BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG-BỘ THƯƠNG MẠI
Số:
12/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội,
ngày
12 tháng
7 năm
1996
THôNG Tư
THÔNG TƯ
CỦA LIÊN BỘ THƯƠNG MẠI - KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Hướng dẫn việc tổ chức thanh tra, kiểm tra
và xử lý các vi phạm về đo lường, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa
Thi hành Điều 8 Nghị định số 86/CP ngày 8-12-1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá và Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép ban hành kèm theo Quyết định số 96/TTg ngày 18-2-1995 của Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ Thương mại và Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về quản lý đo lường, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa, như sau:
I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Bộ Thương mại (Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường) chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra và chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan: Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Thanh tra Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng), các Bộ (Thanh tra chuyên ngành) nói ở Điều 4 Nghị định 86/CP... để tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các vi phạm về đo lường, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường ở địa phương.
2. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các văn bản pháp quy, các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về chất lượng hàng hoá, đo lường làm căn cứ cho các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra tiến hành việc thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các vi phạm về đo lường, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại (Cục quản lý thị trường, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá và đo lường) để tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các Chi Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra và xử lý các vi phạm về đo lường, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường ở địa phương.
3. Các Bộ quản lý chuyên ngành (nói ở Điều 4 Nghị định số 86/CP) chỉ đạo hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành của ngành chủ động tiến hành việc thanh tra, kiểm tra và phối hợp với Bộ Thương mại (Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý Chất lượng hàng hoá và đo lường) để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra những loại hàng hoá đặc thù đã được Nghị định số 86/CP phân công quản lý chất lượng từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng nhằm ngăn chặn hành giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
4. Các Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố chủ trì tổ chức sự phối hợp với các Chi cục của Cục Quản lý Chất lượng hàng hoá và đo lường Bộ Thương mại đóng ở khu vực, với thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và với Thanh tra chuyên ngành của các ngành ở địa phương để thực hiện việc kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng, đo lương đối với các hàng hoá lưu thông trên thị trường, kể cả các hàng hoá đặc thù do các ngành quản lý chất lượng theo sự phân công tại Nghị định số 86/CP.
II. NỘI DUNG THANH TRA, KIỂM TRA
1. Thanh tra, kiểm tra sự phù hợp của chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường với: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) bắt buộc áp dụng; đăng ký chất lượng hành hoá; các quy định về an toàn, vệ sinh, môi trường.
2. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện những quy định về ghi nhãn sản phẩm của hàng hoá lưu thông trên thị trường.
3. Thanh tra, kiểm tra tính hợp pháp của các dụng cụ đo lường có liên quan đến việc kinh doanh hàng hoá trên thị trường và hàng hoá đóng gói sẵn theo định lượng.
4. Thanh tra, kiểm tra các vụ, việc về sản xuất hoặc buôn bán hàng giả trên thị trường.
III. THỬ NGHIỆM, KIỂM ĐỊNH VÀ KINH PHÍ
1. Các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hoá, đo lường và chống hàng giả khi nghi vấn hàng hoá không đảm bảo chất lượng quy định, hàng giả hoặc hàng hoá đóng gói sẵn không đủ định lượng ghi trên nhãn sản phẩm thì phải lấy mẫu theo đúng quy định về phương pháp lấy mẫu rồi chuyển đến các Phòng thử nghiệm, Phòng đo lường thuộc cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá và đo lường được công nhận hoặc được chỉ định để tiến hành thử nghiệm, kiểm định làm căn cứ cho việc xử lý.
2. Các cơ quan thử nghiệm, đo lường có trách nhiệm tiến hành việc thử nghiệm, kiểm định và trả lời kịp thời đối với các mẫu hàng hoá, dụng cụ đo lường do các lực lượng thanh tra, kiểm tra gửi đến và chịu trách nhiệm về kết quả thử nghiệm, kiểm định của mình.
3. Chi phí thử nghiệm, kiểm định các mẫu hàng hoá và dụng cụ đo lường lấy từ Quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật của tỉnh, thành phố được lập theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hoặc từ ngân sách do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định theo kế hoạch tài chính hàng năm mà Thủ trưởng các cơ quan thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng hàng hoá ở địa phương xây dựng và đề nghị.
Các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về chất lượng hàng hoá, đo lường, sản xuất hoặc buôn bán hàng giả bị phát hiện và xử phạt thì ngoài các hình thức phạt tiền, tịch thu tang vật... theo quy định của pháp luật xử phạt hành chính còn phải chịu các chi phí thử nghiệm, kiểm định hàng hoá, dụng cụ đo lường vi phạm.
IV. XỬ LÝ VI PHẠM
Khi tiến hành nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thị trường, nếu phát hiện hàng hoá lưu thông trên thị trường vi phạm các quy định về chất lượng, đo lường, hàng giả thì các cơ quan có chức năng (Quản lý thị trường, Thanh tra Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Thanh tra chuyên ngành) phải chủ động hoặc phối hợp với cơ quan có chức năng khác để kịp thời kiểm tra, lập biên bản vi phạm, tạm giữ hàng hoá, tang vật vi phạm, lấy mẫu và tiến hành việc xử lý theo đúng thẩm quyền, thủ tục, hình thức và mức xử phạt được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá.
Nếu hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, sản xuất hoặc buôn bán hàng giả có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thanh tra, kiểm tra phải lập hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét xử lý hình sự.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng Bộ Thương mại giao cho Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng hàng hoá và đo lường - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các Chi cục Quản lý Thị trường, Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng các tỉnh, thành phố và tổ chức sự phối hợp với Thanh tra chuyên ngành của các ngành được Nghị định số 86/CP phân công giao nhiệm vụ để thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra Nhà nước đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hoá, đo lường, sản xuất hoặc buôn bán hàng giả; tổng hợp báo cáo hai Bộ biết tình hình thực hiện.
2. Hàng quý, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố có báo cáo về Cục quản lý Thị trường Bộ Thương mại; Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng các tỉnh, thành phố có báo cáo về Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tình hình thực hiện của từng đơn vị để kịp thời tổng hợp báo cáo hai Bộ.
3. Hàng năm, Bộ Thương mại và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ được Nghị định số 86/CP phân công quản lý chất lượng hàng hoá tiến hành việc sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện Nghị định số 86/CP và Thông tư này để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng hàng hoá, đo lường và công tác chống hàng giả lưu thông trên thị trường; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị có thành tích trong công tác này.
4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 86/CP và Thông tư này, nếu có vướng mắc gì thì các ngành và các địa phương kịp thời phản ánh cho hai Bộ biết để có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết.