QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY
Ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung
Thị Xã Hà Đông được phê duyệt tại Quyết định số 492/2001/QĐ-UB ngày 24/4/2001 của UBND Tỉnh
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY
Căn cứ Nghị định số 52/1999NĐ-CP ngày 8/7/1999. Nghị định số 12/2000/NĐ - CP ngày 5/5/2000 của chính phủ ban hành sửa đổi và bổ xung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994. Của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;
Xét đề nghị của UBND Thị xã Hà Đông tại văn bản số 185TT/UB ngày12/4/2002 của Sở Xây dựng tại văn bản số 129TT/XD ngày 22/4/2002;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này Điều lệ quản lý xây dựng theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thị Xã Hà Đông được phê duyệt tại Quyết định số 492/2001/QĐ-UB ngày 24/4/2001 của UBND Tỉnh.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký .
Điều 3: Chánh văn phòng HĐND-UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Địa chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính vật giá, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công nghiệp, Khoa học công nghệ môi trường, Thương mại, Điện Lực, Chủ tịch UBND Thị xã Hà Đông-UBND Huyện Thanh Oai-UBND Huyện Hoài Đức và các Sở ngành có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ XÂY DỰNG THEO ĐỒ ÁN
ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THỊ XÃ HÀ ĐÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 486/QĐ-UB ngày 23/4/2001 của UBND Tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi áp dụng:
1. Bản điều lệ Quản lý điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Hà Đông quy định việc sử dụng đất đai, cải tạo, xây dựng và sử dụng các công trình trong đô thị theo đúng với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Hà Đông đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt tại quyết định số 492/2002/QĐ-UB ngày 24/4/2002.
2. Hồ sơ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thị xã Hà Đông và các quy định tại điều lệ này là căn cứ để Sở Xây dựng giới thiệu địa điểm cấp chứng chỉ quy hoạch và thoả thuận các giải pháp kiến trúc, quy hoạch đảm bảo cho các công trình xây dựng trong đô thị theo đúng quy hoạch và pháp luật, đồng thời để UBND thị xã Hà Đông chỉ đạo xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt.
Điều 2: Phân vùng quản lý quy hoạch:
1. Ranh giới quy hoạch chung thị xã Hà Đông được xác định như sau:
Phía Bắc giáp xã Đại Mỗ, Trung Văn thuộc huyện Từ Liêm Hà Nội.
Phía Nam giáp xã Phú Lương huyện Thanh Oai - Hà Tây.
Phía Tây giáp xã Dương Nội, Yên Nghĩa thuộc huyện Hoài Đức.
Phía Đông giáp xã Thanh Liệt, Tân Triều, Hữu Hoà huyện Thanh Trì Hà Nội.
Thị xã Hà Đông nằm dọc theo quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Hoà Bình và dọc theo ngã ba sông Nhuệ và sông La Khê.
2. Tổng diện tích nằm trong vùng quy hoạch 2520 ha được phân thành các khu chức năng chủ yếu sau:
2.1. Khu công nghiệp kho tàng: 137ha
2.2. Các khu ở: 572ha
2.3. Các khu trung tâm: 90ha
2.4. Các khu công viên, cây xanh- TDTT: 135ha
2.5. Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (ga đường sắt, nhà máy nước, trạm điện, khu xử lý nước bẩn, bãi xử lý rác, nghĩa địa…..): 30ha
2.6. Lộ giới và các vùng cấm xây dựng
2.7. Các khu đất dự trữ phát triển: 250ha
2.10. Các loại đất khác: 610ha
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3: Công nghiệp thị xã Hà Đông được phân bố làm 3 cụm công nghiệp chính và một số cơ sở công nghiệp và TTCN nằm rải rác trong nội thị:
1. Cụm công nghiệp La Khê:
Diện tích đất: 89ha
Tầng cao trung bình: 2-3 tầng.
Tính chất: Sản xuất xe máy, đại tu ô tô, sản xuất thuốc, cơ khí, đá ốp lát, bao bì…
2. Cụm công nghiệp Vạn Phúc (dọc trục đường 430)
Diện tích đất: 22ha
Mật độ xây dựng: 35%
Tầng cao trung bình: 2 tầng
Tính chất: Sản xuất máy kéo nông nghiệp, may, vật tư nông nghiệp, thực phẩm, giày da, giải khát, sản xuất đồ hộp…
3. Cụm công nghiệp Cầu Bươu:
Diện tích đất : 16,3ha
Mật độ xây dựng: 35%
Tầng cao trung bình: 2 tầng
Tính chất: Sản xuất nội thất, điện, VLXD, cơ khí…
4. Các xí nghiệp- TTCN ven sông Nhuệ và nằm rải rác trong nội thị.
Diện tích đất: 9,7ha
Mật độ xây dựng: 35%
Tầng cao trung bình: 1,5 tầng
Tính chất: Công nghiệp sạch, thực phẩm, may, chế biến lâm sản, đồ gỗ…
Riêng cụm công nghiệp của huyện Hoài Đức tại xã Yên Nghĩa nằm trong vùng quy hoạch chung thị xã Hà Đông đã được phê duyệt, Uỷ ban nhân dân huyện Hoài Đức đã triển khai gọi đối tác đầu tư; Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở xây dựng chủ trì cùng UBND huyện Hoài Đức xem xét, nghiên cứu tiến hành các thủ tục trình duyệt để điều chỉnh quy hoạch cho hợp lý.
Các yêu cầu và kiến trúc quy hoạch cho cụm công nghiệp trên:
a. Đối với cụm công nghiệp mới:
Giữa các công trình công nghiệp và khu dân cư phải có rải cách ly vệ sinh. Chiều rộng tối thiểu của dải cách ly là 100m. Trong dải cách ly vệ sinh, tối thiểu 40% diện tích đất phải được trồng cây xanh và không quá 30% diện tích đất có thể được sử dụng để bố trí trạm cứu hoả, bãi xe ô tô, kho, cơ sở, dịch vụ.
Bãi phế liệu, phế phẩm công nghiệp phải được rào chắn và không làm ảnh hưởng xấu tới điều kiện vệ sinh của các xí nghiệp xung quanh và không làm nhiễm bẩn môi trường (không làm bẩn nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm, không khí đất đai).
Bãi chứa các phế liệu nguy hiểm (dễ gây cháy, nổ, dịch bệnh..) phải đặt xa khu dân cư, phải có biện pháp xử lí các chất độc hại và ngăn không cho người qua lại.
Hình thức kiến trúc: Hiện đại, văn minh, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung của đô thị.
b. Đối với các cơ sở trong khu phố cũ.
Các xí nghiệp trong khu phố cũ gây ô nhiễm môi trường, từng bước di chuyển tập chung vào 3 cụm công nghiệp chính.
Đảm bảo tiêu chuẩn VSMT.
Hình thức kiến trúc: Hài hoà, với các khu vực xung quanh, các cơ sở công nghiệp - TTCN quá cũ, xuống cấp cần cải tạo, nâng cấp theo đúng các quy định về các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của Nhà nước quy định.
Quy định về hạ tầng kỹ thuật:
Cao độ nên các cụm công nghiệp tối thiểu phải đạt là + 6,0m
Nước thải các cụm công nghiệp phải xử lí trước khi thải vào hệ thống thoát chung, chất thải rắn công nghiệp phải được tập chung xử lí riêng.
Các cụm công nghiệp phải đảm bảo khoảng cách li theo tiêu chuẩn quy định bằng dải cây xanh với khu dân dụng đô thị.
Bãi đỗ xe tổ chức trong từng nhà máy,xí nghiệp, cụm công nghiệp.
Điều 4: Các khu ở: Thị xã Hà Đông cải tạo và phát triển với 3 khu nhà ở:
1. Khu ở phía Bắc sông Nhuệ:
Diện tích đất :120,5ha
Dân số đến 2002: 37.680 người
Mật độ xây dựng: 30%
Tầng cao trung bình: 2-2,5 tầng.
Tính chất: Đây là khu đô thị xây dựng hiện đại kết hợp với các khu làng xóm đô thị hoá. Bao gồm 4 đơn vị ở:
Quy định kiến trúc:
Đối với các lô đất nằm dọc các trục đường chính, đặc biệt trục Quốc lộ số 6 chỉ được phép xây dựng nhà cao tầng.
Đối với các lô đất chia lô, nhà thấp tầng nhất thiết phải phải được thiết kế xây dựng theo các mô hình nhà liên kế, hợp khối tối đa, tạo thành công trình lớn, tránh các hiện tượng xây dựng đơn chiếc không đồng bộ.
2. Khu ở trung tâm phía nam sông Nhuệ:
Diện tích đất: 316ha
Dân số đến 2020: 94.870 người.
Mật độ xây dựng: 35-45%
Tầng cao trung bình: 2,3- 2.7 tầng
Tính chất: Đây là khu vực đô thị hoá + cải tạo+ bảo tồn làng nghề truyền thống. Bao gồm 9 đơn vị ở.
Quy định về kiến trúc:
Đối với các lô đất nằm dọc các trục đường chính, đặc biệt là trục Quốc lộ 6 chỉ được phép xây dựng nhà cao tầng, chung cư hoặc ghép hộ (tối thiểu 5 hộ) tạo thành các tổ hợp nhà ở. Hạn chế tối đa xây dựng các nhà ở đơn chiếc không đồng bộ về kiến trúc cũng như đầu tư xây dựng.
Đối với các lô đất xây dựng thấp tầng, nhất thiết phải được thiết kế xây dựng theo các mô hình nhà liên kế hoặc biệt thự.
3. Khu phía Nam đường sắt.
Diện tích đất: 80,5ha
Dân số đến 2020: 17.450 người
Mật độ xây dựng: 25 á 30%
Tầng cao trung bình: 1,3 á 1,7 tầng
Tính chất: Khu làng xóm đô thị hoá. Bao gồm 2 đơn vị ở.
Quy định về kiến trúc:
Các công trình chỉ được phép xây dựng sau khoảng cách li 100m so với chỉ giới đường đỏ của trục Quốc lộ số 6.
Khuyến khích xây dựng nhà vườn, biệt thự, hộ liên kế.
Các quy định khác cho các khu nhà ở:
Mật độ xây dựng của nhóm công trình hoặc ô phố phải đảm bảo khoảng cách vệ sinh (thông gió và chiếu sáng tự nhiên) giữa các dãy nhà theo bảng sau:
Số tầng nhà | 1 | 5 | 10 | 15 |
Khoảg cách L giữa các dãy nhà (m) | 5 | 20 | 30 | 45 |
Khoảng cách giữa các cạnh dài của 2 dãy nhà | (L=1,5h) | (L=1,3 h) | (L=1,0 h) | ( L=1,0h) |
Bán kính phục vụ của các công trình công cộng không lớn quá 500m. Đường giao thông từ cấp khu vực trở lên không cắt qua đơn vị ở.
Đất cây xanh trong các khu ở phải đảm bảo từ 4-5m2/ người.
Điều 5: Các khu trung tâm:
1. Khu trung tâm hành chính, chính trị của Tỉnh - Thị xã:
Giữ nguyên vị trí cũ tại khu vực phía Bắc sông Nhuệ, bao gồm UBND Tỉnh, Tỉnh Uỷ, và khối các cơ quan trụ sơ cấp Tỉnh hiện có 16,7ha, năm 2020 lên 20ha.
