Điệp Viên Của Chúa Chương 5

Chương 5
KỲ THI TỐT NGHIỆP: TÂM LÝ TỘI PHẠM

 

FBI - VỤ KHOA HỌC HÀNH VI

TRUNG TÂM QUỐC GIA VỀ PHÂN TÍCH TỘI PHẠM HÌNH SỰ CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN QUỐC TẾ

KỲ THI TỐT NGHIỆP: TÂM LÝ TỘI PHẠM

Sinh Viên: DICANTI, Paola Ngày: 19 - 7 - 1999

Điểm: A+

Câu hỏi duy nhất: Hãy miêu tả với dưới 100 từ tầm quan trọng của yếu tố thời gian trong việc xây dựng hồ sơ tội phạm, sử dụng phương pháp Rosper. Đưa ra đánh giá của mình bằng cách liên kết những biến số với mức độ kinh nghiệm của thủ phạm. Thời gian làm bài hai phút, tính từ lúc nhận đề.

Trả lời: Thủ phạm bao giờ cũng cần có đủ thời gian để:

a) Giết chết nạn nhân.

b) Tác động đến thi thể.

c) Xóa bỏ bất kỳ dấu vết nào lưu lại trên xác nạn nhân và thủ tiêu xác.

Nhận xét: Theo đánh giá của bản thân tôi, biến số a) bị giới hạn bởi ý nghĩ bệnh hoạn của thủ phạm, biến số b) giúp xác định những động cơ được giấu kín của hắn, trong khi biến số c) cho thấy khả năng phân tích và ứng biến của thủ phạm. Tóm lại, nếu thủ phạm ưu tiên thời gian hơn cho thấy:

a) Hắn có mức độ kinh nghiệm trung bình (khoảng ba tội ác).

b) Hắn là một kẻ giết người chuyên nghiệp (từ bốn vụ trở lên).

c)Hắn là một kẻ mới vào nghề (đây là vụ thứ nhất hoặc thứ hai).

TRỤ SỞ UACV

Số 3, phố Lamarnora

Thứ ba, ngày 05 tháng 04 năm 2005, 10:32 tối.

“Xem nào, chúng ta có gì đây?”

“Hai hồng y bị giết hại một cách dã man và bệnh hoạn nhất”.

Dicanti và Pontiero ăn bánh sandwich và uống cà phê trong phòng họp của phòng thí nghiệm. Đó là một căn phòng mang phong cách kỹ thuật hiện đại, xám xịt và nặng nề. Điểm sáng nhiều màu sắc duy nhất trong phòng lại đến từ hàng trăm bức ảnh chụp hiện trường vụ án được bày trên một chiếc bàn rộng thênh thang trước mặt hai người, ở đầu kia bốn chiếc túi nylon chứa đầy những bằng chứng liên quan. Cho đến thời điểm này đó là tất cả những gì họ có. Hai người đang chờ Dante mang đến những gì còn sót lại của vụ giết người đầu tiên.

‘Được rồi, Pontiero. Hãy bắt đầu với Robayra. Chúng ta biết những gì về ông ta?”

“Ông ta sống và làm việc tại Buenos Aires. Đến đây trên một chuyến bay của hãng hàng không Aerolineas Argentinas sáng chủ nhật, với một chiếc vé để trống tên mà ông ta mua trước đó vài tuần. Mãi đến một giờ chiều thứ bảy chiếc vé mới chính thức được đăng ký. Căn cứ vào sự khác biệt về múi giờ, tôi nhận thấy lúc đó chính là khi Đức Cha thánh qua đời.”

“Vé khứ hồi chứ?”

“Không, chỉ đi thôi! Lạ thật. . . hoặc là vị hồng y này không kịp lên kế hoạch trước, hoặc là ông ta đến hội nghị hồng y lần này với khá nhiều hy vọng. Maurizio, ông cũng biết tôi không phải là người ngoan đạo cho lắm. ông có biết gì về cơ hội trở thành Giáo hoàng của Robayra không?”

“ Không nhiều lắm. Cách đây một tuần tôi có đọc đôi chút về ông ta, tôi nhớ là trên tờ La Stampa. Họ đánh giá ông ta là người có nhiều thuận lợi, nhưng nói chung không được lòng các hồng y khác cho lắm. Nhưng dù sao thì cô cũng biết báo chí Italia rồi đấy, họ lấy lòng tất cả các hồng y. Tôi cũng đã đọc rất nhiều về Portini.”

Pontiero là người đàn ông của gia đình, hoàn toàn trung thực. Theo những gì Paola biết, ông ta là một người chồng và người cha tận tụy, chủ nhật tuần nào cũng đưa gia đình đi dự lễ mi-xa ở nhà thờ. Và tuần nào ông ta cũng mời Paola đi cùng với gia đình, làm cô phải tìm cớ thoái thác hết lần này đến lần khác. Có những lý do chính đáng, có những lý do vô thưởng vô phạt, nhưng quan trọng là cô không phải đến nơi cô không mấy hào hứng.

Pontiero biết rằng trong thâm tâm Paola, tôn giáo không có vai trò quan trọng cho lắm. Niềm tin tín ngưỡng đã ra đi cùng với cha cô, từ mười năm trước.

“Tôi thấy không an tâm, Maurizio. Điều quan trọng là phải biết lòng thù hận nào đã khiến kẻ giết người này bám theo các hồng y. Liệu có phải vì hắn căm thù những gì mà các hồng đại diện, hay hắn là một học sinh trường dòng phẫn chí, hay đơn giản chỉ vì hắn ghét những cái mũ chóp đỏ của họ.”

“Cái đó được gọi là cappellos cardenalicios ([15]).

“Cám ơn ông đã cho tôi biết thuật ngữ đó. Tôi cho rằng có điều gì đó chung giữa các nạn nhân, điều gì đó quan trọng hơn là những chiếc mũ. Chắc chắn công việc điều tra của chúng ta sẽ không tiến triển gì nếu chúng ta không tiếp xúc được với một nguồn tin chắc chắn, một ai đó với tiếng nói có trọng lượng. Trách nhiệm của Dante là khai thông bế tắc đó cho chúng ta, để chúng ta có thể tiếp cận một ai đó ở Curia ([16]), và khi đã nói đến cấp cao thì càng cao càng tốt.”

“Sẽ khó khăn đấy.”

“Điều đó chúng ta xem xét sau. Nhưng trước mắt, cứ tập trung vào những gì chúng ta đã có. Trước hết, Robayra đã bị giết ở đâu đó chứ không phải nhà thờ.”

“Tại đó hầu như không có vết máu nào. Chắc chắn ông ta đã bị giết ở nơi khác.”

“Hiển nhiên là thủ phạm đã phải giữ hồng y một thời gian tại một địa điểm cách biệt để không ai biết, nơi hắn có thể thực hiện những trò dã man kia trên xác nạn nhân. Chúng ta biết rằng bằng cách nào đó hắn đã tạo được lòng tin của nạn nhân, khiến cho nạn nhân tự nguyện đi vào nơi cách biệt đó. Từ đó, hắn đã chuyển xác nạn nhân tới nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, vì lý do nhất định.”

“Thế nhà thờ đó thì sao?”

“ Tôi đã nói chuyện với vị linh mục. Khi ông ta đi ngủ bao giờ nhà thờ cũng được khóa cẩn thận. Chắc ông còn nhớ là ông ta đã phải mở cửa nhà thờ khi cảnh sát đến. Nhưng còn một cửa nữa, rất hẹp, mở ra phố Corridori. Có lẽ thủ phạm đã vào qua lối đó.

“Đã cho kiểm tra chưa?”

“ Khóa vẫn còn nguyên vẹn, khá mới. Không thể phá được Nhưng ngay cả khi cửa không khóa, tôi vẫn không hiểu thủ phạm có thể vào trong bằng cách nào?”

“Bởi vì?”

“Cô có biết có bao nhiêu người đứng trước cửa chính quay ra phố Conciliazione không? Và ở con phố phía sau, thậm chí còn đông hơn nhiều, lạy Chúa.

Con phố đó cũng chật cứng người về dự đám tang. Họ đứng kín suốt con phố, làm tắc nghẽn giao thông. Đừng có cố thuyết phục tôi rằng thủ phạm đã bước vào qua cửa đó với một xác chết trên tay trước đông đảo bàn dân thiên hạ như thế.”

Paola ngẫm nghĩ trong giây lát. Có khi chính dòng người đông đảo đó lại là tấm màn ngụy trang hoàn hảo cho thủ phạm, nhưng ngay cả như thế, làm thế nào hắn có thể vào trong nhà thờ mà không cần phá cửa?

“Pontiero, trước mắt chúng ta cần ưu tiên xác định xem hắn đã vào trong bằng cách nào. Ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện với vị tu sĩ. Tên ông ta là gì nhỉ?”

“Francesco Tomas, một tu sĩ dòng Carmenlite.” Pontiero vừa gật gù vừa lần giở quyển sổ tay.

“Trang đó đấy. Mặt bên kia là những chi tiết khủng khiếp: thông điệp trên sàn nhà, những bàn tay xếp chồng trên mảnh vải... và những cái túi này. Tiếp tục đi.”

Pontiero bắt đầu đọc danh sách trong khi Thanh tra Dicanti dùng bút bi điền vào báo cáo. Đây là một trong những văn phòng tân tiến nhất thế giới, vậy mà họ vẫn phải dùng đến những di sản cũ rích của thế kỷ hai mươi là những biểu bảng kê khai này.

“Bằng chứng số một. Khăn choàng của thầy tu. Vải thêu, hình chữ nhật, các linh mục Công giáo thường mặc khi nghe các con chiên xưng tội, được tìm thấy trong miệng của nạn nhân, ướt sũng máu. Nhóm máu trùng với máu của nạn nhân. Kết quả phân tích ADN đang được tiến hành.”

Đó chính là cái vật màu nâu mà ban đầu họ không biết là cái gì trong ánh sáng lờ mờ của nhà thờ. Phải ít nhất hai ngày nữa mới có kết quả phân tích AND, mà đó là UACV có riêng một trong những phòng thí nghiệm hiện đại nhất thế giới. Còn nhớ là Dicanti đã bật cười khi xem chương trình CSI của Mỹ. Giá như lúc nào bằng chứng tội phạm cũng được xử lý nhanh chóng như trên truyền hình.

“Bằng chứng số hai. Vải trắng. Nguồn gốc: không rõ. Chất liệu: cotton. Lượng máu dính trên rất ít. Thủ phạm đã đặt hai bàn tay cắt rời của nạn nhân lên mảnh vải này. Nhóm máu cùng loại với máu của nạn nhân. Kết quả phân tích ADN vẫn đang được tiến hành.”

Dicanti đăm chiêu. “Có điểm này. Robayra được viết với chữ y hay là i nhỉ?”

“Với chữ y, chắc chắn đấy.”

“Tốt lắm, tiếp tục đi, Maurizio.”

Bằng chứng số ba. Một mẩu giấy nhàu nát, dài 2,5cm, rộng l,2cm. Được tìm thấy trong hốc mắt bên trái của nạn nhân. Loại giấy, thành phần, trọng lượng và tỷ lệ chlorine vẫn đang được phân tích. Trên mẩu giấy, được viết bằng bút bi, là dòng chữ MT 16.

“MT 16”, Dicanti nói. “Một địa chỉ nào đó chăng?”

“Mẩu giấy được tìm thấy trong tình trạng bị vo viên và thấm đẫm máu. Rõ ràng đây là một thông điệp của thủ phạm. Những con mắt bị khoét bỏ của nạn nhân cũng có thể là một hình thức trừng phạt có ý nghĩa nào đó...Cứ như thể hắn muốn chúng ta tìm kiếm vào đâu đó”.

“ Hoặc hắn muốn nói chúng ta bị mù.”

“Một kẻ giết người bao giờ cũng làm như thế để thỏa mãn thú tính của hắn. Đây là vụ đầu tiên mà chúng ta gặp ở Italia. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao Troy muốn cô phụ trách điều tra vụ này, Paola. Không hoàn toàn như một thám tử điều tra thông thường, mà phải là một ai đó có khả năng suy nghĩ giống như thủ phạm.”

Dicanti suy nghĩ về những điều Pontiero vừa nói. Nếu quả đúng như vậy thì mức độ rủi ro còn lớn gấp đôi. Một kẻ giết người dám thách thức cảnh sát thì thường là một kẻ cực kỳ thông minh, một kẻ cực kỳ khó bắt vì hiếm khi hắn phạm sai lầm. Sớm hay muộn chúng cũng sẽ mắc sai lầm nào đó, nhưng trong thời gian đó đã có thêm biết bao nhiêu nạn nhân nữa.

“OK, hãy suy nghĩ một chút nào. Chúng ta biết những con phố nào mà có chữ viết tắt là M T ?”

“Phố Muro Torto.”

“Không, không, con phố đó chạy qua công viên và làm gì có số nhà, Maurizio.”

“Nếu vậy thì Monte Tarpeo cũng bị loại. Nó là con phố chạy qua vườn Palazzo dei Conservatori.”

“Thế phố Monte Tetstaccio.”

“Ở Parco Testaccio...cũng có thể.”

“ Khoan đã.” Dicanti nhấc điện thoại và gọi đến một số trong sở cảnh sát. “Phòng lưu trữ phải không? Vâng, xin chào. Hãy kiểm tra hộ tôi xem ở phố Monte Testaccio có số nhà 16 không nhé. Nhớ mang lên đây cho tôi một bản đồ thành phố, mang lên phòng giao ban ấy. Cám ơn.”

Trong khi chờ đợi, Pontiero tiếp tục với danh sách các bằng chứng.

“Và cuối cùng: bằng chứng số bốn. Một mẩu giấy nhàu nát, dài 2,5cm, rộng l,2cm. Được tìm thấy trong hốc mắt bên phải của nạn nhân, cũng trong tình trạng như mẩu giấy tìm thấy trong hốc mắt trái. Loại giấy, thành phần, trọng lượng và tỷ lệ chlorine vẫn đang được phân tích. Trên mẩu giấy, được viết bằng bút bi, là dòng chữ undeviginti và một mũi tên.”

UNDEVIGINTI

“Undeviginti. Chó má. Thật là một trò mật mã khốn kiếp.” Dicanti căm giận thốt lên. “Chỉ hy vọng nó không phải là sự tiếp nối của thông điệp trên người nạn nhân đầu tiên, bởi vì nếu thế thì cũng đã bị thiêu thành tro rồi.”

“Tôi đoán chúng ta sẽ phải chấp nhận những gì đang có trong tay, ít nhất là trong lúc này.”

“ Lạ lùng thật, Pontiero. Tại sao ông không nói cho tôi biết undeviginti có nghĩa là gì? Hay là lại để tôi tự xoay sở đây?”

“Tiếng Latinh của cô đâu hết rồi, Dicanti. Nó có nghĩa là mười chín”

“Ừ nhỉ, khốn kiếp. Hồi trước tôi suốt ngày bị đuổi học. Thế còn mũi tên thì có ý nghĩa gì?”

Đúng lúc đó một người trợ lý từ phòng lưu trữ bước vào, mang theo một tấm bản đồ các đường phố của Rome.

“Đây ạ, thưa thanh tra. Tôi đã kiểm tra con phố mà bà yêu cầu: không có số 16 phố Monte Testaccio. Con phố đó chỉ có bốn dinh thự đứng tách biệt mà thôi.”

“Cám ơn, Silvio. Hãy giúp tôi một việc: hãy ở lại đây với tôi và Pontiero và chúng ta sẽ rà soát lại các đường phố ở Rome có tên viết tắt là MT. Đây cũng chỉ là trò hú họa thôi, nhưng tôi có linh cảm chúng ta đang đi đúng hướng.”

“Hy vọng cô là một nhà tâm lý tội phạm giỏi hơn là một nhà chiêm tinh, tiến sĩ Dicanti. Cô nên tìm trong Kinh thánh ấy.”

Cả ba cái đầu cùng quay ra nhìn cửa phòng giao ban nơi có tiếng nói vừa phát ra. Một vị linh mục trong trang phục thường ngày đang đứng bên ngưỡng cửa. Đó là một người to cao, vạm vỡ, và đáng chú ý là rất hói. Trông ông ta khoảng ngoài năm mươi tuổi, với những nét khỏe khoắn và rám nắng của một người dành nhiều thời gian ở ngoài trời mỗi sáng. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu Dicanti là trông ông ta giống một quân nhân hơn là một tu sĩ.

“Ông là ai và muốn gì? Đây là khu vực cấm mà. Xin ông hãy ra khỏi đây ngay lập tức,” Pontiero lên tiếng.

“Tôi là Cha Anthony Fowler. Tôi đến đây để giúp các vị.”

Tiếng Italia của ông ta hoàn toàn chính xác về mặt ngữ pháp nhưng nghe vẫn lơ lớ và hơi ê a.

“Đây là cơ quan cảnh sát mà cha đã tự tiện thâm nhập. Nếu như cha muốn giúp chúng tôi, xin hãy tìm nhà thờ nào đó và cầu nguyện hộ cho.”

Pontiero đang dợm bước về phía người lạ mặt, với ý định mời ông ta ra khỏi tòa nhà, dù ông ta có muốn hay không. Dicanti đã quay lưng lại tiếp tục xem xét những bức ảnh trên bàn thì Fowler lại lên tiếng:

“Đó là những dòng từ Kinh thánh, chính xác từ Kinh Tân ước.”

“Ông nói vậy nghĩa là gì?” Pontiero giật mình.

Dicanti vội vàng ngẩng đầu lên và nhìn Fowler.

“Ông có thể giải thích rõ được không?”

“MT 16. Kinh Phúc âm của Thánh Matthew, chương 16. Hắn ta có để lại thêm mẩu giấy nào không?”

Pontiero cáu kỉnh.

“Nghe này, Paola, cô đừng có dại mà mất công vô ích với...

“Chúng tôi đang nghe cha nói đây.”

Fowler bước hẳn vào phòng giao ban. Trên tay ông ta là một chiếc áo choàng được gấp gọn gàng, ông ta bước vào mắc chiếc áo lên lưng ghế.

“Như chúng ta đều biết, Kinh Tân ước Thiên Chúa giáo bao gồm bốn cuốn sách chính, mỗi cuốn liên quan đến một tông đồ truyền bá kinh Phúc âm: Matthew, Mark, Luke, và John. Trong hệ thống thư mục Thiên Chúa giáo, cuốn sách của Matthew được viết tắt là MT. Con số tiếp sau có nghĩa là số chương. Và hai con số tiếp theo sẽ ám chỉ một câu trích dẫn trong chương đó, giữa hai đoạn.

“Thủ phạm để lại cái này.” Paola rút ra bằng chứng số bốn, được bọc trong túi nylon, rồi để trước mặt vị linh mục. Ông ta chăm chú nhìn nó, nét mặt không hề biểu lộ vẻ gì là ông ta nhận ra mảnh giấy này, vết máu cũng không làm ông ta thấy choáng váng.

Ông ta chỉ lặng lẽ nhìn kỹ mẩu giấy rồi lên tiếng.

“Mười chín. Rất phù hợp.” Pontiero như sắp phát điên lên.

“Ông sẽ nói với chúng tôi những gì ông biết hay ông còn bắt chúng tôi còn phải chờ đến bao giờ đây, thưa cha?”

“Et tibi dabo claves regni coelorum,” Fowler đọc. “Et quodcumque ligaveris super terram, erit legatum et in coelis; et quodcumque solveris super terram, eri solutum et in coelis”. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa của Nước Trời: dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Phúc âm Matthew, chương 16, đoạn 19. Đó chính là những lời mà Chúa đã nói với Thánh Peter ([17]), khi cử ông làm người đứng đầu các Tông đồ, và trao cho ông cùng những người kế vị ông sau này trọng trách cai quản toàn bộ vương quốc của Chúa.”

“Lạy Đức mẹ đồng trinh,” Dicanti thốt lên.

“Căn cứ vào những gì sắp diễn ra trong thành phố này, thưa quý vị, tôi nghĩ là tình hình rất đáng lo ngại. Rất đáng lo ngại.”

“Mẹ kiếp, thằng ma cà bông dã man nào đó cắt cổ một thầy tu và ông thì ở đây dọa dẫm mọi người. Tôi chẳng thấy có gì đáng sợ cả,” Pontiero làu bàu.

“Không, bạn của tôi ơi. Kẻ giết người không phải là một tên vô gia cư tâm thần. Hắn là một kẻ độc ác, cẩn thận, cực kỳ thông minh, và cuồng tín khủng khiếp. Tin tôi đi.”

“Thật sao? Nghe như thể ông biết rất rõ về những động cơ của hung thủ vậy, thưa cha.” Pontiero giễu cợt vị khách.

“Tôi còn biết nhiều hơn thế, thưa ngài cảnh sát. Tôi biết hắn là ai.”

TRÍCH BÀI BÁO TRÊN TỜ

THE DAILY MARYLAND GAZETTE

Số ra ngày 29 tháng 7, năm 1999, trang 7

LINH MỤC NGƯỜI MỸ BỊ CÁO BUỘC

LẠM DỤNG TÌNH DỤC ĐÃ TỰ VẪN

ĐỒI SACHEM, MARYLAND - Một báo cáo của cảnh sát gửi cho hãng tin American Press hôm thứ sáu vừa qua đã cho biết, trong khi những bê bối tình dục vẫn đang tiếp tục gây chấn động Nhà thờ Công giáo Bắc Mỹ, một linh mục đến từ Connecticut bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em đã treo cổ tự tử trong phòng riêng của mình tại một tu viện dành cho những linh mục có vấn đề.

