Ngày 6/6/1980 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 184-TTg về quản lý chặt chẽ biên chế các cơ quan Nhà nước.
Để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thi hành tốt Chỉ thị nói trên, Thông tư này nói rõ thêm một số điểm về nội dung của Chỉ thị và hướng dẫn cách giải quyết một số trường hợp cụ thể như sau:
1. Tạm hoãn tuyển dụng người mới vào cơ quan hành chính, sự nghiệp (kể cả cơ quan hành chính trong các đơn vị sản xuất).
Đối tượng phải tạm hoán việc tuyển thêm người mới là các cơ quan hành chính, sự nghiệp từ cấp tỉnh (Ty, Sở hoặc tổ chức tương đương) trở lên và bộ máy quản lý hành chính của các tổ chức sản xuất, kinh doanh (xí nghiệp, liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, Công ty, tổng Công ty, v. v...). Các tổ chức sau đây không thuộc diện phải thi hành chủ trương này:
- Hệ thống trường phổ thông các cấp, kể cả trường phổ thông trung học vừa học vừa làm, trường bổ túc văn hoá;
- Các cơ sở phòng và chữa bệnh thuộc ngành y tế;
- Các huyện vùng cao thuộc các tỉnh miền núi được Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định cho tuyển người thuộc dân tộc ít người để đáp ứng nhu cầu của huyện, nhưng vẫn phải theo đúng định mức biên chế do Chính phủ quy định cho cấp huyện.
2. Giữ nguyên số người có mặt đến 31/12/1979 cho đến khi có định mức biên chế được Hội đồng Chính phủ xét duyệt.
Số người có mặt đến 31/12/1979 là số người mà cơ quan, đơn vị đã thực tế sử dụng và trả lương. Nếu số người này có sự chênh lệch với chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho cơ quan, đơn vị năm 1980 thì giải quyết như sau:
a. Nếu số người có mặt đến 31/12/1979 thấp hơn chỉ tiêu biên chế được giao thì cơ quan, đơn vị có thể hợp lý hoá công việc để không lấy thêm người, trường hợp cơ quan, đơn vị cần thiết phải có đủ số biên chế được giao thì xin cấp có thẩm quyền cho điều chỉnh ở nơi khác đến.
b. Nếu số người có mặt đến 31/12/1979 cao hơn chỉ tiêu biên chế được giao thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào chính sách, chế độ hiện hành để giải quyết số người vượt chỉ tiêu kế hoạch đó; chuyển cho những cơ quan, đơn vị (trước hết là đơn vị sản xuất) có nhu cầu; cho về hưu đối với những người đến tuổi về hưu; cho thôi việc đối với những người tự nguyện xin về gia đình để sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp .v. v... Trường hợp đã sử dụng hết quyền hạn của mình mà không giải quyết hết, thì báo cáo với cấp trên để điều chỉnh cho nơi khác. Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và thủ trưởng ngành ở Trung ương xét, giải quyết việc điều chỉnh giữa nơi thừa và nơi thiếu trong địa phương, trong ngành. Trường hợp đã giải quyết việc điều chỉnh trong nội bộ ngành hoặc tỉnh mà vẫn chưa đủ số người theo chỉ tiêu được giao thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh hoặc Thủ trưởng ngành trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh từ ngành hay tỉnh này sang ngành hay tỉnh khác.
c. Đối với những người mới tuyển từ ngày 1/1/1980 đến ngày 6/6/1980, thì cách giải quyết như sau:
- Nếu là người lao động phổ thông (chưa qua đào tạo) thì trả về nơi họ cư trú để tham gia lao động sản xuất (trừ trường hợp tuyển cho các huyện vùng cao nói ở Điều 1 trên đây).
- Nếu là người đã qua đào tạo ở các trường đại hoc, trung học chuyên nghiệp hoặc trường dạy nghề (trong và ngoài nước) thì phải chuyển họ về cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc cơ sở sự nghiệp để sử dụng cho đúng ngành nghề đã đào tạo. Trường hợp các cơ sở này không còn chỉ tiêu biên chế để tiếp thu và sử dụng, thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố (hoặc Bộ chủ quản ngành) điều chỉnh cho các đơn vị cùng ngành đang cần và còn chỉ tiêu biên chế để sử dụng. Trừ một số ngành nói ở khoản a, Điều 5 dưới đây, nói chung không được lấy người mới đào tạo (Đại học và trung học chuyên nghiệp) để bổ sung vào cơ quan quản lý hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh trở lên. Trường hợp đặc biệt cần tuyển người mới đào tạo vào cơ quan nói trên thì phải được cấp trên trực tiếp xem xét quyết định, nhưng cũng không được vượt quá chỉ tiêu biên chế đã giao cho cơ quan đó.
3. Về chủ trương tạm hoãn việc tuyển giáo viên vỡ lòng vào biên chế: địa phương nào đã đưa số giáo viên vỡ lòng vào kế hoạch lao động và tiền lương, nhưng chưa tuyển chính thức, hiện nay đang hưởng 85% lương của giáo viên cấp I và do hợp tác xã nông nghiệp điều hoà lương thực, thì nay cần chuyển lại hưởng chế độ thù lao hàng tháng do ngân sách xã và tỉnh đài thọ như Điều 1 (Phần II) của Quyết định số 152-TTg ngày 8/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ, không ghi vào kế hoạch lao động và tiền lương của Nhà nước.
4. Về biên chế cho những tổ chức mới thành lập:
Các ngành và địa phương phải tự điều chỉnh trong tổng số biên chế và quỹ lương hiện có để bố trí người cho các tổ chức mới thành lập. Trường hợp đặc biệt cần phải tăng thêm biên chế cho tổ chức mới thành lập thì thủ trưởng các ngành hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Về phân phối số học sinh tốt nghiệp ra trường:
a. Từ nay tất cả các học sinh tốt nghiệp các trường Đại học, trung học ra trường đều phải phân phối về các đơn vị cơ sở: xí nghiệp, công ty nông, lâm trường, trạm, trại, Viện thiết kế đã hạch toán kinh tế hoặc hạch toán báo sở, bệnh viện điều trị, điều dưỡng, trạm y tế, hệ thống các trường phổ thông, trường bổ túc văn hoá, Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nghiên cứu kinh tế. Trường đại học và trung học, trường dạy nghề, đoàn văn công, chiếu bóng, các hợp tác xã nông, lâm nghiệp, hợp tác xã nghề cá hoặc thủ công nghiệp.
Chỉ được phân phối những học sinh mới ra trường về công tác ở các cơ quan quản lý hành chính các cấp trong các trường hợp sau đây:
- Các học sinh trước đây đã công tác trong các cơ quan Nhà nước hoặc đã phục vụ trong quân đội từ 5 năm trở lên;
- Trong năm 1980, một số ngành sau đây được phép phân phối học sinh mới tốt nghiệp đại học hoặc trung học vào cơ quan quản lý hành chính và cơ quan nghiên cứu từ cấp tỉnh trở lên: ngành pháp lý và một số ngành khoa học cơ bản do Uỷ ban Khoa học, kỹ thuật đề nghị. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Uỷ ban Pháp chế của Chính phủ, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước bàn với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quy định này.
b. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp phối hợp với các cơ quan có liên quan: Ban tổ chức của Chính phủ, Bộ Lao động, các Bộ có trường, lập kế hoạch phân phối số học sinh tốt nghiệp ra trường năm 1980 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đối với số người tốt nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng, thì Bộ, Tổng cục hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố có trường phải thống kê phân loại theo ngành nghề đào tạo gửi lên Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, để trình Chính phủ cho chủ trương giải quyết.
6. Về xây dựng định mức biên chế và nghiên cứu bổ sung chính sách:
a. Các Bộ, Tổng cục phải kết hợp với việc thi hành Chỉ thị số 112-TTg ngày 12/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh tổ chức và phân cấp quản lý để xây dựng tiêu chuẩn các chức danh cán bộ, nhân viên Nhà nước và xây dựng các định mức biên chế áp dụng cho toàn ngành từ Trung ương đến cơ sở. Ban tổ chức của Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn và định mức biên chế cho bộ máy làm việc của Uỷ ban Nhân dân và những tổ chức không thuộc Bộ nào phụ trách. Các dự thảo quy định về tiêu chuẩn và định mức nói trên phải trình Chính phủ xét vào đầu năm 1981.
Trong khi chờ ban hành các quy định về tiêu chuẩn và định mức biên chế, thủ trưởng các ngành và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phải căn cứ vào quy định hiện hành của Nhà nước để soát xét và loại bỏ ngay những tổ chức lập ra không đúng quy chế của Nhà nước; chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền giải quyết những tình trạng không hợp lý như tổ chức và nhiệm vụ trùng lặp, chức trách không rõ ràng, v.v... Trên cơ sở đó, tạm thời xác định số lượng biên chế cần thiết cho từng cơ quan, đơn vị làm cơ sở xây dựng kế hoạch lao động và tiền lương năm 1981. Nếu dự án kế hoạch biên chế của ngành hoặc địa phương cao hơn chỉ tiêu biên chế được giao năm 1980, thì ngành hoặc địa phương phải bàn với Ban tổ chức của Chính phủ và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để trình Chính phủ quyết định.
b. Bộ Lao động và Ban tổ chức của Chính phủ nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, học sinh tốt nghiệp về công tác ở khu vực kinh tế tập thể, chế độ đối với học sinh tốt nghiệp chưa bố trí được công tác.
- Bộ Thương binh và xã hội nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung chính sách hưu trí và nghỉ việc vì mất sức lao động; chú ý giải quyết cho những người tuy chưa đến tuổi về hưu nhưng có thời gian công tác liên tục từ 20 năm trở lên nay không đủ sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ và sửa đổi thủ tục cho về hưu.
- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp có sự phối hợp của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ có liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy chế về đào tạo, phân phối, sử dụng học sinh tốt nghiệp ra trường. Quy chế này cần chú ý bảo đảm sự cân đối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng. Người đào tạo ra phải qua thời gian thực tế ở cơ sở, đề cao kỷ luật chấp hành quyết định điều động công tác, xác định rõ chế độ đi công tác ở miền núi, hải đảo.
Các dự thảo nói trên đều phải hoàn thành trong năm 1980 và đưa trình Chính phủ xét đầu năm 1981.
Ban Tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thi hành Chỉ thị số 184-TTg và Thông tư này.