Văn bản pháp luật: Thông tư 19/LĐ-TT

 
Phụ lục Công báo số 6/1982;
Thông tư 19/LĐ-TT
Thông tư
...
17/09/1982

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 117-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/7/1982 về việc ban hành bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước

 
1.982
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 19-LĐ/TT NGÀY 17 - 9 - 1982
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 117/HĐBT CỦA
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG NGÀY 15 - 7 - 1982
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN DANH MỤC SỐ 1 CÁC
CHỨC VỤ VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

 

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 117-HĐBT ngày 15-7-1982 ban hành bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng. Bản danh mục các chức vụ viên chức Nhà nước ban hành theo quyết định này nhằm "làm cơ sở cho việc xây dựng chức danh đầy đủ và tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức vụ viên chức Nhà nước; làm căn cứ để xây dựng biên chế hợp lý các cơ quan, xí nghiệp; để tổ chức lao động khoa học; để lập kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí các loại cán bộ, viên chức Nhà nước, đồng thời cũng làm căn cứ để xác định các chế độ tiền lượng và phụ cấp".

Bản danh mục là văn bản pháp quy áp dụng cho tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước quản lý ở các ngành, các cấp; liên quan đến tất cả viên chức Nhà nước không những về tên gọi, về tiêu chuẩn nghiệp vụ mà cả nhiều vấn đề như tổ chức bộ máy, phân công lao động, lề lối làm việc khoa học; liên quan đến việc đào tạo, đánh giá, xếp lương, lựa chọn và đề bạt viên chức.

Tổ chức thực hiện quyết định này là một quá trình phấn đấu lâu dài; là một cuộc vận động mang đầy đủ tính cách mạng và khoa học; ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ về tâm lý xã hội của mỗi viên chức Nhà nước. Vì vậy, tất cả các ngành, các cấp phải có kế hoạch tổ chức triển khai ngay và hoàn thành chậm nhất vào tháng 12 năm 1983 như nghị quyết của đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định.

Căn cứ vào quyết định số 117-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng, Bộ Lao động hướng dẫn như sau.

 

II. VỀ CHỨC DANH GỐC

1. Cách ứng dụng bản danh mục số 1:

Bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước gồm 203 chức danh theo quyết định số 117-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng là bản chức danh gốc làm cơ sở cho các cơ quan Nhà nước xây dựng chức danh đầy đủ cho tất cả viên chức.

2. Phạm vi ứng dụng chức danh:

Trong phần 3 bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước, Hội đồng bộ trưởng đã quy định cách sử dụng một số chức danh. Các ngành, các cấp tuyệt đối không được sử dụng ngoài những quy định ấy. Nếu thấy cần có những điểm bổ sung thì phải đề nghị lên Hội đồng bộ trưởng quyết định.

Để làm rõ cách ứng dụng của một số chức danh khác trong bản danh mục số 1 này, Bộ Lao động giải thích thêm như sau:

a) Chức danh "phó" được áp dụng tuỳ theo yêu cầu cần thiết và căn cứ vào điều lệ tổ chức bộ máy, cơ quan quy định. Tuy nhiên, theo chế độ thủ trưởng, chức danh "phó" là phó cho thủ trưởng chứ không phải là "phó" cho đơn vị (cơ quan, xí nghiệp). Vì vậy, từ nay thống nhất đặt từ "phó" lên trước ở tất cả các cấp. Ví dụ: phó chủ tịch, phó Bộ trưởng, phó vụ trưởng, phó viện trưởng, v.v...

Bất cứ cấp nào khi đã có chức danh phó đều có phó thứ nhất.

b) Chức danh "viện trưởng", Viện là cơ quan nghiên cứu khoa học, sản phẩm của Viện là các đề tài khoa học. Như vậy từ nay chỉ những cơ quan nghiên cứu khoa học gọi là Viên và người đứng đầu là "viện trưởng". Còn các cơ quan hiện nay mang tên Viện nhưng sản phẩm chủ yếu là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hoặc không phải là đề tài khoa học thì cần xem xét đổi lại tên tổ chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chứ không gọi là Viện.

c) Các chức danh phụ như "trưởng", "chính", "trợ lý", "cấp cao", "cấp II", "cấp I", được dùng cho viên chức chuyên môn và tạo thành một hệ thống chức vụ từ cao đến thấp; tuỳ theo sự phát triển ngành, nghề và điều kiện quản lý, sản xuất đi vào chuyên môn sâu mà mỗi hệ thống chức vụ có thể có 4 cấp chức vụ, 3 cấp chức vụ hoặc ít hơn.

Ví dụ:

a) Thanh tra viên cấp cao

Thanh tra viên trung cấp

Thanh tra viên sơ cấp.

b) Bác sĩ chuyên khoa cấp II

Bác sĩ chuyên khoa cấp I

Bác sĩ.

c) Giáo sư cấp II

Giáo sư cấp I

Giảng viên

Giảng viên trợ lý.

d) Chuyên viên trưởng kế hoạch

Chuyên viên chính kế hoạch

Chuyên viên kế hoạch

Cán sự kế hoạch

d) Chức danh "giám đốc" được Hội đồng bộ trưởng quy định sử dụng cho các Sở cấp tỉnh, thành phố, như vậy từ nay các Ty ở các tỉnh gọi là Sở và người đứng đầu gọi là Giám đốc Sở.

3. Để giữ vững pháp luật Nhà nước, từ này tên gọi là các cơ quan cũng như tên gọi các chức vụ viên chức thể hiện trong văn bản Nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình đều phải thống nhất theo đúng quyết định số 117-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng. Nơi nào sử dụng nhầm lẫn đều phải kịp thời sửa lại và dùng đúng quy định.

 

III. XÂY DỰNG CHỨC DANH ĐẦY ĐỦ

1. Xây dựng chức danh đầy đủ là nhiệm vụ của thủ trưởng các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác trực thuộc Hội đồng bộ trưởng.

Căn cứ vào bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước do Hội đồng bộ trưởng ban hành, đồng thời căn cứ vào phương pháp hướng dẫn của Tiểu ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức đã gửi trước đây (tài liệu số 3 ngày 20 tháng 10 năm 1981 về xây dựng chức danh đầy đủ của viên chức), mỗi Bộ xây dựng chức danh đầy đủ cho toàn bộ viên chức ngành mình từ trung ương đến cơ sở và phải hoàn thành chậm nhất trước ngày 31 tháng 12 năm 1982.

Bản chức danh đầy đủ của các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác trực thuộc Hội đồng bộ trưởng xây dựng xong gửi cho Bộ Lao động, sau khi được sự nhất trí của Bộ Lao động và Bộ hữu quan, liên Bộ sẽ ban hành bản chức danh đầy đủ của ngành, sử dụng cho cả nước.

2. Các Uỷ banh nhân dân địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp có trách nhiệm ứng dụng thống nhất các chức danh đầy đủ của các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác trực thuộc Hội đồng bộ trưởng.

Khi áp dụng chức danh đầy đủ, cần làm cho mỗi viên chức hiểu rõ nội dung và nghiệp vụ của chức danh mới đó.

Ngoài ra, mỗi địa phương có thể có những chức danh đặc thù sẽ do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nghiên cứu và đề nghị Bộ Lao động xét quyết định cho ban hành.

 

IV. XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CÁC
CHỨC VỤ VIÊN CHỨC

Phương pháp xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức vụ viên chức Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn của Tiểu ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức gửi các ngành, các cấp (tài liệu số 4 ngày 20-10-1981 - Phương pháp xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức vụ viên chức Nhà nước). Các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác trực thuộc Hội đồng bộ trưởng căn cứ vào đó mà tiến hành xây dựng. Bộ Lao động làm rõ thêm mấy điểm sau đây:

1. Thủ trưởng các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác trực thuộc Hội đồng bộ trưởng chịu trách nhiệm kết hợp với đơn vị thí điểm là thành phố Hải Phòng, xây dựng tất cả tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức ngành, Bộ mình trong cả nước. Xây dựng được tiêu chuẩn nào thì sẽ tiến hành theo thủ tục và đưa vào ứng dụng ngay.

2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức vụ viên chức Nhà nước khi xây dựng xong gửi Bộ Lao động xét duyệt và ban hành (những tiêu chuẩn cấp Vụ trở lên phải gửi một bản lên Ban tổ chức trung ương).

3. Xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ tiến hành từ dễ đến khó và xây dựng từ người nhân viên đến cán bộ lãnh đạo cao nhất trong đơn vị (kể cả bộ trưởng).

4. Có hai loại tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước:

a) Loại tiêu chuẩn có sản phẩm hoàn chỉnh (ví dụ: bác sĩ, giáo viên v.v...) cần tiến hành ngay.

b) Loại tiêu chuẩn có liên quan đến bộ máy quản lý và quy trình quản lý thì xây dựng theo trình tự 4 bước: đi từ xác định chức năng, nhiệm vụ từ đó mà kiện toàn bộ máy, xác định quy trình quản lý; trên cơ sở đó mới xác định tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức và định biên chế như nghị quyết số 16-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ngày 8-2-1982 và trình tự được ghi rõ trong chương trình phương pháp của Tiểu ban danh mục tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức đã ban hành.

5. Xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước là một công tác phức tạp, mang tính khoa học, tính cách mạng. Vì vậy, quá trình xây dựng tiêu chuẩn viên chức cần chú ý một số điểm sau đây:

- Xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ cho một viên chức nào cần phải: Một là, chọn người có trình độ khá nhất trong chức danh đó tự dự thảo lấy tiêu chuẩn. Hai là: tổ nghiên cứu khoa học (tổ chuyên trách) của Bộ mời cán bộ có chức vụ đó đến tham gia ý kiến. Ba là: tổ nghiên cứu khoa học tập hơn, hoàn chỉnh trước khi đưa ra hội đồng khoa học của Bộ. Bốn là: bộ trưởng, các thủ trưởng duyệt trước khi gửi cho Bộ Lao động.

- Tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức không tuỳ thuộc vào trình độ cá nhân mà căn cứ vào yêu cầu của tổ chức, nhiệm vụ công tác. Nội dung tiêu chuẩn gồm 3 phần chức trách, những điều phải biết và trình độ nghiệp vụ. Về phần chức trách phải xác định thật rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, sản phẩm của chức danh; xác định mối quan hệ của chức danh đó trong bộ máy để hoàn thành nhiệm vụ; tức là xây dựng quy chế làm việc cho chức danh. Xuất phát từ chức trách sẽ đề ra những điều phải biết và trình độ nghiệp vụ, những điều phải biết và trình độ nghiệp vụ là yêu cầu tất yếu bắt buộc viên chức phải đáp ưng. Nếu viên chức nào đó chưa đáp ứng thì cơ quan có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng cho viên chức đó đáp ứng được yêu cầu trong khoảng thời gian nhất định, trước khi quyết định việc bố trí, sử dụng lại người đó ở chức danh khác thích hợp.

Việc xây dựng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức là một vấn đề mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đề nghị các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện phản ánh kịp thời cho Bộ Lao động những khó khăn, trở ngại để nghiên cứu cùng giải quyết.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=3710&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận