THôNG TưTHÔNG TƯ
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN
Quy định về việc cấp và quản lý giấy phép
xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan
I. Thực hiện chủ trương đơn giản hoá thủ tục hải quan, Tổng cục hải quan bãi bỏ việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu phi mậu dịch đối với các trường hợp sau đây:
1- Những hàng hoá đã có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành khi xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật: văn hoá phẩm, sách báo, phim ảnh, cổ vật, tân dược, đông dược, các mẫu vật khoáng sản, các tiêu bản côn trùng, các hạt giống cây, cây con thực vật, động vật nuôi, chim, thú...
2- Hàng mẫu, vật phẩm quảng cáo xuất khẩu, nhập khẩu.
3- Hàng tiếp tế, quà biếu xuất khẩu, nhập khẩu.
4- Hành lý (xuất khẩu, nhập khẩu) vượt tiêu chuẩn miễn thuế.
5- Giấy phép miễn thủ tục hải quan đối với hành khách xuất, nhập cảnh.
Những trường hợp trên khi xuất khẩu, nhập khẩu được giải quyết trực tiếp tại cửa khẩu theo chính sách mặt hàng, chính sách thuế, chính sách ưu đãi về thủ tục hiện hành và giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Những trường hợp xuất, nhập khẩu phi mậu dịch khác, trước mắt Tổng cục hải quan vẫn tiếp tục thực hiện chế độ cấp giấy phép.
II. Các cấp Hải quan được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan uỷ nhiệm cấp giấy phép đối với các loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc quyền cấp giấy phép của Tổng cục Hải quan.
1- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (dưới đây gọi tắt là cấp tỉnh).
Trong trường hợp đặc biệt (khẩn cấp đối với hàng hoá phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng ...) Tổng cục trưởng giao cho Cục trưởng Cục Giám sát quản lý trực tiếp cấp giấy phép khi có yêu cầu.
2- Giấy phép xuất, nhập khẩu phi mậu dịch do các cấp Hải quan được uỷ nhiệm trên đây cấp có giá trị thực hiện trong cả nước.
3- Cục trưởng Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ cấp giấy phép xuất, nhập khẩu hàng hoá phi mậu dịch của các tổ chức cá nhân ở trên địa bàn tỉnh, thành phố mình và ở các tỉnh không có tổ chức Hải quan; không cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân ở các tỉnh, thành phố khác mà ở đó có tổ chức Hải quan.
4- Các cấp Hải quan được uỷ nhiệm cấp giấy phép không được uỷ nhiệm lại cho các cấp khác, người khác cấp giấy phép.
III. Thủ tục xin và cấp giấy phép
1- Hồ sơ xin cấp giấy phép:
1.1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xin phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá phải có đơn, hoặc công hàm (đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài) ghi đầy đủ, rõ ràng nội dung bằng tiếng Việt Nam.
Giấy tờ kèm theo đơn, công hàm:
1.2. Bản kê chi tiết hàng hoá xuất (nhập) khẩu:2 bản chính.
1.3. Vận tải đơn (bản photocopy): 2 bản
1.4. Ngoài ra:
1.4.1. Đối với tài sản di chuyển và tài sản thừa kế xuất khẩu, nhập khẩu:
Giấy tờ chứng minh là tài sản di chuyển hoặc thừa kế: 1 bản sao có công chứng, có bản chỉnh để đối chiếu.
Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép tới cư trú tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài cư trú (đối với tài sản di chuyển): 1 bản sao có công chứng, có bản chính để đối chiếu.
1.4.2. Đối với cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc tại cơ quan và tổ chức này:
Sổ mua hàng miễn thuế do cơ quan Hải quan cấp.
1.4.3. Đối với cơ quan văn phòng đại diện kinh tế tại Việt Nam:
Bản sao giấy phép đặt cơ quan hay văn phòng đại diện tại Việt Nam (1 bản).
1.4.4. Trường hợp chuyển nhượng xe ô tô phải có đơn của người bán xin bán, đơn của người mua xin mua; có giấy xác nhận của Cục phục vụ ngoại giao đoàn để đề nghị Tổng cục Hải quan cho chuyển nhượng; giấy đăng ký lưu hành xe (bản sao công chứng có kèm theo bản chính để đối chiếu); Giấy xoá sổ đăng ký lưu hành xe (bản chính); Xác nhận của Bộ Ngoại giao về việc hết nhiệm kỳ công tác (trường hợp chưa đủ thời hạn để chuyển nhượng nhưng xin chuyển nhượng vì lý do chủ xe hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam); Xác nhận của cơ quan công an về việc xe bị hư hỏng do tai nạn (trường hợp xin chuyển nhượng do xe bị tai nạn); Văn bản giám định chất lượng xe do bị tai nạn (mỗi thứ một bản).
2- Cấp giấy phép:
2.1- Chậm nhất 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin phép, cơ quan Hải quan cấp giấy phép phải cấp giấy phép và trả lời cho chủ hàng.
2.2. 01 bộ giấy phép cho 1 lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu gồm 2 bản (theo mẫu do Tổng cục Hải quan phát hành):
1 bản lưu tại Hải quan nơi cấp giấy phép cùng 1 bộ hồ sơ hoàn chỉnh.
1 bản (cùng 1 bản kê chi tiết hàng hoa, 1 bản copy vận tải đơn đã đóng dấu của cơ quan Hải quan cấp giấy phép) giao cho người được cấp giấy phép để nộp cho Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Sau khi làm xong thủ tục hải quan, Hải quan cửa khẩu chứng nhận thực xuất, thực nhập trên giấy phép, và lưu cùng một bộ hồ sơ và một tờ khai đã hoàn thành thủ tục. Chủ hàng chỉ nhận một tờ khai hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan và biên lai thu thuế xuất, nhập khẩu.
Riêng đối với xe ô tô và xe gắn máy nhập khẩu thì 1 bộ giấy phép gồm 3 bản để luân chuyển như trên. Khi nhận giấy phép chủ hàng được nhận hai bản để tới cửa khẩu làm thủ tục nhận hàng. Sau khi xác nhận thực xuất, thực nhập, nhãn hiệu xe, số khung, số máy, năm sản xuất lên giấy phép, Hải quan cửa khẩu trả chủ hàng một bản để làm thủ tục đăng ký lưu hành xe.
2.3. Thời hạn hiệu lực của 1 giấy phép là 30 ngày kể từ ngày cấp giấy phép. Nếu có lý do chính đáng, chủ hàng có đơn giải trình thì giấy phép được gia hạn thêm một lần không quá 30 ngày nữa. Chỉ Hải quan nơi cấp giấy phép hoặc Cục giám quản Tổng cục Hải quan mới có quyền gia hạn.
2.4. Giấy phép chỉ có giá trị thực hiện một lần, không được cấp một giấy phép cho nhiều lần xuất, nhập khẩu.
IV- Tổ chức thực hiện:
1- Việc cấp giấy phép xuất khẩu hàng phải do một bộ phận chuyên trách thực hiện, tuỳ khối lượng công việc để tổ chức biên chế cho thích hợp.
Nơi có khối lượng giấy phép không nhiều, có thể tổ chức kiêm nhiệm, nhưng cũng phải có cán bộ kiêm nhiệm chuyên trách.
2. Phải có quy chế nghiệp vụ cấp giấy phép do Cục trưởng Hải quan cấp tỉnh ban hành để thực hiện trong phạm vi đơn vị mình. Nội dung quy chế nghiệp vụ cấp giấy phép và quản lý giấy phép phải bao gồm các nội dung công việc và theo trình tự nghiệp vụ sau:
Hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy phép,
Kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép,
Nghiên cứu hồ sơ và đề xuất,
Duyệt cấp giấy phép,
Giao giấy phép cho chủ hàng,
Phúc tập và lưu trữ hồ sơ cấp giấy phép,
Theo dõi, kiểm tra thực hiện chế độ hàng tạm xuất, tạm nhập theo giấy phép.
Đôn đốc hải quan cửa khẩu báo cáo việc thực hiện giấy phép.
Quá trình thực hiện phải đôn đốc kiểm tra, rút kinh nghiệm thường xuyên để sửa đổi, bổ sung quy chế cho hoàn thiện.
3- Hàng tháng, Hải quan cửa khẩu phải làm báo cáo việc thực hiện giấy phép xuất nhập khẩu phi mậu dịch ở cửa khẩu mình gửi Hải quan tỉnh, thành phố cấp trên và Hải quan tỉnh, thành phố cấp giấy phép. Báo cáo phải ghi rõ những giấy phép đã thực hiện, tình hình từng giấy phép.
4- Cấp giấy phép là khâu nghiệp vụ hải quan trực tiếp với dân, với tổ chức quốc tế, với cơ quan và người nước ngoài nên phải được tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, văn minh, lịch sự và thuận tiện. Cán bộ, nhân viên hải quan thừa hành nhiệm vụ này phải được lựa chọn để đáp ứng yêu cầu đó. Tuyệt đối không được lợi dung quyền hạn để gây phiền hà, sách nhiễu chủ hàng hoặc các tiêu cực khác.
5- Việc tổ chức thực hiện giấy phép thuộc trách nhiệm các cấp hải quan được uỷ nhiệm cấp giấy phép.
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra hoạt động nghiệp vụ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định này trong toàn ngành Hải quan. Thông tư này thay Quyết định 02/TCHQ-GQ ngày 15 tháng 1 năm 1992 và công văn số 521 ngày 28 tháng 6 năm 1993. Các quy định trước đây về việc cấp và quản lý giấy phép xuất nhập khẩu phi mậu dịch trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ./.