THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương
trong bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 03 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 176/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020;
Sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi thực hiện bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác bao gồm:
a) Các khu vực dự trữ tài nguyên và đấu thầu thăm dò, khai thác tài nguyên quặng chì, kẽm ở tỉnh Cao Bằng, tỉnh Tuyên Quang theo thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Các khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác ở các tỉnh Bắc Cạn, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Yên Bái, tỉnh Hà Giang, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Thanh Hoá, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Bình theo thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Các khu vực cấm hoạt động khoáng sản; khu vực, điểm, mỏ địa phương phát hiện có tài nguyên quặng chì, kẽm nhưng chưa được điều tra, đánh giá và chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo.
2. Đối tượng được hưởng các chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương bao gồm: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang cư trú, hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ hợp pháp tại khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác bị thiệt hại, thay đổi nơi cư trú, nơi hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện khảo sát, thăm dò và triển khai công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác.
3. Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khảo sát, thăm dò tại khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đảm bảo quyền lợi của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi hoạt động khảo sát, thăm dò.
4. Nhà nước đảm bảo quyền lợi của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác cần bảo vệ thông qua các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ổn định đời sống và sản xuất. Đồng thời, Nhà nước quy định chính sách đảm bảo kinh phí thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
5. Thời gian tổ chức thực hiện bảo vệ khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác kể từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định khu vực, điểm, mỏ có tài nguyên quặng chì, kẽm đã được điều tra, đánh giá và thông báo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc khi địa phương phát hiện khu vực, điểm, mỏ có tài nguyên quặng chì, kẽm nhưng chưa được điều tra, đánh giá hoặc chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cho đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định cấp phép khai thác.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHÍNH SÁCH ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA ĐỊA PHƯƠNG
1. Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khảo sát, thăm dò tại khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm trong trường hợp không phải thuê đất có trách nhiệm thoả thuận với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang cư trú, hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ hợp pháp tại khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác bị ảnh hưởng, thiệt hại do hoạt động khảo sát, thăm dò gây ra về mức bồi thường, hỗ trợ thực hiện chính sách theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khảo sát, thăm dò sử dụng đất thường xuyên tại khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm phải thuê đất thì thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Luật Đất đai; Luật Khoáng sản; Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Thông tư số 69/2006/TT-BTC ngày 02/08/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn có liên quan như sau:
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân thuê đất để hoạt động khảo sát, thăm dò thoả thuận được với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang cư trú, hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ hợp pháp tại khu vực, điểm, mỏ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác bị thu hồi đất về mức bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai thì thực hiện theo sự thoả thuận đó; Nhà nước không tổ chức, thực hiện bồi thường, hỗ trợ.
b) Trường hợp Nhà nước tổ chức, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất:
Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc Tổ chức phát triển quỹ đất giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp lập và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư; nội dung bồi thường, hỗ trợ bao gồm:
b.1. Bồi thường thiệt hại về đất và tài sản gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân do phải thay đổi nơi cư trú, hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
b.2. Hỗ trợ ổn định hoạt động, đời sống, sản xuất cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải thay đổi nơi cư trú, hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cụ thể như sau:
- Trợ cấp ổn định đời sống và sản xuất cho người dân phải di chuyển chỗ ở.
- Trợ cấp ngừng việc cho người lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong thời gian ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ để thực hiện việc di chuyển địa điểm.
- Hỗ trợ chi phí đào tạo lao động chuyển đổi nghề và tạo việc làm.
- Hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình di chuyển chỗ ở trong phạm vi tỉnh và sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
- Hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở nhưng chưa nhận được nơi ở mới mà phải tạm thuê nhà trong khi chờ đợi.
- Chi trả chi phí di chuyển nhà, công trình có thể tháo rời, tài sản khác cho cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân phải di chuyển đến địa điểm mới.
Đối tượng, điều kiện, thủ tục, mức bồi thường thiệt hại về đất và tài sản gắn liền với đất, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất theo quy định tại tiết b.1 và b.2 điểm 2 mục II của Thông tư này được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính.
b.3. Chi trả kinh phí bồi thường đất công ích của xã, phường, thị trấn và cơ sở hạ tầng công cộng nơi thu hồi đất và được nộp vào ngân sách nhà nước, điều tiết cho ngân sách các cấp theo quy định.
b.4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp ở nơi có tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác cần được bảo vệ mà phải thay đổi nơi cư trú, nơi sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì được Nhà nước tạo điều kiện bố trí tái định cư bằng một trong các hình thức sau: Bồi thường bằng nhà ở; Bồi thường bằng giao đất ở mới; Bồi thường bằng tiền để tự lo chỗ ở mới theo quy định của Luật Đất đai.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (Trừ tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam) được cấp phép hoạt động khảo sát, thăm dò trên phạm vi diện tích đất được thuê, có nghĩa vụ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thực hiện ứng trước tiền để chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP thì được trừ số tiền đã chi trả bồi thường về đất, hỗ trợ về đất vào tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước. Mức được trừ không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp theo quy định.
3. Tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động khảo sát, thăm dò phải chịu mọi chi phí bảo vệ, phục hồi môi trường, môi sinh. Khi giấy phép khảo sát, thăm dò chấm dứt hiệu lực thì tổ chức, cá nhân được phép khảo sát, thăm dò phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực khảo sát, thăm dò; san lấp các công trình thăm dò trở lại trạng thái đảm bảo an toàn, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai; giao nộp các mẫu vật, số liệu, thông tin về tài nguyên khoáng sản đã thu thập được cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy định của pháp luật.
4. Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền xét duyệt, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cụ thể việc thực hiện các dự án tái định cư cho người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở.
5. Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm ưu tiên tuyển dụng lao động phù hợp từ bộ phận dân cư phải di chuyển do ảnh hưởng của hoạt động khảo sát, thăm dò hoặc thực hiện phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác vào cơ quan, đơn vị thuộc địa phương theo các phương án đầu tư phát triển kinh tế nhằm đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân.
6. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí cán bộ, công chức, trang thiết bị, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động cho các cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện đề án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
III. LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CỦA ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC BẢO VỆ TÀI NGUYÊN QUẶNG CHÌ, KẼM CHƯA KHAI THÁC.
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách thực hiện chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, trong đó chú ý một số nội dung sau:
1. Cơ quan tài chính có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế nơi có hoạt động khảo sát, thăm dò tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác cần bảo vệ, lập dự toán thu từ hoạt động khảo sát, thăm dò trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Lệ phí cấp giấy phép hoạt động; thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các khoản thu khác từ hoạt động khảo sát, thăm dò theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ đề án bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tài chính lập dự toán chi ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, để thực hiện các nhiệm vụ chi quy định tại điểm 6 mục II của Thông tư này. Trường hợp nguồn kinh phí ngân sách địa phương không đảm bảo, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp với các Bộ có liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện.
3. Dự toán thu, chi ngân sách được lập chi tiết theo Mục lục Ngân sách Nhà nước. Sau khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan tài chính có trách nhiệm đảm bảo nguồn kinh phí theo tiến độ thực hiện. Các tổ chức được bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách phải quản lý, sử dụng, kinh phí đúng chính sách, chế độ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, cơ quan Trung ương trong phạm vi chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương theo các quy định tại Thông tư này; đồng thời thực hiện rà soát các cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác theo đúng Quyết định số 176/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác để làm căn cứ thực hiện ở địa phương;
b) Chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xác định nhu cầu kinh phí thuộc nhiệm vụ chi ngân sách địa phương theo quy định tại Thông tư này và chủ động cân đối, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện;
c) Chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác; quản lý, sử dụng, kinh phí phục vụ công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác đúng chính sách, chế độ; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại xã, tại thôn, niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, tại thôn theo quy định;
d) Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp và các Bộ có liên quan tình hình thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên quặng chì, kẽm chưa khai thác để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, sửa đổi cho phù hợp./.