Thông tư THÔNG TƯ
CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 4/TS-VTTT-VG NGÀY 5 THÁNG 10 NĂM 1981 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG ĐỐI VỚI SẢN PHẨM
VÀ VẬT TƯ THUỶ SẢN.Thi hành Quyết định số 312-CP ngày 1/10/1980 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường, Bộ hướng dẫn các địa phương và cơ sở thực hiện như sau.
I. VỀ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VẬT TƯ VÀ SẢN PHẨM
CỦA NGHỀ CÁ BIỂN.
1. Quản lý vật tư:
a. Nguyên tắc: Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng, dây, lưới, sợi, và các vật tư khác do Nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu để phục vụ cho nghề cá theo kế hoạch từ khâu bán buôn đến khâu bán lẻ, cấm tư thương buôn bán trên thị trường tự do.
Tất cả các loại vật tư ghi trong danh mục sau đây phải được quản lý chặt chẽ, mọi biểu hiện cung cấp không đúng đối tượng, không đúng mục đích, nhượng lại, bán lại (không được cơ quan chủ quản cho phép) lợi dụng, tham ô, móc ngoặc, hối lộ lấy cắp đều là phạm pháp phải nghiêm trị.
b. Danh mục vật tư thuỷ sản thống nhất quản lý:
Ngoài danh mục vật tư ở Quyết định số 312-CP và trong thông tư hướng dẫn thực hiện của các ngành đã công bố, các Sở, Ty cần lưu ý đưa vào danh mục quản lý các loại vật tư trong ngành thuỷ sản sử dụng:
- Lưới, sợi, giềng các loại thuộc hàng nhập;
- Các loại hàng chất dẻo để kéo dây, sợi dệt lưới, làm phao, làm thùng nhựa, xốp cách nhiệt;
- Thuốc nhuộm lưới;
- Vải buồm;
- Gỗ đóng sửa tàu thuyền;
- Máy thuỷ, máy lạnh, máy vô tuyến điện, các phụ tùng đồ điện dùng cho nghề cá;
- Kim khí: chì, dây cáp mạ, dây thép mạ, thép lá mạ;
- Hoá chất Chlorin, NH3, Fréon các loại BN-78;
- Nhiên liệu xăng, điêzen, dầu nhờn;
- Bóng, mạng đèn măng sông;
2. Quản lý sản phẩm thuỷ sản:
a. Nguyên tắc:
Thủy sản xuất khẩu: Tôm, cá, đặc sản thuộc diện xuất khẩu Nhà nước thống nhất quản lý thu mua toàn bộ kể cả trong và ngoài kế hoạch bằng hợp đồng kinh tế hai chiều theo giá chỉ đạo và giá thoả thuận, cấm tư thương buôn bán lưu thông trên thị trường tự do. Những nơi chưa tổ chức thu mua để xuất khẩu được thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quy định cụ thể về việc thu mua, chế biến, tiêu thụ tại địa phương.
Để có đủ thuỷ sản cung cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân theo định lượng, Nhà nước quản lý thu mua đại bộ phận sản phẩm thuỷ sản ở những vùng sản xuất tập trung trên các ngư trường và tại các bến cá chính. Người sản xuất có nghĩa vụ nộp đủ thuế, bán đủ số lượng và chất lượng sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều. Số còn lại người sản xuất được trực tiếp tiêu thụ hoặc thông qua chế bán tại thị trường địa phương. Nếu Nhà nước hoặc hợp tác xã tiêu thụ có nhu cầu, người sản xuất bán cho Nhà nước hoặc hợp tác xã tiêu thụ theo giá thoả thuận.
Cấm tư thương không đợc đến các bến cá, ngư trường để mua sản phẩm thuỷ sản.
b. Danh mục sản phẩm thuỷ sản Nhà nước thống nhất quản lý thu mua:
Thuỷ sản xuất khẩu:
- Các loại tôm tươi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như tôm he, tôm thẻ, tôm sú, tôm rằn, tôm bạc, tôm gân, tôm chì, tôm bột, tôm rảo, tôm nghệ, tôm sắt, tôm hùm, tôm mu ni (bề bề), tôm càng xanh;
- Một số cá chính như chim, thu, hồng, mú (song), dưa, kẽm;
- Cá ngừ sấy khói;
- Cá, tôm thuộc diện xuất khẩu nói trên đem phơi khô;
- Vây, cước cá, yến sào và ngọc trai;
- Mực ống, mực nang loại I và loại II kể cả sản phẩm khô.
Thuỷ sản tiêu dùng trong nước:
- Cá biển;
- Nước mắm;
- Mắm tôm;
- Cá khô;
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN BIỆN PHÁP QUẢN LÝ:
Để thực hiện tốt các quy định trên, các địa phương và cơ sở cần làm ngay những việc sau đây:
1. Kiểm tra, soát xét lại việc đăng ký sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm thuỷ sản ở khu vực quốc doanh, tập thể và cá thể trong toàn ngành.
2. Tiếp tục và đẩy mạnh cải tạo tư thương, nậu, vựa, chủ thuyền và hàm hộ chế biến thuỷ sản để hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý thị trường.
Đối với đối tượng nói trên đã qua xử lý, nay không chịu cải tạo, trở lại hoạt động trái phép, không chấp hành nghiệm túc các chính sách của Đảng và Nhà nước, có thái độ chống đối thì kiên quyết nghiêm trị bằng pháp luật.
3. Củng cố tổ chức mạng lưới cung ứng vật tư, thu mua thuỷ sản từ công ty đến các trạm, cửa hàng để đủ sức bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
4. Kết hợp việc thực hiện điều lệ thuế công thương nghiệp với việc quản lý thị trường.
5. Củng cố, kiện toàn thường xuyên các ban quản lý, các đội kiểm tra, kiểm soát thị trường từ tỉnh đến huyện.
Ở các huyện ven biển, ngành thuỷ sản tham gia với nhiệm vụ thường trực làm nòng cốt trong mọi hoạt động. 6. Những hành vi sau đây là vi phạm chính sách quản lý thị trường.
- Phao tìn đồn nhảm, gây hoang mang trong nhân dân để đầu cơ tích trữ hàng hoá, vật tư, buôn bán mặt hàng Nhà nước đã công bố thống nhất quản lý.
- Nâng giá để tranh thủ mua ở những vùng Nhà nước đã thống nhất thu mua sản phẩm; nâng giá bán hàng và giá dịch vụ Nhà nước đã quy đinh, vi phạm chế độ niêm yết giá (bán và mua) gây rối loại thị trường;
- Làm giả hoặc buôn bán tem phiếu, sổ mua hải sản, vật tư, giả mạo giấy tờ để được mua bán những mặt hàng thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý.
- Vi phạm các điều lệ hải quan, quản lý kinh doanh, thuế công thương nghiệp và thuế hàng hoá.
Các hình vi nói trên đều bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật hiện hành. Tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ mà xử phạt theo một hoặc nhiều hình thức cụ thể sau:
- Cảnh cáo.
- Phạt tiền.
- Tịch thu hoặc thu mua hàng hoá là tang vật phạm pháp.
- Thu hồi giấy phép kinh doanh có thời hạn, hoặc không có thời hạn.
- Truy tố trước toà án.
7. Những người có công trong việc quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, ngoài các hình thức khen thưởng về tinh thần còn được thưởng vật chất (theo Điều 4 của quyết định số 312-CP ngày 1/10/1980) như sau:
- Người phát hiện các ổ buôn lậu, đầu cơ tích trữ hàng hoá, vật tư được thưởng từ 5 đến 10% trị giá hàng hoá tịch thu (hoặc tiền phạt, tiền thuế).
- Người trực tiếp truy bắt kẻ phạm pháp được thưởng từ 10 đến 15% trị giá hàng hoá tịch thu (hoặc tiền phạt, tiền thuế).
- Những người, những tổ chức tập thể lợi dụng chức trách tiếp tay, bao che cho bọn gian thương, bọn đầu cơ buôn lậu hoặc thông đồng với bọn lấy cắp tài sản, hàng hoá, vật tư bán cho bọn gian thương và những người tham ô tiền thuế, tiền phạt và hàng hoá tịch thu đều bị nghiêm trị theo pháp luật hiện hành.
8. Căn cứ vào hướng dẫn trên, các Sở, Ty có biện pháp cụ thể trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu ra các văn bản chỉ đạo thực hiện:
- Quy định danh mục hàng hoá, vật tư của nghề cá Nhà nước thống nhất quản lý của địa phương.
- Điều lệ đăng ký sản xuất kinh doanh. Giá mua, giá bán các loại hàng hoá, vật tư để quản lý.
- Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc của ban quản lý, đội kiểm tra, kiểm soát thị trường.
- Quy định các bến cá, các ngư trường cấm tư thương hoạt động v.v...
Thông tư này được phổ biến đến toàn thể cán bộ, công nhân viên và nhân dân để thi hành. Những quy định trước đây của ngành về quản lý thị trường thuỷ sản trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, các Sở, Ty thuỷ sản cần có biện pháp để tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì cần sửa đổi, các tỉnh đề nghị để Bộ nghiên cứu bổ sung.