phải đảm bảo đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của trình độ công nhân, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, có chú ý đến khả năng tư duy sáng tạo và sự kế thừa của các kiến thức phổ thông.

Khi xây dựng chương trình môn học được phép lược bỏ những phần, những tiết học thuộc chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ được giảng kỹ ở các môn phổ thông. Tinh giản những kiến thức phổ thông không thiết thực với nghề nghiệp, và không ảnh hưởng đến trình độ phổ thông trung học chuyên ban.

Phải hết sức coi trọng việc thực tập cơ bản, thực tập sản xuất để đảm bảo năng lực thực hành của học sinh.

Bổ sung thêm một số kiến thức khoa học, kỹ thuật mới, cần thiết phục vụ cho nghề nghiệp.

Điều 12. Kết cấu chương trình môn học gồm các nội dung sau:

12.1. Vị trí, mục đích, yêu cầu của môn học.

12.2. Nội dung chi tiết của môn học gồm các chương, mục và phân phối thời gian lý thuyết, thực hành cho mỗi chương mục.

12.3. Danh mục các tài liệu, sách giáo khoa... dùng để biên soạn bài giảng, các sách, tài liệu để học sinh tự học.

Điều 13. Một số quy định cụ thể.

13.1. Phân phối thời gian hoạt động toàn khoá. (đơn vị tuần lễ)

Khoá đào tạo

T/gian thực học

Thi học kỳ

Thi tốt nghiệp

Khai, bế giảng

Lao động

Hè, tết

Dự phòng

Cộng

3 năm

20

5

2

1

2

24

2

156

3,5 năm

140

6

2

1

2

29

2

182

4 năm

159

7

2

1

3

33

3

208

13.2. - Học lý thuyết không quá 32 tiết/tuần.

- Thực tập không quá 42 giờ/tuần.

13.3. Giáo dục quốc phòng được tổ chức vào đầu các năm học.

 

CHƯƠNG III. QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về kế hoạch đào tạo, và chương trình môn học.

Bộ trực tiếp hoặc uỷ quyền cho các Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hoặc huỷ bỏ kế hoạch đào tạo, chương trình môn học.

Quy định cụ thể như sau:

14.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành:

- Danh mục các môn học, chương trình môn học của các môn văn hoá phổ thông, Ngoại ngữ, tin học và các môn chung (Chính trị, Pháp luật, TTTD, Quân sự...).

- Các môn học kỹ thuật cơ sở và chuyên môn các nghề, nhóm nghề phổ biến.

14.2. Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bộ) ban hành:

- Chương trình môn học của các môn học chuyên môn nghề.

- Chương trình môn học mang tính chất riêng biệt, hoặc mang tính chuyên ngành.

Trước khi ký ban hành, phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

14.3. Chỉ có các chương trình môn học được ban hành theo phân cấp trên mới có giá trị pháp lý để thực hiện.

Điều 15. Thủ tục xét duyệt, ban hành quy định như sau:

15.1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia xét duyệt chương trình môn học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì).

Hội đồng Quốc gia xét duyệt chương trình môn học gồm có 1 chủ tịch, 10-12 uỷ viên trong đó 1 uỷ viên thư ký, 5 uỷ viên là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học tương ứng, 1 đến 2 uỷ viên là đại diện của cơ sở sản xuất kinh doanh. Các uỷ viên của Hội đồng không nằm trong bộ phận biên soạn chương trình môn học. Hội đồng có trách nhiệm xem xét, đánh giá các chương trình đã được dự thảo hoàn chỉnh. Nếu chương trình đạt yêu cầu thì Hội đồng xét duyệt chương trình đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và ký quyết định ban hành chương trình môn học như quy định ở mục 1 Điều 14.

15.2. Hội đồng xét duyệt cấp Bộ do thủ trưởng các Bộ, Ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định.

Hội đồng cấp Bộ gồm 1 chủ tịch, 8-10 uỷ viên, trong đó có 1 uỷ viên thư ký, 3 uỷ viên là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học tương ứng và ít nhất một uỷ viên là đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các uỷ viên của Hội đồng không nằm trong bộ phận biên soạn chương trình môn học. Hội đồng chủ trì để xem xét, đánh giá và đề nghị thủ trưởng Bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt ban hành danh mục các môn học và chương trình môn học quy định ở mục 2 Điều 14.

Điều 16. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ chương trình môn học phải được cấp có thẩm quyền ban hành phê duyệt và ra quyết định.

Điều 17.

17.1. Hiệu trưởng các trường có đào tạo Trung học nghề dựa vào mục tiêu, danh mục các môn học, chương trình môn học đã được ban hành (theo ngành nghề phù hợp) lập kế hoạch đào tạo toàn khoá (quy định ở Điều 9) trình Bộ, ngành chủ quản (đối với các trường Trung ương) hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với các trường địa phương) phê duyệt.

17.2. Trước khi tiến hành đào tạo, các trường phải gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ THCN-DN) bản kế hoạch đào tạo, chương trình các môn học để theo dõi, kiểm tra khi cần thiết.

Điều 18. Các chương trình, kế hoạch mang tính chất nghiên cứu, thực nghiệm phải được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa được vào giảng dạy.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8135&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận