Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 01/BKH-TCCP-TTLB

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư liên tịch 01/BKH-TCCP-TTLB
Thông tư liên tịch
02/01/1996
02/01/1996

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan kế hoạch đầu tư thuộc Uỷ ban nhân dân địa phương

 
1.996
 

Toàn văn

THôNG Tư

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ BAN TCCB-CHÍNH PHỦ

Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ

cấu tổ chức của cơ quan kế hoạch đầu tư thuộc UBND địa phương

Thi hành điều 3 Nghị định số 75/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quyết định số 852/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban Tổ chức cán bộ - Chính phủ hướng dẫn nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc TW và Phòng Kế hoạch và Đầu tư cấp quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh như sau:

I. VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CƠ QUAN KẾ HOẠCH - ĐẦU TƯ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 852/CP ngày 28 tháng 12 năm 1995 về thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở sát nhập và tổ chức lại Uỷ ban Kế hoạch và tổ chức làm cộng tác hợp tác đầu tư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và thành phố (dưới đây nói tắt là tỉnh) có chức năng tham mưu tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đề ra các chủ trương biện pháp quản lý đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại địa phương; làm đầu mối phối hợp giữa các Sở, ngành thuộc tỉnh, dưới sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức nghiên cứu tổng hợp trình UBND các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn, lựa chọn các chương trình, dự án ưu tiên, các danh mục công trình về phát triển kinh tế - xã hội, các cân đối chủ yếu: Tài chính, ngân sách, vốn đầu tư xây dựng, các nguồn vốn viện trợ và hợp tác đầu tư với nước ngoài; lựa chọn các đối tác ký kết đàm phán hợp đồng, kế hoạch xuất nhập khẩu của địa phương một cách thiết thực và hiệu quả.

2. Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán ngân sách tỉnh trình UBND tỉnh; Theo dõi nắm tình hình hoạt động các đơn vị kinh tế trên địa bàn lãnh thổ để gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Theo dõi chương trình, dựu án quốc gia trên địa bàn tỉnh.

3. Hướng dẫn cơ quan các cấp trong tỉnh, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật Nhà nước về hoạt động đầu tư trực tiếp của nước ngoài trên địa bàn tỉnh là đầu mối trực tiếp nhận hồ sơ dự án của chủ đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, những kiến nghị, khiếu nại của các xí nghiệp có vốn đầu tưu của nước ngoài.

4. Theo dõi, kiểm tra các cơ quan, đơn vị của tỉnh trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, các chương trình dự án phát triển trình UBND tỉnh các chủ trương, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu kế hoạch của địa phương. Trực tiếp điều hành thực hiện kế hoạch đối với một số lĩnh vực theo sự phân công của UBND tỉnh.

5. Tham gia nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách về quản lý kinh tế của toàn quốc, kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và vận dụng các cơ chế, chính sách cho phù hợp với đặc điểm của địa phương và những nguyên tắc chung đã quy định.

6. Theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh, làm nhiệm vụ thường trực hoặc Chủ tịch Hội đồng về: xét duyệt các định mức kinh tế - kỹ thuật; thẩm định các dự án đầu tư trong nước và ngoài nước; thẩm định xét thầu và việc thành lập các doanh nghiệp; làm đầu mối quản lý việc sử dụng các nguồn ODA và các nguồn viện trợ khác.

7. Quản lý và cấp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh, theo quy định hiện hành. Xem xét trình UBND Tỉnh, Thành phố cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

8. Hàng quý, 6 tháng, hàng năm soạn thảo báo cáo cho UBND và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện kế hoạch của địa phương và hoạt động của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kiến nghị việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kế hoạch và đầu tư của tỉnh.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao.

II. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Giám đốc Sở; giúp Giám đốc phụ trách các lĩnh vực có các Phó Giám đốc Sở. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và có sự thoả thuận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư trước khi quyết định. Các Phó Giám đốc do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tuỳ theo quy mô, đặc điểm của tỉnh có thể thành lập các Phòng nghiệp vụ chuyên môn như: Tổng hợp quy hoạch kinh tế; kế hoạch tài chính; kế hoạch phát triển kinh tế ngành; kế hoạch văn hoá xã hội; xây dựng cơ bản; thẩm định; Hợp tác và kinh tế đối ngoại; Doanh nghiệp; Tổ chức hành chính...

Việc thành lập các phòng do Chủ tịch UBND tỉnh quyết dịnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

III. VỀ NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC PHÒNG KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ CẤP HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH.

Phòng Kế hoạch và Đầu tư trực thuộc Uỷ ban Nhân dân quận, huyện chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh. Phòng Kế hoạch và Đầu tư quận huyện có nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức của quận, huyện lập và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách của quận huyện; kế hoạch hoá đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng và nông thôn; theo dõi nắm tình hình các cơ sở kinh tế của tỉnh và Trung ương trên địa bàn quận huyện, giúp Uỷ ban nhân dân quận huyện xét cấp đăng ký kinh doanh theo sự phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời thực hiện thông tin giữa tỉnh và quận huyện.

Theo khối lượng công việc cụ thể phải làm cần bố trí đủ lực lượng cán bộ làm công tác kế hoạch đầu tư; đủ sức tham mưu cho chính quyền quận huyện trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để xây dựng cơ quan Sở Kế hoạch Đầu tư Tỉnh và Phòng Kế hoạch Đầu tư quận, huyện đủ sức thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ cùng xem xét giải quyết.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=9397&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận