Văn bản pháp luật: Quyết định 494/TTg

 
Toàn quốc
Công báo số 21/1993;
Quyết định 494/TTg
Quyết định
...
05/10/1993

Tóm tắt nội dung

Thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính

 
1.993
 

Toàn văn

QUYếT địNH

QUYẾT ĐỊNH

Thành lập tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Để tập hợp trí tuệ và có thêm những ý kiến khách quan trong việc chuẩn bị các quyết định cải cách kinh tế và cải cách hành chính;

Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về cải cách kinh tế và cải cách hành chính (gọi tắt là Tổ tư vấn cải cách).

Tổ tư vấn cải cách có nhiệm vụ:

Lập hoặc góp ý kiến về chương trình nghiên cứu cải cách kinh tế, cải cách hành chính để Thủ tướng Chính phủ duyệt và giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện.

Góp ý kiến phản biện các đề án, các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định và chính sách về cải cách kinh tế và cải cách hành chính do các cơ quan chức năng của Chính phủ soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ.

Nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những kiến nghị về chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh cải cách kinh tế và cải cách hành chính.

Điều 2. Tổ tư vấn cải cách gồm những nhà khoa học, nhà quản lý và kinh doanh ở trong và ngoài bộ máy Nhà nước và một số trí thức người Việt ở nước ngoài nhận lời mới của Thủ tướng tham gia công việc của Tổ theo chế độ kiêm nhiệm.

Thành viên của Tổ là chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Từng thành viên lựa chọn tham gia nghiên cứu, phản biện theo chuyên đề thuộc lĩnh vực cải cách kinh tế và cải cách hành chính. Mỗi thành viên có thể tham gia một số chuyên đề, được nhận những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, được gửi kiến nghị hoặc trình bầy trực tiếp với Thủ tướng những ý kiến của mình, được thù lao thích hợp để có thêm điều kiện và phương tiện hoạt động.

Điều 3. Tổ tư vấn cải cách do đồng chí Lê Xuân Trinh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng, đồng chí Trần Đức Nguyên, trợ lý Phó Thủ tướng thường trực làm Tổ phó, cùng một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc nửa chuyên trách hợp thành nhóm thường trực của Tổ, theo danh sách kèm theo Quyết định này.

Nhóm Thường trực của Tổ tư vấn cải cách nhận nhiệm vụ và yêu cầu tư vấn do Thủ tướng và Chính phủ đề ra, xây dựng quy chế làm việc và chương trình hoạt động của Tổ trình Thủ tướng duyệt.

Nhóm Thường trực phân công chủ trì các nhóm chuyên đề, truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng và tổ chức việc thông tin tới các chuyên gia tư vấn, tập hợp các kiến nghị của các chuyên gia tư vấn gửi lên Thủ tướng, tổ chức các cuộc thảo luận trong Tổ tư vấn, các cuộc làm việc trực tiếp của Thủ tướng và Chính phủ với các chuyên gia tư vấn.

Điều 4. Tổ trưởng Tổ tư vấn cải cách được quyền yêu cầu các cơ quan Chính phủ cung cấp các tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn của Tổ. Tổ tư vấn và các thành viên có trách nhiệm tuân thủ chế độ bảo mật đối với các tài liệu mật được cung cấp.

Uỷ ban nhân dân các cấp có nhiệm vụ giúp Tổ tư vấn cải cách về những vấn đề cần nghiên cứu tại địa phương.

Điều 5. Văn phòng Chính phủ bảo đảm kinh phí và phương tiện hoạt động của Tổ tư vấn cải cách, do nhóm Thường trực dự trù và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng duyệt. Khi tranh thủ được tài trợ quốc tế, Tổ tư vấn cải cách mở tài khoản riêng.

Điều 6. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên Tổ tư vấn cải cách có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

 

DANH SÁCH

THÀNH VIÊN NHÓM THƯỜNG TRỰC CỦA TỔ CHUYÊN GIA

TƯ VẤN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

VỀ CẢI CÁCH KINH TẾ VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

(Kèm theo Quyết định số 494-TTg ngày 5-10-1993

của Thủ tướng Chính phủ)

1. Tổ trưởng: Lê Xuân Trinh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

2. Tổ phó: Trần Đức Nguyên, trợ lý Phó Thủ tướng Phan Văn Khải.

Các thành viên khác trong nhóm thường trực:

3. Đào Xuân Sâm, Giáo sư cấp I Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì công việc thường trực của Tổ về cải cách kinh tế.

4. Nguyễn Văn Thảo, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, chủ trì công việc thường trực của Tổ về cải cách hành chính.

5. Lê Đăng Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

6. Trần Việt Phương, cố vấn kinh tế.

7. Lê Đức Thuý, trợ lý Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

8. Nguyễn Trung, Tổng thư ký Hội đồng kinh tế đối ngoại của Chính phủ.

9. Vũ Quốc Tuấn, trợ lý Thủ tướng.

10. Đào Công Tiến, Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=10650&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận