Biên Thành Chương 1


Chương 1
Bến sông ở đấy còn có rất nhiều thuyền, to hơn con đò rất nhiều, thú vị hơn nhiều, Thúy Thúy không dễ quên được những con thuyền đó.

Từ Tứ Xuyên tới Hồ Nam, về phía đông có một con đường cái quan. Con đường này dẫn tới một toà thành nhỏ trên ngọn núi nằm sát địa giới phía tây tỉnh Hồ Nam, tên gọi là Trà Đồng, thì gặp một con suối. Cạnh suối có cây tháp nhỏ màu trắng, dưới chân tháp chỉ có một ngôi nhà. Nhà này cũng chỉ có một ông già, một bé gái và một con chó vàng.

Con suối uốn quanh núi đồi chảy về xuôi chừng ba dặm thì đổ vào con sông lớn ở Trà Đồng. Nếu ai qua suối rồi leo qua một quả núi nhỏ thì chỉ cần đi một dặm đường là tới được Trà Đồng. Suối chảy như cánh cung, đường núi như dây cung, do đó mà chênh nhau về độ gần xa. Con suối rộng chừng hai mươi trượng(4), lòng suối được lát bằng những phiến đá lớn. Suối chảy êm đềm, có chỗ sâu chống sào không tới đáy nhưng nước vẫn trong suốt, có thể đếm được cá bơi lội dưới suối. Con suối là đường thuỷ qua lại địa giới giữa Tứ Xuyên và Hồ Nam, do hạn hẹp về kinh phí nên chưa thể bắc cầu, chỉ bố trí một đò ngang đầu vuông qua suối, mỗi lần chở chừng hai mươi cả người lẫn ngựa, lúc nào người đông thì chở nhiều chuyến. Mũi đò dựng một cọc tre nhỏ, đầu cọc treo một vòng sắt linh hoạt, một sợi chão căng cách mặt suối nối hai đầu bờ. Khi có khách qua suối thì móc vòng sắt vào chão, người trên thuyền nắm sợi chão chăng ngang mà kéo, đò liền từ từ chuyển sang bờ bên kia. Đò sắp cập bến, ông quản đò vừa kêu to: “Thong thả, thong thả đã!”, vừa nhảy vọt lên bờ kéo vòng sắt, thế là người, hàng hoá, trâu, ngựa đều lên bờ, leo qua núi là mất hút. Bến đò này là của công, vì thế khách qua đò không phải trả tiền. Có người thấy áy náy, vốc một nắm tiền đồng bỏ xuống sàn đò thì người quản đò ắt nhặt từng đồng nhét trả vào tay khách, thái độ cứ như cãi nhau thật sự:

- Tôi có gạo ăn hàng ngày, ba đấu gạo với bảy trăm tiền là đủ rồi. Ai còn cần mấy đồng tiền này?

Nhưng không được, bất kể thế nào vẫn có khách đòi trả tiền. Người quản đò muốn cho yên lòng, cầm số tiền đó nhờ người tới Trà Đồng mua chè thuốc, loại thuốc lá ngon nhất sản xuất ở Trà Đồng, đeo sẵn bên thắt lưng. Khách đi đò nào muốn hút thuốc, ông đều hào phóng cho họ. Liệu chừng khách đi đường xa nào để ý nhiều đến thuốc lá đeo bên mình, ông quản đò bèn nhét một nắm thuốc lá vào túi đeo của khách, bảo:

- Không hút thuốc này à? Thuốc ngon đấy, hảo hạng đấy, tặng người khác cũng thích hợp!

Còn chè thì ngày tháng Sáu, quản đò bỏ vào vò lớn, pha sẵn nước sôi cho khách qua đò uống.

Quản đò chính là ông già ở dưới chân tháp. Bảy mươi tuổi thì từ năm hai mươi đã trông coi bến đò này. Năm chục năm qua, không biết ông đã đưa bao nhiêu khách qua suối. Tuổi tuy già đến vậy, lẽ ra ông nên nghỉ ngơi, nhưng trời chưa cho ông nghỉ và dường như ông cũng không thể rời bỏ nhịp sống đó. Ông chưa bao giờ nghĩ chức vụ ấy có ý nghĩa như thế nào đối với mình mà chỉ lặng lẽ và trung thực sống tiếp những ngày ở bến đò.

Thay thế cho trời, khiến ông cảm thấy sức sống mạnh mẽ mỗi khi mặt trời lên và không đến nỗi nghĩ mình sẽ cùng chết với mặt trời khi mặt trời lặn, là cô bé ở cùng ông. Bạn bè duy nhất của ông là con đò và con chó vàng, còn người thân duy nhất của ông là cô bé.

Mẹ cô bé, cũng là con gái duy nhất của ông quản đò già, mười lăm năm trước đã giấu người cha trung hậu, lén lút có quan hệ với một người lính ở Trà Đồng. Sau khi có con với nhau, người lính đồn thú ấy hẹn với mẹ cô bé cùng bỏ trốn về miền hạ du. Nhưng xét về mặt hành vi bỏ trốn, thì một người trốn tránh trách nhiệm quân nhân, một người phải rời bỏ người cha cô đơn. Sau khi suy tính một hồi, anh lính thấy cô gái đó không có gan bỏ trốn cùng mình, còn bản thân anh ta cũng không muốn huỷ hoại danh dự một quân nhân, bèn nghĩ: “Cùng sống thì không có cách gì đoàn tụ với nhau, còn cùng chết thì đương nhiên chẳng có ai ngăn cản,” thế là tự mình uống thuốc độc trước. Người cha làm quản đò biết chuyện, nhưng ông không nói nặng một lời nào, chỉ làm như chẳng hay biết gì hết, vẫn bình thản sống. Cô con gái ông vừa xấu hổ vừa thương xót, vẫn sống để trông nom cha. Đến khi sinh con xong, cô ra bờ suối uống thật nhiều nước lạnh rồi chết. Như một kỳ tích, đứa bé côi cút lớn lên thành người, chớp mắt đã mười ba tuổi. Vì ở giữa hai quả núi có rất nhiều tre, màu xanh biếc tràn ngập trước mắt, ông quản đò bèn tiện tay nhặt một cái tên gần gũi bên mình để đặt tên cho đứa cháu côi cút đáng thương, đó là “Thúy Thúy”.

Thúy Thúy lớn lên trong gió nên da dẻ hơi ngăm đen; trước mắt đều là non xanh nước biếc nên mắt sáng như thủy tinh. Thiên nhiên vừa nuôi dưỡng, vừa dạy dỗ em nên em thơ ngây, hiếu động chẳng khác nào một con thú nhỏ. Em lại ngoan ngoãn như con nai vàng trên đầu núi, không bao giờ nghĩ đến điều tàn nhẫn, không bao giờ buồn bã hoặc tức giận. Ngày thường ở bến đò, gặp người lạ chú ý đến mình, em chỉ đưa mắt trong sáng nhìn người ấy, có vẻ như muốn co chân chạy trốn vào núi bất cứ lúc nào. Nhưng sau khi hiểu người đó không có lòng dạ xấu, cô bé lại thong dong chơi đùa bên bến nước.

Bất kể mưa hay nắng, ông quản đò đều có mặt ở bến đò. Khi có khách gọi đò, ông khom lưng nắm chắc dây chão, đưa đò sang ngang. Lúc nào mệt, ngủ thiếp đi trên phiến đá lớn ở trên bờ mà có khách vẫy tay gọi đò ở bờ bên kia thì Thúy Thúy không gọi ông dậy, em nhảy xuống đò, nhanh nhẹn đón khách sang suối thay ông, mọi động tác đều thành thạo, không để lỡ việc bao giờ. Có lúc em cùng ở trên đò với ông và con chó vàng, giúp ông kéo đò sang ngang. Lúc đò sắp cập bến, trong lúc ông còn đang nhắc khách: “Thong thả, thong thả đã!” thì em đã nhảy trước lên bờ, cắn chặt dây chão kéo đò vào bờ, rõ ràng đã hiểu phải làm như thế nào để hoàn thành chức trách.

Ngày nào trời trong gió lặng mà không có khách qua đò, hai ông cháu ngồi phơi nắng trên hòn đá lớn ở trước cửa, hoặc từ trên cao ném một khúc gỗ xuống suối, suỵt cho con chó vàng ở bên cạnh nhảy từ mỏm đá cao xuống suối, ngoạm khúc gỗ mang trở lại. Có lúc Thúy Thúy và con chó vàng đều giỏng tai lên nghe ông kể chuyện chiến tranh nhiều năm trước ở trên thành; có lúc ông và cháu, mỗi người cầm chiếc sáo dọc làm bằng tre đưa lên môi thổi khúc nhạc đón dâu, đưa con gái về nhà chồng. Có khách sang đò, ông già đặt sáo xuống, một mình đi tới bến đò đưa khách sang ngang. Còn cô cháu gái đứng trên mỏm đá thấy đò đã chuyển mình thì lanh lảnh gọi to:

- Ông ơi ông, ông nghe cháu thổi rồi hát theo nhé!

Đò đến giữa suối, ông già vui vẻ cất tiếng hát. Giọng khàn khàn cùng với tiếng sáo âm vang trong không khí tĩnh mịch, dòng suối dường như cũng nhộn nhịp hơn một chút (thực ra tiếng hát trở đi trở lại chỉ làm mọi cảnh ở đây càng tĩnh lặng hơn).

Có lúc khách qua đò là trâu, nghé, là đàn dê, là kiệu hoa của cô dâu từ miền đông Tứ Xuyên qua Trà Đồng, Thúy Thúy thế nào cũng tranh đưa đò. Em đứng ở mũi đò, kéo chão với vẻ lười nhác để cho con đò từ từ qua suối. Trâu, dê và kiệu hoa lên bờ rồi, Thúy Thúy thế nào cũng đi theo. Em đứng lại trên đỉnh núi nhỏ, đưa mắt dõi theo đám khách đã đi xa rồi mới trở lại đò, kéo đò về bờ gần nhà. Em tự bắt chước tiếng dê kêu, tiếng trâu mẹ kêu khe khẽ, hoặc hái một bó hoa dại buộc lên đầu làm cô dâu.

Thành Trà Đồng chỉ cách bến đò một dặm đường, khi cần mua dầu mua muối, khi ngày tết ngày lễ ông già muốn uống một cốc rượu thì ông cụ không lên thành, con chó vàng sẽ cùng đi với Thúy Thúy vào thành để mua sắm các thứ. Khi tới hiệu tạp hoá mua hàng, em thấy ở đó có hàng bó mì gạo, hàng chum đường trắng, có pháo, có nến đỏ, thứ gì cũng để lại ấn tượng rất sâu cho Thúy Thúy. Trở về bên ông, em bao giờ cũng kể mãi những chuyện đó cho ông nghe. Bến sông ở đấy còn có rất nhiều thuyền, to hơn con đò rất nhiều, thú vị hơn nhiều, Thúy Thúy không dễ quên được những con thuyền đó.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26187


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận