Văn bản pháp luật: Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL

Hoàng Tuấn Anh
Toàn quốc
Công báo số 455+456, năm 2011
Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL
Thông tư
01/09/2011
14/07/2011

Tóm tắt nội dung

Quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh

Bộ trưởng
2.011
 

Toàn văn

THÔNG TƯ

Quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh

____________________________

 

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) cấp tỉnh, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích (sau đây gọi chung là hồ sơ khoa học di tích).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Chủ sở hữu di tích là tổ chức, cá nhân có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với di tích theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích là tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu di tích giao quyền quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật.

3. Người đại diện tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích là người đại diện hợp pháp cho chủ sở hữu di tích hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự để thực hiện quyền sở hữu hoặc quản lý di tích theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Đối tượng lập hồ sơ khoa học di tích

Công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên thuộc danh mục kiểm kê di tích của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa có đủ tiêu chí quy định tại Điều 28 Luật di sản văn hóa được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

Điều 4. Hồ sơ khoa học di tích và việc lưu trữ hồ sơ

1. Hồ sơ khoa học di tích phải có đầy đủ thành phần theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.

2. Hồ sơ khoa học di tích được lưu trữ tại tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa (đối với di tích xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt).

3. Khuyến khích việc định dạng tài liệu điện tử đối với các thành phần của Hồ sơ khoa học di tích để lưu trữ cùng hồ sơ được thực hiện theo hình thức, quy cách quy định tại Chương II Thông tư này.

Chương II

NỘI DUNG HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH

Điều 5. Đơn đề nghị xếp hạng di tích

Đơn đề nghị xếp hạng di tích là văn bản của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích gửi Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xếp hạng, đề nghị xếp hạng di tích theo thẩm quyền (Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này).

Điều 6. Lý lịch di tích

Lý lịch di tích phải kê khai đầy đủ các nội dung sau đây:

1. Tên gọi di tích:

a) Tên gọi di tích được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích;

b) Các tên gọi khác của di tích (nếu có) và nguồn gốc tên gọi đó.

2. Địa điểm và đường đi đến di tích:

a) Địa điểm di tích: ghi đầy đủ tên gọi cũ và tên gọi mới của địa phương có di tích, gồm số nhà, đường phố, xóm, làng, xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) và nêu rõ nguyên nhân của việc đổi tên qua các thời kỳ;

b) Đường đi đến di tích: ghi rõ khoảng cách từ trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có di tích đến di tích và chỉ dẫn cụ thể đường đến di tích bằng các phương tiện giao thông.

3. Phân loại di tích:

Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích để phân loại di tích theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010.

Trường hợp di tích chứa đựng nhiều loại giá trị thì phân loại theo các loại giá trị đó, bắt đầu từ giá trị tiêu biểu nhất (ví dụ: di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh).

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích:

a) Đối với di tích lịch sử: trình bày sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích; tổng thuật các kết quả nghiên cứu đã có và nêu rõ cơ sở khoa học, nhận định của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích về sự kiện, nhân vật lịch sử đó;

b) Đối với di tích kiến trúc nghệ thuật: trình bày tóm tắt về sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích (nếu có), quá trình xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích; tổng thuật các kết quả nghiên cứu đã có và nêu rõ cơ sở khoa học, nhận định của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích về quá trình xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích;

c) Đối với di tích khảo cổ: tổng thuật quá trình phát hiện, khai quật di tích, các kết quả nghiên cứu đã có và nêu rõ cơ sở khoa học, nhận định của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích về niên đại, chủ nhân, đặc trưng, tính chất của di tích đó;

d) Đối với danh lam thắng cảnh: trình bày tóm tắt sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến danh lam thắng cảnh (nếu có), nêu các đặc điểm của danh lam thắng cảnh về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc những dấu vết vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất.

5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích:

Miêu tả chi tiết lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khác liên quan đến di tích; tổng thuật các kết quả nghiên cứu trước đó và đề xuất nhận định của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích về đặc điểm, giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích.

6. Khảo tả di tích:

a) Giới thiệu khái quát về phạm vi, quy mô, bố cục mặt bằng tổng thể của di tích, cảnh quan môi trường khu vực di tích; đánh giá khái quát hiện trạng kỹ thuật của di tích, nêu rõ mức độ hư hại, xuống cấp của di tích, tình trạng vi phạm di tích (nếu có).

b) Giới thiệu cụ thể đối với từng loại di tích:

Đối với di tích lịch sử: miêu tả chi tiết công trình xây dựng, di vật và vết tích còn lại liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử gắn với di tích;

Đối với di tích kiến trúc nghệ thuật: miêu tả chi tiết kỹ thuật xây dựng, kết cấu kiến trúc, vật liệu xây dựng, các đề tài, họa tiết và nghệ thuật trang trí của từng hạng mục kiến trúc cấu thành di tích;

Đối với di tích khảo cổ: nêu rõ các thành phần, đặc điểm, tầng văn hóa, hiện vật quan trọng được phát hiện trong quá trình nghiên cứu, thăm dò, khai quật di tích; hiện trạng của di tích;

Đối với danh lam thắng cảnh: miêu tả chi tiết về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu vết vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất; miêu tả các công trình kiến trúc, nghệ thuật liên quan đến danh lam thắng cảnh (nếu có);

7. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích:

Lập sơ đồ vị trí các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (sau đây gọi chung là hiện vật) thuộc di tích tại thời điểm lập hồ sơ khoa học di tích; chú thích rõ tên gọi, mã số hiện vật được thể hiện trên sơ đồ theo đúng tên gọi và mã số hiện vật được ghi ở Bản thống kê hiện vật thuộc di tích quy định tại Điều 10 Thông tư này.

8. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích:

Đánh giá tổng quát giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích, nêu rõ những giá trị nổi bật của di tích được tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích lấy làm căn cứ để xác định loại di tích.

9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

Nêu rõ tên của tổ chức, cá nhân trực tiếp là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích và thực trạng việc tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Trường hợp di tích thuộc sở hữu chung hoặc sở hữu nhà nước thì phải ghi rõ quyết định thành lập Ban (tổ) bảo vệ hoặc quản lý di tích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

Đề xuất phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm bảo tồn bền vững di tích gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

11. Kết luận:

Đề xuất của tổ chức, cá nhân lập hồ sơ khoa học di tích với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xếp hạng di tích đó là di tích cấp tỉnh, di tích quốc gia hoặc di tích quốc gia đặc biệt.

12. Tài liệu tham khảo:

a) Lập thư mục tài liệu tham khảo liên quan đến việc nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;

b) Tập hợp những tư liệu, bài viết, kỷ yếu hội thảo khoa học trực tiếp về di tích để lập thành Phụ lục lý lịch di tích. Đối với di tích khảo cổ, Phụ lục di tích phải có phần viết hoặc bản sao Báo cáo khai quật.

13. Xác định cá nhân, tổ chức lập lý lịch di tích:

Lý lịch di tích được đóng thành quyển, khổ giấy A4. Tại trang cuối cùng, người lập lý lịch di tích phải ghi ngày, tháng, năm lập lý lịch, ký, ghi rõ họ tên, thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ khoa học di tích ký, đóng dấu xác nhận.

Điều 7. Bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đến di tích

Sử dụng bản đồ hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có di tích để đánh dấu và chú thích rõ vị trí di tích, đường đến di tích từ nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.

Điều 8. Bản vẽ kỹ thuật di tích

1. Bản vẽ kỹ thuật di tích phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật theo quy định sau đây:

a) Bản vẽ mặt bằng tổng thể tỷ lệ 1/500;

Đối với di tích lịch sử: bản vẽ mặt bằng tổng thể phải thể hiện rõ vị trí các công trình, địa điểm, vết tích còn lại liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử gắn với di tích;

Đối với di tích khảo cổ: bản vẽ mặt bằng tổng thể phải thể hiện đầy đủ các địa điểm khảo cổ thuộc di tích đã được phát hiện, thăm dò, khai quật;

Đối với danh lam thắng cảnh: bản vẽ mặt bằng tổng thể phải thể hiện được đường đồng mức và vị trí các công trình xây dựng thuộc khu vực danh lam thắng cảnh, có chú thích về quy mô của công trình xây dựng đó;

b) Bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng, các mặt cắt ngang, các mặt cắt dọc, kết cấu chi tiết kiến trúc có chạm khắc tiêu biểu tỷ lệ 1/50;

Trường hợp chi tiết kiến trúc có chạm khắc tiêu biểu nhưng kích thước nhỏ: bản vẽ kỹ thuật thực hiện theo tỷ lệ phù hợp để thể hiện được rõ chi tiết chạm khắc;

Trường hợp di tích khảo cổ: sử dụng lại (sao y bản chính) bản vẽ các mặt bằng, các mặt cắt của hố khai quật và bản vẽ một số hiện vật tiêu biểu được thực hiện trong quá trình khai quật di tích.

2. Tập bản vẽ kỹ thuật được đóng thành quyển khổ giấy A3, bìa mềm, có dấu giáp lai và xác nhận của thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ khoa học di tích.

Điều 9. Tập ảnh màu khảo tả di tích, hiện vật thuộc di tích

1. Tập ảnh màu khảo tả di tích, hiện vật thuộc di tích bao gồm: ảnh tổng thể di tích, ảnh các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên cấu thành di tích, ảnh lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gắn với di tích và ảnh các hiện vật thuộc di tích.

2. Tập ảnh màu khảo tả di tích, hiện vật thuộc di tích phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Đối với ảnh chụp tổng thể di tích: phải thể hiện rõ hình ảnh di tích ở các hướng nhìn khác nhau;

b) Đối với ảnh chụp công trình xây dựng, địa điểm thuộc di tích: phải thể hiện rõ hình ảnh bên ngoài và chi tiết kết cấu kiến trúc, các đề tài, họa tiết trang trí tiêu biểu ở bên trong của từng công trình xây dựng, địa điểm thuộc di tích;

c) Đối với ảnh chụp danh lam thắng cảnh: phải thể hiện rõ vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, những dấu vết phản ánh đặc điểm địa hình, địa mạo, những yếu tố địa lý khác và các động vật, thực vật tiêu biểu phản ánh sự đa dạng sinh học cùng hệ sinh thái đặc thù của danh lam thắng cảnh;

d) Đối với ảnh chụp lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gắn với di tích: phải thể hiện rõ những diễn biến chính của lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gắn với di tích;

e) Đối với ảnh chụp các hiện vật thuộc di tích: phải thể hiện đặc trưng riêng về kiểu dáng, hình khối, hoa văn của từng hiện vật thuộc di tích; mỗi hiện vật phải chụp ít nhất 01 ảnh, có đặt thước tỉ lệ.

3. Ảnh khảo tả di tích, hiện vật thuộc di tích được in trên giấy ảnh, cỡ ảnh từ 9cm x 12cm trở lên, được dán lên giấy bìa và đóng thành quyển khổ giấy A4; phải đánh số thứ tự, chú thích đầy đủ nội dung, người chụp và thời gian chụp ảnh, có dấu giáp lai và xác nhận của thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ khoa học di tích đối với tập ảnh;

Ảnh tư liệu được sưu tầm để đưa vào tập ảnh phải ghi rõ xuất xứ.

Điều 10. Bản thống kê hiện vật thuộc di tích

1. Bản thống kê hiện vật thuộc di tích phải ghi đầy đủ, chính xác các thông tin về tên gọi, mã số, nguồn gốc, niên đại, loại hiện vật, chất liệu, kích thước của hiện vật theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản thống kê hiện vật thuộc di tích được đóng thành quyển, bìa mềm, có dấu giáp lai và xác nhận của thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ khoa học di tích.

Điều 11. Bản dập, dịch văn bia, câu đối, đại tự và các tài liệu Hán Nôm hoặc tài liệu bằng các loại ngôn ngữ khác có ở di tích

1. Việc dập, sao chép, dịch đối với văn bia, câu đối, đại tự và các tài liệu Hán Nôm hoặc tài liệu bằng các loại ngôn ngữ khác có ở di tích (sau đây gọi chung là dập, dịch chữ viết) quy định như sau:

a) Phải dập toàn bộ chữ viết được khắc trên công trình xây dựng, hiện vật thuộc di tích bằng giấy dó chất lượng tốt; các bản dập phải được dán ghép theo đúng hình thức văn bản gốc;

Trường hợp không thực hiện được việc dập do chữ viết khắc trên hiện vật có kích thước quá lớn hoặc ở vị trí không dập được hoặc được viết trên các chất liệu đặc biệt (ví dụ: giấy, vải, lá cây) thì tiến hành sao chép theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Phải sao chép hoặc sao chụp đầy đủ, chính xác toàn bộ các văn bản cần sao chép;

Trường hợp chữ viết được thể hiện bằng các hình thức đặc biệt (ví dụ: chữ triện, chữ thảo) thì phải mô tả rõ.

2. Toàn bộ chữ viết đã dập và sao chép phải được phiên âm, dịch nghĩa ra tiếng Việt và có chú thích đầy đủ để làm rõ nội dung văn bản.

3. Việc tập hợp hồ sơ dập, dịch chữ viết quy định như sau:

a) Bản dập được gấp theo khổ giấy A4, đựng trong túi chống ẩm;

b) Bản sao chép, phiên âm, dịch nghĩa phải đóng thành quyển khổ giấy A4, có xác nhận của người sao chép, phiên âm, dịch nghĩa ở từng tài liệu, có dấu giáp lai và xác nhận của thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ khoa học di tích.

Điều 12. Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích

1. Biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích phải ghi đầy đủ, chính xác các thông tin và có đủ xác nhận của các cơ quan: Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị lập hồ sơ khoa học di tích (Ban quản lý di tích danh thắng hoặc Bảo tàng cấp tỉnh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với hồ sơ di tích xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt) theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp xác định di tích không có khu vực bảo vệ II, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có văn bản giải trình kèm theo Biên bản khoanh vùng khu vực bảo vệ I của di tích.

2. Việc lập Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích được quy định như sau:

a) Trích lục bản đồ địa chính ở địa phương có di tích để thể hiện việc khoanh vùng bảo vệ di tích;

Đối với những diện tích thuộc khu vực bảo vệ nhưng không nguyên thửa thì phải xác định các tọa độ cần thiết để thể hiện rõ phần diện tích đó;

Đối với những di tích mà khu vực bảo vệ nằm trên khu vực chưa có bản đồ địa chính và những di tích nằm trên địa hình rộng lớn, phức tạp thì phải xác định các tọa độ cần thiết để thể hiện rõ các khu vực bảo vệ;

b) Đường bao quanh toàn bộ khu vực bảo vệ I của di tích phải được thể hiện bằng màu đỏ, đường bao quanh toàn bộ khu vực bảo vệ II của di tích phải được thể hiện bằng màu xanh trên bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích;

c) Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích phải có đầy đủ xác nhận của các cơ quan như quy định tại Biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích.

Điều 13. Tờ trình về việc xếp hạng di tích

1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Tờ trình đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

2. Nội dung Tờ trình phải nói rõ quy trình lập hồ sơ và có đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này).

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2011.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện và tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định trong Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu cần phải sửa đổi, bổ sung, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26843&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận