THÔNG TƯ
Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Nghị định số 16/2005/NĐ-CP
ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý các dự án đầu tư
xây dựng công trình (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) do Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 04/2005/TT-BXD ngày 01 tháng 4 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 08/2005/TT-BXD ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và xử lý chuyển tiếp thực hiện Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 12 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức cá nhân trong hoạt động xây dựng;
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Mục đích: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ ( sau đây gọi tắt là NĐ 16/CP) nhằm đảm bảo quản lý có hiệu quả, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, an toàn công trình, đảm bảo tiết kiệm chống lãng phí, thất thoát cho các hoạt động đầu tư xây dựng công trình.
2. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý có liên quan đến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Không áp dụng đối với các dự án đầu tư không có xây dựng công trình.
II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của người quyết định đầu tư xây dựng công trình:
Thực hiện theo Luật Xây dựng tại các điều 39, điều 44.
Thực hiện theo Nghị định 16/CP tại điều 11.
- Các dự án Chính phủ là cấp quyết định đầu tư và giao Bộ làm chủ đầu tư thì từng dự án cụ thể Bộ có thể uỷ quyền (có Quyết định chi tiết) cho các Ban quản lý dự án thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nhiệm vụ của chủ đầu tư.
- Bộ trưởng quyết định chủ trương đầu tư và xác định chủ đầu tư tất cả các dự án đầu tư xây dựng công trình (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
- Bộ trưởng quyết định đầu tư các dự án nhóm A, B, C của Bộ (gọi tắt là dự án đầu tư).
- Bộ trưởng căn cứ theo quy mô, nội dung, tính chất của từng dự án, năng lực của chủ đầu tư sẽ quyết định lựa chọn một trong các hình thức quản lý dự án như sau:
+ Thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án: Khi chủ đầu tư xây dựng công trình không đủ điều kiện, năng lực về quản lý dự án.
+ Trực tiếp quản lý dự án: Khi chủ đầu tư xây dựng công trình có đủ điều kiện, năng lực về quản lý dự án.
- Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
- Ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng chuyên ngành do Bộ quản lý trên phạm vi cả nước.
- Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng đối với các công trình xây dựng chuyên ngành và kiến nghị xử lý khi phát hiện các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ đầu tư xây dựng công trình:
Thực hiện theo Luật Xây dựng tại các điều 41, điều 50, điều 57, điều 68, điều 89, điều 104.
Thực hiện theo Nghị định 16/CP tại các điều 5, điều 7, điều 8, điều 13, điều 16, điều 17, điều 36, điều 37.
- Chủ đầu tư xây dựng công trình sẽ được Bộ trưởng quyết định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình và được thể hiện ngay trong Quyết định cho phép lập dự án đầu tư phù hợp với điều 3 của Nghị định 16/CP.
- Theo đặc điểm cụ thể của từng dự án, chủ đầu tư có thể uỷ quyền cho các Ban quản lý dự án thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư có thể thành lập Ban Quản lý dự án và thực hiện theo đúng điều 36 Nghị định 16/CP.
- Trường hợp chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án và thực hiện theo đúng điều 37 Nghị định 16/CP.
- Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án phải có đầy đủ điều kiện, năng lực như quy định tại điều 55, điều 56 của NĐ 16/CP.
- Chủ đầu tư tổ chức lập hoặc thuê tư vấn có đủ điều kiện, năng lực phù hợp với công việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình để lập Báo cáo đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng công trình và Báo cáo kinh tế - kỹ thuật trình người có thẩm quyền phê duyệt theo đúng nội dung tại các điều 4, 5, 8, 9, 12 của Nghị định 16/CP.
- Chủ đầu tư tổ chức việc thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế bản vẽ thi công, Tổng dự toán và dự toán chi tiết đối với những công trình xây dựng phải lập dự án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và phê duyệt của mình.
- Thiết kế bản vẽ thi công hạng mục công trình trước khi đưa ra thi công phải được chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm về các bản vẽ thiết kế giao cho nhà thầu thi công xây dựng công trình.
- Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực thẩm định thì được phép thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện, năng lực để thẩm tra thiết kế, dự toán công trình để làm cơ sở cho việc phê duyệt.
- Chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán, Thiết kế bản vẽ thi công - Dự toán công trình nhưng không thay đổi so với thiết kế cơ sở và dự án đã được phê duyệt theo quy định tại điều 13, Nghị định 16/CP, cụ thể như sau:
+ Nếu điều chỉnh thiết kế, dự toán dẫn đến vượt Tổng mức đầu tư hoặc thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ, cấp công trình hoặc thay đổi cơ cấu nhưng không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải lập báo cáo giám sát đầu tư và trình người quyết định đầu tư xây dựng công trình xem xét quyết định.
+ Nếu điều chỉnh Thiết kế, dự toán dẫn đến vượt Tổng dự toán đã được phê duyệt nhưng không vượt Tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định, phê duyệt lại; báo cáo Bộ bằng văn bản và chịu trách nhiệm về việc phê duyệt của mình.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trường hợp đối với các dự án đang thực hiện dở dang:
a) Nếu dự án đã được Bộ phê duyệt nhưng chưa phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán hoặc Thiết kế kỹ thuật thi công dự toán thì chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt.
- Nếu Chủ đầu tư cần điều chỉnh dự án (do vượt tổng mức đầu tư) thì phải lập báo cáo giám sát đầu tư trình người quyết định đầu tư xây dựng công trình xem xét quyết định.
- Nếu Thiết kế kỹ thuật Tổng dự toán đã được phê duyệt, nay chủ đầu tư cần điều chỉnh lại do thay đổi về chính sách chế độ (lấy từ nguồn dự phòng của Tổng dự toán) và không vượt Tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định và phê duyệt. Những nội dung điều chỉnh thay đổi khác so với Thiết kế kỹ thuật Tổng dự toán trước khi điều chỉnh thì chủ đầu tư phải có ý kiến thoả thuận của người quyết định đầu tư.
b) Đối với các dự án Bộ là cấp quyết định đầu tư (Trừ các dự án Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư thì Bộ sẽ có quyết định uỷ quyền riêng) đã phê duyệt ở giai đoạn trước khi ban hành Nghị định 16/CP. Bộ giao các Ban quản lý dự án "làm một số nhiệm vụ của chủ đầu tư" thì nay điều chỉnh lại giao cho các Ban quản lý dự án làm chủ đầu tư.
c) Đối với Ban quản lý Trung ương dự án thuỷ lợi (CPO) đã được Bộ uỷ quyền làm chủ đầu tư các dự án Thuỷ lợi Việt Nam sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nay giao cho Ban quản lý Trung ương dự án Thuỷ lợi làm chủ đầu tư dự án.
2. Đối với các dự án mới: Thực hiện theo đúng Luật Xây dựng, Nghị định 16/CP, Nghị định 209/CP và các thông tư hướng dẫn.
3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ quyết định đầu tư nhưng giao cho địa phương làm chủ đầu tư (theo từng dự án cụ thể) thì các tổ chức được giao làm chủ đầu tư cũng phải thực hiện theo nội dung của Thông tư này và các quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình do các địa phương quản lý và quyết định đầu tư phải thực hiện theo Luật Xây dựng, Nghị định 16/CP, Nghị định 209/CP và các qui định hiện hành của nhà nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
5. Các dự án Đê điều phạm vi dự án có liên quan từ 02 tỉnh trở lên, trước khi phê duyệt Thiết kế kỹ thuật Tổng dự toán cần phải được thoả thuận về giải pháp kỹ thuật công trình (thông qua Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão).
6. Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, Chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án bằng văn bản về Bộ (thông qua Vụ Kế hoạch và các Cục chức năng).
7. Ngoài các quy định cụ thể được nêu trên, các cơ quan đơn vị có liên quan phải thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế nội dung các văn bản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành trái với quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét giải quyết./.