Are You suprised ?QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Về việc ban hành bản quy định tạm thời về quản lý, khai thác và bảo vệ
tài nguyên môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Pháp lệnh Du lịch ngày 01/5/1999;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh ngày 04/4/1994;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993;
Xét đề nghị của Giám đốc các Sở: Thương mại và Du lịch, Văn hoá - Thông tin, Khoa học-CN và MT, Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1
. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường Du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Thương mại và Du lịch, Văn hoá Thông tin, Công an tỉnh, Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Tư pháp; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các Ban, Ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG
DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số : QĐ-UB/TM
ngày tháng 12 năm 2000 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tài nguyên du lịch được nói trong Quy định này là các cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam - thắng cảnh và các công trình khác có giá trị do con người tạo nên được sử dụng cho các hoạt động nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch.
Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư vào các khu, điểm du lịch để khai thác tài nguyên du lịch, kinh doanh du lịch.
Điều 3. Mọi hoạt động khai thác tài nguyên du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch, tham quan du lịch và các hoạt động khác của mọi tổ chức, cá nhân tại các khu, điểm du lịch phải bảo đảm giữ gìn cảnh quan tự nhiên, danh lam - thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá, bảo vệ tài nguyên môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chương II
KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH
Điều 4. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch mới được phép khai thác các tài nguyên du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch theo nội dung ghi trong giấy phép, hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD).
Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với các ngành hữu quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong việc hướng dẫn các xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp được giao quyền quản lý, khai thác du lịch bố trí địa điểm kinh doanh dịch vụ - du lịch cho các tổ chức, cá nhân nói tại điều này.
Điều 5. Về tham quan du lịch:
Chỉ có tổ chức, cá nhân quản lý tài nguyên du lịch tại các khu, điểm du lịch mới được bán vé tham quan du lịch do Cục Thuế phát hành. Việc quản lý, sử dụng khoản tiền bán vé phải theo quy định của Nhà nước.
Điều 6. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi sau:
a) Thu phí, lệ phí trái quy định của Nhà nước hoặc đòi hỏi khách trả các khoản tiền ngoài quy định của tỉnh dưới bất kỳ hình thức nào.
b) Làm hư hại tài sản của khách du lịch, gian lận khi mua bán, trao đổi hàng hoá với khách du lịch.
c) Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng của khách để thu lợi bất chính.
d)
Ép buộc khách mua hàng hoá, các ấn phẩm văn hoá hoặc các dịch vụ khác như : tự ý chụp ảnh, vận chuyển hành lý... khi không được sự đồng ý của khách du lịch.đ) Chở khách tham quan không hết tuyến du lịch theo quy định khi không được sự đồng ý của khách.
e) Hướng dẫn, thuyết minh cho khách du lịch về danh lam - thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 7 dưới đây.
Điều 7. Người hướng dẫn Du lịch:
a) Hướng dẫn viên du lịch thuộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ - du lịch có thẻ do Tổng cục Du lịch cấp.
b) Cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng được ngành Văn hoá-Thông tin giao trách nhiệm hướng dẫn, thuyết minh cho khách du lịch về các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam-thắng cảnh.
c) Người có trình độ hiểu biết về văn hoá, lịch sử tại các khu, điểm du lịch được Sở Thương mại và Du lịch, Sở Văn hoá-Thông tin thống nhất cấp thẻ cộng tác viên để hướng dẫn khách tham quan.
Điều 8. Khách du lịch khi đến tham quan tại các khu, điểm du lịch được hưởng đầy đủ quyền lợi dành cho khách du lịch và có nghĩa vụ thực hiện nội quy của khu, điểm du lịch và các quy định tại bản quy định này.
Điều 9. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chụp ảnh phục vụ khách du lịch phải có giấy chứng nhận ĐKKD do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.
Điều 10. Vận chuyển khách du lịch:
a) Các phương tiện vận chuyển khách du lịch phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định của ngành Giao thông Vận tải và có độ thẩm mỹ cao.
b) Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ-du lịch chỉ ký hợp đồng vận tải khách du lịch với tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận ĐKKD vận chuyển khách. Riêng các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế chỉ ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch quốc tế.
Điều 11. Việc xây dựng nhà ở và các công trình khác phục vụ khách du lịch phải tuân thủ pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử-văn hoá, danh lam-thắng cảnh, quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết khu, điểm du lịch.
Điều 12. Mọi tổ chức kinh doanh dịch vụ tại các khu, điểm du lịch phải có ý thức bảo vệ môi sinh, môi trường, giữ gìn vệ sinh chung.
Điều 13. Nghiêm cấm các hành vi:
a) Khai thác đất, đá, cát, chặt cây lấy gỗ, củi tại các khu, điểm du lịch.
b) Thải rác xuống các dòng sông, suối, ao, hồ và các nơi khác tại các khu, điểm du lịch; nước thải chưa được xử lý ra các bãi tắm.
c) Phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh chung.
d) Săn bắt chim, thú rừng, các loại động vật quý hiếm và đánh bắt cá bằng thuốc nổ, điện hoặc các phương pháp gây ô nhiễm tới môi trường sinh thái tại các khu, điểm du lịch.
e) Đốt lửa tại các khu vực cấm lửa.
g) Đưa các phương tiện giao thông, máy móc cũ nát, gây tiếng ồn và thải khói bụi quá giới hạn cho phép vào các khu, điểm du lịch.
Chương III
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH
Điều 14. Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý toàn bộ hoạt động lập quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; thành lập khu, điểm du lịch; giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về du lịch trong toàn tỉnh.
Điều 15. Sở Thương mại và Du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ trì phối hợp với các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý các hoạt động về Du lịch trong toàn tỉnh.
Điều 16. Ngành Văn hoá Thong tin phối hợp với các ngành hữu quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo và trùng tu các di tích lịch sử-văn hoá, danh lam-thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng.
Điều 17. Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn mọi tổ chức, cá nhân tại các khu, điểm du lịch có gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện đăng ký kê khai hoặc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, để cơ quan quản lý môi trường địa phương thẩm định và cấp giấy phép môi trường.
Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các huyện, thị xã:
a) Có kế hoạch phát triển kinh tế du lịch tại những nơi có tài nguyên du lịch.
b) Bảo vệ quy hoạch du lịch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
c) Bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu du lịch.
d) Đình chỉ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động, quản lý, khai thác bảo vệ tài nguyên du lịch trên địa bàn đơn vị quản lý.
đ) Sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch; cấp giấy phép kinh doanh theo thẩm quyền cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
e) Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch và xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm.
Điều 19. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm bảo vệ trật tự trị an để khách du lịch tham quan thuận lợi; Quản lý, sắp xếp các hộ kinh doanh tại các khu, điểm du lịch thuộc địa phương mình theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền; kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 20. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên môi trường ở các khu du lịch được xét khen thưởng. Mọi hành vi vi phạm tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Khi có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều ngành, nhiều cấp thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết; Trường hợp vượt quá thẩm quyền của mình mới chuyển hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền cao hơn giải quyết.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Giám đốc các Sở : Thương mại - Du lịch, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Văn hoá Thông tin, Công an tỉnh, Thủ trưởng các ngành hữu quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ của mình thường xuyên tự kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra tình hình quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm đó.
Điều 23. Điều khoản thi hành:
Sở Thương mại và Du lịch và các Sở, Ngành, chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn chi tiết những quy định trong văn bản này. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện có những vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh thì Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết./.