Biên Thành Lời vào đề


Lời vào đề
Tác phẩm này hoặc giả chỉ có thể cho họ một chút u tình hoài cổ, hoặc giả chỉ cho họ một nụ cười buồn hay cho họ một cơn ác mộng, nhưng đồng thời cũng không biết chừng còn cho họ dũng khí và niềm tin.

Tôi có tình yêu nồng nàn không sao nói hết đối với nông dân và binh sĩ. Tình cảm này có thể thấy trong tất cả tác phẩm của tôi, tôi cũng không bao giờ che giấu tình cảm này.

Tôi sinh trưởng tại thành trấn nhỏ như loại tôi đã viết trong tác phẩm. Ông nội tôi, cha tôi và cả anh em tôi, tất cả đều ở trong quân ngũ, người đã chết không ai không chết trong phận sự của mình, người còn sống thì tất nhiên sẽ kết thúc cuộc đời mình trong chức vụ. Xuất phát từ phương diện thế giới mà tôi được tiếp xúc để thuật lại niềm yêu ghét, nỗi vui buồn của họ, thì dù ngòi bút của tôi có vụng về đến mức nào cũng không đến nỗi cách đề quá xa. Bởi vì họ là những người chính trực, thành thực, họ rất vĩ đại trong cuộc sống về một số mặt, một số mặt khác lại hết sức bình thường; tính nết họ có một số mặt rất đẹp và một số mặt khác lại rất vụn vặt. Khi tôi bắt tay viết về họ, vì để khiến cho họ càng có nhân tính, càng gần với nhân tình, tất nhiên là tôi viết rất thật thà. Song như thế thì những tác phẩm ấy có thể sẽ không tránh khỏi trở thành một việc làm vô ích, bởi vì chúng dường như cách rất xa người có học, sinh trưởng và được giáo dục ở thành phố. Tôi biết cái họ cần là một loại tác phẩm khác.

Theo thói quen hiện nay, nhà lý luận, nhà phê bình văn học và đại đa số độc giả thường dễ nảy sinh tình cảm không vui đối với loại tác phẩm này. Số trước tỏ ra “không lạc đàn”, lên tiếng nói cho mọi người biết Trung Quốc không cần loại tác phẩm này; số sau, “quá quan tâm tới lạc đàn”, hiện nay cũng không muốn đọc loại tác phẩm này. Đó tất nhiên là truyện có thật. “Lạc đàn” là thế nào? Một người có chút lý tính, có lẽ mãi mãi không bao giờ hiểu nổi, nhưng số đông thì ai chẳng sợ “lạc đàn”? Tôi có câu này muốn nói: “Quyển truyện này tôi viết không phải cho người thuộc số đông. Đại phàm những ai đã đọc dăm ba quyển sách đóng theo lối Tây(3) về lý luận văn học và phê bình văn học thì kinh nghiệm sống của họ thường không cho phép họ, ngoài phạm vi “bác học” ra, lại còn biết thêm một chút về một nơi nào khác, hoặc một việc nào khác của Trung Quốc. Vì vậy tác phẩm này nếu phù hợp với một loại lý luận văn học nào đó hiện nay thì nhà phê bình mới thêm cho nó đủ mọi lời khen ngợi, nhưng lối phê bình ấy thực ra vẫn không tránh khỏi trở thành lời sỉ nhục tác giả. Họ đã không muốn hiểu niềm yêu ghét và nỗi vui buồn thực sự của dân tộc này thì cũng không có cách nào làm rõ chỗ được, mất của tác phẩm ấy. Vì thế quyển truyện này không viết cho họ.

Còn những người yêu văn nghệ, hoặc là sinh viên, hoặc là học sinh trung học, phân bố ở những thành phố dân số tương đối đông ở trong nước thì thường rất thành thực và ngây thơ, dùng một phần thời gian rất quý báu của họ để đọc sách văn học mới xuất bản gần đây ở trong nước. Họ bị một số nhà lý luận, nhà phê bình, nhà xuất bản thông minh và những nhà đưa tin văn đàn quen thói nói dối, tung dư luận cùng chung sức tạo thành thói quen, khống chế và chi phối, bởi vậy cuộc sống của họ đồng thời cũng thực sự cách xa thế giới mà tác phẩm nói đến, cho nên họ cũng không cần loại tác phẩm này và cuốn truyện này cũng không hy vọng có được họ. Nhà lý luận có lý luận văn học trong sách xuất bản ở các nước nên không lo không có gì để nói. Nhà phê bình có tác giả và tác phẩm mà họ nợ chút ân oán nhỏ, đủ cho họ làm mất danh dự người khác cả một đời. Còn đại đa số bạn đọc, bất kể hứng thú và tín ngưỡng ra sao, đều có tác phẩm để mà đọc. Chính vì quan tâm đến bạn đọc đại chúng mà chẳng phải có rất nhiều người nghe nói vì bạn đọc đại chúng nên cứ mãi mãi xoay tít như con thò lò đó sao? Việc xuất bản quyển truyện này cho dù không bị nhà lý luận và nhà phê bình lãnh đạo số đông vứt bỏ, bạn đọc đa số bị lãnh đạo cũng không hoàn toàn bỏ rơi nó, thì tác giả cuốn truyện này từ lâu đã có ý bỏ rơi cái “số đông” đó rồi.

Cuốn truyện này của tôi vốn chỉ định dành cho những người đọc bản thân đã có qua trường lớp, hay chưa hề được đi học, nhưng vẫn biết đôi chút chữ nghĩa Trung Quốc, tự đặt mình vào việc lý luận văn học, phê bình văn học, rồi ở trên cái cương vị mà mình chưa đạt tới được đó để nói dối, tung dư luận sai lạc, hiện đang sống trong xã hội này và rất quan tâm tới mọi điều tốt xấu của toàn thể dân tộc cả trong không gian lẫn trong thời gian.

Tôi không chỉ dừng ở đấy mà còn dự bị cho họ một cơ hội để đối chiếu, nên trong một tác phẩm khác, tôi còn nhắc tới cuộc nội chiến hai mươi năm nay mà một số người nông dân đã phải đương đầu. Tính cách và linh hồn họ, chịu một sức ép lớn, sau khi đã mất đi những bản tính như chất phác, cần kiệm, ôn hoà, chính trực vốn có thì đã trở thành một thứ mới. Bị những cuộc chinh phạt, vơ vét tàn bạo và thuốc phiện đầu độc, những người nông dân đã trở nên cùng khốn và lười nhác! Tôi sẽ trình bày rất chất phác về quá trình tiến lên theo một vận mệnh bất khả tri do lịch sử đưa đẩy của dân tộc này, và về những ưu tư của một số con người nhỏ bé trong cuộc biến động ấy, về các quan niệm, các ước vọng “sống tiếp” và “sống tiếp ra sao” nảy sinh trong cuộc sống thiếu thốn đó của họ.

Bạn đọc của tôi nên có chút lý tính, mà lý tính chút xíu đó bắt nguồn từ sự quan tâm tới biến động xã hội hiện nay của Trung Quốc, nhận thức được chỗ vĩ đại trước đây và chỗ suy vi hiện nay của dân tộc. Họ là những ai đang làm việc lớn nhằm phục hưng dân tộc - một công việc rất hiu quạnh. Tác phẩm này hoặc giả chỉ có thể cho họ một chút u tình hoài cổ, hoặc giả chỉ cho họ một nụ cười buồn hay cho họ một cơn ác mộng, nhưng đồng thời cũng không biết chừng còn cho họ dũng khí và niềm tin.

thẩm tùng văn

Đăng trên Phụ trương văn nghệ của


Đại công báo ra ngày 25-4-1934 ở Thiên Tân.

 

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26186


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận