Văn bản pháp luật: Thông tư 63/2010/TT-BNNPTNT

Cao Đức Phát
Toàn quốc
Công báo sô 686+687
Thông tư 63/2010/TT-BNNPTNT
Thông tư
16/12/2010
01/11/2010

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn việc quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng
2.010
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm,

 hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

______________________

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale - CFS) đối với sản phẩm, hàng hoá được sản xuất trong nước để xuất khẩu và quản lý CFS đối với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân, nhà sản xuất sản phẩm, hàng hoá và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá tại Việt Nam thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Điều 3. Thẩm quyền quản lý CFS sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu; cấp CFS sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu

1. Thẩm quyền quản lý CFS sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu, cấp CFS sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu được quy định cụ thể tại Phụ lục I Thông tư này.

2. Các cơ quan có thẩm quyền nêu tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thông báo rõ các địa chỉ nơi đăng ký hồ sơ thương nhân; nơi cấp CFS sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nơi kiểm tra CFS sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

Chương II

CẤP CFS  ĐỐI VỚI SẢN PHẨM, HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

Điều 4. Điều kiện để sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS

Sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước để xuất khẩu được cấp CFS khi thoả mãn các điều kiện sau:

1. Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu.

2. Được xác nhận công bố hợp chuẩn hoặc công bố hợp quy phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

3. Yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu về cấp CFS (nếu nước nhập khẩu có quy định).

Điều 5. Đăng ký cấp CFS

1. Trình tự đăng ký:

a) Đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan thẩm quyền cấp CFS theo quy định tại Điều 9 của Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp CFS cho cơ quan thẩm quyền cấp CFS.

2. Hồ sơ đề nghị cấp CFS gồm:

a) Đơn đề nghị cấp CFS được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ (theo mẫu quy định tại Phụ lục  II.a của Thông tư này).

b) Bản sao có chứng thực xác nhận công bố hợp chuẩn, hoặc công bố hợp quy phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

c) Yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu (nếu có).

3. Gửi hồ sơ:

Người đề nghị cấp CFS gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm quyền cấp CFS bằng các hình thức: gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện.

Điều 6. Thẩm tra hồ sơ và cấp CFS

1. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ:

a) Đối với hồ sơ được gửi qua đường bưu điện: Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký cấp CFS, cơ quan thẩm quyền cấp CFS thông báo bằng văn bản cho người đề nghị cấp CFS nêu rõ những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. 

b) Đối với hồ sơ được gửi trực tiếp: Công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, nếu chưa đầy đủ, không hợp lệ thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn cá nhân, tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này:

a) Công chức tiếp nhận hồ sơ viết giấy biên nhận hồ sơ (đối với hồ sơ được gửi trực tiếp).

b) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký cấp CFS, cơ quan thẩm quyền cấp CFS sẽ cấp Giấy chứng nhận CFS (theo mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư này hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu). Giấy chứng nhận CFS có hiệu lực tối đa 2 năm kể từ ngày cấp.

3. Trường hợp sản phẩm, hàng hoá không đáp ứng điều kiện để cấp CFS như quy định tại Điều 4 Thông tư này, cơ quan thẩm quyền cấp CFS ra thông báo bằng văn bản cho người đề nghị cấp CFS nêu rõ lý do về việc không cấp CFS cho các sản phẩm đã đề nghị cấp CFS.

4. Trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp CFS hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các CFS đã cấp trước đó, cơ quan thẩm quyền cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất hoặc chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ năng lực thực hiện. Chi phí kiểm tra do người đề nghị cấp CFS chi trả.

Điều 7. Cấp lại CFS

1. Điều kiện cấp lại CFS:

CFS được cấp lại trong các trường hợp sau:

a) Giấy chứng nhận CFS gốc vẫn còn hiệu lực nhưng bị mất, thất lạc;

b) Giấy chứng nhận CFS gốc vẫn còn hiệu lực nhưng bị hư hỏng, không thể tiếp tục sử dụng;

c) Khi phát hiện có sai sót trên CFS do lỗi của người đề nghị cấp CFS hoặc lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp CFS.

Các trường hợp quy định tại điểm b, c khoản này, khi cấp lại phải thu hồi CFS đã cấp.

2. Thủ tục cấp lại:

a) Người đề nghị cấp lại CFS nộp đơn (theo mẫu tại Phụ lục II.b Thông tư này) gửi cơ quan thẩm quyền cấp CFS đề nghị cấp lại CFS.

b) Cơ quan thẩm quyền cấp CFS thông báo cho thương nhân về việc cấp lại giấy chứng nhận CFS khi phát hiện có sai sót trên CFS do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp CFS.

3. Thẩm tra hồ sơ và cấp lại CFS:

a) Trong vòng 04 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp lại CFS, cơ quan thẩm quyền cấp CFS xem xét, đối chiếu với hồ sơ gốc được lưu tại cơ quan cấp CFS:

- Cấp bản sao Giấy chứng nhận CFS đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này. Bản sao này phải mang dòng chữ “CERTIFIED TRUE COPY” (bản sao chứng thực), ngày cấp và thời hạn hiệu lực theo bản CFS gốc.

- Cấp lại CFS mới đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

b) Trường hợp không cấp lại, cơ quan thẩm quyền cấp CFS thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị cấp CFS.

Điều 8. Thu hồi CFS đã cấp

1. Cơ quan thẩm quyền cấp CFS sẽ thu hồi CFS đã cấp trong những trường hợp sau:

a) Những trường hợp đã quy định tại khoản 1 Điều 14 Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

b)  CFS được cấp cho sản phẩm, hàng hóa mà sản phẩm, hàng hóa đó không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã công bố.

2. Việc thu hồi CFS đã cấp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương III

QUẢN LÝ CFS ĐỐI VỚI SẢN PHẨM, HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

Điều 9. Yêu cầu về CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu

1. CFS do cơ quan thẩm quyền của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu cấp phải có đầy đủ những thông tin tối thiểu như quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy định giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

2. Trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này, CFS do nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu cấp phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia

Điều 10. Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu yêu cầu phải có CFS

1. Danh mục sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu yêu cầu phải có CFS để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu hoặc các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật hiện hành  được quy định tại Phụ lục IV Thông tư này.

2. Việc sử dụng CFS có thể được áp dụng cho một hoặc nhiều lô hàng của cùng một loại sản phẩm nhập khẩu theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

Điều 11. Kiểm tra CFS

1. CFS là một thành phần hồ sơ trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu hoặc cấp giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật hiện hành đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu; là cơ sở để cơ quan thẩm quyền quy định các thủ tục, quy định quản lý liên quan.

2. Các cơ quan thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư  này kiểm tra CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu quy định tại khoản 1 Điều 11 của Thông tư này.

3. Trong trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của CFS đối với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu hoặc hàng hoá không phù hợp CFS, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan có văn bản yêu cầu cơ quan cấp CFS cung cấp thông tin cần thiết để làm rõ.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu nếu CFS đó được cơ quan cấp CFS của nước xuất khẩu xác nhận là không xác thực.   

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của nhà sản xuất, thương nhân xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa

1. Thực hiện yêu cầu của cơ quan thẩm quyền cấp, kiểm tra, quản lý CFS về việc chứng minh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng các quy định về CFS.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật hiện hành về tính chính xác, trung thực đối với khai báo liên quan đến việc đề nghị cấp CFS.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật hiện hành về tính chính xác, trung thực của CFS cho sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra về khai báo, sử dụng CFS theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền kiểm tra, quản lý CFS sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu; cấp CFS sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu

1. Chủ trì thực hiện, tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục về cấp CFS đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, quản lý CFS đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu theo thẩm quyền quản lý quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ và cấp CFS khi sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu đáp ứng quy định về CFS tại Điều 6 Thông tư này.

3. Kiểm tra, quản lý CFS của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Phụ lục IV Thông tư này.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc theo phân công về nghiệp vụ cấp, kiểm tra, quản lý CFS.

5. Hàng năm, hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), gửi báo cáo tình hình cấp, kiểm tra CFS đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc thẩm quyền quản lý về Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14.  Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Điều 15.  Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25865&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận