Các Người Khắc Biết Tay Tôi Chương 34


Chương 34
Lại làm bảo mẫu?

Xúi quẩy chao ơi là xúi quẩy. Piotrus cháu tôi bị trẹo chân khi trượt tuyết ở công viên Hạnh Phúc. Nó đến đó tập trước khi đi nghỉ đông. Sẽ phải bó bột mất ba tuần. Agnieszka phát hoảng, chuyến đi Áo nghỉ đông đã thanh toán cả phần của nó rồi.

“Piotrus là một thằng bé ngoan.” Agnieszka nói. “Chị biết không, nó không muốn làm hỏng chuyến đi nghỉ của chúng em đâu.”

“Con có thể ở với bác mà!” Nó nói vậy với Agnieszka.

Với bác, tức là với tôi. Agnieszka hỏi tôi khá tế nhị, rằng gửi cháu cho chị độ một tuần có được không, rằng em không muốn làm phiền chị, nhưng vì thằng bé không thể đi lại được.

Vậy tôi phải trả lời như thế nào đây?

Tôi cho Piotrus ngồi xem ti vi trong phòng khách, nó không thể lên xuống cầu thang mà, nhưng bó bột thế này nó vẫn có thể đi lại trong phòng.

Có vài điều khiến tôi nghi hoặc thằng bé. Thứ nhất: tại sao một thằng bé thích được sang Áo đi trượt tuyết lại vui đến vậy khi ngồi ninh điện thoại, lúc thì với Arek, lúc thì với Agata. Cả ngày nó ngồi ở nhà một mình mà không hề than vãn.

Ula phát hiện thấy có một đứa con gái đi ra khỏi nhà tôi.

Dù chân đi khập khiễng nhưng thằng bé liên tục sắp xếp, dọn dẹp cái gì đó. Hôm qua tôi không tài nào tìm thấy xấp giấy trắng vốn đặt dưới nền nhà chỗ cạnh máy tính. Máy hút bụi đã được sử dụng.

Vài ngày trôi qua khá yên tĩnh. Tôi đã bắt đầu quen với việc chăm sóc một cậu con trai ở nhà. Dù sao cũng không khác con gái là mấy, con trai chỉ ăn nhiều hơn chút xíu mà thôi. Bất thình lình tôi được cấp trên giao nhiệm vụ viết một bài dài đăng trên trang chuyên đề về ông bộ trưởng vừa mất chức hôm qua, hai ngày trước khi in số mới. Ngay cả các vị bộ trưởng cũng chống lại tôi! Tôi đã ngờ rằng sẽ nảy sinh nhiều phiền toái nhân vụ này, cho dù tôi không thân quen một vị bộ trưởng nào cả. Trong tòa soạn cứ như có kẻ nào đó đã chọc vào tổ kiến lửa. Không phải do thảm họa ông bộ trưởng, mà tại bài báo xấu số bây giờ đã không còn giá trị. Hơn một nửa bài báo đó ca ngợi quý phu nhân đầy hấp dẫn của ngài bộ trưởng kia.

Sáng sớm tôi chở Piotrus đến nhà Arek. Tôi hứa sẽ đến đón cháu về trước ba giờ chiều.

Tuy nhiên, sau đó tôi được biết mình sẽ không có cách nào đi đón thằng bé đúng giờ, vì ông tổng triệu tập cuộc họp khẩn vào lúc bốn giờ chiều. Tosia có thể đi đón Piotrus thay tôi, nhưng nó không có ở nhà. Tôi đành gọi điện cho Arek.

“Bác ơi, chúng cháu sẽ về bằng xe lửa nội đô. Cháu sẽ đi bộ ra ga, không xa đâu mà. Cháu đi bộ một chút chẳng sao đâu, bác nhé!”

Và đây chính là bước khởi đầu cho những nỗi khổ của tôi. Rõ ràng, việc đặt quá nhiều niềm tin vào một cậu con trai luôn là sai lầm.

Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau, Piotrus sẽ ra ga xe lửa lúc một giờ hai mươi hoặc một giờ bốn mươi, vì đằng nào hai giờ chiều Arek cũng phải đi chữa răng. Nghĩa là chậm nhất khoảng hai rưỡi thằng bé phải có mặt ở nhà và gọi điện ngay cho tôi. Lúc ba giờ chiều tôi sốt ruột muốn phát điên, gọi điện về nhà không có ai nhấc máy. Tôi gọi điện đến nhà Arek, không ai cầm máy.

Tôi gọi cho Renka, nhờ cô bạn đến cổng nhà tôi kiểm tra giùm xem có Piotrus ở nhà hay không. Lạy Chúa! Renka thốt lên và hứa sẽ gọi điện cho tôi. Tôi gọi đến phòng thông tin của ga xe lửa để hỏi liệu nhà ga có bị cắt điện không, hay có chuyến tàu nào bị hủy không. Đáng tiếc, tất cả các chuyến tàu đều chạy đúng giờ và đúng lịch trình.

Kama hỏi tôi đã gọi điện cho phòng thông tin tai nạn chưa, tôi liền mắng cô ta như tát nước. Tôi gọi điện cho bố mẹ Arek, hỏi rất tế nhị rằng, con trai của họ có nhà không.

“Cháu nó đang đi cùng với bà chị ạ!” Họ trả lời. “Thằng bé đi chữa răng.”

Lát sau tôi lại gọi lần nữa về nhà Arek. Lần này bà thằng bé nghe máy, bảo rằng Arek không có nhà, nó đi với thằng bạn chân bó bột rồi. Nghe đâu nó tiễn bạn ra ga xe lửa, cách đây những hai giờ đồng hồ. Nhưng bà bảo là bà không lo, vì thằng cháu của bà luôn về muộn. Bà cụ còn nói thế này, bố mẹ nó đi mà lo việc dạy dỗ con cái và đưa thằng bé đến nha sĩ, vì bà già rồi. Tôi đồng ý với bà, nhưng giọng bà làm tôi run.

Sau đó Renka gọi điện, bảo tôi là con ngốc, trời lạnh như thế mà dám thả hai con mèo ra sân, chúng đang ngồi trên bệ cửa nhà bếp. Cô bạn còn mắng tôi không có tình thương, không yêu động vật thì đừng có nuôi chúng. Sau chót cô bạn mới cho biết, nhà tôi chẳng có ai đâu. Tôi như kẻ chết rồi.

Bốn giờ ba mươi phút, không khí tại phòng họp căng thẳng. Đến lượt tôi phát biểu về khả năng mở rộng chuyên mục trả lời thư bạn đọc và đưa ra bình luận của các nhà xã hội học về những vấn đề liên quan đến việc mất phương hướng trong xã hội, và những trợ giúp mà tạp chí chúng tôi có thể thực hiện nhằm cải thiện tình trạng đó, bỗng cô thư ký của ông tổng bước vào phòng họp và báo rằng đồn cảnh sát Pruszkow đang gọi điện cho tôi.

Toàn bộ ban biên tập nhìn tôi, cứ như cả đời tôi hoạt động cho mafia vậy. Hai chân tôi khuỵu xuống, mặt tái mét, tôi chồm dậy như người phải bỏng và bỏ chạy ra ngoài, không thèm để ý đến ông tổng và cả ông Kochasz.

Một phần tư phút tôi chạy ra chỗ máy điện thoại làm tôi già thêm hai mươi, thậm chí ba mươi năm. Tôi nghe giọng của thằng cháu tôi trong ống nghe.

“Bác ơi, bác đến đây đón cháu...”

“Cháu tôi bị bắt!” Tôi đâm sầm vào phòng họp chỉ để nói có vậy. “Tôi phải đi ngay đây!”

Ông tổng đứng ngây người như trời trồng, còn tôi lao ra đường trong trời chiều ảm đạm, mà thực ra trời khi ấy đã tối. Sau một giờ tôi có mặt tại đồn cảnh sát Pruszkow. Biểu hiện trên mặt thằng cháu tôi thực sự rất khó nhận biết, nhưng rõ ràng nó mừng khi thấy tôi đến. Cùng ngồi với nó trong căn phòng khá ấm cúng là Arek, bên cạnh là hai cô bé học cùng lớp với Piotrus. Tất cả ngẩng đầu lên khi nhìn thấy tôi.

“Các cháu đi tàu trốn vé nên bị phạt. Đây có phải con chị không?”

“Không phải!” Tôi từ chối. “Không có đứa nào là con tôi cả. Kể cả thằng cu này.” Tôi chỉ tay vào thằng cháu đang ngồi co ro. “Tôi là bác nó.”

“Trẻ em vị thành niên bị tạm giữ mà không có giấy tờ tùy thân. Trường hợp này phụ huynh phải đến trình báo và nhận con.”

“Bố mẹ cháu nó đang đi nghỉ ở bên Áo.” Tôi nói giọng nhún nhường. “Tôi là người trông nom cháu.”

“Vậy tên mẹ nó là gì? Vì thằng bé thậm chí không thể nhớ nổi tên mẹ nó.”

“Agnieszka.” Tôi nói ngay. Nhưng sau đó tôi sực nhớ, Agnieszka chỉ là tên thân mật, tên chính của em họ tôi là Jadwiga cơ, nhưng không bao giờ nó sử dụng cái tên đó. “Hoặc Jadwiga.” Tôi tiếp lời.

Tôi nhắc lại tôi là bác, nhưng họ không chịu tin tôi.

“Thưa chị!” Người mặc sắc phục cảnh sát chăm chú nhìn tôi, lấy tay làm hiệu yêu cầu tôi sang phòng bên. “Đề nghị chị đi theo tôi!”

Tôi mỉm cười để động viên thằng cháu và bước theo sau viên cảnh sát. Chúng tôi ngồi đối diện với nhau.

“Bọn trẻ đi tàu không vé. Chị nói mình là bác, trong khi chị không biết tên thật của em gái mình?”

“Tôi là chị họ!” Tôi đính chính.

“Chị cho chúng tôi xem chứng minh thư được không?”

Tôi bới trong túi và đưa ra chứng minh thư. Viên cảnh sát chăm chú xem rồi trả lại cho tôi. Anh ta lau trán, rõ ràng anh ta đã tin, rồi nói:

“Người soát vé tàu dẫn cả bốn đứa trẻ tới đây. Chúng đi tàu mà không mua vé. Thẻ học sinh chúng cũng không có. Cháu của chị không thể nhớ nổi tên mẹ nó là gì. Thằng bạn nó thì không nhớ nổi địa chỉ nhà nó ở đâu. Một trong hai đứa con gái nói rằng không nhớ họ của nó là gì. Đứa kia thì nói không biết ai là bố nó. Đúng là trò đùa. Cháu trai của chị khai nơi sinh là Trypolis, Libi. Bạn của nó khai nơi sinh là Zliten. Tôi phải tạm giữ cả bốn đứa vì thái độ của chúng. Thưa chị, làm việc ở đây chúng tôi vất vả vô cùng.”

“Nhưng mà, thưa anh, đúng là cháu nó sinh ở Libi. Chồng của em họ tôi từng sang đó lao động mà. Chỉ có điều, sau khi sinh con, Agnieszka về nước ngay. Đó không phải đất nước dành cho phụ nữ. Cả Arek cũng sinh ở Libi, nhưng là tại một bệnh viện ở Zliten. Hai gia đình quen nhau tại Libi. Nhưng bố của Arek sang đó làm việc theo hợp đồng tư nhân, còn bố của Piotrus làm việc trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc. Agnieszka không thích tên thật của mình cho nên chỉ sử dụng tên thân mật. Thế nên thằng bé tội nghiệp mới không biết khai như thế nào. Nhưng hai thằng nhóc này đều có quốc tịch Ba Lan. Chắc chắn là như vậy.” Tôi nói thêm cho chắc ăn, đến đây tôi cảm thấy rất hài lòng vì mình đã làm sáng tỏ mọi chuyện.

Tựa lưng vào ghế, tôi liếc nhìn chiếc máy chữ. Thật là thú vị khi được đến đồn cảnh sát, nơi vẫn còn dùng những chiếc máy chữ thời xưa, chứ không phải những chiếc máy tính lạnh như tiền.

“Thế sao thằng bạn nó lại không biết nhà mình ở đâu?” Viên cảnh sát nhìn tôi với vẻ nghi ngờ. “Thưa chị, ở đây chúng tôi không quen nghe những chuyện khôi hài.”

“Tôi biết!” Nhờ trời, qua Agnieszka tôi biết chút ít về gia đình Arek. “Họ mới chuyển từ chỗ bố mẹ họ ở Warszawa về đây không lâu. Cho nên thằng bé mới không biết nó đã nhập hộ tịch ở nhà mới chưa hay vẫn còn ở Warszawa.”

“Thế còn hai bé gái?”

“Hai bé gái thì tôi không biết.” Tôi nói. “Nhưng vẫn có trường hợp con trẻ không biết ai là bố mình kia mà. Hay là để tôi nói chuyện với chúng xem sao?”

“Được, chị thử ra nói chuyện với chúng xem!” Viên cảnh sát nói, nhìn tôi như nhìn một mụ điên. Tôi chẳng lấy làm lạ, tôi hiểu ngay lập tức, trên đời vẫn có những chuyện anh ta không thể tưởng tượng nổi.

Chúng tôi trở lại căn phòng nơi bốn đứa bé đang ngoan ngoãn ngồi chờ. Nhưng tôi không còn cần thiết nữa. Tại đó hai người đàn bà đang ôm chặt hai đứa con gái.

“Các người không có lương tâm!” Một chị nói giọng gay gắt. “Con bé đã giải thích tất cả rồi còn gì!”

“Chúng tôi cần có tên người cha để ghi vào biên bản!” Viên cảnh sát đáp lại.

“Nhưng thưa anh, quá trình làm thủ tục nhận con nuôi vẫn chưa xong. Người chồng cũ đã bị tước quyền làm bố, chồng tôi đang nhận nó về làm con gái. Vậy tôi phải khai họ tên ai đây?”

Viên cảnh sát dang hai tay tỏ ý bất lực.

“Cháu nào chị bảo là con gái chị? Tại sao cháu nó lại nói với chúng tôi là nó không biết tên chị là gì?”

“Gruszenka!” Người đàn bà áp chặt đứa con gái vào ngực mình. “Con không nhớ hay sao? Bây giờ mẹ mang họ của bác Adrian. Mẹ đã bảo con vậy rồi còn gì. Còn con vẫn mang họ của bố. Sau khi cưới, mẹ đã từ bỏ họ cũ, mẹ không thể dùng lại họ của bố được nữa. Mẹ đã nói với con như vậy mà.”

Viên cảnh sát nhìn chúng tôi, ra vẻ ớn đến tận cổ. Tôi ghen tị với anh ta. Về tính phục tùng, tính kỷ luật. Tôi tống Piotrus vào chiếc xe ô tô vừa mới chữa xong và chậm rãi đi về nhà. Thằng bé im thin thít.

“Bác ơi, cháu xin lỗi... cháu không muốn vậy đâu!”

“Tại sao cháu lại không mua vé? Bác cho cháu tiền rồi cơ mà?” Tôi mắng thằng bé mà cảm giác như chính mình có lỗi. Vì nó đến ở với tôi là để tôi trông nom nó. Nhưng rắc rối nó gây ra lần này chẳng khác gì giáng trả lại niềm tin của tôi.

“Lúc đó tàu đã vào ga nên cháu không kịp mua vé. Nhưng khi định mua vé của ông lái tàu thì đã quá muộn, người soát vé tóm được bọn cháu. Arek không có thẻ học sinh, cả Agata, cả Zosia cũng vậy, rồi cháu cũng bảo là cháu không có. Nhưng cháu không ngờ ông ta lại đưa bọn cháu đến đồn cảnh sát. Lúc đó thì đã quá muộn mất rồi.”

Tôi lặng im vì mệt nhoài. Đã bảy giờ tối, công chuyện ở tòa soạn thì đổ bể. Tôi cảm thấy khó ở trong người. Giờ tôi chỉ muốn nằm vật ra giường ngay lập tức, hoặc làm một ly rượu mạnh, hoặc uống thuốc an thần rồi đi ngủ, tốt hơn cả có lẽ là làm tất cả mọi thứ đó cùng một lúc.

“Bác ơi, bác đừng giận cháu nữa, được không?”

Tôi lặng im. Xe về đến trước cổng, Piotrus đi cà nhắc ra mở cổng. Tôi thả hai con mèo vào trong nhà, chúng tỏ ra giận tôi. Tôi không cởi áo khoác, cứ thế ngồi trong nhà bếp. Con Borys tiến lại gần, đụng cái mõm trăng trắng vào tay tôi.

“Bác ơi, bác sẽ không nói cho bố mẹ cháu biết chứ?”

Thằng bé đứng ở ngưỡng cửa như một phạm nhân, còn tôi lúc này trông như một con bê đuối sức.

“Bác sẽ không nói!” Tôi trả lời, cùng lúc mường tượng trong đầu nét mặt của Agnieszka khi cô em biết được tôi đã trông nom thằng cháu như thế nào và đứa con tội nghiệp của nó đã có mặt tại đồn cảnh sát ra sao.

*   *   *

Thằng bé cũng đã không nói.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27913


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận