Căn cứ quyết định số 143-CP ngày 9 tháng 8 năm 1976 của Hội đồng Chính phủ về việc cấp giấy căn cước cho nhân dân trong cả nước;
Căn cứ điểm 6, phần 2 thông tư số 4 - TT ngày 10 tháng 11 năm 1976 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành quyết định trên;
Để củng cố an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các khu vực biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Cam- pu- chia, phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh chống mọi hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng và các bọn tội phạm khác; đồng thời bảo đảm việc đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân, Bộ Nội vụ ra thông tư quy định việc cấp giấy phép cho những người khi có việc cần đến xã biên giới như sau.
1. Những người được xét cấp giấy phép đến xã biên giới.
- Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, khi có việc riêng cần đến xã biên giới với lý do chính đáng đều được cấp giấy phép đến xã biên giới;
- Bộ đội đi công tác đến các xã biên giới do Bộ Quốc phòng quy định việc cấp giấy phép;
- Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đi công tác đến các xã biên giới phía Bắc được cấp giấy phép theo quy định của công văn số 3602 - VP8 ngày 15 tháng 8 năm 1979 của Phủ thủ tướng và công văn hướng dẫn số 940 - BNV ngày 26 tháng 11 năm 1979 của Bộ Nội vụ.
2. Những người sau đây không phải xin giấy phép đến xã biên giới:
- Những người là nhân khẩu thường trú ở xã biên giới, đã có giấy chứng minh nhân dân kèm theo giấy chứng nhận nhân khẩu thường trú, khi đi lại các xã biên giới trong tỉnh mình, không phải xin giấy phép đến xã biên giới.
- Những người thường trú ở các xã giáp ranh xã biên giới kể cả trường hợp ở giáp ranh với xã biên giới của tỉnh khác, mà từ trước đến nay vẫn có quan hệ họ hàng, thân thích ở xã biên giới, thường phải đi lại thăm viếng và làm ăn sinh sống hàng ngày, thì không phải xin giấy phép đến xã biên giới, mà chỉ sử dụng giấy chứng minh nhân dân của mình để đi lại.
3. Những người sau đây không được cấp giấy phép đến xã biên giới:
- Những người đang bị quản chế, cải tạo tại chỗ, đang bị án treo;
- Những người có liên quan đến các vụ án chính trị, hình sự đang chờ cơ quan pháp luật xử lý;
- Những người trước đã bị tù, tập trung cải tạo được tha về;
- Những người có tiền án tiền sự về tội trộm cắp, cướp của giết người, đầu cơ, buôn lậu, oa trữ, chứa chấp tiêu thụ của gian;
- Những người chuẩn bị trốn đi nước ngoài, hoặc chứa chấp, môi giới cung cấp phương tiện, dẫn đường đưa đón người trốn đi nước ngoài;
- Những người thuộc giai cấp bóc lột và những người trước đây đã tham gia trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, gián điệp tình báo của địch, các tổ chức chính trị, phản động mà đến nay chưa được chính quyền và nhân dân ở cơ sở xác nhận có tiến bộ.
4. Nguyên tắc sử dụng giấy phép đến xã biên giới:
Người xin cấp giấy phép đến xã biên giới phải làm đơn, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn, phường hoặc đồn công an nơi đăng ký nhân khẩu thường trú, nếu có trẻ em dưới 15 tuổi đi theo, phải ghi chung vào đơn xin cấp giấy phép.
Người được cấp giấy phép đến xã biên giới chỉ được đến những địa điểm đã ghi trong giấy phép, không được đến sát đường biên giới hiện tại.
Người được cấp giấy phép đến xã biên giới phải mang kèm theo giấy chứng minh nhân dân của người đó mới có giá trị, thời gian cho phép đến xã biên giới tuỳ theo yêu cầu của mỗi người và tuyến đường đi lại, nhưng không được cư trú ở xã biên giới quá 30 ngày và giấy phép chỉ có giá trị sử dụng một lần đi và về.
Khi đến xã biên giới, người được cấp giấy phép phải chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực biên giới; phải mang giấy phép và giấy chứng minh nhân dân đến đồn công an hoặc Uỷ ban nhân dân xã nơi đến để khai báo tạm trú và xin chứng nhận tạm trú vào giấy phép. Khi về phải trả lại giấy phép cho cơ quan cấp giấy.
Giấy phép đến xã biên giới cấp cho ai chỉ người đó được sử dụng. Nghiêm cấm việc cho mượn, cho thuê, tẩy xoá, sửa chữa, mua bán, làm giả giấy phép. Ai vi phạm những quy định này sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
5. Những quy định về tổ chức thực hiện:
Giấy phép cấp cho những người đến xã biên giới theo mẫu thống nhất do Bộ Nội vụ in.
Việc cấp giấy phép cho những người đến xã biên giới phải do các đồng chí trưởng, phó Công an huyện, Công an thị xã, Công an khu phố, Công an quận, Công an thành phố thuộc tỉnh xét duyệt và ký giấy.
Những vùng biên giới đang có chiến sự hoặc có dịch bệnh truyền nhiễm... không bảo đảm an toàn, thì Uỷ ban nhân dân tỉnh sở tại phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân và Sở, Ty công an các tỉnh khác tạm hoãn việc cấp giấy phép đến xã biên giới ở những khu vực đó.
Thông tư này được phổ biến cho nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát ở khu vực biên phòng để thực hiện.
Các đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương; các đồng chí Chánh văn phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thông tư này.