1
Đó là một cuộc hành trình dài.
Chuyến đi kéo dài tới tám tháng, năm mươi lăm con người đi trên một quãng đường dài tới hai nghìn năm trăm dặm bằng ngựa và xe kéo. Đường đi thật tồi tệ, lúc đầu là mùa hè rồi mùa thu và cuối cùng là mùa đông; trên xe ngựa không có lò suởi, khô khốc; mục đích của chuyến đi có thể chẳng ai biết cả mà vẫn được tiến hành; vì vậy công chúng và những nông dân- một sự phân biệt rạch ròi luôn được tạo ra giữa công chúng và nông dân- phải đứng đó há hốc mồm, hoan hô và xin xỏ lòng mến khách suốt dọc đường đi.
Chuyến đi cứ thế tiếp diễn và chẳng còn nghi ngờ gì nữa phải có mục tiêu.
Mục tiêu là bắt kẻ trị vì tối cao nhỏ bé này lặn lội qua những trận mưa nặng hạt; vị vua bé nhỏ lãnh đạm này, người căm ghét ngay cả vai trò của mình và nấp mình trong chiếc xe ngựa, vờ vịt đau đớn và mải mê mong ước về một điều gì đó khác chẳng ai biết. Nhà vua được một đoàn tùy tùng lớn tháp tùng đi xuyên suốt châu Âu, đuổi theo một cái gì đấy mà có lẽ từng là một giấc mơ thầm kín tìm lại được Bà chúa của nhân gian, người có thể làm cho mọi thứ dường như rõ ràng, một giấc mơ từ nội tâm giờ đây đã phai nhạt, bị xói mòn, chỉ ào lên như một cơn giận dữ mà Nhà vua không thể diễn tả thành lời.
Họ đi trên một con đường ngoằn ngèo qua những trận mưa của lục địa chẳng hề có mục tiêu rõ ràng.
Cuộc hành trình dẫn họ đi từ Copenhangen tới Kolding, Gottrop, Altona, Celle, Hanau, Frankfurt, Darmstadt Strasbourg, Nancy, Metz, Verdun, Paris, Cambrai, Lille, Calais, Dover, London, Oxford, Newmarket, York, Leeds, Manchester, Derby, Rotterdam, Amsterdam, Antwerp, Ghent, Nijmegen... tất cả chỉ thoáng hiện lên nhạt nhòa, không phải đến Nijmegen trước Mannheim, Amsterdam trước Metz? Nhưng đó là cách như vậy.
Vậy thì mục đích của chiến dịch kỳ lạ đi qua những trận mưa khắc khổ của châu Âu là gì?
Vâng, đúng vậy. Amsterdam đến sau Nijmegen. Đây là nơi khởi đầu của chuyến đi. Struensee nhớ điều này rất rõ. Đó là sự bắt đầu của một chuyến đi không thể giải thích được, và chính là ở một nơi nào đó trước khi tới Amsterdam. Nhà vua, khi ở trên xe ngựa tới Amsterdam nói với Struensee bằng sự tin tưởng sâu sắc nhất:
- Bây giờ ta muốn thoát ra khỏi gông cùm của nấc thang quý tộc,lễ nghi và đạo đức. Ta muốn thực hiện ý định chạy trốn mà có lần ta đã thảo luận với ông thầy của ta là Reverdil.
Và Struensee ghi lại: "Ngài đã gợi ý một cách rất nghiêm túc rằng tôi cần phải chạy trốn với ngài. Rồi thì ngài sẽ trở thành một người lính, để không phải có trách nhiệm với ai ngoài bản thân mình."
Đó là lúc sắp tới Amsterdam. Struensee lắng nghe một cách kiên nhẫn. Rồi anh ta thuyết phục Christian hãy đợi thêm vài tuần hoặc ít nhất đợi sau khi gặp Voltaire và các nhà bách khoa toàn thư.
Christian lắng nghe như thể lắng nghe một tiếng thở hổn hển, một tiếng kêu rên từ điều gì đó từng rất quan trọng nhưng giờ đây đã xa vời.
Voltaire?
Trong im lặng họ cưỡi xe ngựa tới Amsterdam. Nhà vua thò khuôn mặt vô cảm của mình ra khỏi cửa sổ xe ngựa nhìn vào vô vàn những khuôn mặt.
- Họ đang nhìn đó. - Ngài nhận xét như vậy với Struensee. - Ta nhìn lại họ. Nhưng không có Caterine.
Rồi một lần nữa Nhà vua không bao giờ đả động đến kế hoạch chạy trốn.
Sự kiện đặc biệt này không được báo cáo lại với triều đình ở Copenhagen. Hầu như những điều khác cũng vậy. Đã có không biết bao nhiêu thư từ gửi về và chúng đều được đọc rất kỹ.
Cứ ba lần trong tuần ba hoàng hậu lại có thói quen chơi bài. Họ chơi trò tarot. Những hình ảnh chỉ là gợi ý, đặc biệt là gã bị treo cổ. Ba hoàng hậu đó là bà quả phụ của nhà vua Christian VI, Hoàng hậu Sophie Magdalene, người đã sống lâu hơn vị tiên đế hai mươi tư năm; Juliane Marie, vợ góa của vua Frederik V và Caroline Mathilde.
Ba hoàng hậu thuộc ba thế hệ tồn tại trong một triều đình được coi là chuyện tự nhiên bởi vì thông thường trong hoàng triều, một nhà vua có thể uống rượu đến lúc chết trước khi họ trở thành kẻ góa vợ. Hoặc có khi các bà hoàng hậu bị chết khi sinh nở, hay khi tái hôn xảy ra thông thường để một thái hậu bị phế bỏ như một cái vỏ sò bị quẳng trên cát. Gottrop,
Hậu thế vẫn thường nói về lòng mộ đạo và sự tận trung lớn lao của các thái hậu. Tuy nhiên, điều này khác hẳn với những gì họ nói. Đặc biệt, Juliane Marie đã phát triển lối nói dân dã đệm cả những lời tục tĩu.
Có thể người ta cho rằng những đòi hỏi nghiêm khắc của tôn giáo đối với sự thật và những kinh nghiệm đáng sợ của chính bà đã khiến cách nói thẳng toẹt đó của bà làm nhiều người bị sốc.
Trong các buổi tối tán gẫu, bà có vô vàn dịp để khuyên giải Hoàng hậu trẻ tuổi Caroline Mathilde. Bà vẫn coi Hoàng hậu Caroline Mathilde trẻ tuổi không có chút tài năng nào và thiếu ý chí.
Nhưng sau này, bà thay đổi suy nghĩ đó.
Một tối, bà thông báo.
- Ta nhận được nhiều thông tin đáng quan tâm từ đám người đang đi du hành. Vị ngự y được thuê ở Altona đã chiếm được lòng tin của Nhà vua. Họ thường ngồi suốt với nhau trên chiếc xe ngựa của Nhà vua. Gã Struensee này nghe nói là môn đệ của phái Khai sáng. Nếu quả như vậy thì sẽ là một thảm họa cho đất nước. Việc Reverdil bị tống cổ, vốn là một cơ may đã chẳng mang lại kết quả gì cả. Một con rắn độc vẫn đang tồn tại.
Caroline Mathilde, nghĩ mình đã biết lý do về việc đột nhiên tống cổ Reverdil, chẳng nói gì cả.
Rồi nàng hỏi:
- Anh chàng Struensee này có phải là người Đức không?
- Ta thấy rất khó chịu. -Thái hậu nói. - Gã được mô tả là một trí thức, rất hấp dẫn với phụ nữ, vô đạo đức và gã xuất thân từ Altona vốn là một cái ổ của lũ rắn độc. Chả có điều gì tốt đẹp từ Altona cả.
- Các lá thư cũng viết rằng, -vị Thái hậu lớn tuổi hơn tham gia, cố bày tỏ sự phản đối, - Nhà vua lại bình tĩnh và không hề tìm kiếm gái điếm.
- Thật hay, -Juliane nói với Hoàng hậu,- thật hay là người đã đi xa được một năm. Tiên đế đã luôn phải xả khí hàng ngày để cho đầu óc được thanh thản. Ta đã nói với Nhà vua rằng hãy xả vào bọn gái điếm chứ đừng xả vào ta! Ta không phải là cái thùng chứa! Một cái cống! Hãy nhớ lấy điều đó, cô bạn nhỏ. Đạo đức và sự thánh thiện là những điều mình tự tạo ra. Thánh thiện không thể có được qua sự chống cự.
- Nếu gã là một kẻ Khai sáng thì liệu chúng ta có mắc sai lầm không? - Vị Thái hậu già hỏi.
- Chúng ta không sai sót, - Thái hậu trả lời, - mà là một kẻ khác.
- Guldberg phải không?
- Hắn không mắc sai lầm.
Nhưng Hoàng hậu trẻ chỉ nhắc lại một cái tên mà sau đó nàng nói lại là đã nghe lần đầu tiên trong bàn chơi bạc.
- Thật là một cái tên lạ lùng, Struensee?
2
Thật là kinh hoàng.
Châu Âu đang kinh hoàng. Người ta nhìn chằm chằm vào Christian. Ngài tỏ ra chán nản. Ngài cảm thấy xấu hổ. Ngài cảm thấy một điều gì đó mà không biết là gì- một sự trừng phạt chăng? Đồng thời, ngài cũng muốn bị trừng phạt để có thể thoát được sự nhục nhã.
Ngài đã đặt ra mục đích cho chuyến đi của mình. Sau này, ngài nhận ra rằng mục tiêu đó không tồn tại. Rồi ngài cố thu hết lòng dũng cảm. Tập trung lòng dũng cảm có nghĩa là phải gồng mình lên một cách rắn rỏi mà không bộc lộ. Ngài tìm kiếm những mục đích khác cho chuyến đi. Một chuyến thăm châu Âu có thể dẫn đến nhiều sự quá tải hoặc gặp gỡ nhiều loại người. Nhưng đây không phải là trường hợp đó; sự thái quá của ngài lại do người khác phải lo. Chính là những cuộc gặp gỡ làm ngài lo ngại.
Tất cả còn lại là một sự tra tấn.
Ngài không biết nói gì về những người khởi xướng. Reverdil đã dạy ngài nhiều dòng chữ hay ho để chứng minh sự sáng láng của mình. Có ít lời cách ngôn luôn được sử dụng. Giờ đây ngài bắt đầu quên những dòng chữ ấy rồi. Reverdil đã đi mất.
Thật kinh hoàng khi trở thành một phần của vở diễn mà lại không biết bất cứ dòng chữ nào.
Nữ công tước trẻ Zuylan đã viết trong một lá thư rằng nàng đã gặp vua Đan Mạch Christian VII ở chặng dừng chân tại lâu đài Termeer trong chuyến đi thăm châu Âu.
Cậu ta thật nhỏ nhắn và trẻ con, giống như một đứa trẻ mười lăm tuổi. Người gầy gò, mảnh mai và khuôn mặt vẻ ốm yếu như được đánh phấn. Trông cậu ta như bị tê liệt và không thể tiến hành một cuộc đối thoại được. Cậu ta xổ ra dăm ba nhận xét đối với lũ tùy tùng nghe như đã thuộc lòng rồi, sau tràng vỗ tay chấm dứt thì chỉ biết nhìn chăm chú vào mũi giày.
Để giúp cậu thoát khỏi tình trạng bối rối đó, nàng đã rủ cậu đi dạo một vòng ngoài vườn hoa. Lúc này trời lất phất mưa làm đôi giày của nàng bị ướt và đó cũng là sự giải thoát của cậu ta."Suốt thời gian chúng tôi đi với nhau trong vườn hoa, Nhà vua chỉ nhìn xuống đôi giày của tôi, phân vân không hiểu chúng có bị ướt không, rồi cậu ta không nói gì khác trong khi chúng tôi ở bên nhau chừng nửa giờ đồng hồ."
Sau nàng dẫn cậu trở lại với đám tùy tùng đang chờ đợi.
Cuối cùng, ngài thấy chắc chắn mình đúng là một tù nhân bị dẫn giải, giữa một đoàn tùy tùng khổng lồ tới nơi bị trừng phạt.
Điều đó không làm ngài lo ngại. Nhưng một nỗi chán chường vô hạn luôn đè nặng lên ngài; ngài cảm thấy nỗi buồn luôn day dứt từ cõi lòng, và tất cả những điều này dẫn ngài tới những cơn thịnh nộ thường xuyên khi ngài đập ghế xuống nền nhà cho đến khi vỡ vụn.
Những báo cáo và tin tức viết về nói: "Dọc đường đi ít có khách sạn mà không thấy dấu vết của những vụ đập phá, và ở London đồ đạc trong phòng Nhà vua gần như bị đập tan hoàn toàn."
Đó chỉ là tóm tắt.
Chỉ khi ở cùng với Struensee ngài mới thấy bình tĩnh. Ngài cũng không hiểu tại sao. Một lần, Christian nhắc lại rằng ngài là một đứa trẻ mồ côi (mẹ chết khi lên hai và rất ít khi gặp bố) vì vậy không biết cha mẹ ngài cư xử ra sao. Struensee qua thái độ bình tĩnh và im lặng của mình đã mang lại cho ngài cảm giác về một người bố ("một người bố trên thiên đường" anh ta viết, thật lạ lùng).
Một lần tình cờ ngài hỏi Struensee có phải là "người đỡ đầu của ngài" không. Struensee cười và hỏi ngài vậy thì người đỡ đầu là thế nào, Christian đáp:
- Người đỡ đầu có thời gian.
Giờ đây mọi người trong chuyến đi đều gọi Struensee là "kẻ im lặng".
Mỗi buổi tối anh ta đều đọc sách ru Nhà vua ngủ. Trong nửa chặng đầu của chuyến đi, anh ta đọc cuốn Lịch sử Charles 12 của Voltaire.
"Nhà vua", Struensee viết, "là một trong những người rất nhạy cảm, thông minh và sắc sảo nhất mà tôi từng gặp. Nhưng trong khi chúng tôi cùng đi, hình như ngài chìm sâu vào im lặng, buồn bã, và điều đó chỉ bị đôi khi phá vỡ bởi sự bùng phát những cơn giận vô cớ. Tuy nhiên, điều này ngài chỉ hướng vào bản thân mình và những đồ đạc vô tội, vốn là mục tiêu của cơn giận không thể giải thích được của ngài".
Khi Struensee đọc cuốn Lịch sử Charles 12 anh ta phải ngồi trên giường của Nhà vua, dùng cánh tay trái của mình nắm lấy bàn tay Nhà vua, còn tay phải giở các trang sách. Khi Nhà vua thiu thiu ngủ, Struensee mới từ từ rút tay ra để mặc cho ngài chìm vào giấc mơ của mình.
Dần dần, Struensee bắt đầu hiểu.
3
Vua George III của nước Anh là chủ nhà tiếp Christian VII vào năm 1768 mới vừa hồi phục sau cơn động kinh đầu tiên, mặc dù ngài vẫn còn buồn chán. Ngài tiếp tục trị vì đế quốc Anh trong sáu mươi năm, cho đến tận năm 1820; suốt thời gian trị vì, ngài liên tục mắc chứng điên loạn; từ năm 1805 thì bị mù và sau năm 1811 bị mất trí.
Ngài bị coi là kẻ đần độn, buồn bã, đầu óc bã đậu nhưng lại trung thành với vợ, sinh được chín người con.
Ngài đón tiếp trọng thị người chồng của cô em họ mình với đầy đủ nghi thức hoàng gia. Christian ở lại nước Anh hai tháng.
Dần dà sự việc cũng trở nên tồi tệ.
Sự khó chịu bắt đầu tràn lan ra cả đám tùy tùng. Chẳng có điều gì xem ra có ý nghĩa đối với Nhà vua hoặc cả những điều đã xảy ra. Sự hào nhoáng, điên loạn và nỗi sợ hãi về bệnh tật của Nhà vua bùng phát sẽ phá hoại chiến dịch vĩ đại của hoàng gia - nỗi sợ hãi đó bắt đầu phát triển.
Bệnh tật hay những cư xử bình thường: không ai biết được từ ngày hôm nay đến ngày tiếp theo điều gì sẽ đến trước.
Chính trong thời gian họ ở lại London, Struensee bắt đầu hiểu ra rằng không có điều gì có ý nghĩa cả. Hết giờ nọ đến giờ kia mỗi buổi sáng Nhà vua thường ngồi như thể bị tê liệt, nhìn trân trân về phía trước, lẩm bẩm hàng chuỗi từ vô nghĩa và đôi lúc trong cơn quẫn trí còn bám chặt lấy đôi chân của Struensee.
Nhưng rồi ngài lại thay đổi hoàn toàn, như đã xảy ra trong một buổi tối tại nhà hát Opera Italy, nơi Christian chủ trì buổi dạ tiệc hóa trang với ba nghìn thực khách. Họ được chiêu đãi như thể ngài chủ định biến mình được ngưỡng mộ đến mức có thể trở thành nhà vua của nước Anh.
Một không khí hội hè làm sao! Vị vua bé nhỏ, hào phóng không thể hiểu nổi của Đan Mạch! Người đã đọc một bài diễn văn lộn xộn bằng tiếng Đan Mạch (thật ngạc nhiên không hiểu sao ngài đột nhiên như thể chui ra khỏi cái vỏ ốc mọi khi của mình) rồi quăng những đồng tiền vàng từ trên ban công xuống đám đông trên đường phố.
Buổi vũ hội hóa trang đã tốn mất hai vạn riksdaler và nếu như Struensee biết được điều đó anh ta có thể nhớ ra rằng đồng lương hào phóng hàng năm của viên ngự y hoàng gia chỉ là năm trăm riksdaler.
Người ta nói rằng vào cái đêm tiếp theo sau cuộc truy hoan đeo mặt nạ đó Struensee ngồi một mình trong bóng đêm hồi lâu sau khi Nhà vua đã thiếp đi, nghĩ ngẫm về tình thế.
Có điều gì đấy cơ bản sai. Christian bị ốm, và ngài càng ngày càng ốm nặng. Thực ra thì Nhà vua, bằng một cách thật lạ lùng, vẫn giữ được vẻ bề ngoài của mình nhưng ai đã từng chứng kiến những giây phút yếu đuối của ngài thì mồm miệng rất cay độc. Có nét gì đó giễu cợt trong những lời bình phẩm của họ làm Struensee lo lắng. Horace Walpole đã nói: "Nhà vua bé nhỏ quá, như thể vừa bước ra khỏi cái vỏ ốc trong câu chuyện thần tiên" người ta nói Nhà vua bị lôi đi lung tung như thể một con rối nhỏ. Họ cũng để ý đến những dòng chữ cần học thuộc lòng; nhưng điều làm cho Struensee phiền lòng là họ không để ý đến điều khác nằm bên dưới.
Người ta để ý đến những cơn co giật của ngài mà không hề để ý đến sự loé sáng đột nhiên của sự thông minh. Nhưng nhìn chung mọi người thấy thất vọng. Samuel Johnson đề nghị có cuộc gặp Christian, lắng nghe trong nửa tiếng đồng hồ rồi rút lui.
Lúc ra đến cửa ông ta chỉ lắc đầu.
Trên đường phố thì Christian VII lại thành công. Điều này có thể do những đợt tung hô nổi lên từ phía ban công của khách sạn hoàng gia đều được đáp lại bằng những vốc tiền vàng. Hình như tất cả những sự gắn kết về kinh tế đều bị đổ vỡ.
Bước ngoặt xảy ra vào cuối tháng 10.
4
Một trong những diễn viên tên là David Garrick, anh ta cũng là người đứng đầu nhà hát Drury Lane. Anh ta là một người diễn xuất tuyệt vời các vai diễn của Shakespear, và những vở diễn của anh ta đã làm sống lại truyền thống Shakespear ở nước Anh. Anh được đánh giá không ai có thể vượt qua được các vai diễn bi và hài kịch của anh, nhưng nổi bật nhất là vai diễn trong vở Hamlet, anh ta đóng nhân vật chính, đã giành được sự ngưỡng mộ đông đảo của công chúng.
Vì Christian đã bày tỏ sự quan tâm đến nhà hát nên một loạt các buổi diễn sáng và tối được tổ chức để ngài thưởng thức. Đỉnh cao là vai diễn Hamlet với Garrick trong vai Hoàng tử Đan Mạch.
Struensee được biết trước ba ngày trước khi diễn nên lập tức anh đến thăm Garrick.
Đó không phải là một buổi nói chuyện dễ dàng.
Struensee chỉ ra rằng anh ta rất thạo với các tình tiết của vở kịch. Hamlet là hoàng thái tử mà vị vua cha đã bị hãm hại. Câu chuyện truyền thuyết từ thời cổ đã rất nổi tiếng. Shakespear đã tái dựng lại theo một phong cách bộc lộ sự tuyệt vời nhưng cũng tạo ra một vấn đề. Vấn đề chính của vở kịch là liệu Hamlet có bị điên không.
Rồi Struensee hỏi Garrick liệu có thể đồng ý với nhau về việc dàn dựng cơ bản của vở kịch. Garrick liền hỏi Struensee anh ta muốn điều gì.
Struensee nói với anh ta rằng vấn đề ở đây chính là nguy cơ phái đoàn viếng thăm Đan Mạch cũng như công chúng có thể phân vân sự lựa chọn vở kịch có phải là một lời bình phẩm về các vị khách hoàng gia.
Hoặc nói thẳng ra nhiều người coi vua Đan Mạch Christian VII là điên loạn. Vậy diễn vở kịch này có thích hợp không?
Rồi phản ứng của khán giả sẽ ra sao? Và phản ứng của vua Christian VII thế nào?
- Thế ông ta có biết bệnh của mình không? - Garrick hỏi.
- Nhà vua không biết về bệnh tình của mình nhưng biết mình thế nào và điều đó làm ngài bối rối. - Struensee đáp. - Ngài rất nhạy cảm, thường nhìn nhận thực tế như một vở kịch.
- Thật thú vị. - Garrick nói.
- Không nghi ngờ gì cả, nhưng không thể hiểu ngài sẽ phản ứng ra sao. - Struensee phân vân. - Có thể ngài sẽ nghĩ mình giống như Hamlet.
Một hồi im lặng kéo dài.
- Christian Amleth. - Cuối cùng Garrick nói với nụ cười.
Nhưng rồi anh ta cũng đồng ý thay vở kịch khác.
Vào ngày 20 tháng 10 năm 1768, họ biểu diễn vở Richard III thay thế để phục vụ vua Đan Mạch cùng đoàn tùy tùng.
Christian không bao giờ được xem vở kịch Hamlet nhưng Struensee vẫn nhớ câu trả lời của Garrick"Christian Amleth".
Vào đêm biểu diễn, Christian từ chối không chịu đi ngủ.
Ngài không muốn nghe đọc Lịch sử Charles 12 mà lại muốn nói về một điều gì đó đã làm ngài khó chịu. Ngài hỏi Struensee vở kịch Hamlet được dự kiến sao lại thay thế bằng vở khác.
Ngài rất quen thuộc với vở Hamlet. Nước mắt đầm đìa, ngài van nài Struensee hãy nói sự thật. Có phải người ta nghĩ ngài bị điên không? Ngài thề rằng ngài không coi mình là điên, điều đó là lòng tin và hy vọng chắc chắn của ngài và ngài cầu xin người bảo trợ mỗi đêm biến điều ấy thành sự thật.
Liệu đây có phải là những lời bàn tán không? Có phải mọi người đang nói về ngài? Liệu họ có hiểu không?
Ngài không thể kiềm chế được bản thân mình. Ngài không cáu giận song cũng không xử sự theo kiểu vua chúa, thiếu vắng một sự uy nghiêm hoàng tộc lúc cáu giận. Ngài vẫn thường thiếu điều ấy. Nhưng bây giờ, lần đầu tiên, ngài đề cập đến mối nghi ngờ và những lời bóng gió về bệnh tật của mình và điều này tạo nên một ấn tượng mạnh với Struensee.
- Thưa Đức vua, ngài không thể dễ dàng hiểu được. - Anh nói.
Rồi Nhà vua nhìn anh bằng một cái nhìn vô cảm và bắt đầu nói về vở kịch ngài đã xem, vở Richard III. Một vị vua được Chúa ban quyền và tàn bạo khủng khiếp. Thật không thể chịu nổi.
- Vâng, quả đúng là không thể chịu nổi. - Struensee hưởng ứng.
- Khi ta chứng kiến sự tàn bạo đó... ta thấy như trải qua một cái gì đó… thật ghê rợn. Trong trái tim ta.
Nhà vua đang nằm cuộn tròn trên giường, ngài lấy tấm ga che kín mặt như thể muốn trốn tránh.
- Thưa Đức vua, quá ghê rợn ư? - Struensee bình tĩnh hỏi.
Cuối cùng Nhà vua trả lời.
- Mong muốn, ta cảm thấy mong muốn. Liệu ta có bị ốm chăng, bác sĩ Struensee. Hãy nói với ta rằng ta không bị ốm đi!
Anh ta còn có thể nói được gì nữa?
Đêm đó lần đầu tiên, ngự y Struensee bắt đầu khóc trước mặt Nhà vua. Và rồi Nhà vua lại an ủi anh ta.
Nhà vua nói.
- Chúng ta sẽ rời đây đi. Chúng ta sẽ rời đây, anh bạn ạ. Ngày mai ta sẽ ra lệnh rời đi Paris. Chúng ta phải đến gặp ánh sáng của lẽ phải, Voltaire. Chúng ta phải rời khỏi căn nhà điên nước Anh. Nếu không chúng ta cũng sẽ điên mất thôi.
- Vâng, chúng ta phải rời khỏi đây thôi. Thật không thể chịu đựng nổi nữa ạ. - Struensee hưởng ứng.
5
Việc họ đột ngột chấm dứt thời gian lưu tại nước Anh làm mọi người ngạc nhiên; họ ra đi một cách nhanh chóng như thể trốn chạy.
Không biết là Christian đã mường tượng thế nào về Paris nhưng những nghi lễ ở đây đã làm Nhà vua kinh ngạc.
Vào ngày thứ mười của cuộc hành trình, Nhà vua nói phải ngh 5d53 ngơi vì bị cảm lạnh. Sự thật là ngài dành trọn ngày đó ở trong phòng bởi cảm thấy mệt mỏi, vẫn mặc quần áo nhưng từ chối nói chuyện với bất kỳ ai. Struensee, người lúc này được coi là có đôi chút ảnh hưởng tới Nhà vua, đã được hỏi có thể cho loại thuốc nào để giảm bớt cơn buồn phiền của Nhà vua không. Khi anh ta trả lời không có thì người ta đã tích cực chuẩn bị cho việc trở về ngay lập tức. Hôm sau, tâm trạng tối tăm của Nhà vua vẫn chưa chấm dứt, Struensee vào gặp ngài.
Một giờ sau, anh ta ra ngoài cho biết Nhà vua đã quỵết định sẽ gặp những nhà triết học Pháp vào ngày hôm sau, những người đã tạo nên cuốn bách khoa toàn thư vĩ đại.
Nếu không thì việc trở về Đan Mạch ngay lập tức sẽ trở nên cấp thiết.
Do cuộc gặp đó không được chuẩn bị trước nên đã tạo ra một sự rối loạn khiến nhiều người nhìn vào rất khó chịu, bởi những người Khai sáng vốn đã không được triều đình Pháp ưa chuộng. Trừ trường hợp Diderot, người đã được người tình của nhà vua Lu- i thứ 15 là quý bà de Pompadour che chở và cũng được Nhà vua sủng ái.
Cuộc gặp được chuẩn bị rất vội vàng. Tâm trạng chán nản của Nhà vua đột nhiên chấm dứt, ngài hình như thấy thoải mái, hài hước, chả đồ đạc nào bị đụng chạm đến.
Cuộc gặp diễn ra vào ngày 20 tháng 11, năm 1768 tại nhà riêng của viên đại sứ Đan Mạch, bá tước Carl Heinrich Gleichen.
Tất cả những người biên tập của cuốn Bách khoa toàn thư, gồm mười tám vị đều có mặt. Đáng chú ý trong số họ là Matran, d’Alembert, Marmontel... nhưng vị khách mà Nhà vua mong mỏi nhất là ngài Voltaire lại không có mặt. Ông ta không bao giờ dại dột đi ra khỏi Ferney.
Đó quả là một buổi gặp gỡ lạ lùng.
Vị vua bé nhỏ, thậm chí điên loạn- anh ta mười chín tuổi - ngồi đó, xung quanh là vòng tròn gồm những nhà triết gia của Chủ nghĩa Khai sáng- những người đã làm thay đổi lịch sử châu Âu trong vài thế kỷ.
Lúc đầu, ngài tỏ ra hốt hoảng, nhưng rồi như một phép mầu, ngài trở nên bình tĩnh, nỗi lo sợ tan biến và một cảm giác tự tin chiếm lĩnh ngài. Khi Diderot kính cẩn cúi chào Nhà vua, ngài nói giọng như thì thầm:
- Ta muốn ngài nói với Voltaire vĩ đại rằng chính ông ta là người đã dạy ta biết suy nghĩ.
Giọng nói của ngài đầy xúc động. Nhưng đó không phải là nỗi sợ hãi. Diderot nhìn Nhà vua chằm chằm một cách ngạc nhiên và kinh hoàng.
Sau đó, Christian cảm thấy rất vui vẻ.
Ngài thật khôn ngoan. Ngài đã nói chuyện với tất cả các nhà triết gia Pháp, từng người, từng người một và có thể thảo luận về công việc của họ; ngài nói tiếng Pháp rất thạo và ngài cảm thấy có một thứ tình cảm ấm áp đối với họ.
Có lẽ đây là giây phút vĩ đại nhất trong cuộc đời ngài.
Bài phát biểu ngắn Diderot nói khi kết luận cũng làm cho Nhà vua tràn đầy niềm vui. Ông ta nói:
- Tôi tin rằng ngọn lửa Khai sáng có thể được thắp sáng trên đất nước Đan Mạch nhỏ bé. Đan Mạch, dưới sự trị vì của vị quân vương khai sáng, sẽ tạo ra một mô hình. Tất cả những cuộc cải cách và cách tân - được xây dựng trên nền tảng của tự do tư tưởng, khoan dung và nhân văn - sẽ được thể chế hóa dưới sự chỉ đạo của nhà vua Đan Mạch. Christian VII của Đan Mạch như vậy sẽ mãi mãi có thể điền tên ngài vào một chương trong lịch sử của Khai sáng.
Christian quá xúc động bởi câu nói đó và không thể nói gì hơn. Ngài d’Alembert khẽ khàng nói thêm:
- Và chúng ta đều biết một ngọn lửa có thể thiêu cháy cả cánh đồng.
Struensee tháp tùng các vị khách ra xe ngựa khi Nhà vua vẫy tay từ biệt họ từ trên cửa sổ ở phía trên. Rồi Diderot kéo Struensee sang một bên trao đổi ngắn gọn.
- Vậy Nhà vua sẽ sớm trở về Copenhagen? - Ông ta hỏi, mặc dù cũng không mấy quan tâm đến câu trả lời, như thể đang suy nghĩ một việc gì khác.
- Cũng chưa có kế hoạch gì. Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà vua và sức khoẻ của ngài. - Struensee đáp.
- Thế ngài có phải là ngự y của Nhà vua, đến từ Altona không?
- Đúng là từ Altona, các ngài được thông tin khá rõ. - Struensee mỉm cười đáp lại.
- Và tôi cũng biết rằng ngài rất am hiểu về tư tưởng Khai sáng của nước Pháp?
- Quả đúng vậy, nhưng cũng có cả tư tưởng của Holberg, nhà triết học vĩ đại của trường phái Khai sáng Đan Mạch. - Struensee trả lời với một nụ cười làm cho nhà khoa học Pháp chả biết giải mã ra sao.
- Họ nói rằng Nhà vua... bị... ốm? - Diderot tiếp tục.
Struensee không trả lời.
- Tâm trạng không ổn định?
- Một chàng thanh niên rất có tài và nhạy cảm.
- Vâng, tôi cũng được thông tin như vậy. Một tình huống đặc biệt. Nhưng hình như ngài được Nhà vua hoàn toàn tin cậy thì phải?
- Tôi là ngự y của Nhà vua.
- Đúng, tôi đã nhận được nhiều thư từ nước Anh nói rằng ngài là ngự y của hoàng gia.
Giây phút đó thật căng thẳng. Những con ngựa đã thắng yên cương vẫn kiên nhẫn chờ đợi trong cơn mưa bụi. Ngài Diderot hình như còn muốn nói điều gì nữa nhưng vẫn lưỡng lự.
Cuối cùng thì ngài nói bằng một giọng trầm trầm.
- Tình thế rất độc đáo. Quyền lực đang ở trong tay một Nhà vua có tài, rất có tài nhưng lại không ổn định về mặt tinh thần. Vài người rêu rao, tôi không muốn nói điều này, rằng ông ta bị điên. Ngài có được sự tin cậy của Nhà vua. Điều đó mang lại cho ngài một trách nhiệm rất lớn lao. Rất hiếm khi có một cơ hội tồn tại như ở đây, cho một quân vương khai sáng xé toang màn đêm phản động. Chúng ta có Catherine ở nước Nga, nhưng nước Nga lại là một biển đen ở phương Đông. Ở Đan Mạch, cơ hội đang tồn tại. Không phải là qua sự nổi dậy của quần chúng hoặc những người nghèo khổ hạ lưu. Mà qua quyền lực đang nằm trong tay quân vương từ đức Chúa toàn năng.
Struensee bắt đầu cười phá lên rồi nhìn ông ta thăm dò.
- Đức Chúa toàn năng? Tôi không nghĩ ngài sẽ ôm ấp niềm tin vào đức Chúa toàn năng nồng nhiệt đến như vậy.
- Vua Christian VII của Đan Mạch đã được giao quyền lực, thưa bác sĩ Struensee. Ông ta đã được giao. Không cần biết ai giao cho ông ta, chỉ biết bây giờ là của ông ta, không phải như vậy sao?
- Ông ta không điên. - Struensee nói sau một thoáng im lặng.
- Rất có thể là như vậy. Có thể là như vậy. Tôi không biết. Ngài cũng không biết. Nhưng nếu như ông ta... nếu như bệnh tật của ông ta tạo một khoảng trống giữa trung tâm quyền lực. Ai đó chen vào sẽ có một cơ hội tuyệt vời.
Cả hai đều im lặng.
- Vậy là ai? - Cuối cùng Struensee hỏi. - Ai có thể chen vào?
- Những kẻ thông thường, quan chức chính phủ, các nhà quý tộc, những kẻ vẫn thường chen vào.
- Vâng, đúng như vậy.
- Hoặc một ai khác. - Ngài Diderot nói tiếp, bắt tay Struensee và trèo vào xe. Rồi ông ta thò đầu ra nói:
- Ngài Voltaire, bạn của tôi, có thói quen nói rằng thỉnh thoảng tình cờ lịch sử lại mở ra một cửa độc đáo… đi vào tương lai.
- Đúng như vậy ư?
- Và rồi sẽ có một người bước qua.
6
Đó là vào ngày 20 tháng 11 năm 1768.
Đây là giây phút vĩ đại nhất của Christian và sau đó là những lời ca tụng, sự chào đón tiếp tục, rồi từng tí từng tí một ông ta rơi vào tình trạng ảm đạm đang tồn tại ngay trước khi rơi vào cảnh đen tối.
Mọi thứ dường như lật ngược lại. Trên thực tế, Paris lại còn tệ hại hơn London. Nhưng giờ đây những cơn giận dữ của ngài có vẻ bớt bạo lực hơn. Ngài tỏ ra rất thích thú với nhà hát và mỗi tối không phải dự các buổi tiếp khách thường có những buổi diễn kịch được tổ chức.
Ngài luôn ngủ gật.
Ngài được biết còn phải đi xa hơn nữa tới tận Pragne, Vienna và St.Petersburg nhưng cuối cùng thì tình hình trở nên không thể kiểm soát được. Để ngăn ngừa một thảm họa lớn hơn người ta quyết định cắt ngắn chuyến đi.
Ngày 6 tháng 1 năm 1769 vua Christian VII đặt chân trở lại mảnh đất Đan Mạch.
Vào những ngày cuối cùng của chuyến đi, ngài chỉ cho phép mỗi mình Struensee được ngồi trong chiếc xe ngựa của mình.
Người ta có thể hiểu rằng đã có điều gì đó xảy ra. Viên bác sĩ người Đức với mái tóc vàng, nụ cười luôn nở trên môi nhưng vẻ chán chường và đôi mắt nồng hậu đã trở thành một ai đó. Vì anh ta chẳng có tước hiệu và không thể đặt chân vào trong guồng máy hành chính, điều này đã gây ra sự khó chịu.
Người ta cũng cố gắng giải mã anh ta nhưng không dễ dàng làm được việc đó. Anh ta tỏ ra thân mật, kín đáo và từ chối tận dụng quyền lực hoặc chí ít cái gì được coi là quyền lực.
Mọi người không hiểu gì về anh ta cả.
Chặng đường về nhà thật là kinh khủng.
Mưa tuyết kéo dài suốt tuần, cả chặng đường lạnh cóng. Những chiếc xe đều tê lạnh. Mọi người phải choàng chăn kín. Giống như một đội quân rút khỏi chiến dịch tại vùng hoang dại của nước Nga. Chẳng có điều gì hào nhoáng hoặc lấp lánh về cuộc rút chạy của triều đình Đan Mạch. Người ta cũng chả buồn nghĩ xem chuyến đi tốn kém thế nào, nhưng thật bất ngờ là thuế má vẫn luôn được áp xuống.
Phải có thuế má. Đó là vấn đề của tương lai. Ngay bây giờ đã đến lúc trở lại.
Struensee ngồi một mình bên cạnh một cậu bé đang ngủ, miệng chóp chép, được coi là vua và anh còn có rất nhiều thời gian để suy nghĩ.
Bởi vì anh không bao giờ tin vào cuộc sống trên thiên đường, vẫn luôn mang nặng nỗi sợ hãi ghê gớm về việc phung phí cuộc sống mình đang có. Y học đã mang đến cho cuộc đời anh một nghĩa vụ. Anh tin rằng lời kêu gọi của y học là một hình thức cầu nguyện và đó là lời nguyền duy nhất của cuộc sống. Chỉ có cuộc sống con người, xét cho cùng, là thứ thiêng liêng duy nhất; sự phân biệt rạch ròi giữa con người và con vật ngoài ra không có sự khác biệt. Và những ai nói rằng anh tin vào con người là một cỗ máy đã chẳng hiểu gì cả.
Sự bất khả xâm phạm của cuộc sống là đức tin mãnh liệt của anh. Anh đã dạy môn giải phẫu ở Altona: thân xác của những kẻ tự sát và những kẻ bị hành hình được dùng làm giáo cụ trực quan. Những kẻ bị hành hình thì dễ dàng nhận ra vì họ thường thiếu một cánh tay phải hoặc bị chặt đầu nhưng những kẻ tự sát trông không khác gì những người chết thông thường, hoặc những người bị chôn dưới đất; về điều này thì họ giống nhau. Cỗ máy con người, nằm dưới lưỡi dao mổ của anh thực sự là cỗ máy. Vậy thì điều gì là thiêng liêng, cuộc sống, đã biến mất. Vậy thì điều gì có ý nghĩa với đấng thiêng liêng?
Đó là điều mà một con người đã hành động khi đấng thiêng liêng chứng giám.
Đấng thiêng liêng là cái mà một người là thiêng liêng đã làm. Đó là kết luận mà anh có được. Có một số thảo luận về điều này trong cuốn Những tư tưởng đạo đức của Holberg ở chương 101. Holberg vẫn nói một cách chung chung; chính lũ súc vật lại là những cỗ máy theo như Holberg và sự bất khả xâm phạm của loài người đã làm cho họ khác loài vật.
Struensee đã đọc điều ấy như một kim chỉ nam. Đã có lúc hình như đối với anh mọi điều anh nghĩ là sự hồi âm của những người khác đã nghĩ tới. Rồi còn một vấn đề lựa chọn sao cho mình không chỉ là một cái lò cộng hưởng, và đôi lúc hình như anh lại có những ý tưởng rằng tất cả là của chính anh. Sau anh lại cảm thấy choáng váng như thể đang đứng trên một vách núi và nghĩ: Đây là đấng thiêng liêng.
Ý tưởng này có lẽ tất cả là của chính anh, không phải của ai khác và nó có cái gì đó thiêng liêng, đã đặt mình tách ra khỏi một con vật.
Anh cố gắng thử mình đối chọi lại với Holberg. Gần như mọi điều có thể tìm thấy ở Holberg và do vậy Holberg cũng phải được thử thách bởi vì quyền sinh ra ở mỗi cá nhân là nghĩ cho mình. Holberg gần như đúng song đôi lúc, một ý tưởng nảy sinh mà chính là của anh lại không tồn tại ở Holberg, chỉ là của riêng anh mà thôi.
Và rồi anh lại cảm thấy choáng váng và nghĩ: Đây là đấng thiêng liêng.
Ta không phải là một cỗ máy.
Từ Holberg cũng có thể chọn ra điều anh muốn: sử dụng một phần trong khi loại trừ cái khác. Vì vậy, anh đã loại trừ sự cam chịu lúng túng của Holberg và giữ lại cái gì là cơ bản.
Cuối cùng đối với anh sự việc đơn giản và rõ ràng.
Đấng thiêng liêng là điều mà một người nào đó là thiêng liêng hành động. Và đấy là trách nhiệm lớn lao.
Trách nhiệm ở đây thực sự to lớn.
Anh sẽ phải rời khỏi đoàn Nhà vua trên đường trở về ở Altona. Anh đã được trả một nghìn riksdaler để có thể sống một thời gian dài. Nhưng anh vẫn ở lại. Có lẽ, đó là... trách nhiệm. Anh đã cảm thấy thích thú với cậu bé điên khùng, thông minh và rối rắm, kẻ được Chúa lựa chọn và người giờ đây được mang trở lại chốn hang hùm nọc rắn ở triều đình mà chắc chắn là sẽ bị dồn vào tình trạng bệnh tật nặng hơn.
Có thể điều ấy là không thể tránh khỏi. Có thể một Christian nhạy cảm và bé nhỏ, một cậu bé với đôi mắt to và sợ hãi, có thể cậu ta đã mất không thể cứu vãn được. Có thể cậu ta sẽ bị nhốt lại, trở thành một cái thây ma hoàng tộc thông thường bị các con sói khai thác.
Nhưng Struensee lại thích cậu ta. Thực tế còn hơn thế nữa; anh không thể tìm được từ diễn đạt đúng. Song đấy là một tình cảm mà anh không thể lẩn trốn.
Anh không có một đứa con nào của riêng mình.
Anh luôn luôn hình dung cuộc sống vĩnh hằng là phải có một đứa con. Điều ấy là sự vĩnh hằng phải đạt được: bởi sẽ tiếp tục sống qua đứa trẻ. Nhưng đứa trẻ duy nhất mà anh đã có bây giờ là một cậu bé run rẩy, thần kinh bị xộc xệch song trông cũng đẹp làm sao nếu như lũ sói không gần như xé cậu ta thành từng mảnh.
Anh ghét loài chó sói.
Rantzau đã thuyết phục anh khi ấy, chín tháng trước đây; hình như đã lâu lắm rồi. Ngay tại Copenhagen cũng có sự thối nát, ông ta đã nói. Không nghi ngờ gì nữa, điều đó là đúng. Nhưng không chỉ đơn giản như vậy. Anh không hề thơ ngây. Nếu như anh tiếp tục đi tới Copenhagen, thì sẽ không phải là một bác sĩ đến với những người nghèo ở quận Norrebro hoặc giác hơi cho những người Đan Mạch nghèo khổ. Không phải cho những đứa trẻ của triều đình. Anh nhận ra điều này có nghĩa thế nào.
Sự thật là anh không rời chuyến đi tại Altona. Không chạy trốn tới Đông Ấn Độ. Đây là một hình thức trách nhiệm. Và anh gần như chắc chắn rằng mình đã có một quyết định sai.
Nếu đúng nó là một quyết định.
Và nếu như anh quyết định không dừng xe ở Altona, không quyết nhảy ra và cũng không quyết định tiếp tục cuộc sống trước đây của mình mà đi tiếp vào một cuộc sống mới. Đơn giản là tiếp tục, chưa bao giờ thực sự quyết định, mà chỉ đơn giản là tiếp tục.
Họ bước lên bờ biển ở Korsor và tiếp tục đi qua cơn bão mùa đông để tới Copenhagen.
Chỉ có mỗi Nhà vua và Struensee trên xe ngựa.
Christian đang ngủ. Cậu ta nằm gối đầu lên đùi Struensee, không đội vương miện nhưng chiếc chăn trùm kín, và cứ như vậy họ chậm rãi đi qua khu vực đông bắc, qua những cơn bão tuyết Đan Mạch, Struensee ngồi bất động, nghĩ ngợi thiêng liêng là điều mà một người thiêng liêng làm, trong khi ấy vẫn lấy tay vuốt mái tóc Christian. Chuyến đi châu Âu sẽ chẳng mấy kết thúc, và một điều hoàn toàn khác sẽ bắt đầu, một điều gì mà anh chẳng biết tí gì và cũng chẳng muốn biết nữa.
Christian vẫn ngủ. Cậu lẩm bẩm nhưng âm thanh phát ra không thể hiểu được. Cậu hình như đang mơ về một điều gì vui vẻ hoặc tồi tệ, không thể nói được. Có lẽ đó là về sự tái ngộ của những người yêu nhau.