Văn bản pháp luật: Thông tư 17/1998/TT-BTC

Nguyễn Sinh Hùng
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 17/1998/TT-BTC
Thông tư
01/01/1998
11/02/1998

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thi hành một số điểm về chủ trương, biện pháp điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 1998.

Bộ trưởng
1.998
Bộ Tài chính

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành một số điểm về chủ trương, biện pháp điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 1998

 

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1179/1997/QĐ-TTg ngày 30/12/1997 về một số chủ trương, biện pháp điều hành kế hoạch kinh tế, xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 1998.

Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể về chủ trương và biện pháp điều hành Ngân sách Nhà nước như sau:

1. Về phân cấp ngân sách:

Năm 1998, năm thứ 2 thực hiện việc ổn định ngân sách theo Luật nên về cơ bản:

a. Nguồn thu và nhiệm vụ chi của mỗi cấp chính quyền được thực hiện theo Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật của Chính phủ và Bộ Tài chính. Chính phủ chỉ điều chuyển nhiệm vụ chi rà phá vật cản năm 1997 đã bố trí trong ngân sách địa phương của một số tỉnh biên giới phía Bắc về ngân sách Trung ương và giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện.

b. Tiếp tục khuyến khích các địa phương tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn:

100% số thu về tiền giao quyền sử dụng đất và tiền thuê đất, kể cả tiền thuê đất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trừ tiền cho thuê đất từ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí do Trung ương quản lý) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

100% số thu về tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước để đầu tư phát triển quỹ nhà ở và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khu dân cư như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng, công trình vệ sinh công cộng...

Thu xổ số kiến thiết ngân sách địa phương được hưởng 100%, trong đó địa phương được sử dụng một phần hoặc toàn bộ để đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình giáo dục, y tế, phúc lợi theo nguyên tắc: Số thu từ 20 tỷ đồng trở xuống, được sử dụng toàn bộ cho đầu tư; số thu trên 20 tỷ đồng được sử dụng thêm 50% của số thu cao hơn cho đầu tư.

Thu thuế sử dụng đất nông nghiệp ngân sách địa phương được hưởng 100%, trong đó: các tỉnh miền núi được sử dụng toàn bộ, các địa phương khác được sử dụng 50% để đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn...

Thuế tài nguyên rừng, kể cả tiền bán cây đứng (nếu có) địa phương được sử dụng 100% cho đầu tư, bảo vệ, trồng mới rừng và cải tạo rừng.

Nguồn thu quảng cáo truyền hình: được sử dụng toàn bộ hoặc một phần để đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, mua sắm thiết bị cho đài truyền hình theo quy định tại Thông tư số 81 TC/HCSN ngày 23/12/1996 của Bộ Tài chính.

Các nguồn thu về quỹ đất, quỹ nhà, xổ số kiến thiết, thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, thuế doanh thu, thuế lợi tức, lợi tức sau thuế từ hoạt động quảng cáo truyền hình, thuế tài nguyên rừng và tiền bán cây đứng, phải đưa vào dự toán thu để từ đó bố trí chi theo dự án được cấp có thẩm quyền duyệt, đảm bảo chi đúng mục đích, tiết kiệm; đồng thời cần theo dõi riêng để đảm bảo chi phù hợp với tiến độ và khả năng thu phát sinh, tránh tình trạng chi quá khả năng thu, gây bị động trong điều hành ngân sách.

c. Thưởng vượt dự toán thu:

Nhằm khuyến khích các địa phương nỗ lực quản lý thu, chống thất thu, Chính phủ thực hiện thưởng vượt dự toán thu cho các tỉnh về các khoản:

Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền.

Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không qua biên giới đất liền.

Thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng sản xuất trong nước.

Điều kiện và nguyên tắc xét thưởng:

Địa phương phải được Chính phủ giao số thu về các khoản thu nêu trên và số thu về thuế xuất, nhập khẩu phải là số thu từ hàng xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu của địa phương. Không xét thường đối với số thu thuế xuất, nhập khẩu từ hàng qua cửa khẩu của địa phương khác nhưng nộp ngân sách tại kho bạc địa phương.

Địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác thu, tổ chức thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật.

Xét thưởng riêng cho từng khoản thu vượt, không bù trừ giữa các khoản nêu trên.

Mức thưởng:

Thưởng cho ngân sách tỉnh 100% số thu vượt dự toán được giao về thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền của địa phương.

Thưởng cho ngân sách tỉnh một phần theo tỷ lệ phần trăm (%) số thu vượt dự toán được giao đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng sản xuất trong nước; thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu; thuế xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu hàng không, đường biển trên địa bàn. Tỷ lệ thưởng cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với những tỉnh không được Chính phủ giao dự toán thu thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trong quá trình thực hiện nếu có các khoản thu về các khoản thuế trên thì không thuộc đối tượng xét thưởng.

Số tiền thưởng vượt dự toán thu trên đây chỉ được sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Việc sử dụng tiền thưởng cụ thể đầu tư cho từng công trình và thưởng cho ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Bộ Tài chính sẽ trích từ Ngân sách Trung ương năm sau để thưởng cho Ngân sách tỉnh, trong mọi trường hợp, địa phương không được tự trích thưởng. Để có căn cứ xét thưởng, các tỉnh có số thu vượt dự toán về các khoản thu trên hết năm có trách nhiệm tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/1 năm sau theo đúng quy định tại Thông tư số 09 TC/NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính.

2. Về thu ngân sách:

Các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh và Tổng cục Hải quan cần khẩn trương làm tốt công tác giao dự toán thu cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới. Mức giao tối thiểu phải tăng 5% so với mức thu Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành và địa phương.

Để thực hiện đạt và vượt dự toán thu, trong phạm vi và quyền hạn của mình, các cấp, các ngành cần có biện pháp thiết thực:

Bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thu phù hợp với kết quả sản xuất kinh doanh.

Có cơ chế, chính sách tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tập trung vốn cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, trước mắt là các hộ kinh doanh lớn thực hiện tốt chế độ kế toán; thực hiện công khai mức thuế với những hộ kinh doanh để các đoàn thể, nhân dân biết, giám sát và kiểm tra. Cải tiến nghiệp vụ thu thuế, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thu với các cơ quan nội chính và các đoàn thể để tăng cường quản lý thu. ổn định mức thu 6 tháng hoặc cả năm cho các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ.

Tăng cường quản lý thu ngân sách đối với hoạt động chuyển nhượng nhà đất, đẩy nhanh bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

3. Về chi ngân sách và tiết kiệm chi:

a. Về chi ngân sách:

Chính phủ giao dự toán chi ngân sách năm 1998 cho các Bộ, cơ quan Trung ương bằng mức 90% dự toán theo phương án phân bổ ngân sách Trung ương đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua (trừ các khoản chi tiền lương và có tính chất lương, chi trả nợ trong và ngoài nước, chi viện trợ, chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên từ nguồn vốn vay và viện trợ ngoài nước). Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giao dự toán chi ngân sách năm 1998 cho các đơn vị trực thuộc bằng mức 90% (trừ các khoản chi tiền lương và có tính chất lương, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên từ nguồn vốn vay và viện trợ ngoài nước) và cho ngân sách cấp dưới bằng mức 100% theo phương án phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân quyết định. Căn cứ vào nguyên tắc trên, Uỷ ban nhân dân huyện giao cho các đơn vị trực thuộc bằng 90% và cho ngân sách cấp dưới bằng mức 100% theo phương án phân bổ dự toán chi ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định. Quá trình điều hành, căn cứ vào tình hình cụ thể Chính phủ sẽ có quyết định sau.

Trên cơ sở mức chi được giao, các đơn vị sử dụng ngân sách phải chi tiết các khoản chi ngân sách theo Mục lục Ngân sách Nhà nước; cơ quan Tài chính chủ động phối hợp với Kho bạc Nhà nước cùng cấp hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan đơn vị dự toán thuộc cấp mình thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản đã hướng dẫn của Bộ Tài chính, tránh gây ách tắc cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện, điều hành, đảm bảo chi đúng mục tiêu, đúng đối tượng và theo đúng dự toán được duyệt. Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, các đơn vị cơ sở chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng có hiệu quả kinh phí ngân sách Nhà nước.

Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước phải lập dự toán chi hàng quý (chia ra tháng), hết quý có báo cáo quyết toán hoặc tình hình sử dụng kinh phí cho cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước; Các trường hợp không có báo cáo quý trước mà không có lý do chính đáng thì cơ quan tài chính có quyền ngừng cấp phát ngân sách quý tiếp theo (trừ các khoản chi lương và có tính chất lương) cho đến khi các đơn vị này có báo cáo.

Những khoản chi đã ghi trong dự toán và có nguồn thu đảm bảo, các Bộ, ngành, địa phương không được cắt giảm. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm cấp phát theo tiến độ thực hiện công việc, tránh cấp dồn vào cuối quý, cuối năm (kể cả cấp bổ sung cho ngân sách cấp dưới). Đối với số bổ sung từ ngân sách cấp trên, hàng quý, cơ quan Tài chính cấp trên phải thông báo mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới (có chia ra tháng) để chủ động trong điều hành ngân sách của mỗi cấp. Trường hợp thu không đạt dự toán, từng cấp ngân sách phải chủ động sắp xếp lại chi, giảm chi tương ứng. Nếu tăng thu thì phần tăng thu được sử dụng tăng chi đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và những nhiệm vụ chi thiết yếu khác.

Thực hiện Luật ngân sách Nhà nước việc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách làm giảm thu hoặc tăng chi cần được cân nhắc thận trọng trước khi quyết định nhằm tránh đảo lộn ngân sách đã được giao và chỉ được thực hiện khi có nguồn thu đảm bảo và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương không được tuỳ tiện ban hành các chế độ thu, chi trái với quy định chung của Nhà nước. Ngân sách Nhà nước năm 1998 rất khó khăn, ngân sách Trung ương không có dự phòng; vì vậy, những công việc phát sinh ngoài kế hoạch (kể cả chi cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai...) các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị phải chủ động sắp xếp chi trong phạm vi nguồn thu và tổng mức kinh phí được giao cả năm. Trường hợp khó khăn do nguồn thu chưa tập trung kịp, có thể đề nghị ngân sách cấp trên tăng tiến độ cấp phát số bổ sung cho cấp dưới. Trong những trường hợp đặc biệt, có biến động lớn, ngân sách cấp trên mới xem xét giải quyết.

Về chương trình Quốc gia:

Căn cứ vào mức chi được giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phê duyệt các dự án của chương trình Quốc gia; xây dựng kế hoạch thực hiện gửi về Bộ quản lý chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các chương trình Quốc gia đã có nhưng từ năm 1998 không được xếp vào danh mục chương trình Quốc gia, trước mắt vẫn thực hiện theo cơ chế tài chính quy định tại Quyết định 531/TTg ngày 8/8/1996 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời các Bộ, ngành, địa phương quản lý chương trình khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để từ năm 1999 chuyển vào nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương.

Cơ quan chủ quản chương trình cần chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng mục tiêu đề ra.

Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, nguyên tắc chung là ngân sách Nhà nước đảm bảo cấp phát theo kế hoạch, không chuyển nợ sang năm sau và chỉ cấp phát cho khối lượng thực hiện trong năm kế hoạch đủ thủ tục thanh toán, công trình nào, hạng mục nào không thực hiện được trong năm thì bố trí vào dự toán năm sau theo đúng Luật ngân sách Nhà nước.

Đối với các cơ sở đào tạo, khám chữa bệnh thuộc các Tổng công ty, Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ bình quân tối đa không quá 45% so với mức Ngân sách Nhà nước cấp phát năm 1997. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng đơn vị căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, số còn lại cho phép đơn vị được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

b. Về tiết kiệm chi:

Nhằm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả kinh phí từ Ngân sách Nhà nước: Năm 1998 tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế tối đa việc xây dựng mới trụ sở làm việc, mua mới ôtô con và các phương tiện đắt tiền trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước:

Các Bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương cần chủ động sắp xếp, bố trí, sử dụng hợp lý trụ sở làm việc và phương tiện hiện có để phục vụ công tác. Trên cơ sở kết quả kiểm kê tài sản, đất đai khu vực hành chính sự nghiệp ngày 31/12/1997 và chế độ trang bị tài sản, thực hiện điều hoà tài sản giữa nơi thừa sang nơi thiếu để sử dụng hợp lý, có hiệu quả. Những trường hợp đặc biệt cần thiết phải mua mới ôtô, xây dựng mới trụ sở, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương phải tổng hợp nhu cầu báo cáo cụ thể với Bộ Tài chính (nếu mua ôtô), với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nếu xây dựng trụ sở). Báo cáo phải giải trình rõ sự cần thiết phải mua sắm, xây dựng, mức và nguồn kinh phí cụ thể cho việc mua sắm, xây dựng trước 28/2/1998 để Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện đúng chế độ chính sách, chế độ chi tiêu của Nhà nước quy định. Thực hiện nghiêm túc quy chế thẩm định giá và đấu thầu trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách mua sắm các thiết bị, vật tư có giá trị cao hoặc khối lượng lớn, các thiết bị, tài sản trong các dự án xây dựng. Cơ quan tài chính các cấp có quyền từ chối cấp phát, thanh toán, chi trả các khoản chi sai chế độ. Trường hợp cơ quan, đơn vị chi sai chế độ thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm vật chất về quyết định của mình.

Các Bộ, ngành và các địa phương (kể cả các đơn vị cơ sở) có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước cần khẩn trương triển khai các biện pháp tiết kiệm, đăng ký với cơ quan cấp trên và cơ quan tài chính các khoản tiết kiệm, mức tiết kiệm.

Thời gian các Bộ, địa phương tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính về mức và biện pháp tiết kiệm trước ngày 10/3/1998 để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

4. Tổ chức thực hiện:

Thông tư ngày có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1998, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh căn cứ vào Quyết định số 1179/1997/QĐ-TTg ngày 30/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này để tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền địa phương thực hiện./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=7905&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận