1. Tác giả của tác phẩm kiến trúc là người sáng tạo ra tác phẩm đó.
2. Tác giả tác phẩm kiến trúc có thể là:
a) Một người: người trực tiếp sáng tạo tác phẩm.
b) Nhiều người:
- Đồng tác giả là 2 hay nhiều người cộng tác trực tiếp với nhau trong sáng tạo tác phẩm mà đóng góp của người này đối với người kia không thể tách rời nhau được và nếu đứng riêng ra chúng không phải là những sáng tạo có tính độc lập thành tác phẩm.
Những người có giải pháp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành tác phẩm kiến trúc hoặc có sáng chế giải pháp hữu ích (khái niệm sáng chế, giải pháp hữu ích được giải thích trong Điều 4 của Pháp lệnh bảo hộ sở hữu công nghiệp do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 28/1/1989 cũng được coi là đồng tác giả của tác phẩm kiến trúc.
- Tập thể tác giả là tập hợp những tác giả từng hạng mục công trình của công trình hợp thành. Tác giả công trình hợp thành là người chủ quyết định mục đích tác phẩm, chọn lựa, phối hợp và sắp xếp sự đóng góp của các tác giả từng hạng mục công trình.
Tập thể tác giả còn là tập hợp những tác giả đã sáng tạo công trình qua các thời kỳ tồn tại và phát triển của nó.
Quyền tác giả của tác phẩm kiến trúc được khẳng định và bảo hộ trong suốt quá trình từ sáng tạo đến xây dựng và sử dụng. Quyền tác giả của tác phẩm kiến trúc bao gồm:
1- Quyền công bố, đứng tên tác phẩm.
a) Tác giả có quyền tự mình công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm kiến trúc do mình sáng tạo ra dưới các hình thức:
- Các đồ án dự thi hoặc đồ án thiết kế.
- Trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình...
- Trong các ấn phẩm: báo, tạp chí, sách, phim ảnh, băng hình tài liệu được phổ biến tại các hội thảo.
- Trưng bày tại các triển lãm.
- Đăng ký với cơ quan bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm kiến trúc.
Việc công bố tác phẩm kiến trúc ở nước ngoài của tác giả Việt Nam phải theo đúng quy định của pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Nội dung tác phẩm kiến trúc đưa công bố phải đạt yêu cầu sau:
- Tài liệu thiết kế: các hình vẽ chủ yếu thể hiện được ý đồ và giải pháp kiến trúc (mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, bối cảnh...)
- Công trình đã xây dựng xong (có thêm ảnh chụp)
c) Tác phẩm kiến trúc được coi như đã công bố khi:
- Gửi đi dự thi và được chấp nhận.
- Đăng ký tại một tổ chức thiết kế có tư cách pháp nhân và được cơ quan phê duyệt.
Đã đăng ký tại cơ quan bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm kiến trúc.
- Đã được trình bày tại các triển lãm hoặc trên các ấn phẩm chuyên ngành kiến trúc.
- Công trình xây dựng xong.
d) Đứng tên tác phẩm.
- Trong bất kỳ hình thức công bố nào như quy định trên, tác giả được quyền ghi tên mình (tên khai sinh hoặc bút danh, bí danh) với danh nghĩa là tác giả.
- Các cơ quan thông tin đại chúng phải nên tên tác giả khi giới thiệu tác phẩm kiến trúc.
- Đối với các công trình đã xây dựng được thực hiện việc gắn biển hình thức, nội dung và vị trí gắn biển do Bộ Xây dựng quy định trong văn bản riêng.
2. Quyền bảo vệ tác phẩm.
a) Tác giả được quyền bảo vệ tác phẩm của mình trong thẩm tra xét duyệt thiết kế, trong thi công và sử dụng công trình.
b) Tác giả được ưu tiên thiết kế ở những giai đoạn tiếp theo sau khi phương án thiết kế dự thi, luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) đã được phê duyệt.
c) Trong quá trình thi công xây dựng tác giả có quyền giám sát tác phẩm theo các quy định hiện hành. Mọi sửa đổi bản thiết kế đã được phê duyệt phải được sự chấp thuận của tác giả, chủ công trình và cơ quan phê duyệt. Trường hợp các sửa đổi không có chấp nhận sẽ do một hội đồng gồm đại diện chủ công trình, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (Bộ, Sở Xây dựng), đơn vị thi công và tác giả cùng xem xét, quyết định.
d) Tác giả là một thành viên của đại diện tổ chức thiết kế trong Hội đồng nghiệm thu các cấp.
e) Trong quá trình sử dụng chủ sở hữu công trình muốn thay đổi hình khối, các yếu tố tổ hợp mặt đứng, tổ chức không gian, kết cấu chịu lực chính cần thoả thuận với tác giả hoặc với cơ quan quản lý xây dựng có thầm quyền đối với trường hợp không hỏi được tác giả (tác giả ở xa hoặc đã chết).
3. Quyền lợi về vật chất.
- Tác giả của các tác phẩm kiến trúc làm theo đơn đặt hàng được hưởng tiền thiết kế và tiền thưởng theo chế độ hiện hành của Nhà nước, hoặc theo sự thoả thuận với người đặt hàng.
- Việc phân phối tiền thiết kế và tiền thưởng cho tác giả là thành viên của tổ chức thiết kế đó quy định theo sự quản lý chung của Nhà nước.
- Tác giả được hưởng quyền lợi vật chất theo quy chế hiện hành khi tuyên truyền, giới thiệu, quảng cáo, sử dụng lại tác phẩm của mình.
4. Bảo hộ quyền tác giả.
- Các quyền tác giả được bảo hộ theo luật định và mọi tác giả đều được bảo hộ quyền này bình đẳng trước pháp luật.
- Mọi vi phạm và tranh chấp về quyền tác giả, tuỳ theo nội dung và tính chất sẽ được giải quyết bằng quyết định của cơ quan bảo hộ quyền tác giả tác phẩm kiến trúc với sự tham gia của Cục giám định thiết kế và xây dựng Nhà nước, cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền hoặc của toà án theo Điều 6 của Nghị định số 142-HĐBT.