Khu trung tâm chính trị của thị xã: Vị trí hiện có ở phía Nam sông Nhuệ. Quy mô 0,5ha (UBND thị xã và thị Uỷ), khối các cơ quan trụ sở của thị xã 12,8ha, dự kiến 15ha vào năm 2020.
2. Trung tâm thương mại: 20ha, bao gồm: 3 khu vực chính:
Khu Văn Quán: 3ha.
Khu trung tâm và dọc trục đường 6: 14ha
Khu dọc Quốc lộ 21 B: 3ha
3. Trung tâm dịch vụ du lịch: 5ha: Tại khu vực trung tâm mới (xã Kiến Hưng), trong đó 2,1ha đất xây dựng khách sạn tại Cầu Trắng.
4. Trung tâm đào tạo: nâng cấp, cải tạo các trường hiện có tại khu vực giáp Thanh Xuân và các khu vực khác trong nội thị (19,7ha). Dự kiến xây dựng mới một số trường đào tạo dạy nghề tại khu vực phía Nam đường sắt (quy mô 25,3ha). Công trình cao 3-5 tầng.
5. Trung tâm văn hoá: Cấp Tỉnh và thị xã:
Giữ nguyên vị trí hiện có ở phía Nam sông Nhuệ, diện tích gần 3ha. Bổ sung trung tâm văn hoá mới cấp Tỉnh tại khu vực xã Kiến Hưng, quy mô 5ha.
Bổ sung một trung tâm văn hoá phía Bắc sông Nhuệ tại Văn Quán, quy mô 1ha.
6. Trung tâm T.D.T.T: Quy mô 30ha, trong đó:
Cấp Tỉnh: 15ha- kết hợp với công viên mới tại Xã Kiến Hưng.
Cấp thị xã: Hiện có 1,35ha- bổ sung 13,65ha trong các khu ở.
7. Trung tâm y tế: Nâng cấp, cải tạo các cơ sở y tế hiện có trong khu vực nội thị (quy mô 1,68ha), hoàn thiện cơ sở bền vững, hiện đại đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển y tế.
Các trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, TDTT, Văn hoá… trong các khu vực trung tâm mới là một tổ hợp các công trình kiến trúc hiện đại. Đây là bộ mặt mới của đô thị, vì vậy các công trình nhất thiết phải được thiết kế tạo thành một tổ hợp thống nhất.
Điều 6: Công viên- Cây xanh: Tổ chức thành 5 khu vực chính:
1. Công viên vui chơi giải trí Văn Quán: 16ha.
2. Công viên vui chơi giải trí: 50ha.
3. Công viên thiếu nhi, công viên Nguyễn Trãi: 2,2ha
4. Cây xanh dọc hai bên sông Nhuệ và sông La Khê. Quy mô: 22ha.
5. Cây xanh cách ly: 15ha
Diện tích cây xanh trong đô thị phải gắn kết với nhau bằng các đường phố có trồng cây và các dải cây để hình thành hệ thống xanh liên tục. Tận dụng đất ven hồ, kênh mương, mọi khoảng trống có thể được cho cây xanh.
Việc trồng cây phải không ảnh hưởng đến tới ATGT, không làm hư hại móng nhà và các công trình ngầm, không gây nguy hiểm, không làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường (không trồng các cây có tiết ra chất độc hại hoặc hấp dẫn côn trùng).
Điều 7: Các vùng cảnh quan và làng nghề truyền thống
Dọc hai bên bờ sông Nhuệ và sông La Khê cần được kè đá, trồng cây xanh, xây dựng đường dạo ven sông. Cấm tuyệt đối xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Các làng nghề Vạn Phúc, La Khê,Văn Khê, Đa Sĩ… được xây dựng theo hướng bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các làng nghề, tầng cao xây dựng từ 1-2 tầng, mật độ xây dựng 25-30%, kiến trúc mái dốc, khôi phục các ao hồ, các công trình mang tính cộng đồng trong mỗi cụm dân cư cũng như trong toàn làng.
Điều 8: Khu quân sự: Giữ nguyên vị trí như hiện nay
Điều 9: Các khu đất dự trữ phát triển đô thị: 250 ha
Các khu đất dự trữ dùng cho phát triển xây dựng khu dân dụng của đô thị theo quy hoạch, không được xây dựng bất kì công trình kiên cố nào khi chưa có phép của Cơ quan quản lí xây dựng đô thị.
Điều 10: Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: Ga đường sắt, các công trình và tuyến kỹ thuật chính.
1. Giao thông:
a. Giao thông đối ngoại:
Đường sắt - Ga: Tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên hướng không thay đổi và sẽ trở thành tuyến chính quốc gia. Ga Hà Đông cần được thiết kế theo tiêu chuẩn một ga hành khách và hàng hoá của đô thị loại ba, đảm bảo năng lực vận tải theo quy hoạch phát triển của ngành đường săt.
Hành lang bảo vệ đường sắt; 6m từ mép ngoài cùng của đường sắt về mỗi phía.
Đường bộ: Quốc lộ 6 hiện nay đã và đang được cải tạo mở rộng mặt cắt theo thiết kế của Bộ Giao Thông vận tải.
Đường vành đai 4 Hà Nội chạy song song với đường sắt tạo thành một hành lang kỹ thuật đô thị. Quy mô mặt cắt dự kiến lấy theo quy hoạch của Hà Nội đã được chính phủ phê duyệt. Tuyến đường 430 kiến nghị không đi qua trung tâm hành chính - chính trị của đô thị mà sẽ vào đô thị từ các đường bao.
Bến xe ở trong tương lai sẽ được bố trí gần ngã ba Ba La và ga đường sắt với diện tích khoảng 1,5 ha. Bến xe cũ phục vụ cho các tuyến nội tỉnh cũng như giao thông công cộng.
b. Giao thông đối nội:
Xây dựng trục trung tâm văn hoá, từ ngã tư liên hiệp thực phẩm hướng tới khu vui chơi giải chí mới của đô thị trong tương lai.
Các đường bao của đô thị được kết nối chặt chẽ với mạng lưới đường của vùng phụ cận. Ngoài các đường kể trên đô thị còn có một mạng lưới gồm các loại đường liên khu vực, đường khu vực được thiết kế cải tạo, mở rộng và cải tạo, mở rộng và xây dựng mới theo dạng ô cờ với khoảng cách hợp lý lấy theo quy chuẩn.
c. Bãi đỗ xe công cộng và nút giao thông:
Nút giao thông: Giao cắt giữa quốc lộ 6 với tuyến đường sắt và đường vành đai số 4 sẽ được thiết kế nút tập thể dạng hoa thị diện tích khoảng 12-16 ha.
Bãi đỗ xe công cộng bố trí đưa vào các khu trung tâm thể thao, các khu thương mại dịch vụ chính của đô thị. Diện tích từng bãi đỗ phụ thuộc vào quy mô từng công trình cụ thể. Tổng diện tích bãi đỗ ước tính bằng 3- 5% đất dành cho giao thông.
d. Các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu:
Mật độ lưới đường chính khoảng 2-3 km/km2
Diện tích đất dành cho giao thông từ 15- 20% diện tích đất xây dựng đô thị.
2. Chuẩn bị kỹ thuật:
Cốt khống chế xây dựng cho thị xã Hà Đông >+6,0m
Tại các khu vực đã có mật độ xây dựng lớn, khi xen cấy công trình mới chỉ cần san gạt cục bộ để phù hợp với công trình hiện có.
Hướng tiêu thoát nước mưa chính của Hà Đông là ra sông Nhuệ và sông La Khê.
3. Cấp nước:
Nguồn nước cấp cho thị xã Hà Đông trong giai đoạn trước mắt cũng như giai đoạn 2020 là nguồn nước ngầm, lấy từ các giếng khoan. Nhà máy nước và nguồn nước được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của các chuyên ngành.
Cấm xây dựng, đào hố phân, rác, hố vôi, chăn nuôi, đổ rác xung quanh giếng khoan với bán kính 25m
4. Cấp điện
Lưới 22KV đi trong thị xã sẽ đi ngầm dùng loại cáp XLPE. Tiết diện đường trục chọn XLPE 240. Đường nhánh chọn 120. Điều kiện kinh tế không cho phép, trước mắt có thể đi nổi nhưng phải dùng dây bọc.
Ở những vùng ven thị xã có thể đi nổi nhưng phải dùng dây bọc không được dùng dây trần.
Trạm biến áp 22/0,4KV dùng các gam máy 160,250,400KVA, với các công trình công cộng, khu công nghiệp, có thể dùng các gam máy lớn hơn.
Tất cả các trạm biến áp 22/0,4 KV phải xây dựng kín, không được đặt trên cột và phải thiết kế có dầu phân áp 6KVvà 22KV để sử dụng ở giai đoạn qua độ.
Hành lang bảo vệ tuyến điện:
Tuyến 220 KV là 6m về mỗi phía tính từ dây ngoài cùng khi không có gió.
Tuyến110 KV là 4m về mỗi phía tính từ dây ngoài cùng khi không có gió.
5. Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:
Xây dựng hệ thống cống chung cho thị xã Hà Đông vào giai đoạn đầu để thoát chung cả nước bẩn sinh hoạt và nước mưa.
Sau năm 2005 sẽ xây dựng hệ thống cống riêng và nửa riêng để thoát nước bẩn.
Giữa trạm làm sạch nước thải với khu dân dụng, xí nghiệp thực phẩm phải có khoảng cách ly tối thiểu 200-300m. Trong khoảng cách ly này phải có giải cây xanh cách ly với chiều rộng không dưới 10m.
Nước thải công nghiệp phải được xử lý, đảm bảo tiêu chuẩn TCVN 1945-1995( Giới hạn B), trước khi xả ra môi trường bên ngoài.
Khoảng cách tối thiểu giữa bãi rác đến các công trình dân dụng, công nghiệp là 1000m.
Trong đợt đầu đến năm 2010 vẫn sử dụng nghĩa trang thị xã tại cánh đồng làng Vạn Phúc, diện tích hiện nay là 2ha. Dự kiến mở rộng diện tích nghĩa trang lên 3ha... Kết hợp sử dụng lò điện táng của nghĩa trang Văn Điển để phục vụ cho nhân dân thị xã trong đợt đầu. Về lâu dài nghiên cứu quy hoạch khu nghĩa trang mới của thị xã Hà Đông kết hợp với khu nghĩa trang chung của đô thị Hoà Lạc – Miếu Môn.
Điều 11: Lộ giới và các vùng cấm xây dựng:
1. Lộ giới:
Lộ giới các tuyến đường đô thị hiện có trong nội thị và khu xây dựng phía Nam đường sắt cần được cải tạo, nâng cấp với các mặt cắt đường đỏ theo thông báo của UBND thị xã Hà Đông số 289 CV/UB và thông báo của UBND tỉnh Hà Tây số 1410 QĐ/UB.
Lộ giới các tuyến đường dự kiến xây dựng trong khu đô thị được quy định trong bản đồ quy hoạch giao thông.
2. Các vùng cấm xây dựng:
Khu vực hành lang đường sắt và đường vành đai, hành lang bảo vệ tuyến điện trung, cao áp, vành đai bảo vệ nguồn nước, trạm xử lý nước thải, khu xử lý rác, nghĩa trang nhân dân.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12: Sở Xây dựng chủ trì cùng UBND thị xã Hà Đông nghiên cứu hướng dẫn chi tiết các quy định thực hiện Điều lệ quản lý xây dựng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Hà Đông để làm căn cứ thống nhất quản lý xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt.
Điều 13:
Quy định này được thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ảnh về UBND tỉnh để xem xét quyết định./.