Văn bản pháp luật: Quyết định 56/2001/QĐ-UB

Nguyễn Quốc Triệu
Hà Nội
STP TP Hà Nội;
Quyết định 56/2001/QĐ-UB
Quyết định
02/08/2001
17/07/2001

Tóm tắt nội dung

Về việc phê chuẩn điều lệ Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội

Phó Chủ tịch
2.001
UBND thành phố Hà Nội

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Về việc phê chuẩn điều lệ Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ quyết định số 16/TCCQ ngày 06/01/1983 và quyết định 591/QĐ-UB ngày 28/3/1992 của UBND thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố và Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT thành phố Hà Nội,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1:  Phê chuẩn Điều lệ của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội. Bản Điều lệ được ban hành kèm theo quyết định này gồm 7 chương, 20 điều do Đại hội đại biểu lần thứ tư Liên hiệp các Hội KHKT thành phố Hà Nội thông qua ngày 24 tháng 12 năm 1998

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT thành phố Hà nội thi hành quyết định này./.

 

ĐIỀU LỆ

CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HÀ NỘI

(Ban hành kèm theo quyết định số 56/2001/QĐ-UB

ngày 17 tháng 7 năm 2001 của UBND thành phố Hà Nội)

 

 

CHƯƠNG I

TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH

Điều 1. Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội (gọi tắt là Liên hiệp Hội HN) là tổ chức chính trị- xã hội tự nguyện tự quản của tầng lớp trí thức hoạt động trong các Hội Khoa học kỹ thuật trên địa bàn Thủ đô. Thành viên của Liên hiệp Hội HN bao gồm: Các Hội KHKT chuyên ngành, các Hội KHKT cơ sở (Quận, Huyện, Viện, Trường, Nhà máy, Công ty).

Liên hiệp Hội HN là thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và của Mặt trận tổ quốc Thành phố Hà Nội.

Liên hiệp Hội Hà Nội hoạt động tuân thủ luật pháp của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của chính quyền thành phố.

Điều 2. Mục đích của Liên hiệp Hội Hà Nội là tập hợp các Hội khoa học, kỹ thuật, công nghệ và các nhà khoa học, công nghệ trên địa bàn Thủ đô, nhằm đoàn kết giúp đỡ, nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy tốt hơn nữa tiềm lực KHKT của thành phố; tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ trong nhân dân, tham gia nghiên cứu và đưa nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống góp phần thúc đẩy các ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ phát triển đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thủ đô.

Điều 3. Liên hiệp Hội Hà Nội có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài sản, tài chính, Liên hiệp Hội HN có thể có cơ quan ngôn luận, có nhà xuất bản thuộc Liên hiệp Hội khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Liên hiệp Hội Hà Nội bảo vệ quyền lợi chính đáng của các Hội thành viên, của các nhà khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong các hoạt động chuyên môn và của Hội.

 

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 4. Liên hiệp Hội Hà Nội có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong nhân dân bằng các hình thức hoạt động như: câu lạc bộ, xuất bản ấn phẩm, bồi dưỡng nghiệp vụ khoa học, kỹ thuật, công nghệ.

2. Tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ, làm cầu nối đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống của Thủ đô.

3. Tư vấn, phản biện và giám định xã hội về các chủ trương, luật pháp, chính sách, biện pháp phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các chương trình kinh tế- xã hội của Thành phố và của đất nước.

4. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm và hợp tác hoạt động khoa học kỹ thuật và công nghệ với các ngành và các địa phương.

5. Động viên hội viên các Hội thành viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển khoa học, công nghệ của Đảng và Nhà nước, điều hoà và phối hợp hoạt động của các Hội thành viên

6. Thực hiện và phát triển các hoạt động hợp tác và đối ngoại của liên hiệp Hội Hà Nội và các Hội thành viên góp phần vận động trí thức Việt Nam định cư ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá và xây dựng Thủ đô văn minh giàu đẹp

7. Xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội Hà Nội, phát huy nội lực, làm cho đội ngũ và tiềm năng hoạt động khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn của các Hội thành viên ngày càng phát triển vững mạnh

 

CHƯƠNG III

THÀNH VIÊN CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT HÀ NỘI

Điều 5. Thành viên của Liên hiệp Hội Hà nội là các Hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành, các Hội khoa học và kỹ thuật cơ sở trên địa bàn Thành phố, các tổ chức khoa học kỹ thuật của người Hà Nội ở nước ngoài tự nguyện xin gia nhập Liên hiệp hội Hà Nội, được Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội công nhận

Điều 6. Các Hội thành viên là những tổ chức tự chủ, tự quản và bình đẳng trong Liên hiệp Hội Hà Nội. Các Hội thành viên có thể có điều lệ hoặc quy chế riêng trên cơ sở tôn trọng điều lệ và quy chế của Liên hiệp Hội Hà Nội. Liên hiệp Hội Hà Nội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ đối với những vấn đề có liên quan chung đến đất nước, Thành phố và lợi ích chung của Liên hiệp Hội

 

Điều 7. Liên hiệp Hội Hà Nội có thể kết nạp Hội viên danh dự và Hội viên bảo trợ

 

Điều 8. - Hội viên các Hội thành viên có quyền:

1. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và biểu quyết mọi công việc của Hội

2. Cử đại biểu dự Đại hội và đề cử đại diện của Hội thành viên vào Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội

3. Được Liên hiệp Hội Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của Hội và Liên hiệp Hội Hà Nội, tham gia các hoạt động khoa học, kỹ thuật, công nghệ và được hưởng các quyền lợi khác do Liên hiệp Hội Hà Nội quy định

Điều 9. Các hội viên và các Hội thành viên có nhiệm vụ:

1. Tôn trọng và chấp hành điều lệ của Liên hiệp Hội Hà Nội thực hiện các chủ trương Nghị quyết của Liên hiệp Hội Hà Nội

2. Không ngừng mở rộng ảnh hưởng và nâng cao uy tín của Liên hiệp Hội Hà Nội, xây dựng khối đoàn kết trong Liên hiệp Hội Hà Nội, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động của Hội

3. Đóng góp cho quỹ hoạt động của Liên hiệp Hội Hà Nội

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC

Điều 10. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp Hội Hà Nội là Đại hội đại biểu các Hội thành viên

Đại hội Liên hiệp Hà Nội 5 năm họp 1 lần. Trong trường hợp đặc biệt, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của 2/3 số uỷ viên Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội hoặc khi có yêu cầu của trên 1/2 tổng số Hội thành viên

Điều 11. Đại hội đại biểu thường kỳ của Liên hiệp Hội Hà Nội có nhiệm vụ:

1. Thông qua báo cáo công tác của Ban chấp hành, quyết định phương hướng nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Hà Nội nhiệm kỳ tới

2. Thảo luận và biểu quyết những vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ của Liên hiệp Hội Hà Nội

Bầu cử Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội

Bầu cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt nam

Điều 12. Thành phần và cơ cấu Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội bao gồm:

1. Đại biểu của các Hội thành viên

2. Một số nhà khoa học tiêu biểu và cần thiết

Khi một Hội mới được thành lập và tự nguyện gia nhập Liên hiệp Hội thì Hội ấy đề cử người đại diện và Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội. Người được đề cử phải được Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội chấp thuận

Trong nhiệm kỳ của Ban chấp hành, các Hội thành viên có quyền thay thế đại diện của mình tại Ban chấp hành (bằng văn bản) và phải được Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội chấp thuận.

Trong nhiệm kỳ của mình, Ban chấp hành Liên hiêp Hội Hà Nội có thể bổ sung một số uỷ viên, nhưng không quá 1/5 tổng số uỷ viên đã được Đại Hội thông qua và phải được sự chấp thuận của 2/3 tổng số uỷ viên Ban chấp hành

Điều 13. Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết cuả Đại hội và lãnh đạo toàn bộ hoạt động của Liên hiệp Hội Hà Nội giữa hai kỳ Đại hội

Tuỳ nhu cầu công tác, Ban chấp hành có thể thành lập các ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.

Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội họp thường kỳ sáu tháng một lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban Thường vụ hoặc trên 1/3 tổng số ủy viên Ban chấp hành.

Điều 14. Ban chấp hành bầu ra ban thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và một số uỷ viên. Bầu ban kiểm tra.

Ban thường trực gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; Tổng thư ký

Ban thường vụ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban chấp hành và điêù hành mọi công việc của Liên hiệp Hội Hà Nội giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành

Ban thường vụ thường lệ ba tháng họp một lần

Chủ tịch có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công việc của Liên hiệp Hội giữa hai kỳ họp của Ban thường vụ và có thể triệu tập Hội nghị bất thường của Ban thường vụ khi cần thiết

Các Phó Chủ tịch chịu trách nhiệm từng phần công việc được Ban thường vụ phân công, thay mặt Chủ tịch trong các trường hợp được Chủ tịch uỷ nhiệm

Tổng thư ký là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động của cơ quan Liên hiệp Hội Hà Nội

Văn phòng, Ban thư ký, các ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Hà Nội

Ban kiểm tra có nhiệm vụ:

+ Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ

+ Kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cuả Đại hội đề ra

+ Kiểm tra tài chính

 

CHƯƠNG V

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH

Điều 15.  Nguồn tài chính của Liên hiệp Hội Hà Nội gồm có:

1. Kinh phí trợ cấp của Thành phố

2. Đóng góp của hội viên các Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc

3. Quỹ tự có của Liên hiệp Hội Hà Nội do hoạt động kinh tế và các hoạt động có nguồn thu hợp pháp khác

4. Ủng hộ bằng tiền và hiện vật của các cá nhân, tổ chức xã hội đoàn thể trong và ngoài nước

Điều 16. Tài sản và tài chính của Liên hiệp Hội Hà Nội được quản lý và sử dụng theo quy định của Nhà nước

 

CHƯƠNG VI

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 17. Các hội viên, Hội thành viên, các ban và các đơn vị trực thuộc, cá nhân Hội viên có thành tích trong công tác Hội và trong hoạt động khoa học và kỹ thuật sẽ được Liên hiệp Hội Hà Nội khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam khen thưởng.

Hình thức khen thưởng do Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội quy định.

Điều 18. Các Hội thành viên và hội viên, các ban và các đơn vị trực thuộc vi phạm nghiêm trọng Điều lệ của Liên hiệp Hội Hà Nội làm tổn hại đến quyền lợi và uy tín của Liên hiệp Hội Hà Nội sẽ bị thi hành kỷ luật.

Hình thức kỷ luật do Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội quy định.

 

CHƯƠNG VII

HIỆU LỰC CỦA ĐIỀU LỆ

Điều 19. Điều lệ này có 7 chương, 20 điều đã được Đại hội đại biểu lần thứ IV của Liên hiệp Hội Hà Nội nhất trí biểu quyết thông qua ngày 24 tháng 12 năm 1998 và có hiệu lực sau khi được Ban chấp hành Liên hiệp Hội Hà Nội công bố.

 

Điều 20. Chỉ có Đại hội đại biểu của Liên hiệp Hội Hà Nội với trên 1/2 tổng số đại biểu có mặt và trên 2/3 số đại biểu biểu quyết tán thành mới có quyền sửa đổi Điều lệ./.

 


Nguồn: vbpl.vn/hanoi/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20527&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận