Chuyến Viếng Thăm Của Ngự Y Hoàng Gia Chương 3

Chương 3
Đứa trẻ nước Anh

1

Nàng công chúa được chọn cho Christian tên là Caroline Mathilde. Nàng sinh ngày 22 tháng 6 năm 1751 tại Leicester, London và chẳng có  tài năng gì.

Đó là quan niệm của nàng. Nhưng nàng vẫn đóng một vai trò trọng tâm về những chuyện đã xảy ra - những điều chẳng ai có thể tiên đoán, khiến mọi người rất kinh ngạc vì đều cho rằng nàng bất tài.

Sau đấy thì mọi người lại đồng ý rằng thật không may là nàng thực sự có tài. Nếu sự đánh giá đúng mức ngay từ đầu, tức nàng có một số tài năng, thì mọi thảm họa có thể tránh được.

Nhưng chẳng ai tiên đoán được.

 

Được khắc trên khung cửa sổ phòng ngủ của nàng tại lâu đài Frederiksberg mà người ta tìm thấy sau khi nàng rời đất nước Đan Mạch, một châm ngôn được cho là chính nàng viết vào một ngày đầu tiên khi tới đây. Đó là:

"Ồ, hãy giữ cho ta thánh thiện, biến những kẻ khác thành vĩ đại."

Nàng tới Copenhagen vào ngày 8 tháng 11 năm 1766. Công chúa là em gái út của vua nước Anh George III, người vào những năm 1765, 1788 và 1801 bị lên cơn điên nhưng suốt đời luôn chung thủy với vợ, Charlotte von Mecklenburg- Strelitz; cháu gái của ngài sau này trở thành Hoàng hậu Victoria.

Cha của Caroline Mathilde qua đời hai tháng trước khi nàng sinh ra. Nàng là con út trong số chín người con và người cha là dòng dõi duy nhất còn sót lại trong lịch sử được  vua George II ghi nhận:

"Con trai đầu của ta là một gã nói dối tệ hại nhất, một kẻ thô bỉ nhất và vũ phu nhất trên thế giới này; ta mong ước với cả trái tim mình là nó biến mất khỏi thế giới này." Mẹ cô với bản chất nghiêm nghị và kín đáo nên bà chỉ có một người tình duy nhất  là người con trai cả của thầy giáo bà, công tước Bute. Bà là một người ngoan đạo, toàn tâm với nhà thờ, đã giữ cho cả chín người con tách biệt khỏi cuộc sống, khép kín trong căn nhà của họ được coi như một lâu đài. Caroline Mathilde hiếm khi được đặt chân ra ngoài ngôi nhà của mình và nếu có thì luôn được trông nom cẩn thận.

Sau lễ đính hôn, viên đại sứ Đan Mạch, người được phép đến gặp và nói với nàng trong vài phút, báo cáo rằng công chúa trông ngượng nghịu, có nước da tuyệt đẹp, mái tóc vàng óng ả, đôi mắt xanh đẹp, đôi môi dày dặn dù cho môi dưới hơi trề ra một chút, nhưng có một giọng nói mê hồn.

Tuy nhiên, trong câu chuyện với bà mẹ, ông ta lại đề cập đến một chi tiết mà ông gọi là "cay đắng".

Viên họa sĩ cung đình nước Anh Reynolds, người đã hoàn tất bức chân dung của Mathilde trước ngày nàng lên đường, có lẽ là người duy nhất nêu ra các tài năng của nàng ở giai đoạn đó. Ông ta kể lại việc vẽ tranh của mình quả là khó khăn vì nàng khóc nhè suốt thời gian vẽ.

Đó là cái xấu duy nhất ông có thể nêu ra vào thời điểm trước ngày nàng đi lấy chồng. Môi dưới khá đầy đặn và khóc liên tục.

 

 

2

 

Khi nghe tin về lễ đính hôn của mình, Caroline Mathilde rất sợ hãi. Theo nàng, sự thật nàng là em gái của nhà vua nước Anh là điều cắt nghĩa duy nhất cho sự tồn tại của nàng và vì lý do đó nàng đã đưa ra châm ngôn của mình:" Ồ, hãy giữ cho ta thánh thiện, biến những kẻ khác thành vĩ đại".

Hầu hết mọi lúc nàng khóc. Nàng là một người, một người em gái và chả còn gì hơn. Nàng không tồn tại cho đến khi tròn mười lăm tuổi. Về sau này, nàng từ chối tiết lộ bất cứ điều gì về giai đoạn đầu của cuộc đời mình- ngoài điều nói rằng tin đính hôn với vị vua trẻ Đan Mạch quả là một cú sốc đối với mình. Nàng đã lớn lên ở một nhà tu. Mẹ nàng đã quyết định điều này là cần thiết. Chuyện đi nhà thổ ở triều đình không phải dành cho nàng bởi vì nàng đã được lựa chọn. Liệu có chuyện gì đó lớn lao hay nhỏ nhoi đối với nàng vẫn chưa được làm rõ.

Nhưng nàng cũng cố nhận ra rằng mình là một loại giống tốt. Nàng sẽ đẻ cho mảnh đất Đan Mạch nhỏ bé đặc biệt một Nhà vua. Vì lý do này, nàng phải  hết mình. Tại triều đình nước Anh, người ta thu thập thông tin về con bò mộng Đan Mạch. Rồi họ chuyển những thông tin đó đến cho nàng. Công chúa hiểu rằng con bò mộng mà mình sẽ phục vụ là một cậu bé mảnh mai, nhỏ nhắn, và nàng đã nhìn thấy bức chân dung của cậu. Trông cậu thật đáng yêu, chẳng giống con bò mộng chút nào.  Mọi người nói vấn đề là rất có thể cậu bé bị điên.

Nếu như cậu không phải người đã được Chúa lựa chọn là người cai trị tuyệt đối thì chắc đã bị nhốt rồi.

Mọi người đều biết các Hoàng tử Đan Mạch đều bị điên. Nàng đã thấy David Garrick trong vai Hamlet ở nhà hát Drury Lane. Điều này không nghi ngờ gì nữa đã mang lại cho nàng nỗi tuyệt vọng.

Vào mùa thu 1765, nữ tổng quản Fru von Plessen tới để giúp công chúa chuẩn bị. Như trong thư giới thiệu, bà ta là một người đàn bà chính trực. Fru von Plessen đã làm cho nàng sợ chết khiếp bằng cách lập tức nói ngay rằng mọi điều nói về người kế nhiệm ngai vàng Đan Mạch đều là dối trá. Những gì gọi là" quá mức" ở vị vua tương lai là không có. Cậu không đập phá đồ đạc, cửa sổ. Tính nết rất hiền hòa và bình thường. Sở thích của cậu không có gì đáng ngại. Bởi không ai hỏi về điều báng bổ này nên thông tin đó hoàn toàn không cần thiết, tất nhiên cũng làm nàng hoảng hốt.

Về mặt riêng tư, nàng nghĩ mình có một số tài năng.

Nàng đã khóc trong suốt thời gian đi  sang Đan Mạch. Không ai trong số những hầu gái của nàng được đi tháp tùng xa hơn Altona. Người ta cho rằng tốt hơn hết nàng nên hiểu tính cách Đan Mạch cũng như ngôn ngữ nếu như  muốn đối mặt với họ một cách trực tiếp.

Với danh hiệu công chúa, vị Hoàng hậu tương lai của Đan Mạch, đứa trẻ nước Anh đã được lựa chọn, là Caroline Mathilde. Anh trai của nàng, nhà vua nước Anh, người mà nàng kính yêu và thán phục, chấp nhận nàng nhưng không thể nhớ được tên nàng. Ông thấy nàng hấp dẫn, rụt rè, hiền lành và gần như vô hình. Với lý do đó, người ta đã quyết định nàng sẽ phải kết hôn với nhà vua Đan Mạch, vì đất nước này, sau cuộc "chiến tranh đế quốc" vào những năm 1600, dưới sự trị vì của ông vua Christian IV luôn say sưa rượu chè, đã đánh mất vị trí quốc tế quan trọng cũng như hầu hết lãnh thổ của mình. Ở triều đình Anh, người ta nói với nhau về Christian IV rằng mỗi khi ông ta nghĩ vợ mình đã phản bội thì ông lại rơi vào tâm trạng buồn bã. Mà bà ta thì lại luôn phản bội ông nên tâm trạng đau buồn của ông ngày một trầm trọng. Cứ mỗi lần để giảm bớt nỗi buồn và bệnh mất ngủ, ông lại phát động một cuộc chiến tranh mới mà thường là bị thua.

 

Sự thật là đất nước Đan Mạch đang chìm nghỉm do nhu cầu tình dục không bao giờ biết thoả mãn của Hoàng hậu. Đó là điển hình của vương quốc Đan Mạch, vì vậy người ta đã coi chẳng có ý nghĩa gì.

Nàng đã được nghe kể mọi điều. Do việc Nhà vua sa vào tình trạng buồn bã triền miên nên Đan Mạch trở thành một quốc gia rất bé. Sự yếu kém về quốc tế của vương quốc vẫn tiếp tục diễn ra, bởi vậy có thể giải thích được vì sao một quận chúa mà chẳng có tài cán gì và cũng không quan trọng.

Nàng hiểu được điều đó. Dần dà nàng cũng hiểu ra rằng tương lai của mình không thể sáng sủa trên mảnh đất Bắc Âu này vốn được mô tả như một căn nhà điên. Chính thế, nàng luôn than khóc. Nước mắt của nàng cũng là nghệ thuật. Chúng chẳng làm ai sợ hãi. Về sự thông minh của nàng thì dư luận lại rất khác nhau. Nhưng trên tất cả, nàng được coi là hoàn toàn thiếu ý chí, có lẽ ngay cả trong tính cách. Và vì vậy vai trò của nàng sau này trong các sự kiện liên quan đến cuộc cách mạng Đan mạch khiến mọi người rất đỗi ngạc nhiên và ngỡ ngàng.

Nàng đã trở thành một con người khác hẳn. Điều này cũng hoàn toàn không thể ngờ được. Nhưng giờ đây, vào lúc đính hôn, nàng vẫn  là một con người kém ý chí và không có tính cách.

Là một cô gái trẻ, hình như nàng cũng có một giấc mơ về sự trong sáng. Cách nàng lớn lên cũng là điều ngạc nhiên. Cũng chỉ là tự nhiên đối với một phụ nữ chẳng có tài năng gì có những giấc mơ, như cách nàng đã nhìn nhận là ngây thơ và vĩ đại thì ngược lại. Điều làm mọi người lo sợ là thực tế sau khi người ta mô tả nàng thiếu ý chí và không có tài năng thì nàng đã biến thành một con người khác hẳn.

Ồ, hãy giữ cho ta thánh thiện, biến những kẻ khác thành vĩ đại.

 

 

3

 

Công chúa được đoàn tùy tùng hộ tống từ nước Anh tới Đan Mạch; đến Rotterdam sau sáu ngày vất vả trên biển và ngày 18 tháng 10, nàng tới Altona, ở đây những người tháp tùng nàng từ nước Anh chia tay với nàng.

Tại Altona, phái đoàn Đan Mạch tiếp đón công chúa. Nàng được tháp tùng bằng xe ngựa qua Slesvig và Fyn,"ở đâu cũng được chào đón nồng nhiệt" bởi đám dân chúng được huy động có mặt vào ngày 3 tháng 11 khi nàng tới Roskilde gặp vua Đan Mạch Christian VII.

Để làm việc đó, người ta đã dựng lên một gian nhà bằng kính có hai cửa vào trung tâm. Hai kẻ trẻ tuổi yêu nhau dự kiến sẽ đi vào hai cửa  riêng biệt rồi bước lên gặp nhau ở chính giữa, nơi họ nhìn thấy nhau lần đầu tiên. Tại căn nhà của một thương gia gần" lâu đài" thủy tinh (kể ra gọi như vậy cũng không phù hợp lắm trong tuần lễ ngôi nhà tồn tại) người ta tiến hành các khâu chuẩn bị cuối cùng cho Hoàng hậu, gồm việc tập dượt lại cho công chúa. Nữ tổng quản Fru von Plessen, người chịu trách nhiệm đoàn tháp tùng, phải cố gắng lau khô nước mắt cho nàng công chúa người Anh bé nhỏ "thành  cô gái Anh bé nhỏ" có mặt suốt trong triều đình Đan Mạch, động viên nàng không nên biểu lộ nỗi lo sợ trước công chúng.

 

Nàng đã đáp lại rằng nỗi lo của nàng không liên quan gì đến triều đình Đan Mạch hay Nhà vua mà vì tình yêu. Khi được hỏi kỹ hơn thì hóa ra nàng không thể phân biệt rạch ròi giữa ba khái niệm là triều đình, Nhà vua và tình yêu, nhưng cả ba hòa trộn vào nhau trong thế giới quan của nàng và liên quan đến sự sợ hãi.

Fru von Plessen buộc phải tập lại tất cả các bước đi của công chúa trong buổi lễ như thể chuyện nhớ hết các chi tiết của buổi lễ sẽ làm nàng yên lòng.

Bà ta ra sức dỗ dành cô gái mười lăm tuổi mắt đẫm lệ. Hãy đi những bước đi chậm rãi về phía Nhà vua, bà ta khuyên cô gái. Mắt nhìn xuống dưới, đếm mười lăm bước rồi ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào Nhà vua; nở một nụ cười khiêm tốn nhưng hạnh phúc rồi tiến lên ba bước nữa sau đó dừng lại. Tôi sẽ đi sau cô chừng mười bước.

Cô gái gật đầu trong khi vẫn khóc nức nở rồi trả lời bằng tiếng Pháp:

- Mười lăm bước. Cười rạng rỡ.

 

Sau khi lên kế vị ngôi vua từ đầu năm, vua Christian VII đã được ông thầy Reverdil tặng cho một chú chó thuộc loại schnauzer và ngay lập tức Nhà vua rất thích nó. Để gặp mặt cô gái người Anh bé nhỏ ở Roskilde, ngài sẽ phải đi từ Copenhagen bằng xe ngựa cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo.

Ngồi trên chiếc song mã, bên cạnh  Nhà vua có vị cựu giáo sư Học viện Soro, tên là Guldberg, cùng quan hướng đạo Reverdil và một người tùy tùng có tên là Brandt, người đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện sẽ diễn ra sau này. Guldberg, người trong bất kỳ hoàn cảnh thông thường nào cũng không thể ngồi cùng xe Nhà vua vì địa vị của ông ta ở triều đình khi ấy rất mờ nhạt, nhưng ông lần này tháp tùng với lý do rõ ràng.

Trên xe còn có chú chó, lúc nào cũng nằm trên lòng Christian.

Trước buổi gặp, Guldberg, người rất thông thạo văn học cổ điển, đã soạn thảo một bản tuyên ngôn tình yêu, dựa trên trích đoạn của một vở kịch của Racine cho dịp gặp gỡ này. Ngồi trên xe, ông ta đã đưa cho Reverdil và sau này được ghi lại trong cuốn hồi ký của ông ta "những chỉ dẫn cuối cùng trước cuộc gặp gỡ của tình yêu".

Hãy bắt đầu một cách mạnh mẽ, Guldberg nói với Nhà vua, người lúc này dường như hoàn toàn bị phân tán và đang ôm trên tay chú chó một cách tuyệt vọng. Công chúa phải hiểu đư c tình cảm mãnh liệt của Đức vua trước khi gặp nhau. Nhịp "Ta cúi xuống trước vị thần của tình yêu... Ta cúi xuống trước vị thần của tình yêu..." Nhịp! Nhịp!

Không khí trong xe lúc đó khá căng thẳng và những động tác uốn éo của Nhà vua ngày càng ngây ngô hơn lúc nào hết. Khi tới nơi, Guldberg đã khẽ nhắc rằng chú chó không thể có mặt trong buổi gặp gỡ đầu tiên của cặp vợ chồng hoàng gia nên phải để lại trên xe ngựa. Lúc đầu Christian không chịu để con chó lại nhưng sau cũng buộc phải nghe theo.

Con chó gầm gừ rồi cứ thế sủa dữ dội qua cửa sổ xe. Reverdil viết " Đó là một trong những giây phút bối rối nhất trong cuộc đời cậu ta. Tuy nhiên, cuối cùng cậu cũng tỏ ra hờ hững như thể đang bước đi trong cơn mê."

Từ" sợ hãi" xảy ra thường xuyên. Nhưng cuối cùng thì cả công chúa Caroline Mathilde và vị hôn phu của cô, nhà vua Christian VII, làm mọi việc thật hoàn hảo.

 

Một dàn nhạc thính phòng được đặt gần nhà kính. Buổi hoàng hôn thật tuyệt vời. Quảng trường xung quanh ngôi nhà kính đông nghẹt với hàng nghìn người dân được trông chừng bởi hai hàng lính đứng gác.

Cùng một lúc theo tiếng nhạc, cặp vợ chồng trẻ, Nhà vua và công chúa bước vào qua các cánh cửa. Họ tiến đến với nhau giống như buổi lễ được dàn dựng trước. Trong khi họ đứng cách nhau ba bước thì tiếng nhạc lắng đi. Công chúa nhìn thẳng vào Christian nhưng với vẻ dường như vô hồn, như thể nàng đang bước đi trong mơ.

Christian tay cầm bài thơ, được in ra trên một mảnh giấy. Cuối cùng khi họ đứng bất động, đối mặt nhau, Nhà vua nói:

- Thưa công chúa, bây giờ ta sẽ tuyên bố tình yêu của mình.

Rồi Nhà vua chờ đợi một câu nói của công chúa nhưng nàng chỉ nhìn vào Nhà vua hoàn toàn im lặng. Bàn tay run rẩy song ngài cũng lấy lại được bình tĩnh đọc bản tuyên bố tình yêu do Guldberg soạn thảo bằng tiếng Pháp:

Ta cúi đầu trước vị thần tình yêu ở bất cứ nơi nào ta tới

Trước sức mạnh của em, ta cúi đầu

Trước sắc đẹp của em ta kinh ngạc

Hình ảnh đáng yêu của em đã sưởi ấm tim ta

khi bóng hình rời xa

Từ thăm thẳm trong rừng sâu hình ảnh em mang lại

cho ta niềm vui sướng

Dưới ánh nắng mặt trời và ngay cả trong đêm tối

Tình yêu của ta đối với em, một nguồn sáng

không bao giờ tắt

Hãy xem đó là lý do vì sao ta mãi ỏ bên em

 

Rồi nàng lấy tay ra hiệu, có lẽ là do nhầm lẫn nhưng Nhà vua lại tưởng đó là tín hiệu dừng lại. Ngài dừng không đọc nữa và nhìn nàng như muốn hỏi. Sau một hồi, nàng nói:

- Cảm ơn ngài.

- Có lẽ vậy là đủ, - Nhà vua thì thào.

- Vâng, đủ rồi.

- Với những lời đó, ta muốn thú nhận tình yêu của ta với em, - ngài nói.

- Em cũng yêu ngài tha thiết, thưa Đức vua. - Công chúa thì thầm, đôi môi mấp máy khó nhận ra. Nét mặt xanh nhợt, nước mắt giàn giụa làm khuôn mặt nàng đẫm nước.

- Cảm ơn.

- Liệu chúng ta có thể kết thúc buổi lễ được chưa? - Nàng hỏi.

Nhà vua cúi đầu. Theo hiệu lệnh của người chỉ đạo buổi lễ, ngay lập tức nhạc được tấu lên và cặp vợ chồng mới kết hôn, hoảng hốt nhưng dính chặt với nhau, tiến thẳng tới những lễ nghi rườm rà hơn trong đó có những đám đông tung hô, đến Copenhagen, lễ cưới, cuộc hôn nhân ngắn ngủi của họ và cuộc cách mạng Đan Mạch.

 

Vào lúc 7.30 sáng ngày 8 tháng 11, cặp vợ chồng trẻ  bước vào nhà thờ Copenhagen nơi lễ thành hôn chính thức diễn ra. Tiệc tùng sẽ kéo dài suốt sáu ngày. "Những hy vọng tràn  trề đều ở phía Hoàng hậu người Anh." Vị đại sứ nước Anh viết trong báo cáo của mình gửi về London.

Cách xử sự của cô ta được đánh giá là không thể chê trách được.

 

Không có lời phản đối nào đối với Christian. Không có sự bùng nổ, không có bước đi sai lầm. Hơn nữa, chú chó bị tống ra khỏi đám cưới.

 

 

4

 

Với tâm trạng bối rối ngày một gia tăng, Christian coi cuộc sống cung đình giống như một nhà hát; buổi biểu diễn mà cậu và cô gái người Anh bé nhỏ lúc này đang tham gia cũng là một sự mô tả về đạo đức. Vở diễn liên quan đến sự bất tử hay "liêm chính" như Christian gọi, nhưng liệu lòng mộ đạo đã dẫn đến tình trạng phóng đãng hay là do tâm trạng chán nản?

Thói ưa khoái lạc nào có thể tìm thấy trong những mô tả đương đại về sự phóng đãng và tâm trạng chán nản tại triều đình! Cái thế giới thiển cận của những quan chức trong triều, quý bà, gái điếm, các cuộc vũ hội hóa trang, những vụ tằng tịu ám chỉ đến chức tước và các thái ấp mà không liên quan đến công việc, cuộc khiêu vũ tưởng chừng không bao giờ ngừng của các vụ tằng tịu bẩn thỉu luôn liên quan cái nọ với cái kia, vì quyền lợi của hậu thế, được phản ánh chỉ qua các văn bản chính thức vốn được tôn trọng và đầy học vấn, được biên soạn một cách hoàn hảo, tất nhiên bằng tiếng Pháp, rồi được tập hợp vào những tuyển tập đặc biệt. Chúng tạo ra một sự mô tả phong cách mà những diễn viên trong căn nhà điên diễn tả sự giả tạo của họ, vừa tẻ nhạt vừa phóng đãng.

 

Nó dường như là tự nhiên, trong con mắt của hậu thế, về sự bùng phát những hành động kỳ quặc của vua Christian thích hợp với bố cục của nhà hát.

Thật sự có liên quan một cách chặt chẽ giữa lòng mộ đạo, sự phóng đãng và những kẻ bị tàn phá.

 

Người ta rất quan tâm đến cuộc sống tình dục của Christian.

Một điều lý giải đặc biệt thời đó thường quy chụp vào tâm trạng chán nản của Christian, những cơn điên loạn, những cảm nghĩ tuyệt vọng không thể giải thích được và cuối cùng những giai đoạn hờ hững suốt ngày của cậu ta. Vào tuổi mười ba, cậu đã được một người hâm mộ tên là Sperling bày cách về một thói tật xấu, sau này nhân vật đó biến mất trong lịch sử, đã làm tê liệt ý chí của cậu, gây ra bệnh mất trí và gia tăng sự yếu ớt về thể xác. Thói xấu này đã được nêu lên trong bản tường trình, ít khi được mô tả với những từ trực tiếp mặc dù qua những điều trần đã biết đó là bệnh thủ dâm.

Cái cách điên khùng của Christian để khống chế tình trạng ưu phiền của mình qua hành động này đã dần dần làm suy nhược cột sống của cậu, tấn công vào tim mạch và dẫn đến thảm kịch sẽ diễn ra. Điên khùng hơn nữa, hàng giờ liền cậu tìm cách thủ dâm để làm tiêu tan sự bối rối của mình. Nhưng xem ra có vẻ không bao giờ là đủ cả. Sự xuất hiện của cô gái nhỏ người Anh chỉ làm cho tình hình càng thêm tồi tệ.

Một điều gì đó đã sụp đổ. Cậu có vẻ như đã đến bước đường cùng.

Bản ghi chép của Reverdil diễn tả sự đau xót, nhưng còn hơn thế nữa:" Ngay sau khi tôi phát hiện ra điều tôi gọi là nuôi dạy bao gồm, theo thế giới quan của cậu, cả những kinh nghiệm cứng nhắc mà có thể giúp cậu tiến bộ. Chúng cơ bản gồm nổi loạn chống lại mọi cái thuộc tuổi thơ và vị thành niên, có thể chống lại cả chính cái triều đình cậu sống ở đó. Về mặt này không thấy có biểu hiện nào là quá đáng hoặc bạo lực mà cậu không áp dụng. Cậu tập họp chúng lại dưới thành ngữ" để trở nên mạnh khoẻ", có nghĩa là thoát khỏi những đắn đo, phẩm giá và mô phạm. Tôi đã nói với cậu ta rằng nhiệm vụ của cậu là vực dậy vương quốc Đan Mạch và đứng dậy trên đôi chân của mình. Vương quốc mà cậu được sở hữu đang ở trong tình trạng nợ nần chồng chất và đang bị đè nặng bởi nhiều loại thuế má sau tám mươi bảy năm hòa bình, hơn cả lúc chiến tranh. Tôi nói với cậu ta phải cố gắng để giải quyết những món nợ này của quốc gia và giảm bớt các gánh nặng cho người dân, mục tiêu mà cậu có thể đạt được bằng cách loại bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết của hoàng gia, bằng cách cắt giảm quân đội, bằng cách giải phóng người nông dân  Đan Mạch và thông qua các đạo luật phù hợp để vực dậy nghề cá, nghề mỏ và rừng của Na Uy."

Câu trả lời của cậu là đi vào phòng của mình và thủ dâm.

 

Cậu từ chối không đi thăm Hoàng hậu. Đối với Hoàng hậu, cậu chỉ cảm thấy sợ hãi.

Christian có nhiều khuôn mặt. Một khuôn mặt đầy rẫy sự hoảng sợ, bối rối và căm thù. Khuôn mặt khác thì nhẫn nhục, bình tĩnh, dựa vào lá thư cậu viết cho ngài Voltaire, người mà theo lời cậu đã dạy cậu cách suy nghĩ.

Enevold Brandt ngồi trên chiếc xe ngựa hoàng gia dẫn tới Roskilde.

 

Anh ta thuộc vào giới những người cải cách ở Altona tập họp xung quanh công tước Rantzau và bác sĩ người Đức trẻ tên là Struensee vào những năm đầu 1760.

Giờ thì anh ta đang ở Copenhagen, là một nhân vật thích thăng tiến.

Anh ta luôn bị dằn vặt bởi một mong muốn không thể cưỡng lại được là tìm mọi cách để vừa lòng các quý bà trong khi tạo lập cơ nghiệp ở triều đình và với lý do này, anh ta tìm kiếm một chức vụ để có thể cùng một lúc thoả mãn cả hai tham vọng của mình. Trong một lá thư gửi cho Voltaire, Reverdil viết rằng triều đình Đan Mạch, hơn tất cả những nơi khác, được thống trị bởi những kẻ ham tước vị." Có một câu ngạn ngữ ở Pháp khi người ta hỏi: Anh ta có phải là một người có học không? Ở Đức là: Liệu anh ta có xuất thân từ một gia đình tốt không? Ở Hà Lan: Thân phận anh ta ra sao? Nhưng ở Đan Mạch thì lại là: Tước hiệu của anh ta là gì? Ở đây, cuộc sống được đánh giá một cách cơ bản bằng tước vị. Dịch chuyển từ phòng này sang phòng khác đều được tiến hành bằng vị trí, ngồi xuống bàn ăn thì cũng thế, lũ bồi bàn và phục vụ dọn bát đĩa theo chức vụ và nếu như chúng ta gặp một người thông minh và tháo vát là người cuối cùng đi qua cửa, có nghĩa anh ta chẳng có chút chức tước gì và khi hỏi về anh ta thì câu trả lời sẽ là: anh ta chả là ai cả. Như vậy, anh sẽ là ai đó nếu như giữ chức vụ cao trong bộ máy nhưng chẳng làm gì cả mà chỉ là những kẻ ăn bám giữ khư khư tước vị của mình."

Tuy nhiên Enevold Brandt lại nhìn nhận mình như một nghệ sĩ; anh ta có một phong cách rất thoáng đạt, thổi sáo và đã thành công trong việc giành được tước hiệu giám đốc nhà hát, sau này có nghĩa là bộ trưởng văn hóa, và là ông lớn mặc áo thụng có quyền được xưng danh như Đức ông.

Không giống các vai khác, vai bộ trưởng văn hóa bao gồm những nhiệm vụ thực tế, mà điều này có nghĩa là quyền lực. Trong số đó có việc triệu tập các gánh hát Pháp cũng như tổ chức các hoạt động giải trí và vũ hội hóa trang trong cung đình. Anh ta cũng có ảnh hưởng như quyền được tiếp xúc với các quý cô trong các nhà hát, vốn đã trở thành một lý do cơ bản để thúc đẩy nghệ thuật của nhà hát.

Bậc thầy về sự vừa lòng chính là cái tước hiệu được tìm kiếm.

Brandt cũng quan tâm đến cuộc sống tình dục của Nhà vua. Một lý do là năm tháng sau lễ thành hôn của nhà vua Christian VII với Caroline Mathilde, giữa hai người vẫn chưa có được lần nào giao hợp cả.

Thật là ghê sợ.

Vào lúc đó, Brandt tổ chức một cuộc thi cưỡi ngựa trong cung đình. Để tổ chức người ta dựng lên một khán đài bằng gỗ để các thành viên trong triều đình có thể ngồi theo thứ tự tước vị của mình. Những hiệp sỹ mặc áo giáp cưỡi ngựa đứng sát nhau và nhiều trò chơi các loại được tổ chức.

Một trong những cuộc thi là các kỵ sỹ cầm thương lao đến những chiếc vòng treo lủng lẳng để đâm vào đó. Những cái vòng được treo bằng dây thừng đung đưa qua lại làm cho những kỵ sỹ rất vất vả.

Một người thi đấu đã đâm hai nhát nhưng trượt và chỉ sau nhát thứ ba mới thành công. Hồ hởi, anh ta quay ngựa lại giật lùi rồi giơ ngọn thương chĩa lên trên.

 

Hoàng hậu ngồi cạnh Đức vua Christian. Ngay phía sau là Enevold Brandt. Đằng sau Nhà vua là quan hướng đạo Guldberg; mà những tháng qua bằng một cách rất kỳ quặc nào đó ông ta đã di chuyển gần hơn vào trung tâm, mặc dù ông ta chả có gì đáng để ý cả.

Cặp vợ chồng hoàng  gia theo dõi trò chơi với khuôn mặt vô cảm. Christian, nếu ở vào hoàn cảnh khác có thể thấy hứng thú với lễ hội nhưng giờ đây như bị tê liệt với sự xấu hổ và căm ghét vì sự có mặt gần gũi của Hoàng hậu; nàng ngồi chỉ cách vài bước. Brandt cúi về phía trước thì thào bên tai Hoàng hậu:

- Tôi đang thấy rất vui nếu như mũi thương của hoàng gia tương đương với chiến thắng.

Lúc đó Hoàng hậu đứng phắt dậy bỏ đi.

Sau này, Guldberg hỏi Brandt rằng ông ta đã nói gì. Brandt kể lại đúng nội dung, Guldberg cũng chả hề trách cứ ông ta mà chỉ nói:

- Trong sự bối rối và hoảng loạn, Đức vua cần có  sự ủng hộ và giúp đỡ.

Brandt lại coi câu nói đó giống như một lời khuyên. Nhưng Guldberg vẫn là một gã vô tích sự. Liệu điều ấy có thể là một lời khuyên từ miệng của một gã chẳng có ý nghĩa gì?

Có thể Brandt đã nhìn thấy cặp mắt của ông ta.

 

Ngày hôm sau Hoàng hậu đang ngồi trên một chiếc ghế bành ở sân cung đình thì Christian tới, bước đi khoan thai.

Khi ngài đi ngang qua Hoàng hậu chẳng nói một lời, mà chỉ hơi cúi đầu, khẽ hỏi:

 

- Christian?

Ngài tỏ vẻ không nghe thấy gì cả.

Hoàng hậu nhắc lại bằng một giọng lớn hơn như thể quát lên:

- Christian!

Nhà vua chỉ bước đi nhanh hơn.

 

Thật ghê sợ, nhưng đó không phải là tất cả.

Trong chuyến đi thăm nước Anh, Fru von Plessen đã có một cuộc nói chuyện rất dài với mẹ của Caroline Mathilde. Họ đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Cung đình đầy những độc hại. Tình trạng vô đạo đức phát triển. Sự trong sáng cần được bảo vệ.

Rồi những tháng trôi qua, Fru von Plessen thấy mình ngày càng tận tụy đối với nàng Hoàng hậu trẻ. Họ đã có một mối quan hệ ngày một gắn kết bởi sự xa lánh của Nhà vua. Fru von Plessen không trách cứ sự lạnh lùng của Nhà vua. Ngược lại, bà ta thấy điều đó càng làm cho Hoàng hậu gắn bó với mình hơn, sự phụ thuộc và có lẽ thời gian tạo nên tình cảm yêu mến với mình.

Còn đối với Hoàng hậu, Fru von Plessen đã có một chiến thuật để quảng bá tình yêu của Đức vua và để phá vỡ bức tường không thể giải thích nổi bằng băng đá lúc này hình như xuất hiện giữa Nhà vua và Hoàng hậu. Hoàng hậu tỏ ra khó có thể tiếp cận được để thu hút tình yêu của ngài. Một sự kiện quyết định đã diễn ra năm tháng sau khi Hoàng hậu tới Đan Mạch.

Một buổi tối vào lúc 10 giờ, trước sự ngạc nhiên của mọi người, Christian bước vào căn phòng của Hoàng hậu nói ngài muốn gặp nàng trước khi nàng đi ngủ.

 

Mục đích của ngài thật quá rõ ràng.

Fru von Plessen lúc đó giải thích rằng Hoàng hậu đã tính sẽ chơi cờ với bà ta nên Christian sẽ phải đợi.

Họ bắt đầu chơi cờ.

Christian đi loanh quanh trong phòng với vẻ mặt ngày càng khó chịu, điều này làm cả hai người phụ nữ thấy vui. Vào lúc nửa đêm khi ván cờ kết thúc, theo lời khuyên thì thầm của Fru von Plessen, Hoàng hậu nói muốn chơi thêm ván nữa.

Fru von Plessen thông báo với Nhà vua "bằng một nụ cười đắc thắng". Nghe vậy, ngài rời ngay căn phòng vẻ giận dữ, đóng sầm cửa phía sau.

Hai tuần lễ sau đó, Nhà vua không thèm nói chuyện với Hoàng hậu. Mỗi khi gặp nhau, Nhà vua ngoảnh mặt đi nơi khác, không nói lời nào. Hoàng hậu cảm thấy thật tuyệt vọng và đối với Fru von Plessen là sự hằn học.

Chính điều này xảy ra sau sự kiện mà Guldberg đã nêu ở trên. Hoàng hậu nằm vật trên giường, tự hỏi vì sao Christian không chịu đến. Nàng cũng bảo Fru von Plessen đi chỗ khác. Và Hoàng hậu đã có cuộc nói chuyện không hay ấy với Guldberg, trong đó nàng hỏi về sự giải thoát khỏi ham muốn, sự trống trải, bình tĩnh và rồi nàng tựa người một cách đầy khiêu khích vào ông ta, phô bày bộ ngực để làm ông cảm thấy bị xâm phạm, đồng thời cũng nhận ra vẻ trắng trợn của cô ả gái điếm người Anh cùng sự nguy hiểm và nguồn gốc của tội lỗi ở người đàn bà này.

Ông ta đã thấy điều ấy. Đó là nguồn gốc.

Và sự việc đã xảy ra như vậy.

 

 

 

 

5

 

Cuối cùng người thuyết phục Christian phải chiến thắng nỗi sợ hãi của mình là Reverdil.

Ông ta van nài Christian phải vượt qua sự không thích của mình mà trở nên cứng rắn. Ví dụ như để làm tan đi những lời đồn đoán, để chứng minh rằng mình là một người đàn ông. Cuối ngày hôm đó, Reverdil thấy Christian ngồi trên nền nhà cùng với con chó của mình trước mặt, lẩm bẩm điều gì đó với con vật như thể đang giải thích một vấn đề quan trọng, còn con chó thì chăm chú nhìn vào mặt chủ.

Ngay đêm đó Christian đến thăm Hoàng hậu.

Cậu chả nói lời nào nhưng nàng đã hiểu.

Cậu ta giao hợp với đôi mắt nhắm nghiền trong cơn giận dữ.

Hoàng hậu trẻ tuối cố gắng vuốt ve tấm lưng trần gầy gò của Nhà vua  nhưng Nhà vua vẫn tiếp tục làm lơ. Chín tháng sau nàng sinh hạ một đứa con trai, Frederik.

Đó là lần duy nhất Nhà vua đến thăm nàng.

        

Nguồn: truyen8.mobi/t86310-chuyen-vieng-tham-cua-ngu-y-hoang-gia-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận