QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Quy định về thủ tục hải quan đối với tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh,
chuyển cảng và kiểm soát, giám sát hải quan tại các cảng biển và cảng chuyên dùng
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 được Quốc hội khoá X kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 06 năm 2001;
Căn cứ Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ và Cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thủ tục hải quan đối với tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng và kiểm soát, giám sát hải quan tại các cảng biển và cảng chuyên dùng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định 1548/2001/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2001, Điều 5 - Quyết định 19/2002/QĐ-TCHQ ngày 10/01/2002 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn khác trái với quy định tại Quyết định này.
Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI TẦU BIỂN XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH,
QUÁ CẢNH, CHUYỂN CẢNG VÀ KIỂM SOÁT, GIÁM SÁT HẢI QUAN
TẠI CÁC CẢNG BIỂN VÀ CẢNG CHUYÊN DÙNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 57/2003/QĐ-BTC ngày 16/04/2003
của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
A. QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI CÁC CẢNG BIỂN
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Chậm nhất 01 (một) giờ kể từ khi đến vị trí neo đậu để xếp, dỡ hàng hoá theo chỉ định của cảng vụ, thuyền trưởng hoặc người đại diện hợp pháp (dưới đây gọi chung là thuyền trưởng) phải làm thủ tục hải quan cho tầu biển nhập cảnh.
Thời điểm xác định tầu, hàng hoá đến cảng là thời điểm Hải quan cảng tiếp nhận, đóng dấu lên hồ sơ hải quan do thuyền trưởng nộp.
Chậm nhất 01 (một) giờ trước khi tầu rời cảng biển, thuyền trưởng phải làm thủ tục hải quan cho tầu biển xuất cảnh. Riêng tầu khách và tầu định tuyến, thời gian chậm nhất là ngay trước thời điểm tầu chuẩn bị rời cảng.
Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể ngắn hơn, nhưng thuyền trưởng phải thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu biết trước.
2. Nơi nộp hồ sơ: Thuyền trưởng phải nộp hồ sơ hải quan tại trụ sở Cơ quan Cảng vụ hoặc trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng.
3. Thủ tục hải quan cho tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng:
3.1. Trách nhiệm của thuyền trưởng:
a) Khai, nộp và xuất trình hồ sơ hải quan theo quy định tại Quyết định này.
b) Cung cấp các thông tin liên quan đến hàng hoá, vật dụng trên tầu.
c) Thực hiện các quyết định và yêu cầu của cơ quan Hải quan, công chức Hải quan trong việc làm thủ tục hải quan đối với tầu, hàng hoá.
d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Pháp luật.
3.2. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan:
a) Tiếp nhận, kiểm tra và đóng dấu lên hồ sơ hải quan. Việc đóng dấu lên bản lược khai hàng hoá thực hiện như sau:
- Đối với bộ lược khai hàng hoá nộp cho Cơ quan Hải quan thì Hải quan ghi tổng số trang, đóng dấu lên trang đầu và trang cuối của bộ lược khai, các trang khác đóng dấu giáp lai.
- Đối với bộ lược khai hàng hoá của Đại lý hoặc Hãng tầu lưu thì chỉ đóng dấu lên trang đầu và trang cuối của bộ lược khai.
b) Khi có căn cứ để nhận định trên tầu có cất giấu hàng hoá trái phép, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quyết định khám xét tầu theo đúng quy định tại khoản 3, điều 51 Luật Hải quan.
4. Trường hợp có hàng hoá chuyển tải, sang mạn thì Hãng tầu phải thông báo bằng văn bản với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu.
5. Trách nhiệm của Doanh nghiệp cảng:
5.1. Quản lý, bảo đảm nguyên trạng hàng hoá xuất nhập khẩu lưu giữ tại kho, bãi cảng.
5.2. Chỉ được cho hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cổng cảng có giám sát hải quan.
5.3. Phải thông báo bằng văn bản với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu các số liệu, tình hình:
a) Hàng hoá nhập khẩu dỡ xuống kho, bãi cảng.
b) Hàng hoá xuất khẩu xếp lên tầu.
c) Hàng đổ vỡ (kèm biên bản).
d) Hàng hoá nhập khẩu quá thời hạn quy định chưa làm thủ tục hải quan.
đ) Hàng hoá không có người nhận đang lưu giữ tại cảng.
6. Cảng vụ sau khi nhận được xác báo của chủ tầu, phải có trách nhiệm thông báo ngay cho Chi cục Hải quan cửa khẩu biết về thời gian đến và rời cảng, địa điểm neo đậu, thời gian xếp dỡ hàng hoá lên hoặc xuống tầu biển.
7. Nơi có điều kiện thì Cảng vụ, Doanh nghiệp cảng và Đại lý hãng tầu nối mạng máy vi tính với Chi cục Hải quan cửa khẩu để thông báo trước tình hình, số liệu, gửi văn bản sau.
8. Khai hành lý, hàng hoá của thuyền viên được thực hiện như sau:
- Đối với hành lý: Được dùng chung một tờ khai (theo Phụ lục kèm Quyết định này) để khai cho hành lý của cả đoàn (hành lý của mỗi người khai vào một cột trong tờ khai);
- Đối với hàng hoá: Phải khai riêng hàng hoá của từng người vào tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch (Mẫu tờ khai theo quy định hiện hành).
II. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI TẦU BIỂN XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH, CHUYỂN CẢNG
1. Tầu nhập cảnh:
1.1. Trách nhiệm của thuyền trưởng:
a) Khi làm thủ tục nhập cảnh, thuyền trưởng phải nộp cho cơ quan Hải quan các chứng từ sau:
- Lược khai hàng hoá chuyên chở trên tầu: 02 bản chính.
- Tờ khai tầu đến/rời cảng: 01 bản chính.
- Tờ khai hàng hoá, hành lý thuyền viên: 01 bản chính.
- Tờ khai dự trữ của tầu: 01 bản chính. Tờ khai này được phép khai tài sản tầu gồm: nguyên nhiên liệu vật liệu, lương thực, thực phẩm, rượu, thuốc lá dự trữ.
- Danh sách thuyền viên: 01 bản chính.
- Danh sách hành khách (nếu có hành khách): 01 bản chính.
Việc khai báo chất nổ, chất cháy, thuốc độc, thuốc mê, vũ khí trang bị trên tầu như sau:
- Nếu là tài sản của tầu thì khai vào tờ khai dự trữ của tầu.
- Nếu là hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh thì đã có trong lược khai hàng hoá.
b) Trong trường hợp Hải quan yêu cầu, thuyền trưởng phải xuất trình cho cơ quan Hải quan các chứng từ sau:
- Nhật ký hành trình tầu.
- Sơ đồ hàng xếp trên tầu.
c) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại điểm 3.1 phần I trên đây.
1.2. Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan:
a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm 3.2, phần I trên đây.
b) Niêm phong kho rượu, thuốc lá, thuốc độc, thuốc mê của tầu.
c) Nhập các dữ liệu vào máy vi tính hoặc vào sổ.
2. Tầu xuất cảnh:
2.1. Trách nhiệm của Thuyền trưởng:
a) Khi làm thủ tục xuất cảnh, thuyền trưởng phải nộp cho cơ quan Hải quan:
- Tờ khai tầu đến/ rời cảng: 01 bản chính.
- Lược khai hàng hoá chuyên chở trên tầu: 01 bản chính.
- Tờ khai dự trữ của tầu: 01 bản chính.
- Tờ khai hàng hoá, hành lý thuyền viên: 01 bản chính.
b) Trong trường hợp Hải quan yêu cầu, thuyền trưởng phải xuất trình cho cơ quan Hải quan các chứng từ sau:
- Tờ khai Hải quan đối với hàng hoá cung ứng cho tầu biển.
- Hoá đơn mua hàng hoá miễn thuế theo đơn đặt hàng (nếu có mua hàng tại cửa hàng miễn thuế cảng).
c) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại điểm 3.1 phần I trên đây.
2.2. Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan:
a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm 3.2 phần I trên đây.
b) Nhập các dữ liệu vào máy vi tính hoặc vào sổ.
3. Tầu quá cảnh:
Tầu quá cảnh là tầu chỉ đi qua cảng và lãnh thổ Việt Nam để tới nước khác, không dỡ hàng hoá nhập khẩu và không xếp hàng hoá xuất khẩu.
Tầu quá cảnh làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu nhập đầu tiên và làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu xuất cuối cùng.
3.1. Thủ tục tại cửa khẩu nhập cảnh:
a) Trách nhiệm của thuyền trưởng:
- Khi làm thủ tục cho tầu nhập cảnh thuyền trưởng phải:
- Nộp cho cơ quan Hải quan 02 bản lược khai hàng hoá quá cảnh.
- Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại điểm 3.1 phần I trên đây.
b) Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan:
- Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm 3.2 phần I trên đây.
- Niêm phong, giao cho thuyền trưởng bộ hồ sơ gồm 01 bản lược khai hàng hoá và 01 bản phiếu chuyển hồ sơ để chuyển cho Hải quan cửa khẩu xuất, lưu 01 bản lược khai.
- Niêm phong kho rượu, thuốc lá, thuốc độc, thuốc mê và kho hàng (nếu có điều kiện và khi cần thiết).
- Thực hiện nhiệm vụ giám sát quy định tại phần III dưới đây.
3.2. Thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất cảnh:
a) Trách nhiệm của thuyền trưởng:
Khi làm thủ tục xuất cảnh thuyền trưởng phải nộp cho Hải quan cửa khẩu xuất cảnh hồ sơ do Hải quan cửa khẩu nhập cảnh chuyển đến.
b) Nhiệm vụ của Hải quan cửa khẩu xuất cảnh:
- Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm 3.2 phần I trên đây.
- Đối chiếu hồ sơ với tình trạng bên ngoài hàng hoá.
- Thông báo tình hình cho Hải quan cảng nhập đầu tiên trong trường hợp tầu có vi phạm Pháp luật Hải quan.
3.3. Trên đường quá cảnh, thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm giữ nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan đối với hàng hoá và hồ sơ hải quan từ cửa khẩu nhập cảnh đến cửa khẩu xuất cảnh.
4. Tầu chuyển cảng
4.1. Trách nhiệm của thuyền trưởng:
a) Thông báo với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu về mục đích, thời gian chuyển cảng. Nếu có hàng hoá xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan sẽ được dỡ xuống cảng đến thì phải ghi rõ vào văn bản thông báo các nội dung sau: Tên và địa chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, tên hàng, số lượng cont/kiện, lượng hàng, số ngày tờ khai xuất khẩu, số niêm phong hãng tầu, niêm phong hải quan, tên cảng dỡ hàng.
b) Phải nộp cho Hải quan lược khai hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng, lược khai hàng hoá xuất khẩu đã được xếp lên tầu, lược khai hàng hoá quá cảnh (nếu có): Mỗi loại 01 bản.
c) Bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan trên đường chuyển cảng.
d) Chuyển hồ sơ đã niêm phong hải quan cho Hải quan cửa khẩu cảng đến.
đ) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại điểm 3.1, phần I trên đây.
4.2. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan cửa khẩu cảng đi:
a) Làm thủ tục cho tầu chuyển cảng.
b) Lập phiếu chuyển hồ sơ và niêm phong hồ sơ giao thuyền trưởng chuyển cho Hải quan cửa khẩu cảng đến.
c) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại điểm 3.2, phần I trên đây.
d) Trường hợp tầu chuyển cảng có chở hàng xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan sẽ dỡ hàng xuống cảng đến, sau đó xếp lên tầu khác để xuất khẩu thì lập Biên bản bàn giao (sử dụng mẫu Biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu) gửi cho Hải quan cửa khẩu cảng đến giám sát.
4.3. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan cửa khẩu cảng đến:
Thực hiện các nhiệm vụ như quy định tại điểm 3.2 phần I trên đây.
b) Thông báo tình hình cho Hải quan cảng nhập đầu tiên trong trường hợp tầu có vi phạm hoặc có hiện tượng không bình thường.
c) Tiếp nhận Biên bản bàn giao giám sát và thông báo ngay cho Hải quan cửa khẩu cảng đi biết đã tiếp nhận việc giám sát tầu đối với trường hợp quy định tại điểm 4. 2. d trên đây.
III. KIỂM SOÁT, GIÁM SÁT HẢI QUAN TẠI CẢNG BIỂN
1. Đối tượng kiểm soát, giám sát hải quan, gồm:
a) Tầu xuất nhập cảnh.
b) Hàng hoá xếp lên, dỡ xuống tầu.
c) Hàng hoá xuất nhập khẩu lưu giữ tại kho, bãi cảng.
d) Hàng hoá chuyển tải, sang mạn, quá cảnh.
đ) Hàng hoá xuất nhập khẩu ra, vào cảng.
e) Hàng hoá bán tại cửa hàng miễn thuế.
g) Hàng hoá cung ứng cho tầu.
h) Hàng hoá, hành lý của thuyền viên.
2. Biện pháp giám sát của Hải quan:
a) Tuần tra, kiểm soát cơ động và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Pháp luật để phát hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới.
b) Giám sát bằng niêm phong Hải quan.
c) Giám sát trực tiếp.
d) Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật.
Trong điều kiện bình thường thì Hải quan thực hiện giám sát bằng các biện pháp a, b, d. Trong trường hợp xét thấy cần thiết thì Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quyết định giám sát bằng biện pháp c. Riêng giám sát cổng cảng phải thực hiện bằng biện pháp c.
3. Nhiệm vụ của Hải quan trong công tác kiểm soát, giám sát kho, bãi, tầu:
a) Làm thủ tục cho tầu xuất cảnh, nhập cảnh, chuyển cảng, quá cảnh.
b) Làm thủ tục hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu.
c) Niêm phong hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu xếp chung vào công-ten-nơ tại cảng.
d) Giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu xếp dỡ và lưu giữ tại kho, bãi cảng.
đ) Thực hiện quản lý hải quan đối với cửa hàng miễn thuế, hàng cung ứng cho tầu và hành lý, hàng hoá của thuyền viên.
e) Tuần tra, kiểm soát cơ động trong khu vực cảng.
g) Tiếp nhận, xử lý các báo cáo của doanh nghiệp cảng về tình hình, số liệu hàng hoá xuất nhập khẩu quy định tại điểm 5.3, phần I trên đây;
h) Ngoài các công việc được quy định trên, đối với lô hàng xuất khẩu chuyển cửa khẩu, thực hiện thêm các công việc sau:
Ký, đóng dấu xác nhận thực xuất vào ô 27 tờ khai hải quan (đối với trường hợp lô hàng chưa được Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu xác nhận thực xuất) và trả ngay cho chủ hàng;
Tiếp nhận Biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu hoặc Hải quan cảng khác chuyển đến, xác nhận Biên bản bàn giao và chuyển trả lại cho các đơn vị đó.
4. Nhiệm vụ của Hải quan trong công tác giám sát cổng cảng:
4.1. Đối với hàng hoá đưa vào cảng để xuất khẩu:
4.1.1. Trường hợp hàng hoá đã được làm xong thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:
a) Chủ hàng hoặc người đại diện phải xuất trình:
- Tờ khai hải quan (đã làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu): Bản chủ hàng lưu.
- Biên bản bàn giao của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.
b) Nhiệm vụ của công chức Hải quan:
- Tiếp nhận tờ khai hải quan, biên bản bàn giao.
- Kiểm tra số, ký hiệu công-ten-nơ/kiện, tình trạng bên ngoài, niêm phong hải quan.
- Nhập máy vi tính hoặc vào sổ theo dõi.
4.1.2. Trường hợp hàng hoá được Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu quyết định kiểm tra thực tế nhưng hàng hoá chưa được kiểm tra:
a) Chủ hàng phải xuất trình:
- Tờ khai hải quan đã đăng ký.
- Biên bản bàn giao.
b) Trách nhiệm của Hải quan giám sát cổng cảng:
Kiểm tra các chứng từ trên và giám sát đưa hàng vào cảng hoặc kiểm hoá viên kiểm tra và niêm phong hàng (đối với trường hợp hàng hoá phải kiểm tra).
4.2. Đối với hàng hoá nhập khẩu ra khỏi cảng:
a) Chủ hàng hoặc người đại diện phải xuất trình:
- Biên bản bàn giao (đối với hàng hoá chuyển cửa khẩu, hàng hoá kiểm tra ngoài cửa khẩu).
- Tờ khai hải quan đã đóng dấu "Đã làm thủ tục hải quan" tại tờ khai nhập khẩu (đối với hàng hoá đã làm thủ tục hải quan).
b) Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan:
- Kiểm tra Tờ khai hải quan, biên bản bàn giao.
- Kiểm tra số, kí hiệu công-ten-nơ/ kiện, tình trạng bên ngoài, niêm phong hải quan.
B. QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI CẢNG CHUYÊN DÙNG
I. QUI ĐỊNH CHUNG:
1. Cảng chuyên dùng (do Cục Hàng hải hoặc Bộ Giao thông vận tải có Quyết định công bố) là cảng riêng của Doanh nghiệp để chuyên xuất khẩu, nhập khẩu 01 loại mặt hàng nhất định của chính Doanh nghiệp đó. Về mặt thủ tục hải quan, cảng chuyên dùng (dưới đây gọi là Cảng) được coi là địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh ở sông, vịnh hoặc ở ngoài khơi (đối với cầu cảng, phân cảng không bến thuộc các mỏ khai thác dầu khí trên biển).
2. Hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua Cảng phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan và các văn bản pháp luật có liên quan.
3. Địa điểm làm thủ tục hải quan cho phương tiện xuất nhập cảnh là tại Cảng.
4. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho Chi cục Hải quan nơi gần Cảng nhất (dưới đây gọi tắt là Chi cục Hải quan) thực hiện việc làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua Cảng và kiểm soát, giám sát khu vực Cảng trong thời gian tầu neo đậu để xếp, dỡ hàng hoá tại Cảng .
5. Công chức Hải quan chỉ tiến hành các hoạt động nghiệp vụ trên tại Cảng từ khi có tầu vào Cảng để xếp, dỡ hàng hoá cho đến khi tầu rời khỏi Cảng.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CHI CỤC HẢI QUAN:
1. Làm thủ tục hải quan cho phương tiện xuất nhập cảnh tại Cảng theo đúng quy định về thủ tục hải quan đối với tầu biển xuất nhập cảnh.
2. Làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại Cảng theo đúng quy định về thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Về công tác giám sát, kiểm soát tại Cảng:
Trong thời gian có hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cảng, Chi cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tuần tra khu vực Cảng nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống buôn lậu hoặc vận chuyển hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu trái phép.
Khi không có hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cảng thì Hải quan không thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại Cảng.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP CÓ CẢNG:
1. Thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan biết trước ít nhất 24 giờ về lịch trình cụ thể tầu ra, vào Cảng; địa điểm neo đậu tầu; thời gian xếp dỡ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Doanh nghiệp Cảng chịu trách nhiệm trước Pháp luật nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc làm thủ tục nhập cảnh cho tầu và tình trạng buôn lậu do không thông báo cho cơ quan hải quan đúng thời hạn quy định.
2. Tạo điều kiện thuận lợi để Hải quan ra vào Cảng, làm việc tại Cảng và thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác nhằm bảo đảm chức năng quản lý nhà nước về Hải quan theo quy định của Pháp luật.
3. Chấp hành đầy đủ các quy định của Pháp luật về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.
4. Chịu trách nhiệm trước Pháp luật về những hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu trái phép trong thời gian tầu neo đậu, làm hàng, di chuyển tại khu vực cảng./.