Noel năm ấy đúng là một Noel trắng… Càng gần đến Noel, tuyết càng rơi nhiều hơn và nhiệt độ cũng xuống thấp hơn. Nhưng bất chấp giá rét, không khí ấm áp của mùa lễ hội len lỏi vào đến tận mỗi nhà. Đường phố chăng đèn kết hoa, những cây thông Noel trang trí với đèn màu, ngôi sao pha lê và quả cầu kim loại xanh đỏ bóng loáng được dựng lên trong các trung tâm mua sắm, các cửa hàng, siêu thị… Dundas Square rực rỡ ánh đèn và ánh sáng lấp lánh phát ra từ một cây thông pha lê to tướng ngay giữa quảng trường. Các trung tâm thương mại nghìn nghịt người đi mua sắm. Ngay cả những khu phố xa trung tâm như chỗ Vi ở, người ta cũng đã treo đèn kết hoa chuẩn bị Noel trước cả tháng trời. Năm nay, ông bà Dora quyết định về Pháp đón Noel, vậy là chỉ còn lại Vi một mình với căn nhà nhỏ. Nhưng vừa mới hôm qua, ông bác họ của Vi gọi điện bảo Vi đến ăn Noel với gia đình. Đây là một người họ hàng xa bên đằng nội. Gia đình ông bác là dân Bắc di cư vào Nam những năm năm mươi tư rồi vượt biên sang đây đã hơn hai mươi năm rồi, vì vậy tuy là họ hàng nhưng bác và bố cô cũng ít liên lạc với nhau. Vi đã đồng ý thu xếp hai ngày đến thăm gia đình họ. Thời gian còn lại trong hai tuần nghỉ lễ, Vi sẽ dành cho Nguyên. Anh đã hứa với cô một Noel với nhiều bất ngờ thú vị.
Gia đình ông bác họ ở tít tận Mississauga, nơi được coi là thủ phủ của người Việt ở Toronto. Nói là “thủ phủ” cho oai chứ thực ra cộng đồng người Việt ở Toronto rất ít, sinh sống rải rác và cũng lẫn lộn với người Tàu chứ không thành một khu riêng biệt như Little Sài Gòn ở California. Bác Vi là chủ một tiệm ăn Việt Nam. Bác có hai anh con trai, một anh bằng tuổi Vi, một anh thì đã có gia đình riêng, nhưng cũng ở quây quần quanh đó. Bữa ăn tối đông đủ mọi người, có thêm một người bạn của anh Minh - anh con trai cả đã có gia đình. Câu chuyện bên bàn ăn diễn ra rôm rả. Bác trai và bác gái tíu tít hỏi chuyện Vi, những câu chuyện dây cà ra dây muống tưởng chừng như chẳng bao giờ dứt được. Nào là chuyện làm ăn của bố Vi, chuyện họ hàng hai bên, những bà dì, ông bác, anh A, chị B, người còn, người mất, có những người mà Vi thậm chí còn chưa một lần gặp mặt. Nếu như bác gái thích hỏi chuyện họ hàng thì bác trai lại thích chuyện thời sự, chính trị và kinh tế.
- Ồ, mà dạo này bà C có còn khỏe không? Giờ chắc bả cũng trên tám mươi rồi thì phải
- Dạ, bà C là ai thế ạ? - Vi ngơ ngác
- Cháu không biết hả, ừ, mà không biết cũng phải thôi. Bà C là vợ của ông D, ông D là cháu họ đằng vợ gọi ông thân sinh ra bác mày bằng chú đấy.
Vi nghe lời giải thích mà ù hết cả tai, chưa kịp hoàn hồn thì bác trai đã ngắt lời:
- Thôi dẹp đi bà ơi, ba cái chuyện họ hàng, bọn trẻ làm sao mà biết được. Mà dạo này dân Việt Nam làm ăn cũng khá quá đi chứ, có tiền cho con du học. Nhớ dạo năm 85-86 thì đến miếng ăn cũng còn không có mà ăn, chậc chậc. À, thế dạo này…
Sau mỗi tiếng chậc thì ông lại à lên một cái, nghĩa là Vi phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hầu chuyện ông một đề tài khác. Ở góc bàn bên kia câu chuyện cũng đang lên đến cao trào, chỉ có khác là tiếng Anh, tiếng Việt lẫn lộn, và chốc chốc những người trẻ tuổi lại rộ lên một tràng cười vui vẻ. Anh Minh sinh ra ở Việt Nam thì còn nói được tiếng Việt, nhưng anh Bình - anh chàng bằng tuổi Vi sinh ra và lớn lên ở đây thì hầu như chỉ có thể nghe hiểu lõm bõm, chứ anh nói tiếng Việt thật chẳng khác gì “sinh viên” lớp một tập đánh vần. Vi cứ tự thắc mắc không biết anh giao tiếp với bố mẹ bằng thứ ngôn ngữ gì nhỉ?
Đúng lúc bác cô đang “à” ra một cái đề tài liên quan đến chính trị thì có một vị cứu tinh đã đến cứu cô ra khỏi hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng. Đó là anh Quân, bạn của anh Minh, người mà từ lúc gặp mặt, Vi mới chỉ chào xã giao. Anh rời góc bàn bên kia đến hỏi chuyện hai bác của Vi. Câu chuyện dang dở về đề tài Việt Nam được tạm dừng để bác giới thiệu Vi và Quân với nhau. Sau vài câu hỏi thăm, Vi tìm cách rút lui, viện cớ vào bếp chuẩn bị gọt hoa quả làm món tráng miệng. Cô trút một hơi thở nhẹ nhõm khi được đứng lên và ba chân bốn cẳng đi thẳng vào bếp.
Bữa ăn trưa ngày hôm sau Quân cũng có mặt khiến Vi đoán anh chắc hẳn là một người bạn rất thân của cả gia đình. Hôm nay Vi chủ động ngồi về phía đám thanh niên để mong trốn tránh nghĩa vụ phải hầu chuyện hai bác, những câu chuyện mà cô không mấy hứng thú. Chẳng biết vô tình hay cố ý, Quân đến ngồi cạnh cô. Trong suốt bữa ăn anh hỏi Vi rất nhiều về chuyện học hành, về cuộc sống ở đây và thậm chí cả những dự định tương lai của cô nữa. Anh rất chịu khó gắp thức ăn và tiếp nước uống cho cô, làm như anh mới là chủ nhà còn cô là khách của anh vậy. Vi thấy anh cũng là người dễ chịu, hiểu biết và tinh tế. Vì vậy, đến khi Vi xin phép hai bác ra về, được cả nhà hậu thuẫn, Quân xung phong làm tài xế cho cô thì Vi cũng không tiện từ chối. Quãng đường từ nhà bác cô về đến nơi cô ở trọ đủ dài để Vi biết được rằng Quân là bạn rất thân của anh Minh và hai bác coi anh như con cái trong nhà, phần vì ba mẹ anh đã mất, anh không còn người thân, phần vì anh cũng đã từng làm cho quán ăn của hai bác một thời gian dài. Bây giờ thì anh đã có một cửa hàng của riêng mình, bán đồ ăn Việt kiểu fast food trong một trung tâm thương mại nhỏ. Cô cứ tấm tắc khen anh giỏi, có ý chí:
- Em cũng chỉ mong một ngày nào đó được một phần như anh là bố em mừng lắm rồi.
- Em mong có một cuộc sống ngày cắm mặt vào công việc và tối cô đơn trở về nhà một mình giống anh hay sao? - Anh cười - Còn anh lại mong được giống em, được tới trường đi học, có gia đình và người thân.
- Thì anh cứ lấy vợ đi, có khi lúc ấy anh lại ước được quay trở lại thời kỳ độc thân ấy chứ - Vi khuyên anh, làm như cô rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
- Đó, đó - Anh reo lên như được gãi đúng chỗ ngứa - Vấn đề nằm ở chỗ đó. Tìm được một người hợp với mình ở cái xứ này đâu có dễ đâu em. Xứ này lạnh quá nên cũng toàn người máu lạnh hết trơn à - Anh cười.
Cho đến khi xe đỗ trước cổng nhà Vi thì anh cũng đã xin được Vi số điện thoại để “lâu lâu nói chuyện chơi cho đỡ buồn”. Vi cảm ơn anh một lần nữa vì đã đưa cô về nhưng không mời anh vào chơi. Còn anh đứng chờ cho đến khi Vi vào nhà và đóng cửa lại mới nổ máy. Chiếc xe nhẹ nhàng vọt đi, để lại đằng sau một vệt khói mỏng.