Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 03/TTLB

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư liên tịch 03/TTLB
Thông tư liên tịch
20/07/1996
20/07/1996

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 06/11/1995 của Chính phủ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh

 
1.996
 

Toàn văn

THôNG Tư

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ NỘI VỤ - NGOẠI GIAO

Hướng dẫn thực hiện nghị định số 76/CP

ngày 6/11/1995 của Chính phủ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh

Để thi hành Nghị định số 76/CP ngày 06-11-1995 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/CP ngày 24-03-1995 về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Quốc phòng, Liên Bộ Nội vụ - Ngoại giao hướng dẫn thêm một số thủ tục về nhập, xuất cảnh và chứng nhận tạm trú áp dụng đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (dưới đây gọi chung là khách) vào Việt Nam như sau:

 

I. THỦ TỤC ĐỐI VỚI KHÁCH ĐƯỢC HƯỞNG QUY CHẾ MIỄN THỊ THỰC
(QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 5 ĐIỀU 1 CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 76/CP)

1. Khách thuộc diện được miễn thị thực theo Hiệp định hoặc thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài (quy định tại khoản 5a Điều 1 của Nghị định số 76/CP):

a. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Bộ Quốc phòng về nội dung các Hiệp định hoặc Thoả thuận về miễn thị thực giữa nước ta với nước ngoài.

b. Lực lượng kiểm soát nhập, xuất cảnh tại các cửa khẩu quốc tế thực hiện trách nhiệm kiểm chứng và chứng nhận tạm trú vào hộ chiếu của khách theo thời gian do cơ quan tổ chức đón tiếp hoặc do khách đề nghị, nhưng không vượt thời hạn tối đa quy định tại các Hiệp định hoặc Thoả thuận giữa nước ta với nước ngoài hoặc không quá 90 ngày.

2. Khách là quan chức, viên chức Ban thư ký ASEAN mang các loại hộ chiếu và quan chức, viên chức của các nước thành viên Hiệp hội ASEAN mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (quy định tại khoản 5b Điều 1 của Nghị định số 76/CP):

a. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao thông báo cho Cục Quản lý xuất, nhập cảnh - Bộ Nội vụ và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng - Bộ Quốc phòng danh sách quan chức, viên chức (dưới đây gọi chung là thành viên) ban thư ký ASEAN, mẫu giấy chứng minh thành viên Ban Thư ký và những thay đổi trong danh sách này.

b. Khi nhập cảnh vào Việt Nam:

- Thành viên Ban thư ký ASEAN cần xuất trình hộ chiếu và giấy chứng minh thành viên Ban thư ký.

- Công dân các nước thành viên ASEAN mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ cần xuất hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ (quy định này chỉ áp dụng đối với công dân nước thành viên ASEAN đã Thoả thuận với Việt Nam về việc miễn thị thực cho những người mang hộ chiếu này).

c. Lực lượng kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế thực hiện trách nhiệm kiểm chứng và chứng nhận tạm trú vào hộ chiếu của khách với thời hạn không vượt quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

3. Khách là công dân các nước ASEAN mang hộ chiếu phổ thông được Ban thư ký ASEAN đề nghị hoặc được một cơ quan tổ chức của Việt Nam mời vào tham dự các hoạt động của ASEAN tại Việt Nam (quy định tại khoản 5c Điều 1 của Nghị định số 76/CP) và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của thành viên Ban thư ký ASEAN cùng đi với họ:

a. Cơ quan, tổ chức mời khách của Việt Nam cần gửi thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ trước khi khách nhập cảnh chậm nhất là 03 ngày, về các yếu tố: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu (hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu), ngày và cửa khẩu nhập, xuất cảnh, chương trình và thời gian hoạt động của khách tại Việt Nam.

Trong trường hợp khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường thuỷ, thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ có trách nhiệm thông báo lại cho Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng - Bộ Quốc phòng về các yếu tố nêu trên để cùng chỉ đạo thực hiện việc kiểm soát nhập, xuất cảnh tại cửa khẩu.

b. Khi nhập cảnh Việt Nam, khách cần xuất trình hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu, văn bản đề nghị của Ban thư ký ASEAN hoặc giấy mời của cơ quan, tổ chức đón tiếp khách của Việt Nam (bản chính hoặc bản fax). Nếu trong văn bản đề nghị của Ban thư ký ASEAN hoặc giấy mời của cơ quan, tổ chức Việt Nam không ghi rõ họ tên, số hộ chiếu của người được mời thì khách cần xuất trình thêm văn bản của Bộ Ngoại giao nước mình xác nhận về việc người này được cử tham dự hoạt động trong khuôn khổ ASEAN tại Việt Nam. Trường hợp không có bản chính hoặc bản fax các văn bản nói trên thì cơ quan, tổ chức chủ trì tổ chức hoạt động của ASEAN tại Việt Nam phải có giấy bảo lãnh cho khách nhập cảnh.

c. Lực lượng kiểm soát nhập, xuất cảnh tại các cửa khẩu quốc tế thực hiện trách nhiệm kiểm chứng và chứng nhận tạm trú vào hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu của khách với thời hạn không vượt quá 15 ngày kể từ ngành nhập cảnh.

4. Việc xem xét giải quyết cho gia hạn tạm trú tại Việt Nam đối với khách thuộc diện miễn thị thực quy định tại các điểm 1, 2, 3, mục I Thông tư này như sau:

a. Khách có nhu cầu gia hạn tạm trú cần gửi Bộ Nội vụ hoặc Bộ Ngoại giao (khách thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự) hộ chiếu và một trong các giấy tờ hợp lệ sau đây:

- Văn bản đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân hoặc của cơ quan đại diện tổ chức quốc tế mà người đó là thành viên;

- Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức của Việt Nam mời và đón tiếp khách (do thủ trưởng cấp Bộ, tỉnh hoặc người được uỷ quyền ký);

- Đơn đề nghị của đương sự trình bày rõ lý do không thể xuất cảnh đúng hạn như: ốm đau, tai nạn... hoặc vì một lý do khách quan "bất khả kháng" khác.

b. Bộ Nội vụ hoặc Bộ Ngoại giao (diện khách được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự) có trách nhiệm xem xét, giải quyết trong thời gian tối đa 03 ngày. Đối với khách nêu tại các điểm 2, 3 mục này, thì thời gian tạm trú được gia hạn tối đa là 15 ngày.

 

II. THỦ TỤC XÉT CẤP NHANH THỊ THỰC CHO KHÁCH
(QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 6 ĐIỀU 1 CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 76/CP):

1. Khách được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại Việt Nam mời vào làm việc hoặc đón vào du lịch (quy định tại khoản 6a, 6b Điều 1 của Nghị định số 76/CP):

a. Khi làm thủ tục xin nhập cảnh Việt Nam tại Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, khách cần xuất trình hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu và một trong các giấy tờ sau đây:

- Giấy mời hoặc điện mời (bản chính hoặc bản fax) của thủ trưởng hoặc người được uỷ quyền của các cơ quan Đảng, Chính quyền, Tổ chức nhân dân từ cấp tỉnh trở lên; của Chủ tịch, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; của Giám đốc công ty tư vấn đầu tư (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép và chỉ định làm đầu mối);

- Giấy mời hoặc điện mời của Giám đốc xí nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam); Giám đốc công ty liên doanh hoặc công ty thực hiện hợp đồng hợp tác kinh tế, thương mại, chuyển giao công nghệ... đã có giấy phép và đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

- Giấy mời hoặc điện mời của Trưởng Văn phòng đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài đã có giấy phép đặt và đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

- Giấy phép đầu tư, liên doanh hoặc hợp đồng ký kết hợp lệ, hợp pháp về hợp tác kinh tế, thương mại, chuyển giao công nghệ... (bản chụp có công chứng);

- Giấy báo hoặc điện báo (bản chính hoặc bản fax) đón khách vào du lịch theo chương trình của một công ty du lịch lữ hành quốc tế của Việt Nam.

Trong trường hợp hộ chiếu hoặc thị thực rời của khách có dấu kiểm chứng nhập cảnh lần trước cách lần xin nhập cảnh này chưa quá 12 tháng thì không cần xuất trình các giấy tờ nêu trên.

b. Lực lượng kiểm soát nhập, xuất cảnh tại các cửa khẩu quốc tế thực hiện trách nhiệm kiểm chứng và chứng nhận tạm trú vào hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu của khách với thời gian không vượt quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

2. Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (kể cả những người mang hộ chiếu do nước ngoài cấp nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam) về thăm thân nhân (quy định tại khoản 6c Điều 1 của Nghị định số 76/CP):

a. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được xét cấp nhanh thị thực nhập xuất cảnh Việt Nam tại bất kỳ Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự nào của Việt Nam ở nước ngoài nếu trong hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu có dấu kiểm chứng nhập cảnh lần trước cách lần này không quá 36 tháng.

b. Lực lượng kiểm soát nhập, xuất cảnh tại các cửa khẩu quốc tế thực hiện trách nhiệm kiểm chứng và chứng nhận tạm trú vào hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu của khách theo thời gian do khách đề nghị nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

3. Khách được cấp thị thực nhanh theo yêu cầu đối ngoại và nhân đạo (quy định tại khoản 6d Điều 1 của Nghị định số 76/CP):

a. Điều kiện xét cấp nhanh thị thực cho khách là: khi có công hàm của Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của nước mà khách là công dân hoặc của tổ chức quốc tế hay Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà khách là thành viên gửi cho Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài yêu cầu giải quyết gấp trong các trường hợp:

- Vì mục đích nhân đạo cần vào Việt Nam khẩn cấp để cấp cứu người bệnh nặng, thăm thân nhân đang mắc bệnh nghiêm trọng hoặc bị tai nạn, đưa thi hài người thân về nước, vào giúp Việt Nam khắc phục thiên tai, dịch bệnh...

- Vì yêu cầu đối ngoại (nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại và uy tín của cơ quan dại diện Việt Nam ở nước ngoài).

b. Lực lượng kiểm soát nhập, xuất cảnh tại các cửa khẩu quốc tế thực hiện trách nhiệm kiểm chứng và chứng nhận tạm trú vào hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu của khách với thời gian không vượt quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

4. Sau khi cấp thị thực theo quy định tại mục II Thông tư này, Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo kịp thời về Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ và cơ quan đón tiếp ở trong nước về các yếu tố: họ tên, ngày sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, số và thời hạn thị thực, thời gian và cửa khẩu nhập, xuất cảnh... và được phép thu của khách cước phí điện báo 1 chiều theo giá cước của nước sở tại.

5. Thị thực nhập, xuất cảnh cấp nhanh cho khách quy định tại điểm 1 và điểm 3 của mục này có giá trị tối đa là 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh và không được gia hạn. Trường hợp cá biệt nếu có lý do chính đáng, khách có thể được xem xét gia hạn tạm trú theo những điều kiện và thủ tục quy định tại điểm 4 mục I Thông tư này.

 

III. THỊ THỰC RỜI:

1. Nguyên tắc chung:

a. Thị thực rời được cấp và đính kèm hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu (không đóng hoặc dán vào trang của hộ chiếu hoặc giấy tờ đó) trong các trường hợp cần đảm bảo yêu cầu đối ngoại, an ninh, nghiệp vụ kỹ thuật.

b. Những người thuộc các đối tượng quy định tại điểm 2a, 2b và 2c mục này muốn được xét cấp thị thực rời phải có đơn đề nghị, trong đó nêu rõ lý do, mục đích xin cấp thị thực rời.

c. Thị thực rời chỉ có giá trị một lần không quá 3 tháng và không được gia hạn.

2. Đối tượng được xét cấp thị thực rời:

a. Người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có yêu cầu phải giữ kín việc nhập cảnh Việt Nam.

b. Người nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu có ghi rõ "cấm đến Việt Nam".

c. Người nước ngoài cần vào Việt Nam khẩn cấp nhưng hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực và chưa kịp đổi hộ chiếu mới.

d. Người mang hộ chiếu của những nước chưa có quan hệ ngoại giao hay lãnh sự với Việt Nam.

Người chưa thôi quốc tịch Việt Nam, mang hộ chiếu nước ngoài xin nhập xuất cảnh Việt Nam được cấp "Giấy thông hành" theo mẫu do Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ và Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao thống nhất ban hành. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm in ấn, quản lý Giấy thông hành (ấn phẩm trắng) trước khi đưa ra sử dụng. Trong khi chờ ban hành mẫu Giấy thông hành, những người thuộc diện này được cấp thị thực rời khi nhập, xuất cảnh Việt Nam.

Ngoài các trường hợp nêu trên, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài chỉ được cấp thị thực rời khi có điện của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao sau khi đã trao đổi ý kiến với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ.

3. Thủ tục cấp thị thực rời:

- Thị thực rời chỉ cấp cho những đối tượng nêu tại điểm 2 mục này sau khi đã hoàn tất các thủ tục xin thị thực nhập cảnh Việt Nam theo quy định của Nghị định số 04/CP ngày 18-1-1993 và Nghị định số 24/CP ngày 24-3-1995 của Chính phủ.

- Người xin cấp thị thực rời phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu (bản chính) và đơn đề nghị (quy định tại điểm 1b mục này) với cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

- Trong thị thực rời cần ghi rõ số và loại hộ chiếu hoặc giấy có giá trị thay hộ chiếu; ảnh của người được cấp thị thực rời phải dán vào khung in sẵn, đóng dấu nổi lên một phần ba (1/3) ảnh và có màng mỏng bảo vệ.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và lực lượng kiểm soát nhập, xuất cảnh tại các cửa khẩu quốc tế về những người nước ngoài và những người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa được phép nhập cảnh Việt Nam vì lý do an ninh hoặc vì lý do họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam.

2. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài những người chưa được nhập cảnh Việt Nam do Bộ Nội vụ đã thông báo, để các cơ quan này từ chối cấp thị thực cho những người đó.

3. Lực lượng kiểm soát nhập, xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế không cho những người nêu tại điểm 1 mục này nhập cảnh Việt Nam.

Khi phát hiện các đối tượng chưa được phép nhập cảnh Việt Nam đến cửa khẩu, lực lượng kiểm soát nhập, xuất cảnh có trách nhiệm tạm lưu họ trong khu vực cửa khẩu và kịp thời báo cáo và xin ý kiến của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Cục quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan giải quyết theo pháp luật hiện hành của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

4. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trao đổi, thoả thuận với từng nước thành viên ASEAN về những nội dung quy định trong Thông tư này có liên quan đối với công dân các nước ASEAN. Sau khi có thoả thuận cụ thể với từng nước, Cục Lãnh sự thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng - Bộ Quốc phòng, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài về nội dung và thời điểm áp dụng các quy định của Thông tư này đối với công dân của nước đó.

5. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Những văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=9172&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận