Thông tư THÔNG TƯ
LIÊN BỘ LÂM NGHIỆP - BỘ NỘI VỤ
Về việc tổ chức lực lượng công an tham gia công tác lâm nghiệp
Rừng và đất rừng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc gia, có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, cung cấp sản phẩm cho xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã đề ra nhiệm vụ "phát triển kinh tế rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên rừng, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sinh thái".
Căn cứ Điều 5 Luật bảo vệ và phát triển rừng quy định "Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái".
Căn cứ Quyết định 264/CT ngày 22-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển rừng.
Căn cứ Quyết định 327/CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước.
Để tổ chức cho các đơn vị Công an tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với an ninh, hai Bộ Lâm nghiệp -Nội vụ thống nhất ban hành Thông tư liên Bộ cụ thể như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Bộ Nội vụ là một đầu mối thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khoanh nuôi tái tạo rừng, được tiếp nhận các chương trình của Nhà nước, của quốc tế trong việc trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Bộ Nội vụ tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ xây dựng và phát triển rừng từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, bảo vệ rừng trên đất đai đã được các cấp có thẩm quyền giao quản lý.
Kế hoạch trồng rừng hàng năm của Bộ Nội vụ do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình Chính phủ phê duyệt.
3. Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân tham gia công tác lâm nghiệp nhằm: quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn và xử lý các hiện tượng phá rừng, giữ gìn an ninh biên giới và hải đảo.
II. PHƯƠNG THỨC, TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG VÀ CHÍNH SÁCH
ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ CÔNG AN THAM GIA CÔNG TÁC
LÂM NGHIỆP
1. Phương thức tham gia công tác lâm nghiệp:
- Tham gia vào chương trình trồng rừng tập trung, trồng rừng phân tán phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bãi bồi ven biển và hải đảo, thông qua các dự án và kế hoạch hàng năm được Nhà nước giao cho Bộ Nội vụ để phát triển và làm giầu vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Nhận quản lý, bảo vệ một số diện tích rừng và đất rừng kết hợp bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh biên giới và hải đảo.
- Khai thác và chế biến sản phẩm lâm nghiệp trên diện tích được giao quản lý theo đúng quy trình, quy phạm và những văn bản hướng dẫn của Nhà nước, Bộ Lâm nghiệp.
2. Tổ chức lực lượng làm công tác lâm nghiệp:
- Tại những địa bàn đóng quân các đơn vị Công an, các đồn, trạm biên phòng được nhận đất để trồng rừng, nhận rừng để bảo vệ, chăm sóc nuôi dưỡng và làm giàu rừng kết hợp nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới và hải đảo.
- Các trường, các trại cải tạo đủ điều kiện được nhận đất để trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất v.v... kết hợp nông lâm, nhận khoán nuôi, tái tạo và bảo vệ rừng nhằm mục đích phát triển kinh tế của đơn vị, phát triển rừng, tạo cảnh quan môi trường.
3. Chính sách về hỗ trợ đầu tư.
Các đơn vị Công an tham gia công tác lâm nghiệp được hưởng mọi chế độ chính sách:
- Được hỗ trợ và đầu tư hoặc vay vốn theo Quyết định 327-CT và 264 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) được tham gia dự án, các chương trình viện trợ quốc tế về sinh thái môi trường, các chương trình của Nhà nước về công tác lâm nghiệp.
- Được hỗ trợ vốn cho việc nghiên cứu thực nghiệm, đào tạo nghiệp vụ phổ cập lâm nghiệp và phát triển dịch vụ khoa học kỹ thuật theo hướng lâm nghiệp, xã hội.
4. Chính sách về giao đất giao rừng.
- Công an các tỉnh, thành phố, các đồn trạm biên phòng và các trường, trại cải tạo có đủ điều kiện được nhận đất, nhận khoán rừng với tư cách là chủ rừng để tổ chức sản xuất lâm nghiệp.
- Từ diện tích được giao quản lý, các đơn vị trên có thể giao cho các đơn vị trực thuộc hoặc hộ gia đình nhận tổ chức kinh doanh rừng toàn diện hay từng công đoạn.
- Những hộ gia đình chiến sĩ Công an sống trong rừng, đồn trạm biên phòng, trại cải tạo được nhận đất, nhận khoán rừng để kinh doanh như một hộ nông dân.
- Tổ chức hay hộ gia đình trong ngành Công an kinh doanh rừng được hưởng toàn bộ hay một phần sản phẩm thực vật, động vật rừng tuỳ theo mức đầu tư vốn tự có và phải thực hiện đóng thuế đầy đủ theo quy định hiện hành.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA HAI BỘ
1. Trách nhiệm của Bộ Lâm nghiệp:
- Thực hiện chức năng quản lý ngành về việc tổ chức sản xuất kinh doanh lâm nghiệp trong lực lượng Công an nhân dân.
- Giúp Bộ Nội vụ lựa chọn phương án xây dựng các dự án lâm nghiệp: Hướng dẫn khảo sát, điều tra quy hoạch và lập các dự án về trồng cây, trồng rừng, các vùng thuộc Bộ Nội vụ quản lý theo chương trình 327-CT và các chương trình khác của Nhà nước về công tác lâm nghiệp.
- Để xuất vốn đầu tư lâm nghiệp hàng năm cho Bộ Nội vụ trong tổng nguồn vốn cân đối của Nhà nước.
- Phối hợp với các địa phương hướng dẫn việc giao đất giao rừng cho các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ quản lý.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi các chính sách để động viên, khuyến khích các đơn vị Công an tham gia công tác lâm nghiệp và phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra các địa phương, đơn vị tham gia công tác lâm nghiệp thuộc lực lượng Công an trong việc thực hiện chính sách này.
2. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ:
- Lập kế hoạch tham gia công tác lâm nghiệp, đăng ký các dự án lâm nghiệp trong toàn lực lượng Công an nhân dân.
- Xây dựng kế hoạch lâm nghiệp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tham gia các chương trình chiến lược, viện trợ quốc tế về trồng cây, trồng rừng gửi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp để tổng hợp cân đối chung trong toàn ngành.
- Căn cứ vào diện tích rừng, đất rừng được quản lý chỉ đạo các đơn vị tiến hành quy hoạch tổng thể về diện tích rừng, đất rừng, lập các dự án, luận chứng kinh tế kỹ thuật trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp.
- Chịu sự quản lý Nhà nước và chỉ đạo về mặt chuyên môn trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Bộ Lâm nghiệp, thực hiện chế độ báo cáo các thống kê định kỳ theo quy định của Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp.
- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm kiểm tra việc thực hiện luật bảo vệ và phát triển rừng và các chế độ, quy trình, quy phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp của các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ quản lý.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Quy định đầu mối:
Để triển khai Thông tư liên Bộ có hiệu quả, hai Bộ thống nhất giao trách nhiệm thường trực như sau:
- Bộ Nội vụ giao cho Cục Quản lý kinh tế - Tổng cục Hậu cần.
- Bộ Lâm nghiệp giao cho Vụ Lâm sinh công nghiệp rừng.
2. Tổ chức thực hiện, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
Hàng năm hai Bộ phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện về việc tham gia công tác lâm nghiệp của các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ quản lý.
3. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện các đơn vị Lâm nghiệp - Nội vụ phản ánh những khó khăn vướng mắc, những điều chưa phù hợp với thực tế để hai Bộ sửa đổi, bổ sung kịp thời.