Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 4/TTLB-NgT-TCBĐ

 
Công báo số 7/1983;
Thông tư liên tịch 4/TTLB-NgT-TCBĐ
Thông tư liên tịch
01/04/1983
31/03/1983

Tóm tắt nội dung

Quy định thủ tục cấp, quản lý và sử dụng sổ nhận hàng đối với các hộ gia đình có thân nhân định cư ở các nước ngoài hệ thống XHCN

 
1.983
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ NGOẠI THƯƠNG - TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 4/TTLB-NGT-TCBĐ NGÀY 31-3-1983 QUY ĐỊNH THỦ TỤC CẤP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG SỔ NHẬN HÀNG ĐỐI VỚI CÁC HỘ GIA ĐÌNH CÓ THÂN NHÂN ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Thi hành quyết định số 151/HĐBT ngày 31-8-1982 của Hội đồng bộ trưởng về việc các gia đình có thân nhân định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa nhận tiền, nhận hàng do thân nhân của họ gửi về, liên Bộ Ngoại thương - Tổng cục Bưu điện quy định thủ tục cấp, quản lý và sử dụng sổ nhận hàng đối với các hộ gia đình có thân nhân định cư ở nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Sổ nhận hàng của các hộ gia đình có thân nhân định cư ở nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa tại các địa phương có tổ chức hải quan do cơ quan hải quan cấp; tại địa phương không có tổ chức hải quan do cơ quan cơ quan bưu điện tỉnh cấp.

2. Sổ nhận hàng có giá trị làm thủ tục nhận và gửi hàng bằng đường biển, đường hàng không, đường bưu chính tại các địa phương trong nước.

3. Tổng cục Bưu điện (Vụ bưu chính và phát hành báo chí) nhận sổ do Bộ Ngoại thương (Cục Hải quan) in để phân phối cho bưu điện các tỉnh không có tổ chức hải quan.

 

II. THỦ TỤC CẤP VÀ QUẢN LÝ SỐ NHẬN HÀNG

1. Các hộ gia đình muốn được thường xuyên nhận hàng của thân nhân định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa phải làm đơn xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh (đơn làm thành 3 bản) theo mẫu thống nhất do Uỷ ban nhân dân tỉnh in và phải kê khai trong đơn danh sách các thành viên trong gia đình đúng như đã ghi trong sổ hộ tịch (nơi nào chưa làm sổ hộ tịch thì danh sách này phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân phường, xã) và tên thân nhân ở nước ngoài thường gửi hàng về.

2. Căn cứ danh sách và đơn của các hộ gia đình được phép nhận hàng do Uỷ ban nhân dân tỉnh chuyển đến (kèm theo cả giấy phép để trao cho chủ hộ gia đình khi đến nhận sổ), cơ quan hải quan hoặc bưu điện tỉnh làm sổ nhận hàng và có trách nhiệm báo chủ hộ gia đình đến nhận sổ. Sổ nhận hàng do chi cục trưởng hải quan hoặc giám đốc bưu điện tỉnh ký.

Khi đến nhận sổ phải mang theo sổ hộ tịch và giấy chứng minh nhân dân.

3. Trong trường hợp gửi hoặc nhận hàng không thường xuyên, mỗi lần gửi hoặc nhận hàng, hộ gia đình cũng phải làm đơn xin giấy phép Uỷ ban nhân dân tỉnh như nói ở điểm 1. Nếu được phép gửi hoặc nhận người làm đơn phải mang đơn, sổ hộ tịch và giấy chứng minh nhân dân xuất trình với hải quan hoặc bưu điện để làm thủ tục gửi hoặc nhận hàng.

4. Khi dùng hết sổ nhận hàng, người có sổ đến hải quan hoặc bưu điện tỉnh nơi cấp sổ để đổi sổ mới, không phải xin phép lại. Nếu có thay đổi về nhân khẩu trong gia đình, chỉ cần mang sổ nhận hàng kèm theo sổ hộ tịch đến hải quan hoặc bưu điện nơi cấp sổ để điều chỉnh.

5. Mỗi lần nhận hàng hoặc đổi sổ mới phải nộp lại cho hải quan hoặc bưu điện nơi cấp sổ một khoản tiền do Bộ Ngoại thương quy định để chi về việc in và phát hành.

 

III. VIỆC SỬ DỤNG SỔ NHẬN HÀNG

1. Sổ nhận hàng có 32 trang, đánh số từ 1 đến 32 và có đóng dấu giáp lai của hải quan hoặc bưu điện tỉnh nơi cấp sổ.

2. Khi đánh mất sổ nhận hàng phải báo ngay với công an nơi gần nhất và cơ quan cấp sổ để nghiên cứu và xét cấp sổ khác nếu thấy đúng.

3. Khi di chuyển hộ khẩu đi tỉnh khác phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đến để Uỷ ban vào sổ di chuyển và chứng nhận vào trang cuối cùng của sổ này. Người có sổ phải đến đăng ký với hải quan hoặc bưu điện tỉnh (nơi không có tổ chức hải quan) để được tiếp tục gửi và nhận hàng.

4. Khi đến hải quan hoặc bưu điện (nơi không có tổ chức hải quan) để gửi hoặc nhận hàng, phải mang theo sổ nhận hàng.

5. Người đi gửi hoặc nhận hàng phải là người thành niên, có tên trong sổ nhận hàng của gia đình.

Người gửi hoặc nhận bưu phẩm, bưu kiện ngoài các thủ tục quy định trong thông tư liên Bộ Tổng cục Bưu điện - Bộ Ngoại thương số 8-LB/BĐ/NgT ngày 17-6-1981 quy định trách nhiệm giữa hai ngành bưu điện và ngoại thương trong việc làm thủ tục xuất nhập khẩu bưu phẩm, bưu kiện, còn phải thực hiện các thủ tục dưới đây.

 

A. ĐỐI VỚI VIỆC GỬI BƯU PHẨM, BƯU ĐIỆN.

1. Tại các bưu cục ngoại dịch có hải quan.

Người gửi làm tờ khai hải quan, xuất trình hàng hoá, sổ nhận hàng hoặc đơn được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép gửi (trường hợp gửi không thường xuyên), giấy chứng minh nhân dân với hải quan.

Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, nộp thuế (đối với trường hợp vượt quá giá trị quy định được miễn thuế), nộp lệ phí và phụ trách hải quan xác nhận vào sổ nhận hàng hoặc đơn, bưu điện sẽ nhận hàng để gửi đi.

Hải quan tại bưu cục ngoại dịch có trách nhiệm theo dõi số lần gửi trong năm của từng hộ gia đình.

2. Tại bưu cục không có tổ chức hải quan.

Người gửi phải xuất trình sổ nhận hàng hoặc đơn được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép gửi (trường hợp gửi không thường xuyên) với bưu điện.

-Nếu trị giá hàng gửi không vượt quá mức do Bộ Ngoại thương quy định,người gửi làm thủ tục cho ngành, bưu điện quy địnhvà sau khi trưởng hoặc phó bưu cục xác nhận vào sổ nhận hàng hoặc đơn,bưu phẩm hoặc bưu kiện sẽ được bưu điện chuyển cùng với đơn (trường hợp gửi không thường xuyên) đèen bưu cục ngoại dịch được chỉ định. Tại đây cán bộ bưu điện mở bưu phẩm, bưu kiện trước mặt cán bộ hải quan để kiểm hoá. Nếu thấy hợp lệ( đúng trị giá quy định, không có hàng cấm xuất...)bưu điện đóng gói lại, hải quan đóng dấu đã hoàn thành thủ tục hải quan, thu lại đơn( trường hợp gửi không thường xuyên) rồi bưu điện gửi đi.

Nếu thấy vượt quá trị giá quy định, bưu điện hướng dẫn người gửi đếnbưu cục ngoại dịch có hải quan để làm thủ tục xuất khẩu. Trong trường hợp người gửi vẫn cố tìnhđề nghị gửi bưu phẩm hoặc bưu kiện vượt trị giá quy định thì bưu điện vẫn chấp nhậnvà làm thủ tục chuyển đến bưu cục ngoại dịch có hải quan. đây bưu điện cùng với hải quan làm thủ tục nếu xét thấy không gửi đi đượcthì bưu phẩm hoặc bưu kiẹen đó được trả lại cho người gửi và người gửi phải chịu cước phívề bưu kiện nội địa.

Người gửi phải nộp lệ phí bằng 1%(một phần trăm) trị giá lô hàng(theo giá tính thuế theo liên Bộ Tài chính- Ngoại thương quy định) cho cơ quan bưu điện đối với mỗi lần làm thủ tục gửi hàng.

Bưu cục địa phương có trách nhiệm theo dõi số lần gửi hành trong năm của từng hộ gia đình, nếu thấy gửi vượt số lần quy địnhtrong năm( từ lần thứ tư trở đi) thì không chấp nhận để chuyển đi

.

B. ĐỐI VỚI VIỆC NHẬN BƯU PHẨM, BƯU KIỆN.

1. Tại bưu cục ngoại dịch có hải quan.

Người nhận làm tờ khai hải quan, phải xuất trình sổ nhận hàng, hoặc đơn được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép nhận(trường hợp nhận không thường xuyên) với hải quan. Sau khi làm thủ tục hải quan, nộp thuế( đối với trường hợp vượt quá trị giá quy định) và lệ phí, phụ trách hải quan xác nhận vào sổ nhận hàng hoặc đơn, bưu điện phát hàng cho người nhận.

Hải quan có trách nhiệm theo dóí lần nhận của từng hộ gia đình.

2.Tại bưu cục không có tổ chức hải quan.

- Người nhận xuất trình sổ nhận hàng hoặc đơn được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép nhận( trường hợp nhận không thường xuyên) hoặc các giấy tờ có liên quantheo quy định của ngành bưu điện.

- Nếu xác nhận thấy giấy tờ hợp lệ, trưởng hoặc phó trưởng bưu cục xác nhận vào sổ nhận hàng hoặc đơn nói trên và phát bưu phẩm hoặc bưu kiện đó cho người nhận, sau khi chủ hàng nộp đầy đủ lệ phí dịch vụ và thuế theo giấy báo nộp lệ phí dịch vụ và giấy báo nộp thuế kèm theo bưu phẩm, bưu kiện (nếu có).

Trường hợp nhận hàng không thường xuyên, sau khi phát hàng cho người nhận, bưu cục phát gửi trả lại đơn cho hải quan tại bưu cục ngoại dịch nơi đã làm thủ tục nhập khẩu bưu phẩm hoặc bưu kiện đó. Cước phí của việc gửi trả lại đơn này sẽ thu của hải quan nơi nhận.

- Bưu cục địa phương có trách nhiệm theo dõi số lần nhận trong năm. Trường hợp hộ gia đình nào đã nhận đủ 3 lần quy định trong năm và không lần nào vi phạm chế độ về hàng cấm nhập khẩu và chế độ thuế thì bưu cục địa phương cho nhận hàng lần thứ tư, sau khi đương sự nộp đủ các khoản lệ phí và thuế nói trên (nếu có). Đối với trường hợp này, trưởng hoặc phó trưởng bưu cục cần ghi rõ vào sổ nhận hàng của đương sự để tiện cho việc theo dõi, kiểm tra sau này. Qua kiểm tra, nếu phát hiện thấy một hoặc cả ba lần nhận hàng trước đều vi phạm chế độ hàng cấm nhập khẩu và chế độ thuế thì bưu cục phát tạm giữ bưu phẩm hoặc bưu kiện đó lại để báo cho hải quan tại bưu cục ngoại dịch đã làm thủ tục nhập khẩu xử lý. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của bưu cục phát, cơ quan hải quan phải thông báo kết quả xử lý cho bưu cục phát biết. Quá thời hạn trên, nếu không thấy cơ quan hải quan trả lời thì bưu cục phát được quyền phát bưu phẩm hoặc bưu kiện đó cho người nhận.

3. Các hộ gia đình muốn nhận hàng là tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu) theo yêu cầu của các ngành, các địa phương trong nước, thì liên hệ với cơ quan hải quan gần nhất để được biết những chi tiết cần thiết.

4. Các bưu cục địa phương được hưởng tỷ lệ hoa hồng 3% (ba phần trăm) trong số tiền thu được về thuế và lệ phí dịch vụ.

Thông tư này thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1983. Các quy định trên không áp dụng đối với việc gửi hay nhận hàng của các hộ gia đình có ngừời thân là cán bộ, học sinh, công nhân Việt Nam được Nhà nước cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

Cục Hải quan (Bộ Ngoại thương), Vụ Bưu chính và phát hành báo chí( Tổng cục Bưu điện) hướng dẫn cụ thể các cấp hải quan và bưu điện thực hiện thông tư này.

Trong quá trình thực hiện thông tư này, các cấp hải quan và bưu điện nếu gặp khó khăn trở ngại hoặc có kiến nghị gì mới, cần báo cáo ngay liên Bộ để kịp thời nghiên cứu giải quyết.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=3549&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận