Văn bản pháp luật: Quyết định 61/2003/QĐ-UB

 
Ninh Thuận
STP tỉnh Ninh Thuận;
Quyết định 61/2003/QĐ-UB
Quyết định
20/05/2003
20/05/2003

Tóm tắt nội dung

Về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007

 
2.003
 

Toàn văn

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm1994 (sửa đổi);

Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17-01-2003 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TU ngày 02-8-2002 của Tỉnh ủy Ninh Thuận, về việc tăng cường lãnh đạo công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Thuận tại Tờ trình số 08/TTr-STP ngày 08-5-2003.


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; Sở Tư pháp cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các đơn vị thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỪ 2003 ĐẾN NĂM 2007

(Kèm theo Quyết định số 61/2003/QĐ-UB ngày 20-5-2003 của UBND tỉnh Ninh Thuận)

A - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT.

I - Mục đích:

1. Phổ biến kịp thời những nội dung cơ bản của pháp luật liên quan đến cuộc sống, đến các tầng lớp nhân dân để công dân hiểu, tự giác chấp hành; bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.

2. Tăng cường và đổi mới hình thức phổ biến giáo dục pháp luật tạo điều kiện cho công dân tìm hiểu nâng cao trình độ dân trí pháp lý, văn hóa pháp lý trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức kỷ cương trong bộ máy nhà nước, trong xã hội, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội; đẩy lùi vi phạm pháp luật góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của tỉnh.

3. Nâng cao trách nhiệm cộng đồng của các cấp, các ngành trong tổ chức triển khai trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

II - Yêu cầu:

1. Kế thừa kết quả đảm bảo tính liên tục việc thực hiện các nội dung, hình thức biện pháp đã đề ra trong kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 ban hành kèm theo Quyết định số 2939/1998/QĐ-UB ngày 12-12-1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Thực hiện phổ biến pháp luật liên tục, thường xuyên, sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân. Nội dung phổ biến phải phù hợp đối tượng, địa bàn, thời điểm thiết thực.

2. Hình thức giáo dục phổ biến giáo dục pháp luật phong phú, phù hợp, hiệu quả đảm bảo tính khả thi; kết hợp phổ biến pháp luật ở diện rộng và điểm với hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải giải quyết tranh chấp nhỏ, giải quyết khiếu nại tố cáo; xử lý vi phạm hành chính v.v... từng vụ việc cụ thể; qua đó hiệu quả công tác tuyên truyền có sức lan tỏa rộng trong nhân dân.

3. Gắn việc phổ biến giáo dục pháp luật với chương trình phát triển kinh tế xã hội địa phương bằng các hình thức phù hợp (lồng ghép nội dung chương trình với quy định cụ thể của pháp luật). Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; hoạt động xây dựng văn bản pháp luật, thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương.

B - ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT.

I - ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT.

1. Phổ biến giáo dục pháp luật trong tầng lớp nhân dân.

a) Nội dung phổ biến chung trong các tầng lớp nhân dân:

Tiếp tục phổ biến sâu rộng nội dung các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân như Luật Đất đai, Luật Dân sự, Hình sự, Hành chính, Khiếu nại - Tố cáo, An toàn giao thông, Bảo vệ và phát triển rừng, Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hôn nhân và Gia đình, các quy định về thực hiện quyền dân chủ v.v... phù hợp từng địa bàn, đối tượng, thời điểm làm cho nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện đúng quy định của pháp luật.

b) Nội dung phổ biến cho một số đối tượng cụ thể:

Đối với nông dân: Tập trung phổ biến nội dung thực hiện quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất; quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất; giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất v.v... được quy định trong các văn bản pháp luật về đất đai và Bộ luật Dân sự.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Tập trung phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về: Bảo vệ và Phát triển rừng; săn bắt thú rừng (thuộc danh mục cấm). Trình tự thủ tục giao đất rừng, giao khoán rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (các quy định của Trung ương và địa phương).

Đối với phụ nữ: Tập trung phổ biến các quy định về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ thuộc các lĩnh vực Hôn nhân và Gia đình, bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em; quyền bình đẳng nam nữ trong hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và gia đình (Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001); Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991; Bộ luật Lao động năm 1994; và sửa đổi năm 2002 v.v...).

2. Phổ biến giáo dục pháp luật trong cán bộ công chức:

a) Nội dung chung cho cán bộ công chức: Phổ biến quán triệt và học tập các quy định của pháp luật về cán bộ công chức; Pháp lệnh cán bộ công chức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; Nghị định của Chính phủ về quy chế dân chủ ở cơ quan đơn vị năm 1998 và các văn bản liên quan, các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định pháp luật chuyên ngành gắn chuyên môn nghiệp vụ của từng cán bộ công chức thuộc từng ngành, cụ thể (mỗi ngành có Luật, Nghị định, quy định riêng).

b) Nội dung phổ biến cho một số đối tượng cụ thể:

Đối với cán bộ công chức các cơ quan quản lý kinh tế: Phổ biến các quy định của pháp luâït chuyên ngành, pháp luật về tài chính, kinh tế, thương mại đầu tư hội nhập kinh tế quốc tế; điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động chuyên môn (Luật Thương mại, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Bộ luật Lao động...).

Đối với cán bộ công chức cơ quan quản lý văn hóa xã hội: Phổ biến các quy định pháp luật chuyên ngành về phòng chống tệ nạn xã hội, phát huy truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Luật Xuất bản; Luật Báo chí; Luật Di sản văn hóa; Pháp lệnh thư viện và các văn bản có liên quan.

Đối với cán bộ công chức cơ quan bảo vệ pháp luật: Phổ biến các quy định pháp luật chuyên ngành, quy trình thủ tục quy tắc khi thi hành công vụ, quy định về bảo vệ quyền tự do dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo; quy chế tiếp công dân; các thông tin về thi hành chấp hành pháp luật; Bộ luật Hình sự; Tố tụng hình sự; Luật Khiếu nại tố cáo và các Nghị định của Chính phủ, các quy định có liên quan về quy chế tiếp dân; phát huy quyền dân chủ ở cơ sở v.v...

Đối với cán bộ chính quyền cơ sở: phổ biến các quy định trình tự thủ tục liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm chính quyền cơ sở; quy định của pháp luật về đảm bảo các quyền tự do dân chủ quyền lợi ích hợp pháp của công dân trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy chế tiếp công dân; quy chế dân chủ cơ sở, các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; Luật Tổ chức HĐND và UBND; Luật Khiếu nại - Tố cáo; Nghị định của Chính phủ về quy chế tiếp công dân; quy chế dân chủ ở cơ sở, các văn bản pháp luật về đất đai, nhà ở v.v...

3. Phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên:

Phổ biến nội dung quy định của pháp luật gắn trực tiếp cuộc sống học tập của các em; quyền cơ bản và bổn phận của các em; pháp luật về giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, nghĩa vụ quân sự: Luật Giáo dục, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy, Bộ luật Hình sự, Luật Nghĩa vụ quân sự và các quy định có liên quan v.v...

4. Phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động, người quản lý và cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp:

a) Đối với người lao động: Phổ biến pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động; Bộ luật Lao động và các quy định có liên quan (nghị định, quyết định...).

b) Đối với người quản lý: Phổ biến các quy định, trình tự thủ tục cần thiết cho hoạt động kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, pháp luật về tài chính, ngân hàng, thương mại, công đoàn, hợp tác đầu tư, chủ trương chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế: Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Lao động, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Thương mại, Luật Ngân sách, Luật Công đoàn, Luật Phá sản doanh nghiệp v.v...

c) Đối với cán bộ công đoàn: Phổ biến quy định về quyền và nghĩa vụ của công đoàn về ký thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, các quy định của pháp luật công đoàn, đình công: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật có liên quan v.v...

5. Phổ biến giáo dục pháp luật trong lực lượng vũ trang nhân dân:

a) Trong quân đội và quốc phòng:

Đối với sĩ quan cần nắm vững những vấn đề cơ bản lý luận về Nhà nước và pháp luật; các văn bản pháp luật về quốc phòng an ninh liên quan đến vị trí công tác đang đảm nhiệm: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Pháp lệnh Bộ đội biên phòng; Pháp lệnh dự bị động viên, Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng...

Đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng cần nắm vững quy định của pháp luật thuộc chuyên ngành đảm nhiệm, pháp luật về kinh tế lao động, cán bộ công chức: Luật Ngân sách, Pháp lệnh cán bộ công chức, pháp lệnh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm v.v...

Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ, lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên cần phổ biến các quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, các quy định thuộc lĩnh vực quốc phòng có liên quan; pháp luật về giao thông, phòng cháy chữa cháy: Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh dân quân tự vệ, Pháp lệnh dự bị động viên, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Phòng chống ma túy...

b) Trong lực lượng công an:

Đối với cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, xuất nhập cảnh, điều tra cần nắm vững các quy định liên quan đến công tác nhất là các văn bản chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn; trình tự thủ tục thanh tra điều tra, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo tiếp công dân, xuất cảnh nhập cảnh, trật tự an toàn xã hội; Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát nhân dân, Pháp lệnh xuất nhập cảnh, Bộ luật Tố tụng hình sự v.v...

II – CÁC HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG.

Căn cứ vào đối tượng giáo dục pháp luật và điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương việc phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện bằng các hình thức biện pháp chủ yếu sau:

1. Củng cố, mở rộng lực lượng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở các Sở ban ngành, đoàn thể ở tỉnh và huyện, thị xã; đội ngũ tuyên truyền viên ở xã phường, thị trấn. Tiếp tục củng cố đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở theo Quyết định số 56/2000/QĐ-UB ngày 28-11-2000 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế tuyên truyền viên pháp luật cơ sở.

Kiện toàn tổ hòa giải các thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư theo Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nâng cao vai trò của tổ viên tổ hòa giải trong việc tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Đưa nội dung phổ biến pháp luật và vận động chấp hành pháp luật vào hoạt động của thanh niên qua mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm; dạ hội, hội thi v.v...

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp trong việc phổ biến pháp luật cho người lao động.

Định kỳ hàng năm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật và cấp tài liệu cần thiết cho lực lượng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật (báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tổ viên tổ hòa giải, cán bộ quản lý tủ sách pháp luật...).

2. Duy trì và phát triển các hình thức thông tin, phổ biến pháp luật đa dạng thuận tiện đáp ứng nhu cầu của đối tượng.

Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng Báo Ninh Thuận, Bản tin Tư pháp, tập san các ngành, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh huyện thị, xã phường phổ biến thông tin pháp luật đến đông đảo cán bộ và nhân dân theo hướng tăng số chuyên trang trên báo, tạp chí, thời lượng phát sóng trên Đài Phát thanh truyền hình, tập trung giới thiệu gương người tốt việc tốt trong chấp hàng pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm hướng dẫn mọi người tự giác chấp hành pháp luật.

Hoàn thiện tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước, trường học, tăng số lượng sách hàng năm, nâng cao hiệu quả quản lý, hướng dẫn khai thác tủ sách pháp luật ở điểm Bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật Bộ đội biên phòng, túi sách pháp luật ở thôn, bản, cụm dân cư. Từng bước mở rộng phòng đọc tủ sách pháp luật bảo đảm lưu giữ an toàn, đủ điều kiện cho mọi người đến tìm hiểu.

Biên soạn, chuyển thể nội dung pháp luật bằng các hình thức phù hợp (đề cương, tài liệu, kịch bản, sân khấu tiến đến dịch sang tiếng dân tộc...) để phổ biến rộng đến nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn đông dân cư.

Định kỳ bồi dưỡng nghiệp vụ và nội dung văn bản pháp luật đến các đối tượng (cán bộ nhân dân) một cách kịp thời, phù hợp.

Tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật; giao lưu sinh hoạt văn hóa văn nghệ lồng ghép nội dung pháp luật thiết thực.

Đưa nội dung pháp luật vào sinh hoạt ở câu lạc bộ phòng chống tội phạm; sinh hoạt đoàn thể nghề nghiệp.

Từng bước thực hiện khai thác các văn bản pháp luật cập nhật lưu trữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ, mạng Internet; thực hiện chương trình giải đáp pháp luật qua mạng đối thoại.

3. Nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong nhà trường ở các lớp học, bậc học.

Thực hiện chương trình giáo dục chính khóa và tăng cường các hoạt động ngoại khóa bằng các hình thức phù hợp để học sinh, sinh viên tìm hiểu hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật.

Trang bị đủ sách giáo khoa, giáo trình tài liệu tham khảo, giáo vụ trực quan các phương tiện dạy và học pháp luật trong các trường học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Mở rộng nâng cao chất lượng các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.

Tăng cường các hình thức trợ giúp pháp lý lưu động cho các đối tượng được hưởng theo quy định đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nông thôn, miền núi.

Phát triển các loại hình pháp lý tư vấn pháp luật ở các tổ chức chính trị xã hội (Nông dân, Liên đoàn lao động tỉnh...) để trợ giúp pháp lý cho thành viên hội viên.

Triển khai tư vấn pháp luật trong các doanh nghiệp.

5. Tổ chức phát động các đợt cao điểm tập trung tuyên truyền, phổ biến vận động chấp hành pháp luật theo từng lĩnh vực nội dung cụ thể:

Phục vụ bầu cử đại biểu HĐND các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội, tuyển quân hàng năm, phòng chống HIV và tệ nạn xã hội v.v... đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị xã hội của tỉnh.

C – TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Trên cơ sở kế hoạch thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật này và tình hình thực tế, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm để triển khai thực hiện ở đơn vị mình; chú trọng tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật thuộc ngành, cơ quan đơn vị có trách nhiệm thực hiện. Báo cáo viên pháp luật giúp lãnh đạo cơ quan theo dõi triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo quy định của Nhà nước.

6 tháng, 1 năm tiến hành kiểm tra sơ kết, tổng kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở ngành, đơn vị mình: và gởi báo cáo kết quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật về Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

2. Trách nhiệm cụ thể của các Sở ban ngành và UBND các huyện thị:

a) Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh).

Chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc theo dõi các cấp, các Sở ban ngành, đoàn thể triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật; định kỳ báo cáo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; UBND tỉnh về tiến độ, kết quả thực hiện và đề xuất các biện pháp thực hiện kế hoạch này.

Hàng năm giúp Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể về phổ biến giáo dục pháp luật năm. Tổ chức tổng kết năm, sơ kết 2 năm, tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17-01-2003 và kế hoạch này của tỉnh; thực hiện chế độ biểu dương khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật.

Hướng dẫn kiện toàn tổ chức và bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ làm công tác tuyên truyền viên pháp luật (báo cáo viên pháp luật tỉnh, tuyên truyền viên pháp luật cấp huyện và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở xã, phường, thị trấn).

Phối hợp các ngành soạn đề cương, xây dựng tiểu phẩm, kịch bản, phiên dịch tài liệu sang tiếng dân tộc nhằm chuyển tải nội dung pháp luật nhanh hiệu quả đến cán bộ nhân dân thuộc mọi đối tượng; đảm bảo cung cấp tài liệu tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật.

Hướng dẫn tổ chức kiểm tra việc xây dựng, quản lý khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Tư pháp tham mưu giúp UBND huyện, thị xã (Hội đồng PBGDPL huyện) xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm và tổ chức thực hiện trên địa bàn; thực hiện tốt vai trò đầu mối trong phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Xúc tiến xây dựng đề án thành lập quỹ phổ biến giáo dục pháp luật từ các nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhận trong tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương trình UBND tỉnh ban hành.

b) Báo Ninh Thuận, Sở Văn hóa – Thông tin:

Củng cố, phát triển đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết đưa tin về pháp luật, phối hợp Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền pháp luật trên báo, tranh áp phích, truyền thanh.

Tăng đầu sách pháp luật trong các thư viện, phát triển hệ thống truyền thanh ở huyện, thị xã, xã phường, thị trấn.

Hướng dẫn cơ quan văn hóa cấp huyện phối hợp Phòng Tư pháp đưa nội dung pháp luật vào hoạt động ở các đội văn hóa thông tin lưu động cơ sở.

c) Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh:

Phối hợp với các cơ quan đoàn thể tổ chức giới thiệu nội dung pháp luật thường xuyên qua chương trình: Nhà nước pháp luật, hộp thư bạn xem truyền hình, phóng sự, phỏng vấn, kịch bản chuyển tải nội dung pháp luật đến nhân dân.

d) Sở Giáo dục – Đào tạo:

Chỉ đạo, hướng dẫn công tác dạy pháp luật, kiểm tra đánh giá việc dạy và học môn giáo dục công dân, pháp luật trong nhà trường.

Định kỳ hàng năm tập huấn kiến thức pháp luật, phương pháp dạy pháp luật cho đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh về kiến thức pháp luật cần thiết.

đ) Sở Tài chính – Vật giá:

Hướng dẫn các Sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện thị lập dự toán kinh phí và sử dụng kinh phí tuyên truyền hàng năm.

3. Ủy ban nhân dân các cấp:

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm gắn yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cùng cấp hoạt động đạt hiệu quả cao.

Kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương (cơ quan Tư pháp, tổ chức hòa giải ở cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên...) bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp tài liệu tuyên truyền pháp luật cho cán bộ làm công tác này kịp thời.

Chỉ đạo xây dựng, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tủ sách pháp luật phục vụ tuyên truyền pháp luật ở cơ sở.

Hàng năm bảo đảm kinh phí từ ngân sách thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương theo quy định.

Định kỳ hàng năm sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Cấp ủy Đảng.

Trong quá trình triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật các Sở ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp ở tỉnh; UBND các cấp căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TU ngày 02-8-2002 của Tỉnh ủy Ninh Thuận "V/v tăng cường sự lãnh đạo công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới" để phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức khác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức đó tham gia tích cực vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành pháp luật.


Nguồn: vbpl.vn/ninhthuan/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=18894&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận