Văn bản pháp luật: Quyết định 56/CP

Lê Thanh Nghị
Toàn quốc
Công báo số 4/1975;
Quyết định 56/CP
Quyết định
18/03/1975
18/03/1975

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành bản Thể lệ về tổ chức việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội

Thủ tướng
1.975
Hội đồng Chính phủ

Toàn văn

Quyết định

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 56/CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 1975
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN THỂ LỆ VỀ TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI,
VIỆC TANG, NGÀY GIỖ, NGÀY HỘI

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;

Căn cứ yêu cầu xây dựng nếp sống mới phù hợp với đường lối của Đảng về cách mạng xã hội chủ nghĩa;

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Văn hoá,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Bản Thể lệ về tổ chức việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội.

Điều 2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban hành chính các cấp, với sự phối hợp của các đoàn thể, có trách nhiệm vận động các tầng lớp nhân dân và hướng dẫn các cơ sở thuộc ngành và địa phương thi hành nghiêm chỉnh quyết định này.

 

THỂ LỆ

VỀ TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, NGÀY GIỖ, NGÀY HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56-C P ngày 18-3-1975 của Hội đồng Chính phủ)

Để xây dựng nếp sống mới, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục, nay quy định thể lệ về việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội như sau:

 

CHƯƠNG I
VIỆC CƯỚI

A-NGUYÊN TẮC CHUNG

Hôn nhân là việc vui mừng trong đời sống của mỗi người, nhất là của nam, nữ đến tuổi xây dựng gia đình. Cần làm đúng những nguyên tắc sau đây trong việc hôn nhân:

1- Thực hiện đầy đủ những quy định trong Luật hôn nhân và gia đình của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ban hành ngày 13-1-1960, nghĩa là, phải bảo đảm các chế độ:

- Hôn nhân tự do và tiến bộ;

- Một vợ một chồng, cấm lấy vợ lẽ;

- Nam nữ bình đẳng;

- Cấm tảo hôn, cấm cưỡng ép hôn nhân, cấm thách cưới.

2- Việc thành hôn phải được tổ chức một cách giản dị, tiết kiệm, lành mạnh.

B- VIỆC TỔ CHỨC THÀNH HÔN

Sau khi hai bên nam nữ đã tìm hiểu nhau và chính thức đặt vấn đề kết hôn, việc tổ chức thành hôn tiến hành như sau:

1- Đăng ký kết hôn:

Đôi nam, nữ báo cáo và xin đăng ký việc kết hôn của mình với Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố. Theo pháp luật hiện hành, nếu không phát hiện vấn đề gì trái với Luật hôn nhân và gia đình, thì Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố chính thức công nhận và đăng ký việc kết hôn cho đôi bên nam nữ, và cấp giấy kết hôn cho họ.

Xoá bỏ các tục lệ cũ như dạm hỏi, sêu tết, thách cưới, chia trầu cau, bánh mứt, chè thuốc, v.v... và các nghi lễ khác.

2- Cấp giấy kết hôn:

a) Việc đăng ký kết hôn và cấp giấy kết hôn cần được tổ chức trang trọng. Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố cần bố trí một phòng trong trụ sở của Uỷ ban hoặc ở một nơi thuận tiện để phục vụ cho việc này.

Đôi nam nữ kết hôn đến phòng này để nhận giấy kết hôn. Ngoài ra, đôi nam nữ có thể mời thêm một số người thân thuộc của hai gia đình và bè bạn cùng tham dự.

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch, hoặc uỷ viên của Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố chủ trì việc đăng ký kết hôn và cấp giấy kết hôn (trang phục phải chỉnh tề, tỏ thái độ trang trọng và niềm nở trong khi chủ trì buổi lễ). Đây là thủ tục chính thức của việc kết hôn về pháp lý. Sau khi được cấp giấy kết hôn, đôi nam nữ chính thức thành vợ chồng, không ai được yêu cầu, nài ép lễ nghi gì khác.

c) Xóa bỏ các hủ tục, như kiêng ngày, giờ xáu, so tuổi, lễ sống bố mẹ, họ hàng v.v...

C- Về cuộc vui sau khi được cấp giấy kết hôn

1- Sau khi được cấp giấy kết hôn, việc tổ chức hay không tổ chức cuộc vui là hoàn toàn tuỳ ý đôi vợ chồng mới kết hôn, không ai được đòi hỏi, ép buộc bằng cách này hay cách khác. Nếu có tổ chức cuộc vui thì cần làm giản dị, tiết kiệm, lành mạnh, không bày vẽ ăn uống linh đình.

2- Xoá bỏ tệ mời ăn cỗ để thu tiền mừng. Những đám cưới trước đây đã mừng nhau rồi, nay không được đòi nợ. Xoá bỏ tệ công bố tặng phẩm và tên người tặng nhằm khoe khoang và làm cho người khác cũng phải tặng. Khách đến dự cuộc vui quý nhất là sự có mặt. Khách ở xa đến dự cuộc vui, nếu cần lưu lại, thì có thể tiếp đãi thân tình, không gây lãng phí.

D- VIỆC CƯỚI TRONG VÙNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Về việc cưới trong vùng các dân tộc thiểu số, cần chú ý:

1- Trên cơ sở bản thể lệ này, Uỷ ban hành chính các khu tự trị và các tỉnh, có dân dân tộc thiểu số có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho thích hợp với từng dân tộc, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và nếp sống mới.

2- Xoá bỏ các hủ tục và mê tín dị đoan. Xoá bỏ tục ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày.

 

CHƯƠNG II
VIỆC TANG

A- NGUYÊN TẮC CHUNG

Trong việc tang, điều cốt yếu là bày tỏ được lòng tưởng nhớ chân thành của người sống đối với người chết. Vì vậy, càn bảo đảm những nguyên tắc sau đây:

1- Thực hiện đúng những quy định về giữ gìn vệ sinh trong việc chôn cất người chết;

2- Việc tang phải được giải quyết gọn gàng và tiết kiệm. Xoá bỏ các nghi lễ và tục lệ phiền phức, không bày vẽ cỗ bàn đãi khách;

3- Hợp tác xã, xí nghiệp, cơ quan hoặc khu phố nơi có người chất cần giúp đỡ gia đình có tang lo liệu đám tang cho chu đáo.

B. TỔ CHỨC CỤ THỂ

1. Tổ chức đám tang:

a) Việc đào huyệt, đắp mộ, đưa đám tang:

ở nông thôn, nếu nơi nào hợp tác xã chưa đảm đương được, thì bà con trong thôn xóm và đoàn thể địa phương cần giúp đỡ.

ở thành phố, thị xã, thị trấn, thì do các tổ chức chuyên trách lo liệu theo chế độ hiện hành.

b) Mỗi xã, mỗi thành phố, thị xã, thị trấn, cần có một nghĩa địa. Mỗi thôn hoặc mỗi hợp tác xã cần có một xe tang trang nhã, nhẹ nhàng; nếu chưa có xe tang, thì phải tổ chức việc khiêng quan tài lúc đưa đám cho chu đáo và trang trọng.

c) Việc chôn cất người chết không có gia đình hoặc người thân đứng ra lo liệu, thì chính quyền xã hoặc khu phố, và hợp tác xã, xí nghiệp, cơ quan sở quan chịu trách nhiệm lo liệu chu đáo.

d) Xoá bỏ tục lệ đội mũ rơm, thắt lưng bằng dây chuối, chống gậy, lăn đường, đốt vàng mã v.v... Người đi đưa tang cần giữ thái độc trang nghiêm, không nói chuyện ồn ào, không cười đùa. Người qua đường gặp đám tang cần giữ thái độ đúng đắn.

e. Việc chôn cất người chết phải làm đúng những điều quy định trong các Điều 22, 23, 24, mục VIII của bản Điều lệ về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ ban hành theo Nghị định số 194 - CP ngày 31/12/1964 của Hội đồng Chính phủ và trong Thông tư số 29/BYT ngày 21/10/1971 của Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể (sao lục kèm theo văn bản này). Xoá bỏ mọi nghi lễ mất vệ sinh và lạc hậu trong việc khâm liệm.

g) Xoá bỏ lệ phúng viếng bằng tiền bạc và đồ vật. Việc giúp đỡ nhau khi gia đình có tang gặp khó khăn không được trở thành món nợ phải trả.

Gia đình có tang không được tổ chức ăn uống linh đình và không được nhận tiền và đồ vật phúng viếng. Đối với khách ở xa đến viếng, nếu cần lưu lại, thì gia đình có tang lo liệu việc ăn uống một cách đơn giản, không gây lãng phí. Bỏ tục lệ cúng cơm người chết từng bữa hoặc cúng 3 ngày, 50 ngày, 100 ngày v.v....

2- Để tang:

a) Về hình thức để tang, có thể đeo băng đen ở cánh tay hoặc đính miếng vải đen ở ngực áo, hoặc chít khăn trắng. Xoá bỏ mọi hình thức để tang theo tục lệ phong kiến.

b) Về thời gian để tang, thì tuỳ từng gia đình, từng người, không theo lệ cũ.

c) Việc để tang không cản trở việc lấy vợ, lấy chồng, làm nghĩa vụ quân sự và các nghĩa vụ công dân khác.

3- Việc tang ở vùng các dân tộc thiểu số:

Căn cứ vào những điều quy định trên đây, Uỷ ban hành chính các khu tự trị và các tỉnh có dân tộc thiểu số có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc tang cho phù hợp với từng dân tộc, nhưng phải bảo đảm nếp sống mới.

 

CHƯƠNG III
VỀ NGÀY SINH, NGÀY GIỖ

A- NGUYÊN TẮC CHUNG

Các ngày hội cần bảo đảm có nội dung tốt, như bồi dưỡng lòng yêu nước, động viên thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân, đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao và văn nghệ lành mạnh, không gây cản trở cho sản xuất. Nghiêm cấm các tục lệ mê tín dị đoan.

B- QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1- Đối với những hội làng ở nông thôn mà từ lâu không tổ chức nữa thì nay không được phục hồi.

2- Cần xoá bỏ những hội hè mang tính chất mê tín dị đoan, như hội Phủ Giầy ở Nam Hà, Hội đồng bằng ở Thái Bình v,v...

3- Cần cải tiến việc tổ chức những ngày hội gắn liền với lịch sử của đất nước và các anh hùng dântộc (như giỗ tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo v,v,,,), nhằm bảo đảm và nâng cao nội dung giáo dục tư tưởng. Kiên quyết xoá bỏ những hình thức mê tín dị đoan xen vào các ngày hội đó.

4- Đối với những ngày hội vừa có tính chất tôn giáo, vừa có tính chất tham quan danh lam thắng cảnh (như hội chùa Hương, hội chùa Thày v.v...), cần tôn trọng phần tự do tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời cần bài trừ các hình thức mê tín dị đoan. Nên chuyển dần việc đi trảy những ngày hội này thành những cuộc đi thăm danh lam thắng cảnh, rải đều ra các mùa trong năm.

 

CHƯƠNG V
BÀI TRỪ MÊ TÍN DỊ ĐOAN

Cần phân biệt tự do tín ngưỡng với mê tín dị đoan. Việc đi chùa, đi nhà thờ thuộc tự do tín ngưỡng; các việc xem bói, xem số, xem tướng, gọi hồn, lên đồng, xóc thẻ, yểm bùa, cúng ma, bắt tà trừ ma, đội bát nhang, đốt vàng mã, dùng phù phép chữa bệnh v.v.... là mê tín dị đoan. Tự do tín ngưỡng được pháp luật bảo đảm; còn mê tín dị đoan thì Nhà nước nghiêm cấm. Các địa phương cần có biện pháp giáo dục những người làm nghề mê tín dị đoan, để họ hiểu ra lẽ phải và chuyển sang làm nghề lương thiện.

 

CHƯƠNG VI
VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN BẢN THỂ LỆ

Uỷ ban hành chính các khu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến và tổ chức thực hiện bản thể lệ này đến tận các cơ sở hợp tác xã, xí nghiệp, cơ quan, các đường phố v.v...

Các đoàn thể quần chúng, các ngành thông tin, báo chí, văn hoá cần tổ chức việc tuyên truyền giải thích sâu rộng bản thể lệ này, gây thành dư luận xã hội, nghiêm khắc phê phán và lên án những hủ tục và mê tín dị đoan, biểu dương những việc làm theo nếp sống mới.

Các Uỷ ban hành chính các khu tự trị và các tỉnh ở miền núi cần có thêm những hướng dẫn cụ thể nhằm thi hành bản thể lệ này sát với tình hình của các dân tộc thiểu số.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=1641&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận