Chế độ nghỉ lễ và nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Nghị định số 28/TTg ngày 28 tháng 1 năm 1959.
Ngày 6 tháng 5 năm 1971, Bộ Lao động đã ban hành thông tư số 05/TT-LĐ, tổng hợp các quy định về chế độ nghỉ ngơi đối với cán bộ, công nhân, viên chức tại các văn bản trước đây và có bổ sung, sửa đổi một số điểm cho phù hợp với tình hình mới.
Đối với ngành giáo dục, ngày 4 tháng 7 năm 1959, Bộ Giáo dục đã ban hành thông tư số 25-TT-CS và các văn bản tiếp theo quy định chế độ nghỉ hè đối với giáo viên các cấp, các ngành học.
Để hợp lý hoá chế độ làm việc và nghỉ ngơi hàng năm của giáo viên và nhằm động viên, khuyến khích hơn nữa đối với cô giáo thầy giáo trong công tác giáo dục, Bộ Giáo dục, sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Lao động và Bộ Tài chính, ban hành thông tư này, tổng hợp các văn bản đã có trước đây về chế độ nghỉ ngơi của giáo viên và có bổ sung sửa đổi một số điểm cần thiết để thực hiện thống nhất trong toàn ngành.
1. Sau một năm tiến hành công tác giáo dục và giảng dạy, đến dịp hè, mọi giáo viên (kể các giáo viên đang ở thời gian tập sự) được nghỉ hè 1 tháng (30 ngày, kể cả chủ nhật) và hưởng nguyên lương - không áp dụng chế độ nghỉ hàng năm 10 hoặc 12 ngày theo quy định chung với cán bộ, công nhân, viên chức, nhằm tạo điều kiện cho cô giáo, thầy giáo khôi phục lại sức khoẻ, kết hợp đi lại nhằm thăm hỏi gia đình và bà con thân thuộc.
2. Giáo viên là người Kinh, người dân tộc ít người đến công tác tại các vùng núi cao, vùng hải đảo xa xôi, có phụ cấp khu vực từ 20% trở lên (gọi tắt là vùng cao), giáo viên từ nơi khác đến công tác ở các vùng xa xôi hẻo lánh (theo quy định tại thông tư Liên Bộ số 30-TT/LB, ngày 28 tháng 8 năm 1974 của Liên Bộ Giáo dục - Tài chính và do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định) thì được ghỉ hè 1,5 tháng (45 ngày, kể cả chủ nhật).
3. Do phương tiện đi lại gặp khó khăn hoặc do đoạn đường đi lại quá xa, thời gian cả đi và về khi nghỉ hè mất quá 5 ngày, thì từ ngày thứ 6 trở đi được xét và cho nghỉ thêm.
Cơ quan cấp giấy đi nghỉ hè cho giáo viên là Phòng giáo dục (đối với giáo viên cấp 1, cấp 2), Sở, Ty giáo dục (đối với cấp 3) và Hiệu trưởng các trường trực thuộc Bộ.
Thí dụ: giáo viên X quê ở Nghệ Tĩnh, công tác tại vùng cao Lai Châu, được nghỉ hè 45 ngày trong một năm. Do đoạn đường xa và phương tiện đi lại khó khăn, nên cả đi và về đồng chí X đi mất 7 ngày (có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý giao thông). Như vậy đồng chí X được nghỉ thêm 2 ngày nữa.
4. Trong 1 năm (kể từ 1/6 năm này đến 1/5 năm sau), giáo viên nghỉ ốm có số ngày cộng lại từ 3 tháng trở lên đến dưới 6 tháng (hay có số giờ dạy dưới 1/2 số giờ tiêu chuẩn trong năm) thì năm đó chỉ được nghỉ 1/2 số ngày nghỉ hè quy định. Nếu có số ngày nghỉ ốm cộng lại từ 6 tháng trở lên (hay từ 1/2 số giờ tiêu chuẩn trở lên) thì năm đó không được nghỉ hè nữa.
Thời gian nữ giáo viên nghỉ đẻ, vì con ốm, thì không cộng vào thời gian nghỉ ốm của giáo viên nói ở trên và vẫn áp dụng theo các quy định trước đây.
Thí dụ: a) Đồng chí A là giáo viên cấp 3, có số giờ dạy trên lớp theo tiêu chuẩn trong 1 năm là : 16g/t x 32 = 512 giờ. Trong năm, giáo viên A nghỉ ốm có số giờ không dạy cộng lại là: 180 giờ, dưới 1/2 số giờ tiên chẩn trong năm (hoặc có số ngày nghỉ ốm cộng lại là 100 ngày) thì năm đó đồng chí A chỉ được hưởng 1/2 số ngày nghỉ hè theo quy định.
b) Đồng chí B là giáo viên cấp 1, có số buổi dạy trên lớp theo tiêu chuẩn trong 1 năm là 6b/t x 32t = 192 buổi. Trong năm, giáo viên B nghỉ ốm mất 96 buổi (tương đương 4 tháng) và sau đó vào dịp nghỉ hè lại nghỉ ốm hơn 2 tháng nữa. Như vậy cả năm giáo viên B nghỉ ốm trên 6 tháng, do đó không được nghỉ hè nữa.
5. Hàng năm, sau khi kết thúc năm học, trên cơ sở kế hoạch tổ chức bồi dưỡng giáo viên trong hè, các cơ quan quản lý giáo dục cần có kế hoạch sắp xếp để mọi giáo viên được nghỉ hè theo đúng chế độ. Việc tổ chức nghỉ cho mỗi giáo viên tiến hành vào một đợt hoặc hai đợt là cùng.
Trường hợp đặc biệt do yêu cầu công tác mà phải huy động một số Hiệu trưởng, Hiệu phó và giáo viên làm công tác trong dịp hè, nên không thể bố trí nghỉ hết số ngày được ghỉ trong năm, thì sang học kỳ I của năm học tới các trường học cố gắng thu xếp để anh chị em được nghỉ bù và nói chung không đặt vấn đề thanh toán tiền thay cho những ngày chưa nghỉ đó (như quy định tại thông tư: 5-TT/LĐ ngày 6-5-1971 của Bộ Lao động).
Việc huy động giáo viên làm công tác trong hè do các Sở, Ty giáo dục quyết định và thời gian huy động không được quá 10 ngày.
6. Những giáo viên nghỉ hè không đúng số ngày quy định, quá ngày nào sẽ trừ vào số ngày nghỉ của năm sau.
7. Hiệu trưởng, hiệu phó đều phải tham gia giảng dạy theo quy định về chế độ công tác đối với giáo viên của Bộ Giáo dục và được nghỉ hè như giáo viên. Trường hợp được phép thoát ly giảng dạy thì hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm như những cán bộ, công nhân, viên chức khác.
8. Ngoài chế độ nghỉ hè như trên, giáo viên còn được nghỉ phép về việc riêng và hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau:
- Cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng hoặc vợ, vợ hay chồng, con chết được nghỉ từ 1-3 ngày (không kể thời gian đi về)
- Giáo viên khi tổ chức cưới vợ, lấy chồng không trùng vào dịp nghỉ hè thì nhà trường sẽ thu xếp để anh chị em được nghỉ từ 1 đến 3 ngày và tính trừ vào thời gian nghỉ hè của năm đó.
9. Giáo viên chưa được nghỉ hè đã chết thì gia đình được thanh toán tiền lương của những ngày thuộc quyền lợi của giáo viên được nghỉ mà chưa nghỉ.
10. Trong dịp hè hàng năm, giáo viên có thể kết hợp đi thăm hỏi gia đình và được thanh toán tiền tàu xe mỗi năm một lần (cả đi lẫn về) và đến một địa điểm nhất định (theo hướng dẫn tại điểm a, tiết 4, mục III thông tư 05-TT/LĐ ngày 6-5-1971 của Bộ Lao động).
11. Thông tư này áp dụng cho tất cả giáo viên giảng dạy trong các trường sư phạm, phổ thông, bổ túc văn hoá công nông và phổ thông lao động.
Những cán bộ, giáo viên công tác ở các cơ quan quản lý giáo dục, thoát ly giảng dạy thì áp dụng chế độ nghỉ phép hàng năm theo quy định chung của Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực kể trừ ngày ký và thay thế cho tất cả các văn bản trước đây của Bộ Giáo dục nói về chế độ nghỉ ngơi của giáo viên.