Linh mục Peter Selznick, 61 tuổi, đã từ bỏ cương vị linh mục giáo xứ tại nhà thờ Saint Andrews, ở Bridgeport, bang Connecticut, hôm 27 tháng 04 năm ngoái, chỉ một ngày sau khi những người có trách nhiệm của Nhà thờ Công giáo phỏng vấn hai người đàn ông đã buộc tội Selznick lạm dụng họ trong nhiều năm liền từ cuối những năm 70 cho đến đầu những năm 80, theo tuyên bố của một phát ngôn lên Giáo khu Bridgeport.

Vị linh mục này đang được điều trị ở Tu viện Saint Matthew tại Maryland, một trung tâm điều trị tâm thần, dành cho những chức sắc Công giáo bị cáo buộc lạm dụng tình dục hoặc những người bị cho là có “xu hướng tình dục lệch lạc.” Thông tin này được xác nhận trong một tuyên bố của tu viện này.

“Các nhân viên trong tu viện đã gõ cửa phòng ông ta nhiều lần và tìm cách vào trong, nhưng có gì đó chặn bên trong cánh cửa,” bà Diane Richardson, phát ngôn viên sở cảnh sát Prince George tuyên bố tại cuộc họp báo. “Khi vào trong phòng, các nhân viên y tế phát hiện một thi thể đang bị treo trên xà nhà.” Selznick đã tự treo cổ bằng một tấm vải trải giường, Richardson khẳng định, đồng thời bổ sung rằng thi thể nạn nhân đã được đưa đến nhà xác để mổ giám định pháp y. Đồng thời bà cũng phủ nhận những tin đồn rằng thi thể vị linh mục được phát hiện trong tình trạng trần truồng và bị cắt xẻo dã man. Bà ta khẳng định, những lời đồn đại đó là “hoàn toàn vô căn cứ”. Trong buổi họp báo, các phóng viên đã viện dẫn lời các nhân chứng rằng họ đã nhìn thấy những vết cắt xẻo ghê rợn trên người nạn nhân. Phát ngôn viên tuyên bố “một nam y tá làm việc cho đội cấp cứu y tế tủa Hạt đã say cần sa và các loại ma túy khác khi kể lại câu chuyện như vậy.” Nhân viên này đã bị đình chỉ công tác không lương cho đến khi vụ việc này được đưa ra xử lý. Bản báo đã liên hệ với người y tá đã phát tán tin đồn này, anh ta từ chối bình luận thêm, và chỉ nói ngắn gọn: “Tôi đã nhìn nhầm.” Giám mục của vùng Bridgeport, Cha William Lopes, đã tuyên bố ông “vô cùng đau lòng” trước cái chết “bi kịch” của Selznick, đồng thời nói thêm rằng vụ bê bối làm đau đầu Nhà thờ Công giáo Bắc Mỹ có liên quan đến “rất nhiều nạn nhân”. Cha Selznick sinh năm 1938 tại New York, và được thụ phong linh mục tại Bridgeport năm 1965. Ông đã phụng sự tại nhiều giáo xứ ở bang Connecticut và đã có thời gian ngắn làm linh mục tại giáo xứ San Juan Vianney, tỉnh Chiclayo, Peru.

“Mọi người, ai cũng vậy, đều có phẩm giá và giá trị nhất định trước Chúa, và mỗi con người đều cần có và đáng nhận được sự cảm thông, chia sẻ của chúng ta,” giám mục Lopes tuyên bố.

“Những điều đáng buồn xảy ra xung quanh cái chết của cha Selznick cũng không thể xóa sạch những điều tốt đẹp mà ông ấy đã làm được,” vị Giám mục kết luận.

Tu viện trưởng Tu viện Saint Matthew, Cha Canice Conroy, đã từ chối phát biểu trước báo giới. Cha Anthony Fowler, phụ trách Chương trình Những sáng kiến mới của tu viện, đã xin lỗi báo chí vì Tu viện trưởng đã không có tuyên bố chính thức trước dư luận, ông giải thích rằng đức cha Tu viện trưởng vẫn còn “bị sốc” trước bi kịch mới xảy ra.

Mời bạn đón đọc chương tiếp!

 

Nguồn: truyen8.mobi/t122116-diep-vien-cua-chua-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận