Văn bản pháp luật: Quyết định 513/2000/QĐ-BTM

Đỗ Như Đính
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Quyết định 513/2000/QĐ-BTM
Quyết định
24/03/2000
24/03/2000

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Quy chế tuyển chọn và quản lý công chức, viên chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài

Thứ trưởng
2.000
Bộ Thương mại

Toàn văn

Bộ Thưng mại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Về việc ban hành Quy chế tuyển chọn và quản lý công chức,

viên chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 04/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Thương mại;

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức -cán bộ;

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tuyển chọn và quản lý công chức, viên chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định của Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ TUYỂN CHỌN VÀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

ĐI HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU Ở NƯỚC NGOÀI

(Kèm theo Quyết định số 534/2000/QĐBTM ngày 24/ 03/ 2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Việc tuyển chọn người đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị hoặc mục tiêu, yêu cầu của Dự án và phải bảo đảm các quy định của Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng được xem xét, tuyển chọn đi học gồm:

Công chức, viên chức trong biên chế Nhà nước;

Người mới được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước đã qua thời gian tập sự 01 năm;

Người lao động làm việc theo hợp đồng trong biên chế lao động của cơ quan hoặc doanh nghiệp từ 02 năm trở lên;

Tất cả các đối tượng trên, dưới đây gọi chung là "cán bộ".

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp, các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc Bộ tuyển chọn người đi học phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đối tượng quy định trong tuyển sinh (về chuyên môn, tuổi, ngoại ngữ, nam, nữ, thâm niên công tác...) và phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc tuyển chọn này. Trường hợp cán bộ xin đi học tự túc thì phải có đủ thủ tục hợp thức về loại hình đào tạo và phải được Thủ trưởng đơn vị đồng ý, trình lãnh đạo Bộ quyết định.

 

Chương II

QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN

Điều 4. Khi có chỉ tiêu tuyển sinh đi học tập ở nước ngoài, Vụ Tổ chức cán bộ căn cứ nội dung khoá học, dự kiến đơn vị tuyển chọn, đề ra tiêu chuẩn cụ thể, trình lãnh đạo Bộ duyệt.

Điều 5. Các đơn vị được Bộ phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn người đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài cần thực hiện các bước sau:

1) Thủ trưởng đơn vị thông báo công khai cho toàn thể cán bộ trong đơn vị biết về nội dung khoá đào tạo, thời gian đào tạo, chỉ tiêu, tiêu chuẩn, đối tượng tuyển chọn... để cán bộ có nguyện vọng và đủ tiêu chuẩn đăng ký danh sách đi học tập, bồi dưỡng.

2) Thủ trưởng đơn vị xem xét danh sách cán bộ đăng ký đi học, đối chiếu với tiêu chuẩn quy định, dự kiến cán bộ cử đi học, thông qua liên tịch (Đảng, chính quyền, công đoàn) quyết định.

Trường hợp phải tuyển chọn gấp thì thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định, có thông báo cho Bí thư Đảng uỷ hoặc chi bộ, thư ký Công đoàn biết.

3) Đơn vị làm văn bản đề cử người đi học gửi về Bộ (Vụ Tổ chức cán bộ) theo thời hạn quy định. Văn bản phải được Thủ trưởng đơn vị (hoặc cấp phó khi thủ trưởng đi công tác vắng) ký.

Văn bản cử cán bộ đi học gồm những nội dung chủ yếu sau:

Họ và tên:

Ngày, tháng, năm sinh:

Trình độ chuyên môn:

Trình độ ngoại ngữ:

Chức vụ, đơn vị công tác:Công việc đang làm:

Hồ sơ gửi về Bộ (Vụ Tổ chức cán bộ), gồm:

Sơ yếu lí lịch (có dán ảnh 4 x 6)

Công văn cử cán bộ đi học của đơn vị.

Các mẫu đơn xin học đã khai, và các giấy tờ, văn bản đính kèm theo yêu cầu tuyển chọn.

Nếu học tập ở nước ngoài theo nguồn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải nộp thêm những giấy tờ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 6. Vụ Tổ chức cán bộ xem xét hồ sơ thí sinh, đối chiếu với tiêu chuẩn, đối tượng tuyển chọn; Trình lãnh đạo Bộ duyệt và gửi hồ sơ kèm công văn cử cán bộ đi học đến nơi quy định.

Khi hồ sơ thí sinh được chấp nhận và có giấy báo gọi, Vụ Tổ chức cán bộ làm quyết định cử cán bộ đi học trình lãnh đạo Bộ duyệt và ký.

 

Chương III

QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐƯỢC

CỬ ĐI ĐÀO TẠO Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 7. 1) Cán bộ được cử đi nghiên cứu, thực tập, học tập ở nước ngoài được để lại 40% lương cấp bậc hoặc lương chức vụ cho gia đình (theo Thông tư số 32/LĐTBXHTT ngày 09/12/1993 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội về việc "hướng dẫn thi hành chế độ tiền lương để lại cho gia đình đối với cán bộ, công nhân viên Nhà nước, lực lượng vũ trang đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài").

Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Cán bộ được cử đi học tập ở nước ngoài dưới 1 tháng được hưởng 100% tiền lương.

b) Trường hợp đi học tập ở nước ngoài từ 01 tháng trở lên thì được để lại cho gia đình 40% tiền lương cấp bậc và phụ cấp chức vụ (nếu có).

Kết quả học tập, nghiên cứu của cán bộ đi học là cơ sở để xét thi đua và nâng bậc lương hàng năm.

2) Cán bộ đi học tập dài hạn ở nước ngoài (thực tập sinh, nghiên cứu sinh) từ 01 năm trở lên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, phải phục vụ cho cơ quan, đơn vị cử đi học ít nhất là 01 năm mới được đơn vị xem xét cho đi bồi dưỡng tiếp những lớp ngắn hạn ở nước ngoài (dưới 3 tháng).

3) Cán bộ khoa học trẻ (dưới 42 tuổi) có năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt, đang làm thực tập sinh ở nước ngoài, nếu muốn xin kéo dài thời hạn để bảo vệ luận án lấy học vị (Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ) thì phải có đủ các điều kiện dưới đây và chỉ được phép kéo dài một lần:

Phải được Viện Nghiên cứu, Trường Đại học nơi đang học tập, thực tập có văn bản chấp nhận, được cấp học bổng hoặc tự túc kinh phí.

Được cơ quan đại diện Việt Nam tại nước đó hoặc phụ trách khu vực đồng ý.

Được cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ có công văn đề nghị và phải được Bộ chuẩn y.

Nếu là học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận.

Điều 8. Tất cả cán bộ được cử đi học tập ở nước ngoài đều phải thực hiện các quy định sau:

1) Nếu được cử đi làm thực tập sinh, nghiên cứu sinh thời gian từ 01 năm trở lên phải có văn bản cam kết khi hoàn thành nhiệm vụ học tập trở về nước, phải làm việc lâu dài ở cơ quan, đơn vị nơi được cử đi học (tối thiểu là 03 năm).

2) Phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi qui chế, chế độ quy định của Nhà nước Việt Nam và pháp luật của nước đến học tập.

3) Phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải về nước đúng thời hạn ghi trong quyết định cử đi học.

Nếu quá hạn quy định mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì cơ quan, đơn vị có cán bộ đi học phải làm văn bản báo cáo Bộ.

Nếu quá thời hạn ghi trong quyết định là 90 ngày thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc và cắt các khoản quyền lợi ở trong nước theo quyết định số 957/1997/QĐTTg ngày 11 tháng 11 năm 1997 (điều 3) của Thủ tướng Chính phủ về "Cải tiến một số thủ tục về xuất cảnh và giải quyết vấn đề người Việt Nam đã xuất cảnh nhưng không về nước đúng hạn".

Ngoài quy định trên, người vi phạm còn phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho Nhà nước theo Thông tư số 28/1999/TTBTCCBCP ngày 31/7/1999 (điều 8 mục 2) của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (kể cả trường hợp tự ý bỏ về nước trước thời hạn).

Trường hợp người vi phạm là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì ngoài những hình thức xử lý nói trên, cơ quan quản lý cán bộ đó có trách nhiệm báo cáo với cấp uỷ cùng cấp để có hình thức kỷ luật về Đảng.

4) Phải có bản kiểm điểm cá nhân có xác nhận của cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước sở tại trước khi về nước (đối với cán bộ là thực tập sinh, nghiên cứu sinh hoặc đi học tập, bồi dưỡng từ 6 tháng trở lên).

5) Chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi về nước, cán bộ phải có văn bản báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về Bộ (Vụ Tổ chức cán bộ), đồng gửi cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ đó. Cán bộ đi học cao học hoặc nghiên cứu sinh phải nộp thêm bản sao bằng tốt nghiệp và luận án bảo vệ để Bộ quản lý.

Cán bộ công chức đi học tập, nghiên cứu, thực tập ở nước ngoài từ 6 tháng trở lên, khi về nước phải có văn bản giới thiệu hoặc quyết định điều trả cán bộ của Bộ về đơn vị cũ thì đơn vị đó mới được bố trí công tác.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Thủ trưởng các đơn vị và cán bộ công chức thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành qui chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa rõ hoặc chưa phù hợp thì phản ánh về Bộ (Vụ Tổ chức cán bộ) bằng văn bản để Bộ hướng dẫn hoặc bổ sung./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=6204&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận