Để thi hành Điều 10 tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng và điểm 4 tại Chỉ thị số 442-CTTW ngày 25-10-1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc quy định tạm thời phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.
Sau khi đã trao đổi ý kiến với các cơ quan có liên quan ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố, Ban Tổ chức của Chính phủ hướng dẫn như sau:
1. Trước hết cần quán triệt tinh thần Điều 10 tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng và điểm 4 tại Chỉ thị số 442-CTTW ngày 25-10-1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cán bộ xã, phường, thị trấn là những người làm việc trực tiếp hàng ngày với nhân dân, vừa công tác, vừa tham gia lao động sản xuất, khi giao nhiệm vụ thì được phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng.
2. Bộ máy của xã, phường, thị trấn cần phải gọn, nhẹ, có hiệu lực, bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước; phải kiện toàn cán bộ cho các ban chuyên môn (theo quy định của Đảng và Nhà nước) có đủ sức làm việc, bố trí kiêm chức, kiêm việc để bộ máy ít người mà mọi công tác đều có người phụ trách.
3. Việc phân hạng xã, phường, thị trấn nhằm đạt cả 2 yêu cầu để định số lượng cán bộ được phụ cấp sinh hoạt phí và mức phụ cấp sinh hoạt phí cho những cán bộ này phù hợp với từng hạng xã, phường, thị trấn.
Căn cứ để phân hạng xã, phường, thị trấn có nhiều mặt (tương tự như khái niệm phân loại xã theo Quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ): địa dư (diện tích to, nhỏ), dân số (nhiều, ít), tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng (công việc nhiều, mức độ phạm vi quản lý phức tạp) để kết hợp xem xét.
Về số lượng cán bộ được phụ cấp sinh hoạt phí của mỗi hạng xã, phường, thị trấn:
a) Có hạng xã, phường, thị trấn được bố trí trên dưới 25 người bao gồm cả cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên trách và cán bộ nửa chuyên trách, tối đa không quá 30 người.
b) Có hạng xã, phường, thị trấn được bố trí trên dưới 20 người bao gồm cả cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên trách và cán bộ nửa chuyên trách, tối đa không quá 25 người.
c) Có hạng xã, phường, thị trấn diện tích nhỏ, dân số ít, khối lượng công việc không nhiều mà lại ít phức tạp, thì bố trí số lượng cán bộ ít hơn cho phù hợp.
Mức sinh hoạt phí cho các chức danh và một số chế độ khác đối với cán bộ xã, phường, thị trấn:
a) Mức 140 đồng - 160 đồng - 180 đồng đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt gồm Bí thư Đảng uỷ hoặc chi bộ (nơi chưa lập Đảng uỷ) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
b) Mức 120 đồng - 140 đồng - 160 đồng đối với cán bộ chuyên trách khác gồm. Thường trực Đảng uỷ hoặc thường trực chi bộ (nơi chưa lập Đảng uỷ); Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách nội chính, trực tiếp làm Trưởng công an; Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách kinh tế; Uỷ viên thư ký Uỷ ban nhân dân; Uỷ viên quân sự Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Xã đội trưởng).
c) Mức 70 đồng - 80 đồng - 90 đồng đối với cán bộ nửa chuyên trách gồm:
- Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ.
- Phó công an phụ trách hộ tịch, hộ khẩu, trật tự trị an; xã đội phó phụ trách huấn luyện, động viên, thể dục thể thao; cán bộ tư pháp hoà giải; cán bộ thanh tra nhân dân.
- Cán bộ thống kê, kế hoạch, lao động; cán bộ giao thông thuỷ lợi, tiểu thủ công nghiệp; cán bộ văn hoá thông tin; cán bộ thương binh xã hội, chính sách hậu phương.
- Cán bộ quản lý ruộng đất kiêm thuế nông nghiệp; cán bộ tài chính ngân sách, quản lý thị trường. ở những xã, phường, thị trấn có nguồn thu ngân sách từ 150.000 đồng (tiền mới) trở lên thì cán bộ tài chính ngân sách được phụ cấp sinh hoạt phí như cán bộ chuyên trách.
- Trưởng thôn, Trưởng bản ở các huyện biên giới Việt - Trung.
- Đối với những xã lớn, khối lượng công việc nhiều, có thể bố trí thêm một cán bộ nửa chuyên trách làm công tác văn phòng Uỷ ban nhân dân kiêm thi đua khen thưởng và tổ chức chính quyền.
- Đối với những xã đang tiến hành cải tạo, xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp, do nhu cầu cần thiết có thể bố trí thêm 1 cán bộ nửa chuyên trách làm công tác Hội nông dân tập thể.
- Đối với thị trấn được vận dụng mô hình tổ chức của xã để sắp xếp và bố trí các chức danh cần thiết.
- Đối với phường vận dụng mô hình tổ chức theo Quyết định số 94-HĐBT ngày 26-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng để sắp xếp và bố trí các chức danh cho phù hợp với yêu cầu quản lý đô thị.
- Nơi nào do nhu cầu công tác cần thiết đã cử cán bộ trong biên chế Nhà nước về giữ các chức danh trong Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân và các đoàn thể như đã nêu trên thì thôi không bố trí cán bộ được phụ cấp sinh hoạt phí nữa.
- Đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước đã về nghỉ hưu, còn sức khoẻ tham gia công tác ở xã, phường, thị trấn, ngoài chế độ chính sách đã được hưởng, nếu giữ chức danh gì đều được phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng của chức vụ đó.
d) Trạm y tế xã, phường, thị trấn có từ 3 đến 7 người, bình quân 5 người.
- Trạm trưởng, Phó trạm trưởng, y sĩ, y tá trung học, hộ sinh trung học được phụ cấp các mức 140 đồng, 160 đồng, 180 đồng tuỳ theo năng lực, thái độ phục vụ và thâm niên công tác của từng người mà sắp xếp.
- Y tế sơ học được phụ cấp các mức 120 đồng; 140 đồng; 160 đồng, cũng theo các tiêu chuẩn như trên.
Đối với những xã, phường, thị trấn đã tuyển dụng cán bộ y tế vào biên chế Nhà nước thì vẫn giữ nguyên.
Một số chế độ khác của cán bộ y tế xã, phường, thị trấn do Bộ y tế hướng dẫn cụ thể sau khi đã trao đổi ý kiến thống nhất với các Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Ban Tổ chức của Chính phủ.
đ) Đối với cán bộ bưu điện xã, Ban Tổ chức của Chính phủ sẽ bàn cụ thể thêm với Tổng cục Bưu điện và hướng dẫn sau.
e) Cán bộ xã, phường, thị trấn ở các huyện, thị xã biên giới Việt - Trung được thực hiện điểm 6 Điều 5 tại Nghị định 235-HĐBT về khoản phụ cấp chiến đấu 10%; các xã biên giới 15%; các xã thường xuyên chiến đấu 20%.
g) Cán bộ xã, phường, thị trấn ở những nơi công việc nhiều, phức tạp hoặc công tác giỏi và ngân sách địa phương cho phép thì thực hiện điểm 4 tại Chỉ thị số 442-CTTW ngày 25-10-1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
h) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã về nghỉ việc theo Quyết đinh số 130-CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng đều được hưởng phụ cấp bằng 60% mức phụ cấp sinh hoạt phí của cán bộ đương chức cùng chức vụ như đã quy định tại Điều 10 Nghị định số 235-HĐBT.
i) Cán bộ xã, phường, thị trấn đi học ở các lớp bồi dưỡng hoặc đào tạo do huyện, tỉnh hoặc Trung ương mở đều được đài thọ các khoản chi về ăn uống, sách vở, giấy bút, tài liệu học tập, thuốc men khi ốm đau, tiền tàu xe đi và về, do Ngân sách Nhà nước cấp theo các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước.
k) Khoản phụ cấp sinh hoạt phí của cán bộ xã, phường, thị trấn đều được cộng thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng quy định tại điểm 2 Điều 5 Nghị định số 235-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Về tổ chức thực hiện:
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào Điều 10 tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng, vào điểm 4 tại Chỉ thị số 442-CTTW ngày 25-10-1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, vào Thông tư hướng dẫn này và tình hình đặc điểm của địa phương để hướng dẫn cho Uỷ ban nhân dân huyện và các cấp tương đương trong việc phân hạng, định số lượng cán bộ của mỗi xã, phường, thị trấn và sắp xếp vào một trong 3 mức phụ cấp sinh hoạt phí như đã nêu trên cho phù hợp với thực tế và bảo đảm đoàn kết cán bộ.
Để bảo đảm thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn; đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp cần khẩn trương chỉ đạo xây dựng ngân sách và quản lý ngân sách theo hướng tận dụng các nguồn thu đúng chính sách, thống nhất quản lý các nguồn thu chi thuộc ngân sách xã, phường, thị trấn theo tinh thần Nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 39-TCNSĐP ngày 25-9-1984 của Bộ Tài chính.
Các cơ quan có liên quan ở Trung ương nếu thấy có vấn đề gì cần hướng dẫn thêm các địa phương thực hiện, đề nghị trao đổi ý kiến với Ban Tổ chức của Chính phủ để bảo đảm sự thống nhất và tương quan hợp lý trong nội bộ cán bộ xã, phường, thị trấn.
Quá trình thực hiện có những mắc mứu gì, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương trao đổi ý kiến với Ban Tổ chức của Chính phủ để báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét và quyết định.