Ngành bưu điện phải bảo đảm an toàn và chuyển phát nhanh chóng các bưu phẩm, bưu kiện có văn hóa phẩm từ lúc nhận đến khi phát xong cho người nhận theo đúng điều lệ gửi, nhận và chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện.
Ngành văn hóa và thông tin có nhiệm vụ quản lý việc xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm để bảo đảm việc xuất, nhập khẩu đúng với pháp luật hiện hành
Hai ngành phải phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm các văn hóa phẩm xuất, nhập khẩu qua đường bưu điện theo đúng các quy định của Nhà nước.
1. Những bưu cục được Tổng cục Bưu điện quy định làm nhiệm vụ xuất, nhập khẩu bưu phẩm, bưu kiện (sau đây gọi là bưu cục ngoại dịch) giữa nước ta và nước ngoài đều phải phối hợp với các ngành hải quan, văn hóa và thông tin để làm thủ tục xuất, nhập khẩu đối với bưu phẩm, bưu kiện có văn hóa phẩm.
Khi Tổng cục Bưu điện mở bưu cục ngoại dịch ở nơi nào cần thông báo cho Bộ văn hóa và thông tin biết để có sự phối hợp tổ chức chỉ đạo nơi đó cùng thực hiện nhiệm vụ theo chức trách đã được Nhà nước quy định.
2. Căn cứ vào khối lượng công việc ở từng bưu cục ngoại dịch, ngành văn hóa và thông tin tổ chức bộ máy làm việc (phòng, tổ) hoặc cử cán bộ chuyên trách quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm, bảo đảm kiểm soát kịp thời và nhanh chóng chính các văn hóa phẩm xuất, nhập khẩu qua đường bưu điện.
3. Tuỳ theo điều kiện mặt bằng ở mỗi bưu cục ngoại dịch, bưu điện bố trí nơi làm việc cho bộ phận văn hóa. Bộ phận văn hóa có thể làm việc ở một địa điểm khác ngoài bưu cục, nhưng phải có biển chỉ dẫn cụ thể cần thiết cho giao dịch của nhân dân.
Các phương tiện làm việc như bàn, ghế, tủ và các thiết bị máy móc dùng cho bộ phận văn hóa, do ngành văn hóa và thông tin tự trang bị.
4. Các cơ sở bưu điện ở trong nước chỉ nhận bưu phẩm, bưu kiện có văn hóa phẩm gửi ra nước ngoài sau khi có giấy phép xuất khẩu do cơ quan văn hóa và thông tin có thẩm quyền cấp, theo sự phân cấp quản lý của Bộ Văn hóa và thông tin.
5. Các bưu cục khi cùng hải quan làm thủ tục nhập khẩu các bưu phẩm, bưu kiện ở nước ngoài gửi về, nếu thấy có thấy văn hóa phẩm phải chuyển sang bộ phận văn hóa để làm thủ tục nhập khẩu văn hóa phẩm.
Thời gian bộ phận văn hóa giữ lại văn hóa phẩm của mỗi bưu phẩm, bưu kiện trong điều kiện bình thường, không quá 48 giờ kể từ khi bưu điện chuyển sang đến khi nhận về. Trường hợp đặc biệt, nếu cần giữ lại để xem xét thêm thì chậm nhất là sau bảy ngày, bộ phận văn hóa phải trả văn hóa phẩm lại cho bưu điện. Nếu có văn hóa phẩm vi phạm các điều kỷ luật tuyên truyền hoặc các quy định của Nhà nước mà phải tịch thu, thì bộ phận văn hóa lập các giấy tờ cần thiết chuyển sang bưu điện để thông báo cho người nhận bưu phẩm, bưu kiện biết.
Bưu điện chỉ chuyển tiếp hoặc phát cho người nhận những bưu phẩm, bưu kiện có văn hóa phẩm khi đã có giấy pháp nhập khẩu của cơ quan văn hóa và thông tin.
Nếu nội dung bưu phẩm hoặc bưu kiện có một phần là văn hóa phẩm thì bưu điện chỉ giao phần đó cho bộ phận văn hóa, phần còn lại, bưu điện sẽ xử lý như các trường hợp khác.
Mỗi khi chuyển giao văn hóa phẩm sang bộ phận văn hóa để làm thủ tục nhập khẩu, bưu điện phải ghi vào sổ đầy đủ tưng loại và từng bưu phẩm, bưu kiện theo đúng mẫu quy định của Bộ Văn hóa thông tin. Bộ phận văn hóa khi nhận để làm thủ tục cũng như bưu điện khi nhận văn hóa phẩm được trả lại đều phải ký nhận chu đáo.
Do yêu cầu công tác, ngành bưu điện và ngành văn hóa và thông tin cần phối hợp chặt chẽ để làm nhiệm vụ xuất, nhập khẩu bưu phẩm, bưu kiện có văn hóa phẩm. Hai ngành cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhau để thực hiện nhiệm vụ chung.
Cán bộ, nhân viên hai ngành khi tiếp xúc với nhân dân và người nước ngoài phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước về chế độ giao dịch với nhân dân và các nguyên tắc về công tác đối ngoại của Nhà nước.
Cán bộ, nhân viên bộ phận văn hóa và cán bộ bưu điện làm việc tại bưu cục ngoại dịch cần chấp hành tốt nội quy của bưu cục, mỗi khi có khó khăn hai bên cùng nhau bàn bạc trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa. Trường hợp có ý kiến không thống nhất thì kịp thời báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến giải quyết.