quyết định QUYẾT ĐỊNH
Về việc thí điểm thu thuế trị giá gia tăng (Viết tắt là TVA)
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Quyết định số 155/HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 196/HĐBT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ;
Căn cứ vào điểm 1 mục II Nghị quyết về dự toán NSNN năm 1993 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam khoá IX, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 23-12-1992 "Giao cho Chính phủ thực hiện thí điểm thu thuế trị giá gia tăng (TVA) để rút kinh nghiệm xây dựng dự án Luật thuế này" và quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1101/KTTH ngày 22-3-1993 của Văn phòng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chuẩn bị nội dung, tổ chức chỉ đạo, chọn điểm phù hợp thực hiện thí điểm thuế trị giá gia tăng để rút kinh nghiệm xây dựng dự án Luật này;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành chế độ thuế trị giá gia tăng để thực hiện thí điểm kèm theo quyết định này.
Điều 2. Thực hiện thí điểm thuế trị giá gia tăng đối với một số ngành, một số doanh nghiệp thay cho nộp thuế doanh thu theo Luật thuế doanh thu hiện hành.
Các ngành nghề, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm thuế trị giá gia tăng do Bộ Tài chính quyết định sau khi trao đổi với các Bộ, ngành, địa phương.
Điều 3. Từng kỳ 3 tháng, 6 tháng có sơ kết kết quả thực hiện thí điểm, nghiên cứu sửa đổi bổ sung kịp thời những điểm bất hợp lý trong chế độ thuế trị giá gia tăng, từng bước rút kinh nghiệm tiến tới xây dựng Luật thuế trị giá gia tăng trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành thay thế cho Luật thuế doanh thu hiện hành.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 1993.
CHẾ ĐỘ THUẾ TRỊ GIÁ GIA TĂNG (TVA)
(Ban hành kèm theo quyết định số 468 TC/TCT/QĐ ngày 5-7-1993
của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thí điểm thuế trị giá gia tăng)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải, dịch vụ thuộc đối tượng nộp thuế doanh thu theo Luật thuế doanh thu hiện hành có đủ các điều kiện quy định tại Điều 2 dưới đây được áp dụng thí điểm thuế trị giá gia tăng (viết tắt là TVA).
Điều 2. Điều kiện để áp dụng thuế trị giá gia tăng:
1- Đã thực hiện chế độ kế toán theo đúng chế độ kế toán Nhà nước quy định. Phản ánh được đầy đủ, chính xác, kịp thời doanh thu và các khoản chi phí sản xuất kinh doanh;
2- Áp dụng hệ thống chứng từ, hoá đơn mua, bán hàng do cơ quan thuế phát hành, thực hiện ghi chép đúng quy định;
3- Được Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định cho thực hiện thí điểm thuế trị giá gia tăng.
Điều 3. Tạm thời chưa áp dụng thí điểm thuế trị giá gia tăng đối với các hoạt động sau đây:
1- Sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế nông nghiệp hoặc thuế sử dụng đất nông nghiệp;
2- Sản xuất hàng hoá xuất khẩu và sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
3- Ngành ăn uống và một số hoạt động dịch vụ;
4- Các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
CHƯƠNG II
CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ THUẾ SUẤT
Điều 4.
Căn cứ tính thuế là giá trị tăng thêm và thuế suất.
Điều 5. Tính thuế trị giá gia tăng phải nộp được áp dụng một trong hai phương pháp sau đây:
1- Phương pháp khấu trừ số thuế trị giá gia tăng đã nộp ở khâu trước (gọi tắt là phương pháp khấu trừ): Số thuế trị giá gia tăng phải nộp là chênh lệch giữa số thuế trị giá gia tăng tính trên toàn bộ doanh thu chịu thuế và số thuế thuế trị giá gia tăng đã nộp ở khâu trước; công thức tính.
Số thuế TVA phải nộp | = | Doanh thu tính thuế | x | Thuế suất | - | Số thuế TVA đã nộp ở khâu trước |
2- Phương pháp tính thuế trên chênh lệch (gọi tắt là phương pháp chênh lệch): số thuế trị giá gia tăng phải nộp được tính trên chênh lệch giữa doanh thu chịu thuế và giá trị vật tư hàng hoá mua vào ứng với doanh thu chịu thuế;
Công thức tính:
Số thuế TVA phải nộp | = | doanh thu tính thuế | - | Giá trị vật tư hàng hoá mua vào ứng với doanh thu tính thuế | x | Thuế suất TVA |
Phương pháp tính thuế trên chênh lệch chỉ áp dụng cho các ngành kinh doanh thương nghiệp, tín dụng ngân hàng, kinh doanh vàng, bạc. .. với các thuế suất đã được quy định trong Luật thuế doanh thu.
Điều 6. Doanh thu tính thuế là số tiền bán hàng hoá, tiền thu về xây dựng, cước vận tải, tiền thu từ hoạt động dịch vụ phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề hoạt động (theo quy định tại Điều 8 Luật thuế doanh thu).
Điều 7. Số thuế trị giá gia tăng đã nộp ở khâu trước được khấu trừ là số thuế trị giá gia tăng do đơn vị bán vật tư hàng hoá đã nộp được ghi trên hoá đơn bán hàng do đơn vị mua về nhập kho trong kỳ để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp mua vật tư, hàng hoá của cơ sở kinh doanh chưa thực hiện thí điểm thuế trị giá gia tăng, số thuế được khấu trừ ở khâu trước được tính bằng giá mua theo chứng từ hoá đơn mua vật tư hàng hoá nhân (x) với thuế suất thuế doanh thu của vật tư hàng hoá đó; trường hợp không xác định được mức thuế cụ thể, được tính trừ thuế theo mức tối đa không quá 5%. Xác định mức thuế được tính trừ cụ thể căn cứ vào số thuế trị giá gia tăng phải nộp của đơn vị nộp thuế không được thấp hơn mức thuế doanh thu phải nộp theo chế độ thuế doanh thu hiện hành. Nếu không có hoá đơn chứng từ hợp lý hợp lệ thì không được khấu trừ thuế.
Vật tư hàng hoá mua vào được trừ thuế trị giá gia tăng hoặc thuế doanh thu đã nộp khâu trước là các loại nguyên, nhiên vật liệu, điện, hơi, bán thành phẩm, sản phẩm hàng hoá, phụ tùng thay thế, vật rẻ tiền mau hỏng... có liên quan trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, tương đương với số sản phẩm bán ra theo tiêu chuẩn định mức sử dụng cho từng đơn vị sản phẩm.
Đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nhà xưởng mua về làm tài sản cố định tạm thời chưa áp dụng trừ thuế trị giá gia tăng hay thuế doanh thu đã nộp ở khâu trước khi tính thuế trị giá gia tăng phải nộp của đơn vị.
Điều 8. Giá trị vật tư hàng hoá mua vào ứng với doanh thu tính thuế (theo phương pháp chênh lệch) được xác định theo giá ghi trên hoá đơn mua hàng hoá vật tư hoặc theo chứng từ thực tế phải thanh toán.
Đối với vật tư hàng hoá nhập khẩu là giá C I F cộng (+) thuế nhập khẩu (+) phụ thu (nếu có).
Điều 9. Thuế suất thuế trị giá gia tăng có 3 mức: 5%, 10%, 15%. Biểu chi tiết thuế suất đối với từng ngành nghề hoạt động ban hành kèm theo quyết định này.
Đối với cơ sở kinh doanh có nhiều ngành nghề thì đơn vị phải nộp thuế TVA theo thuế suất từng ngành nghề kinh doanh. Nếu không hạch toán riêng được từng ngành nghề kinh doanh thì phải nộp theo mức thuế suất cao nhất đối với ngành nghề có kinh doanh.
CHƯƠNG III
ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI, NỘP THUẾ
Điều 10.
Cơ sở kinh doanh áp dụng chế độ thí điểm TVA có trách nhiệm:
Kê khai đăng ký về vốn, lao động, ngành nghề, hoạt động, mặt hàng và địa điểm kinh doanh với cơ quan thuế;
Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn theo quy định của Nhà nước;
Cung cấp tài liệu, sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Trong trường hợp có thay đổi địa điểm, ngành nghề kinh doanh cũng phải khai báo với cơ quan thuế chậm nhất là năm ngày trước khi thay đổi.
Điều 11. Cơ sở kinh doanh có nghĩa vụ:
Tự kê khai và tính thuế trị giá gia tăng phải nộp của tháng trước, nộp tờ khai cho cơ quan thuế trong thời hạn 5 ngày đầu tháng tiếp sau. Cơ sở kinh doanh có thể tự nộp thuế cùng một lúc với nộp tờ khai tính thuế;
Thời hạn nộp thuế trị giá gia tăng theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế theo định kỳ: 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày hoặc cả tháng. Tuỳ theo mức thuế phải nộp cả tháng mà quy định định kỳ tính thuế và nộp thuế cho từng đơn vị cụ thể.
Điều 12. Cơ quan thuế có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Hướng dẫn, kiểm tra cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh việc đăng ký, kê khai tính thuế, nộp thuế trị giá gia tăng, chế độ kế toán, chứng từ, hoá đơn.
2. Quy định thời gian nộp thuế theo định kỳ phù hợp với tình hình kinh doanh và số thuế phải nộp của từng đơn vị, kiểm tra tờ khai tính thuế xác định số thuế phải nộp và thông báo số thuế phải nộp hàng tháng cho đơn vị.
3. Yêu cầu cơ sở kinh doanh cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến việc kê khai tính thuế, nộp thuế trị giá gia tăng.
4. Được quyền ấn định số thuế trị giá gia tăng phải nộp trong các trường hợp cơ sở kinh doanh không kê khai và cung cấp tài liệu liên quan đến việc tính thuế trị giá gia tăng.
Trong trường hợp cơ sở kinh doanh không đồng ý với mức thuế trị giá gia tăng được ấn định, thì có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế ấn định mức thuế. Trong khi chờ giải quyết, cơ sở kinh doanh vẫn phải nộp đủ theo mức thuế đã ấn định.
5. Lập biên bản và xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm chế độ thuế trị giá gia tăng.
6. Xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế trị giá gia tăng.
CHƯƠNG IV
GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ
Điều 13.
Những trường hợp sau đây được xét giảm thuế trị giá gia tăng.
1. Cơ sở kinh doanh gặp khó khăn lớn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ;
2- Cơ sở kinh doanh hoạt động ở miền núi, hải đảo; hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới; mới thành lập đi vào hoạt động, chạy thử dây chuyền sản xuất mới; sản xuất mặt hàng cần thay thế hàng nhập khẩu, nếu gặp khó khăn mà bị lỗ vốn thì được xét giảm thuế, nhưng mức giảm tối đa không quá 50% số thuế phải nộp và thời gian giảm không quá hai năm. Riêng cơ sở kinh doanh hoạt động ở miền núi, hải đảo thời gian được giảm không quá ba năm.
Ngoài các trường hợp được xét giảm thuế trên đây, nếu áp dụng thí điểm thuế trị giá gia tăng mà bị lỗ do số thuế trị giá gia tăng phải nộp cao hơn mức thuế doanh thu theo Luật thuế doanh thu thì được xét giảm thuế trị giá gia tăng, mức giảm bảo đảm được mức trích lập 3 quỹ theo chế độ quy định và không bị lỗ, nhưng mức giảm thuế vẫn phải bảo đảm số nộp thuế trị giá gia tăng bằng mức thuế doanh thu theo chế độ hiện hành.
CHƯƠNG V
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG
Điều 14.
Việc xử lý các vi phạm chế độ thuế trị giá gia tăng theo các quy định: tại Điều 19 Luật thuế doanh thu; Nghị định số 01-CP ngày 18-10-1992 "Nghị định của Chính phủ về viêc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế" và Thông tư số 11- TC/TCT ngày 24-2-1993 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn thực hiện Nghị định 01-CP ngày 18-10-1992 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế".
Điều 15. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thuế cơ sở kinh doanh được ra quyết định phạt và áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại Điều 14.
Điều 16. Cá nhân cản trở hoặc xúi giục cản trở việc điều tra và xử lý các vụ vi phạm chế độ này thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm, tham ô tiền thuế. .. thì phải bồi thường, đồng thời tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 17. Cơ quan thuế thực hiện chế độ khen thưởng đối với cán bộ thuế hoànthành tốt nhiệm vụ được giao và người có công phát hiện các vụ vi phạm chế độ thuế trị giá gia tăng.
CHƯƠNG VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18.
Các cơ sở kinh doanh thực hiện chế độ thuế trị giá gia tăng thay cho thuế doanh thu theo Luật thuế doanh thu hiện hành phải thực hiện đúng các quy định của chế độ này.
Điều 19. Tổng cục trưởng Tổng cục thuế có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, kiểm tra thực hiện thí điểm thuế trị giá gia tăng theo chế độ này, định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm và kiến nghị sửa đổi kịp thời các quy định chưa phù hợp.
Điều 20. Chế độ thuế trị giá gia tăng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-1993.
BIỂU THUẾ TRỊ GIÁ GIA TĂNG
Ban hành kèm theo chế độ thu thuế trị giá gia tăng
(Chi tiết Điều 9)
1- Thuế suất 5% áp dụng đối với:
Khai thác than, tài nguyên khoáng sản (trừ vàng, bạc, đá quý, dầu mỏ, hơi, khí đốt);
Sản xuất, cung cấp nước máy;
Khai thác gỗ, lâm sản khác;
Đánh bắt thuỷ, hải sản;
Xay xát lương thực;
Sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu;
Sản xuất hoá chất cơ bản;
Sản xuất nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp;
Sản xuất máy móc thiết bị, phương tiện vận tải;
Sản xuất dụng cụ thí nghiệm, y tế, đồ dùng dạy học, nhạc cụ và phụ tùng;
Vận tải hàng hoá, hành khách nội thành, nội thị;
Sản xuất đồ chơi trẻ em;
Sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc thú y;
Sản xuất bột giấy, giấy các loại.
2- Thuế suất 10% áp dụng đối với:
Các hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và dịch vụ không quy định trong danh mục thuế suất 5% (quy định tại nhóm 1) và thuế suất 15% (quy định tại nhóm 3).
3- Thuế suất 15% áp dụng đối với:
Khai thác dầu mỏ, hơi, khí đốt;
Sản xuất nước ngọt, nước giải khát các loại;
Sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử;
Sản xuất xi măng (kể cả klinke);
Sản xuất hàng mỹ phẩm các loại;
Chụp in, phóng ảnh, photocoppy.
4- Thuế suất áp dụng thu theo phương pháp chênh lệch đối với kinh doanh thương nghiệp, tín dụng ngân hàng, kinh doanh vàng bạc, kinh doanh ngoại tệ như đã quy định trong Luật thuế doanh thu.
(Đối với các hoạt động sản xuất muối, ngành ăn uống, các hoạt động dịch vụ: khoa học kỹ thuật, giáo dục, cho thuê cửa hàng, đồ dùng, phòng cưới, xe hơi, hội trường, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, khách sạn, khiêu vũ, đua ngựa, xổ số, đại lý tàu biển, hoạt động dịch vụ môi giới. .. văn hoá, nghệ thuật và dịch vụ công cộng chưa áp dụng TVA, chưa quy định trong biểu thuế suất này)./.