Văn bản pháp luật: Thông tư 20/HĐBT

 
Toàn quốc
Công báo số 3/1984;
Thông tư 20/HĐBT
Thông tư
...
07/02/1984

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn cuộc bầu đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn

 
1.984
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 20/HĐBT NGÀY 7-2-1984

Hướng dẫn cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn.

 

Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định cuộc bầu cử huyện, xã và tương đương sẽ tiến hành từ tháng 3 đến hết tháng 5 năm 1984. Trong khi thực hiện, các ngành và các cấp cần chú ý một số việc cụ thể sau đây:

 

1. Cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công nhân, viên chức và tập thể nhân dân ở cơ sở toàn bộ nội dung của Luật bầu cử để mọi người hiểu rõ và nắm vững pháp luật, xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi người trong việc xây dựng, củng cố, kiện toàn chính quyền nhân dân. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức làm chủ tập thể của mỗi cử tri, làm cho mỗi người tự giác chấp hành và tích cực tham gia cuộc bầu cử.

2. Việc kiểm điểm hết nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân là bước quan trọng, cần làm tốt để rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực cho nhiệm kỳ tới. Vì vậy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cấp chuẩn bị nội dung kiểm điểm sát thực với kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân mỗi cấp trong nhiệm kỳ vừa qua. Cần kiểm điểm một cách nghiêm túc, rút ra được những kinh nghiệm và nguyên nhân của mặt mạnh, mặt yếu trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền mỗi cấp.

Trên cơ sở báo cáo kiểm điểm chung của Hội đồng nhân dân, phải có phần kiểm điểm riêng trước Hội đồng nhân dân về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân. Trước và sau kỳ họp, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ở địa phương tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri để nhân dân đóng góp ý kiến với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và từng đại biểu.

3. Việc tổ chức giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở hai cấp lần này, cần tiến hành theo kế hoạch và phương pháp thống nhất của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng ở địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng cấp, tổ chức hội nghị từ cơ sở để cử tri thảo luận kỹ tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần đại biểu theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và Thông tư hướng dẫn việc thi hành Luật bầu cử của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở đó đề cử người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng cấp có trách nhiệm tổng hợp danh sách đề cử của hội nghị cử tri từ cơ sở để tiến hành hiệp thương và lập danh sách những người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử. Những người được giới thiệu ra ứng cử ở địa phương nào phải là những người cư trú hoặc công tác thường xuyên tại địa phương đó.

Danh sách những người được giới thiệu ra ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử của mỗi cấp phải nhiều hơn số đại biểu được bầu theo Luật định ít nhất là hai người để cử tri thật sự tự mình lựa chọn khi bỏ phiếu; chống gò ép hoặc dân chủ hình thức.

4. Việc bầu cử Uỷ ban nhân dân tiến hành theo Luật định và hướng dẫn của Hội đồng Bộ trưởng. Thành viên Uỷ ban nhân dân được chọn bầu trong số đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp theo đúng tiêu chuẩn đã được xác định trong chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 214-CT ngày 5-8-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc kiện toàn đội ngũ cán bộ huyện và cơ sở.

5. Việc lập danh sách cử tri phải dựa theo thông tư hướng dẫn thi hành Luật bầu cử của Hội đồng Bộ trưởng. Những người đi bầu cử phải đủ 18 tuổi trở lên.

Đối với các đơn vị quân đội, cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học... đóng tại địa phương nào đều phải tham gia bầu cử ở địa phương đó. Trường hợp đặc biệt không thể tham gia bầu cử được thì thủ trưởng đơn vị phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân cấp bầu Hội đồng nhân dân.

6. Việc lập các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo Luật. Thành viên các tổ chức này phải là những người có năng lực, uy tín và có kinh nghiệm làm công tác bầu cử.

7. Về tài liệu, vật liệu phục vụ cho cuộc bầu cử cần tận dụng triệt để những tài liệu, vật liệu sử dụng trong các cuộc bầu cử lần trước còn lại như hòm phiếu, con dấu... để giảm chi phí.

8. Việc tổ chức kiểm tra bầu cử ở Trung ương sẽ có các đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện cuộc bầu cử ở các địa phương trong cả nước. ở địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân và các đoàn thể nhân dân cùng cấp tổ chức kiểm tra từ bước chuẩn bị đến bước kết thúc, bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng pháp luật và an toàn.

9. Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hai cấp lần này tiến hành trong thời gian các địa phương có nhiều công tác quan trọng phải làm, vì vậy Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch tiến hành chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ tổ chức cuộc bầu cử đạt kết quả, đồng thời vẫn bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ khác.

10. Các ngành ở Trung ương như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư, Bộ Văn hoá, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Bưu điện, Thông tấn xã Việt Nam, Uỷ ban Phát thanh và truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí... theo chức năng của mình, có kế hoạch bảo đảm phục vụ và giải quyết kịp thời các yêu cầu cần thiết của địa phương để cuộc bầu cử tiến hành thuận lợi, an toàn và đạt kết quả tốt.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo kịp thời tình hình và kết quả bầu cử với Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=3460&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận