Thực hiện quyết định số 117-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ngày 15-7-1982 ban hành bản danh mục số 1 các chức vụ viên chức Nhà nước, đến nay đã xây dựng xong và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho một số chức danh viên chức và đang tiếp tục xây dựng cho các chức danh khác.
Việc áp dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức phải gắn liền với việc giáo dục tinh thần cách mạng, tính khoa học cho mỗi viên chức, nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và phương pháp làm việc khoa học. Vì vậy, khi tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức được ban hành, thủ trưởng các cơ quan cần tổ chức học tập cho từng chức danh để mỗi người tự giác chấp nhận và thực hiện. Cần quán triệt các biện pháp sau đây:
1. Đối với viên chức không đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ có thể giải quyết bằng nhiều biện pháp:
- Do tinh thần tự nguyện và hoàn cảnh cho phép, có thể thuyên chuyển viên chức này sang một chức vụ phù hợp khả năng tiêu chuẩn.
- Cho nghỉ, cho về hưu theo chế độ, chính sách quy định.
- Cho đi học, nếu còn ít tuổi và có triển vọng.
- Nếu bản thân viên chức đó có quyết tâm phấn đấu và được tập thể tín nhiệm, thì viên chức đó vẫn giữ nguyên chức vụ, nhưng phải có kế hoạch bồi dưỡng để đáp ứng được tiêu chuẩn nghiệp vụ trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm tuỳ thuộc mức độ yêu cầu.
2. Đối với viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ cần lưu ý mấy điểm:
- Yêu cầu viên chức đó xây dựng được quy chế làm việc của mình thể hiện vị trí mình trong bộ máy, mối quan hệ với những viên chức khác và tổ chức khác; đồng thời xác định quy trình hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Làm cho viên chức đó thấy rõ mục tiêu cụ thể để phấn đấu đạt tiêu chuẩn cao hơn, từ đó, gây phong trào học tập, rèn luyện và tinh thần phấn khởi.
3. Đối với viên chức có đủ tiêu chuẩn vượt lên chức vụ cao hơn chức vụ đang phụ trách.
- Trường hợp này được sắp xếp lại ngay nếu thủ trưởng đã cân nhắc kỹ và được sự đồng ý của công đoàn và thường vụ đảng uỷ cơ sở.
- Số lượng viên chức được sắp xếp lại do vượt tiêu chuẩn này không hạn chế, nhưng nhất thiết thủ trưởng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
4. Giải quyết số viên chức dôi ra:
Do kiện toàn tổ chức, ứng dụng phương pháp làm việc khoa học, xây dựng chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ, bộ máy sẽ gọn nhẹ, mạnh và có hiệu lực. Vì vậy sẽ dôi ra một số viên chức. Biện pháp giải quyết như sau:
- Đối với viên chức dôi ra, sẽ giải quyết theo các chủ trương của Nhà nước được ghi trong các quyết định hiện hành.
- Việc giải quyết viên chức dôi ra này, phải cân nhắc thật thận trọng, có biện pháp đầy đủ về chính trị, kinh tế, tư tưởng, bảo đảm không gây ra ảnh hưởng xáo động trong cơ quan, đơn vị.
5. Đối với những viên chức sau khi đã nhận trách nhiệm với tiêu chuẩn được giao:
Thủ trưởng phải thật sự là người đi đầu và gương mẫu thực hiện tiêu chuẩn nghiệp vụ của mình. Một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của thủ trưởng là điều hành bộ máy theo tổ chức, dựa vào tổ chức, cụ thể là:
-
n định lâu dài vị trí của chức danh viên chức, làm cho viên chức đó tích luỹ kinh nghiệm, trở thành người trợ thủ đắc lực của mình. Bất đắc dĩ mới thay đổi tổ chức, thuyên chuyển cán bộ.- Giao việc theo tiêu chuẩn nghiệp vụ sẽ đòi hỏi chất lượng và hiệu quả công tác, mỗi người phải phấn đấu cao, vì vậy trước hết thủ trưởng phải kết hợp với công đoàn tạo mọi điều kiện tốt hơn về đời sống và phương tiện làm việc. Phải động viên khuyến khích mỗi người.
Trong lúc Bộ Lao động đang nghiên cứu chế độ tiền lương và phụ cấp mới, các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách về đòn bẩy kinh tế hiện hành.
6. Tuyển dụng:
Việc tuyển dụng viên chức mới phải trên cơ sở chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ. Kể từ nay, cơ quan nào tuyển dụng không theo chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ thì thủ trưởng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Nhà nước.
Đề nghị các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc phản ánh cho Bộ Lao động để nghiên cứu giải quyết.