THÔNG TƯ THÔNG TƯ
BỘ TÀI CHÍNH SỐ 80/TC-KBNN NGÀY 9/11/1995
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ CẤP PHÁT VÀ CHO VAY VỐN NSNN THEO QUYẾT ĐỊNH 556/TTG NGÀY 12/09/1995 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thực hiện Quyết định số 556/TTg ngày 12/09/1995 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quyết định 327/CT ngày 15/09/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là thủ tướng Chính phủ). Sau khi thống nhất với các cơ quan Nhà nước có liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý cấp phát và cho vay vốn các dự án thuộc chương trình 327 bằng vốn NSNN như sau:
PHẦN I: QUY ĐỊNH CHUNG 1/ Ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương)
đầu tư cho các dự án thuộc chương trình 327 bao gồm vốn cấp phát đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn cho vay không lãi được cân đối trong ngân sách Nhà nước hàng năm do Quốc hội phê duyệt. 2/ Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước bố trí cho chương trình 327, Bộ Tài chính cấp phát, cho vay đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý cấp phát, cho vay và tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn của chủ dự án, thu hồi vốn vay đầy đủ đúng hạn.
3/ Vốn chương trình 327 năm trước chưa cấp phát và cho vay hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục cấp phát và cho vay theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4/ Cơ quan quản lý cấp trên của chủ dự án (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đối với các dự án TW quản lý; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW đối với các dự án địa phương quản lý) có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho từng dự án trong phạm vi kế hoạch Nhà nước đã thông báo; hướng dẫn, chỉ đạo các chủ dự án triển khai theo kế hoạch được duyệt. Việc phân bổ chỉ tiêu vốn phải đảm bảo tỷ trọng cơ cấu vốn đầu tư lâm sinh, hạ tầng, cho vay và vốn sự nghiệp theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư.
5/ Các chủ dự án mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để nhận vốn cấp phát, cho vay, và có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn, chấp hành chế độ tài chính hiện hành và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Kho bạc nhà nước. Kho bạc Nhà nước có quyền từ chối cấp phát, cho vay các dự án không đủ điều kiện và thu hồi vốn sử dụng sai mục đích, sai đối tượng của các chủ dự án.
PHẦN II - QUY ĐỊNH CỤ THỂ 1/ Phạm vi, đối tượng cấp phát và cho vay vốn
1/ Phạm vi, đối tượng được cấp phát vốn
1.1/ Các dự án Lâm - nông - công nghiệp thực hiện các công việc:
- Trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tạo thành rừng phòng hộ liền khoảnh, liền vùng.
- Bảo vệ, khoanh nuôi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ ở những nơi xung yếu còn có đồng bào du canh du cư đang chặt phá rừng làm nương rẫy.
- Xây dựng một số công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, giếng nước ăn, trường học, trạm xá,... phục vụ trực tiếp cho vùng dự án.
1.2/ Các dự án Nông - Lâm - Công nghiệp thực hiện các công việc:
- Trồng mới rừng phòng hộ
- Khoanh nuôi và bảo vệ rừng phòng hộ
- Xây dựng một số công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, giếng nước, trường học, trạm xá,.... phục vụ trực tiếp cho vùng dự án.
1.3/ Việc trồng mới rừng sản xuất, rừng phân tán, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, đồng cỏ chăn nuôi thuần tuý và các dự án định canh định cư độc lập không thuộc đối tượng đầu tư của chương trình 327.
2/ Phạm vi, đối tượng được vay vốn
2.1/ Ngân sách TW cho vay vốn ưu đãi (lãi suất = 0%) đối với các khối lượng công việc thuộc dự án được duyệt gồm: Chi phí trồng trọt, chăm sóc cây trồng (cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc sản) và chi phí chăn nuôi lần đầu cho tới khi thu hoạch sản phẩm theo chu kỳ kinh tế kỹ thuật của từng loại cây trồng, vật nuôi.
2.2/ Tuỳ theo tính chất, đặc điểm của dự án, đối tượng trực tiếp nhận vốn vay từ Kho bạc Nhà nước là hộ gia đình trong phạm vi dự án (theo danh sách cụ thể của chủ dự án) hoặc chủ dự án nhận vốn để cho các hộ gia đình vay (không được thu phí dưới bất cứ hình thức nào) dưới sự kiểm tra của Kho bạc Nhà nước.
3/ Phạm vi, đối tượng được cấp phát bằng vốn sự nghiệp kinh tế
3.1/ Công tác chuyển, đón dân, dãn dân thuộc các dự án 327 kinh phí này được cấp phát theo định mức và định xuất do Bộ Lao động - TBXH quy định.
3.2/ Công tác quản lý dự án
a/ Các cơ quan được cấp vốn quản lý dự án gồm:
- Ban chỉ đạo chương trình 327 TW
- Cơ quan cấp trên của chủ dự án
- Hệ thống Kho bạc Nhà nước
- Các Bộ, cơ quan đoàn thể ở TW, địa phương có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện dự án thuộc chương trình 327.
- Ban Quản lý dự án
Vốn quản lý dự án cho các cơ quan nói trên thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, đảm bảo tỷ lệ quy định tại Điều 4, Quyết định 556/TTg ngày 12/9/1995 của Thủ tướng Chính phủ.
b/ Vốn quản lý dự án được sử dụng vào các công việc sau:
- Xây dựng xét duyệt dự án
- Tập huấn, kiểm tra, khảo sát, tuyên truyền, khen thưởng, hội nghị sơ tổng kết.
- Khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ.
- Bổ sung một số trang thiết bị, văn phòng phẩm cho hoạt động chỉ đạo quản lý chung.
- Chi cho công tác quản lý điều hành dự án của Ban quản lý dự án kể cả các khoản phụ cấp, trợ cấp, công tác phí... theo chế độ hành chính sự nghiệp.
- Chi cho công tác quản lý, cấp phát, cho vay, thu hồi nợ của Kho bạc Nhà nước.
II: NỘI DUNG, TRÌNH TỰ LẬP KẾ HOẠCH CẤP PHÁT VÀ CHO VAY 1/ Lập kế hoạch năm:
1.1/ Cơ quan quản lý cấp trên của chủ dự án căn cứ khối lượng năm kế hoạch để lập kế hoạch (bao gồm: Danh mục dự án, khối lượng và tổng mức vốn cấp phát, cho vay) gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối tổng hợp trình Nhà nước phê duyệt. Việc tính toán xây dựng kế hoạch cấp phát và cho vay vốn phải dựa trên cơ sở đơn giá, định mức hiện hành.
1.2/ Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, tổng mức vốn cấp phát, cho vay và danh mục dự án do Bộ Kế hoạch và đầu tự thông báo, cơ quan cấp trên của chủ dự án phân bổ chỉ tiêu cấp phát, cho vay cho từng dự án thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước TW) theo mẫu số 01.
1.3/ Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch do Bộ Kế hoạch và đầu tư thông báo, phân bổ vốn cho từng dự án của các Bộ, UBND tỉnh, thành phố Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước TW) thông báo cho Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố để làm căn cứ cấp phát và cho vay vốn.
2/ Chuyển vốn cấp phát và cho vay:
- Căn cứ vào tổng mức vốn chương trình 327 được ghi trong năm kế hoạch, hàng tháng Bộ Tài chính chuyển vốn (bao gồm: vốn cấp phát đầu tư các dự án, vốn sự nghiệp 327 và vốn cho vay) cho Kho bạc Nhà nước TW bằng lệnh chi tiền.
- Căn cứ vào kế hoạch năm được duyệt, tình hình cấp phát và cho vay ở các địa phương, Kho bạc Nhà nước TW phân phối và chuyển vốn cho các kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, kiểm tra, thẩm định cấp phát, cho vay đối với các chủ dự án và thực hiện thu thu hồi nợ vay theo chế độ quy định.
3/ Cấp phát và cho vay thanh toán tại Kho bạc Nhà nước cơ sở
3.1/ Cấp phát
a/ Nguyên tắc cấp phát
- Đối với đầu tư lâm sinh:
+ Khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng được cấp phát hàng tháng
+ Trồng rừng được cấp phát thanh toán theo từng giai đoạn kỹ thuật hợp lý, bao gồm:
* Chuẩn bị giống, phân bón và các điều kiện để trồng rừng.
* Thực hiện trồng rừng.
* Chăm sóc và bảo vệ năm thứ nhất.
Để cấp phát kịp thời vụ, Kho bạc Nhà nước thực hiện ứng trước 70% dự toán được duyệt của từng giai đoạn kỹ thuật nêu trên. Khi chủ dự án chuyển sang giai đoạn sau, phải tiến hành nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán số tiền đã ứng cho giai đoạn trước. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm tra khối lượng hoàn thành thanh toán 30% còn lại và ứng tiếp vốn cho giai đoạn sau:
- Đối với vốn đầu tư hạ tầng, phúc lợi công cộng được chia làm 2 loại, cụ thể như sau:
+ Công trình có vốn đầu tư dưới 150 triệu chủ dự án được phép sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế định hình. Kho bạc Nhà nước thực hiện cấp phát theo khối lượng hoàn thành theo biên bản nghiệm thu A-B (trường hợp huy động các hộ dân làm thì nghiệm thu giữa chủ dự án và các hộ dân); các chứng từ hợp lệ trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Đôi với công trình có vốn đầu tư lớn hơn hoặc bằng 150 triệu đồng được quản lý cấp phát theo điều lệ quản lý XDCB hiện hành.
- Đối với vốn sự nghiệp:
+ Tiền chi phí ban quản lý dự án, khuyến nông khuyến lâm thực hiện cấp tạm ứng hàng tháng. Hết tháng, đơn vị ứng tiền có trách nhiệm thanh toán với cơ quan Kho bạc Nhà nước số tiền đã ứng theo đúng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các chế độ hiện hành của Nhà nước. Sau khi kiểm tra, thanh toán Kho bạc Nhà nước ứng tiếp tiền chi phí của tháng sau.
+ Tiền chi cho công tác di, dãn dân của dự án 327 được cấp phát theo thực tế số hộ di dãn dân đến vùng dự án nằm trong kế hoạch năm được duyệt. Các chủ dự án được Kho bạc Nhà nước ứng trước 50% tiền được duyệt cho từng đợt di dãn dân. Sau khi hoàn thành đợt di, dãn dân chủ dự án có trách nhiệm lập hồ sơ thanh toán có xác nhận của cơ quan di dân tỉnh, thành phố Kho bạc Nhà nước để cấp phát số tiền còn lại theo chế độ quy định.
+ Vốn sự nghiệp quản lý 327 của hệ thống Kho bạc Nhà nước do Kho bạc Nhà nước TW thống nhất quản lý và phân bổ cho các Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố sử dụng theo chế độ quản lý tài chính quy định.
b/ Điều kiện cấp phát
Các chủ dự án gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản giao dịch các văn bản sau:
- Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.
- Quyết định chủ dự án của cấp có thẩm quyền.
- Kế hoạch vốn năm của dự án do cơ quan cấp trên của chủ dự án thông báo kể cả các chỉ tiêu trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được giao.
- Dự toán, tổng dự toán (kể cả bổ sung) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Các hợp đồng kinh tế ký kết giữa chủ dự án với các hộ (về vốn đầu tư lâm sinh), với các đơn vị nhận thầu (nếu có) theo chế độ quy định
- Các biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành giữa chủ dự án với các hộ nhận khoán, với các đơn vị nhận thầu và các chứng từ khác có liên quan.
- Danh sách các hộ di, dãn dân của dự án có xác nhận của cơ quan di dân tỉnh, thành phố.
