1. Tác giả và đối tượng của quyền tác giả:
a. Tác giả:
Tác giả của một tác phẩm là người trực tiếp sáng tác ra tác phẩm đó. Ngoài ra, những người làm công tác dịch thuật, phóng tác, chuyển thể, dịch từ Hán Nôm ra chữ quốc ngữ, sưu tầm, làm tuyển tập có tính sáng tạo đều được coi là tác giả.
Để được công nhận là tác giả, khi tác phẩm được công bố, tác giả phải đề tên thật hoặc bút danh.
b. Đối tượng của quyền tác giả:
Quyền tác giả áp dụng đối với tất cả các tác phẩm công trình văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật nêu trong Nghị định, nay được nói rõ thêm: chỉ có những tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa mới là đối tượng của quyền tác giả.
Về các loại tác phẩm, nay nói rõ thêm:
- Các tác phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật viết, gồm các loại nói (báo cáo), viết hoặc in: các thể loại truyện, tuỳ bút, phóng sự, bút ký, thơ ca, dịch phóng tác, chuyển thể, toàn tập, tuyển tập, sưu tầm, nghiên cứu, công trình nghiên cứu và triển khai, các loại từ điển, sách giáo khoa, kịch bản sân khấu, kịch bản văn học, điện ảnh; các bản đề cương, đề án thiết kế; các văn kiện của Đảng và Nhà nước v.v...
- Các bộ phim truyện, phim tài liệu khoa học, phim hoạt hình, phim đèn chiếu, các tác phẩm của vô tuyến truyền hình, băng ghi hình.
- Các tác phẩm kiến trúc, gồm các đề án thiết kế nhà cửa, quảng trường, công viên, đường phố, cầu cống v.v...
- Những văn kiện sau đây không phải là đối tượng của quyền tác giả: các quyết định, thông báo của toà án, cơ quan Nhà nước; các bản tin báo chí và thông tin các sự kiện thời sự, các bức ảnh thời sự không có tên tác giả, kể cả tác giả tập thể.
2. Quyền tác giả:
Quyền tác giả là một quyền lợi của cá nhân trong chế độ xã hội chủ nghĩa, do đó mọi quyền lợi chính đáng của tác giả được Nhà nước bảo hộ. Những quyền cơ bản của tác giả nêu trong Nghị định được nói rõ thêm như sau:
- Về quyền cho hoặc không cho người khác sửa chữa tác phẩm, công trình của mình. Chỉ có tác giả mới cho phép người khác sửa chữa nội dung của tác phẩm.
Chỉ có tác giả mới cho phép người khác phóng tác, chuyển thể hoặc dịch tác phẩm của mình.
- Điểm 3 Điều 3 nói về tác phẩm, công trình của tác giả Việt Nam lần đầu tiên được công bố ở nước ngoài, được giải thích như sau: Những công dân Việt Nam công tác, học tập ở nước ngoài, trong thời gian ở nước ngoài đã sáng tác các tác phẩm, công trình về đề tài Việt Nam hoặc đề tài khác được nước đang công tác, học tập sử dụng thì tác giả được hưởng quyền tác giả. Trường hợp báo cáo, tạp chí, nhà xuất bản nước ngoài đặt các tác giả Việt Nam ở trong nước sáng tác tác phẩm, công trình và được sử dụng, thì tác giả đó được bảo hộ quyền tác giả. Đối với người nước ngoài đang công tác và học tập tại Việt Nam, nếu có tác phẩm, công trình lần đầu tiên được công bố ở Việt Nam, cơ quan bảo hộ quyền tác giả của Việt Nam bảo hộ quyền tác giả cho họ như đối với tác giả Việt Nam.
- Việc các tổ chức của Việt Nam sử dụng những tác phẩm đã được công bố của nước ngoài và các tổ chức của nước ngoài sử dụng những tác phẩm đã được công bố ở Việt Nam đều không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả cho đến khi nào Việt Nam tham gia hiệp ước quốc tế về quyền tác giả hoặc ký kết những hiệp định đôi bên về quyền tác giả.
3. Về công bố và sử dụng tác phẩm:
Cơ quan bảo hộ quyền tác giả có trách nhiệm bảo hộ đối với tất cả các tác phẩm đã công bố và cả đối với các tác phẩm, công trình đã hoàn thành mà tác giả chưa công bố, kể cả các bản đồ án, đề cương cũng được bảo hộ.
Nếu tác giả không đăng ký tác phẩm của mình với cơ quan bảo hộ quyền tác giả, thì việc bảo hộ sẽ không thực hiện được.