3.2/ Cho vay
a/ Nguyên tắc cho vay
- Việc cho vay đối với các dự án thuộc chương trình 327 thực hiện theo dự án được duyệt, không áp dụng hình thức thế chấp và tín chấp.
- Căn cứ vào dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nguồn vốn cho vay được NSNN chuyển qua, Kho bạc Nhà nước trực tiếp ký hợp đồng vay vốn đối với chủ dự án. Tổng mức tiền vay trong năm không quá kế hoạch vốn vay cuả dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời hạn cho vay tuỳ thuộc vào chu kỳ sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn của từng dự án và do Kho bạc Nhà nước quyết định.
- Chủ dự án có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả Kho bạc Nhà nước đúng thời hạn đã cam kết.
b/ Điều kiện vay vốn
Để được vay vốn, chủ dự án phải làm các thủ tục sau:
- Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.
- Quyết định chủ dự án của cấp có thẩm quyền.
- Kế hoạch vốn năm của dự án do cơ quan cấp trên của chủ dự án thông báo.
- Ký hợp đồng vay vốn với Kho bạc Nhà nước
- Lập khế ước vay vốn cho mỗi lần rút vốn vay
c/ Cấp tiền vay, thu hồi nợ
- Việc cấp tiền vay được thực hiện từng lần theo tiến độ thực hiện dự án. Kho bạc Nhà nước cấp tiền vay trực tiếp đến hộ gia đình (theo danh sách của chủ dự án) hoặc cấp tiền vay qua chủ dự án để chủ dự án phát tiền vay cho các hộ gia đình. Chủ dự án không được thu bất kỳ khoản phí nào, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Nếu phát hiện việc sử dụng vốn không đúng mục đích, không có hiệu quả, Kho bạc Nhà nước có quyền đình chỉ việc cấp phát và cho vay, thu hồi vốn vay trước thời hạn và báo cáo cơ quan có thẩm quyền sử lý.
- Kho bạc Nhà nước tổ chức thu hồi vốn vay của các dự án khi đến hạn.
- Việc quản lý, sử dụng vốn vay thu hồi Bộ Tài chính sẽ có hường dẫn riêng.
PHẦN III - HẠCH TOÁN KẾ TOÁN KIỂM TRA, BÁO CÁO VÀ QUYẾT TOÁN
1/ Hạch toán kế toán
- Các chủ dự án, các cơ quan, đơn vị có sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước thuộc chương trình 327 thực hiện việc hạch toán kế toán, thống kê theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Các Kho bạc Nhà nước thực hiện việc hạch toán kế toán, thống kê theo hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước TW.
2/ Kiểm tra
- Cơ quan quản lý cấp trên của chủ dự án, cơ quan quản lý chức năng ở Trung ương, địa phương, Kho bạc Nhà nước thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch và chế độ quản lý tài chính và thực tế triển khai dự án của chủ dự án, phản ánh kịp thời những tồn tại vướng mắc trong quản lý với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ban chỉ đạo chương trình 327 TW để có biện pháp giải quyết.
- Các khoản vốn cấp phát, cho vay các chủ dự án sử dụng không đúng mục đích, sai chế độ phát hiện qua thanh tra, kiểm tra được thu hồi và nộp vào Ngân sách TW.
3/ Báo cáo
- Hàng tháng các chủ dự án có trách nhiệm lập và gửi báo cáo cho Kho bạc Nhà nước nơi cấp vốn đồng gửi chủ quản dự án (mẫu số 02)
- Các đơn vị Kho bạc Nhà nước nơi cấp vốn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Kho bạc Nhà nước cấp trên (Kho bạc Nhà nước quận, huyện báo cáo Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố. Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo Kho bạc Nhà nước TW) tình hình cấp phát và cho vay vốn chương trình 327 trên địa bàn.
- Hàng quý trên cơ sở báo cáo của các Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước TW tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch cấp phát và cho vay vốn trong phạm vi cả nước báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ban chỉ đạo chương trình 327 TW.
4/ Quyết toán vốn hàng năm và quyết toán khi kết thúc dự án
4.1/ Quyết toán vốn hàng năm
- Các chủ dự án có trách nhiệm quyết toán việc sử dụng vốn cấp phát, cho vay với Kho bạc Nhà nước nơi cấp vốn đồng báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
- Các Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp quyết toán vốn cấp phát, cho vay các dự án chương trình 327 gửi Kho bạc Nhà nước cấp trên; Kho bạc Nhà nước quận, huyện gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố; Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố gửi về Kho bạc Nhà nước TW đồng gửi cơ quan chủ quản dự án. Đối với các dự án thuộc địa phương quản lý, KBNN tỉnh, thành phố đồng báo cáo UBND tỉnh, thành phố.
- Kho bạc Nhà nước TW có trách nhiệm tổng hợp quyết toán vốn cấp phát, cho vay các dự án thuộc chương trình 327 và vốn sự nghiệp 327 của toàn hệ thống KBNN báo cáo Bộ Tài chính xét duyệt.
4.2/ Việc quyết toán các công trình hoàn thành và quyết toán khi kết thúc dự án được quy định như sau:
- Đối với dự án TW quản lý: Các chủ dự án lập báo cáo quyết toán (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi cấp vốn) gửi cơ quan cấp trên của chủ dự án. Cơ quan cấp trên của chủ dự án có trách nhiệm xem xét, phê duyệt báo cáo quyết toán của chủ dự án, tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước TW), Bộ Kế hoạch và đầu tư (Ban chỉ đạo chương trình 327 TW)
- Đối với dự án do địa phương quản lý: Chủ dự án lập báo cáo quyết toán (có xác nhận của KBNN nơi cấp vốn) gửi UBND, Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố. Kho bạc Nhà nước phối hợp với Ban chỉ đạo 327 của tỉnh, thành phố và các ngành liên quan xem xét quyết toán của các chủ dự án và trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và báo cáo Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước TW), Bộ Kế hoạch và đầu tư (Ban chỉ đạo 327 TW).
PHẦN IV - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 01/01/1996, các văn bản trước đây trái với Thông tư này không còn hiệu lực.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các chủ dự án, các Vụ, Cục thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Bộ, Ngành...... Biểu 01
BIỂU TỔNG HỢP KẾ HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH 327/CT
STT | Danh mục dự án | Địa điểm thực hiện dự án (Tỉnh, TP) | Kế hoạch vốn năm | Trong đó |
| | | | Cấp phát | Cho vay | Vốn sự nghiệp dãn dân | Vốn sự nghiệp quản lý |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
| | | | | | | |
| Cộng: | | | | | | |
Ngày tháng năm 199..
Thủ trưởng
(Ký tên, đóng dấu)
Cơ quan cấp trên....... Mẫu số: 02
Dự án............
BÁO CÁO THỰC HIỆN DỰ ÁN 327
Tháng ...... năm 199..
| | Thực hiện trong tháng | Luỹ kế từ đầu năm đến tháng B/c |
STT | Chỉ tiêu | Hiện | Gía trị (đồng) | Hiện | Giá trị (đồng) |
| | vật | Cấp phát | Cho vay | vật | Cấp phát | Cho vay |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
| A/ Đầu tư lâm sinh | | | | | | |
| - Trồng rừng | ha | | | | ha | |
| - Khoanh nuôi bảo vệ | ha | | | | ha | |
| - Trường học, trạm xá | m2 | | | | m2 | |
| - Giao thông | km | | | | km | |
| - Trồng cây CN | ha | | | | ha | |
| .......................... | | | | | | |
| B/ Sự nghiệp kinh tế | | | | | | |
| 1/ Chuyển dãn dân | hộ | | | | hộ | |
| 2/ Kinh phí quản lý | | | | | | |
| Cộng giá trị: | | | | | | |
Chủ dự án
(Ký tên, đóng dấu)
.