Chuyện Nỏ Thần Chương 9


Chương 9
Nhiều đám người lố nhố đi tới. Lũ lượt từng đàn trâu chen nhau.

Người cầm roi chạy tất tả dồn trâu vào bãi cỏ xanh mởn trước mặt. Mái hiên lợp lá gồi nhà công quán dựng cuối bãi, bên bờ sông Cái. Hôm ấy, ngày hội chọi trâu để chọn trâu thịt, nhà vua sắm sửa rước lễ rửa nỏ trên mặt thành. Các quan ra hội chọn trâu, áo chàm ống tay rộng, thắt lưng điều bỏ giọt, vai khoác nỏ, tóc búi chít ngược theo một dải khăn nâu sẫm. Trọng Thủy vái Đô Nồi:

- Tôi lại được lĩnh việc theo đức ông. Xin chỉ giáo cho.

Ông Đô Nồi nói:

- Việc các nơi đem nộp trâu thịt mừng hội rửa nỏ hằng năm vẫn theo lệ, không có gì khó. Người và trâu các cõi về ùn ùn vào bãi.

Trọng Thủy nói:

- Làng chạ đem trâu đến nhiều rồi kìa.

- Đấy là trâu đến chọi, chưa phải trâu nộp.

- Đức ông cho chọi trâu sao?

- Tục hội trâu chọi đã có lâu nay. Trâu cõi nào thua, cõi ấy phải gánh cả lệ nộp. Trâu khỏe để làm, trâu yếu mới thịt...

- À ...

- Phong tục con người, mỗi nơi khác nhau mọi nhẽ. Nước ông thi ngựa, bắn cung. Chúng tôi chọi trâu, đánh vật, đấu roi, bắn nỏ. áo chúng tôi buộc dải, khác áo khuy tết của các ông.

Những nhẽ ấy cũng chỉ thói thường trong thiên hạ. Lại một đám các quan xúm xít đi tới. Những chiếc quạt lá cọ cắt khéo che lên lẫn giữa những chiếc quạt lông đuôi công sặc sỡ với quạt lông trĩ trắng. Chỉ trông thấy chân ngựa, chân voi bước thong thả. Người trong thành đổ ra, xúm xít quanh xe, quanh kiệu, lũ lượt về xem chọi trâu. Đô Nồi nói:

- Ông ra đánh cồng cho các cõi biết lệnh mà đưa trâu vào bãi.

Trọng Thủy rụt rè:

- Tôi cũng chưa được học thứ bậc nổi cồng thế nào.

Đô Nồi đứng dậy, nhấc chiếc dùi đầu buộc núm da hổ. Một tay giơ cao chiếc cồng. Đô Nồi giọt thẳng cánh một hồi ba tiếng rồi lại trở vào ngồi chỗ cũ.

- Quả là tiếng cồng đức ông vang như tiếng trống trận.

Đô Nồi nói:

- Đây cũng là trống trận. Vào trận, cả voi cả trâu cứ nghe hiệu cồng hiệu chiêng mà tiến.

- Đức ông tài thật.

- Người trong thiên hạ đều tài năng trọn vẹn mà lại khác nhau. Các ông cưỡi ngựa chiến, đeo cung lớn, tên dài một sải.

Trọng Thủy cười nửa miệng:

- Vâng, cung một sải...

- Bắn như mưa rào.

Trọng Thủy lắc đầu:

- Nhưng không ví được với nỏ phương nam.

Đô Nồi lại nói:

- Năm trước, hai nước ta còn mắc họa binh lửa, tôi đã được biết cung tên các ông lợi hại thế nào.

Trọng Thủy nói khẽ:

- Chẳng thể đọ được với nỏ thần... nỏ thần... vâng, nỏ thần...

Đô Nồi bỗng lặng yên, chăm chắm nhìn Trọng Thủy:

- Nhưng mà... Ông là quan triều...

- Bấy nay, tôi đã được vào hàng thủ túc hầu vua chủ.

Đô Nồi nghiêm mặt:

- Đã biết vậy thì ông không được nói như thế. Hai tiếng nỏ thần là cấm kỵ. Ông phải biết giữ miệng. Mất đầu như bỡn đấy.

- Dạ, thật quả tôi không biết, tôi không biết.

Rồi Trọng Thủy ngơ ngác quay đi. Từng đàn trâu các phía đương lũ lượt ngổn ngang tới nữa. Giữa bãi đã dần dần đông nghịt những vòng người, lố nhố, nhấp nhô. Tiếng trống đồng rộn ràng, thúc giục. Rồi tiếng cồng nổi chen tiếng trống. Trong ồn ào sôi lên, hai con trâu ra giữa bãi, có hai người trai trẻ cởi trần, đóng khố điều, khăn chàm đầu rìu vắt vẻo ra theo. Một hiệu cồng vang rền. Hai con trâu giương cặp mắt ngầu đỏ, xô rập vào nhau. Tiếng reo dậy đất vang quanh bãi. Những chiếc sừng trâu bóng loáng, cong vắt, khóa nhau, cọ nghiến răng rắc. Những con mắt trợn lồi, đỏ như máu. Vế chân choãi doãng ra, như cột đá. Cả mình con trâu xô lên, rõ từng sợi lông dựng ngược mồ hôi vã như tắm. Thế mà cái đuôi trâu ngắn tun hủn vẫn thản nhiên, vắt vẻo, phe phẩy như thường. Hai con trâu ngang sức đã quỳ cả hai chân trước xuống. Bốn mỏm sừng vẫn gài như buộc vào nhau. Mõm mũi đen sì tuôn rớt dãi phều ra, nhả xuống bãi, trắng như bọt bể. Mọi người nhìn hau háu, hồi hộp. Bỗng chốc, một trâu không chịu nổi sức đẩy khủng khiếp chùng cả bốn khoeo, nghiêng đầu rút sừng, cong đuôi bồn ra ngoài. Vó cất khấp khểnh, bước đứng bước quỵ, lảo đảo. Bốn bên lại như sấm rền. Từng tiếng cồng thong thả. Tiếng cồng sau cùng ngân vừa dứt, tất cả các vòng người im chờ xem trâu cõi nào sắp vào bãi. Kìa hai con trâu đã hùng hục bước tới. Đi theo trâu, hai bô lão râu bạc như cước, áo nâu già, quần xắn móng lợn. Trâu Mi Linh trên đất đồi chọi với trâu kẻ bể Ninh Hải. Hai con trâu mới hung hăng, huỳnh huỵch xông vào nhau. Ông Đô Nồi oai nghiêm đứng trên thềm nhìn trâu chọi, tay điểm từng dùi trống. Tiếng đồng âm u rền giữa những tiếng reo cồn dậy bốn phía.

Những chiếc sừng cà vào nhau, đâm nhau, cài lại ràm rạp. Hai con trâu móp bụng thở, rớt rãi trắng nhễ nhại trên cỏ. Trâu các cõi vẫn đương đối địch nhau ngoài bãi. Trâu kén lấy thịt cứ từng đàn lũ lượt đi qua. Đô Nồi hất tay, bảo Trọng Thủy:

- Ông đếm, ông ra đếm. Cứ được đủ một bọn mười con thì cho dồn vào cổng thành.

Đàn trâu nhông nhông bồn qua. Đô Nồi hỏi:

- Quá trăm con chưa?

- Dạ, được.

- Lệ thế đủ rồi. Ông cho trâu cõi nào thắng được trở lại.

Các cõi trâu chọi rầm rầm đánh trâu về. Lại tưng bừng hội hát dọc đường. Quân quan đã lui hết, chỉ còn ngựa Đô Nồi thả bước một mình vào thành. Nhưng bụng Nồi hầu đương bồn chồn, không thảnh thơi như bước chân ngựa. Chỉ vì câu hỏi lúc nãy của Trọng Thủy về nỏ thần vẫn làm ông vương vấn. Mấy năm nay, bốn phương bình yên, thế mà mỗi khi trông thấy Trọng Thủy, ông lại áy náy. Tự nhiên, nhiều người cũng như ông. Thành thử, đương vui mà cứ đâm ra phấp phỏng. Ông Đô Nồi tự hỏi: ta quá lo hay là ta nghĩ không đúng. Không biết bàn bạc với ai. Cũng không biết lựa lời nói với vua chủ thế nào. Vua chủ vốn không ưa câu nói trái ý. Cũng vì thế mà các hàng quan triều cứ dần dà một vắng vẻ. Kể ra, nói nhẽ khác, cũng là phải. Lúc bình thời, quân quan về cõi, lo đồng bãi, lo tập tành, hằng năm lại vào các hội thi tài. Thói tục phép quân và việc làng xưa nay vẫn thế. Nhưng mà, khốn thay, không phải ai ra ở cõi cũng là do an bài theo nền nếp. Nhiều người phải đi, bởi không muốn gai mắt ở lại. Bởi sợ vua chủ không muốn nghe ai nói khác. Ba anh em Phạm Chung, Phạm Túc, Phạm Hòa đã lui về mở đất ngoài ngã ba sông Cái. Các ông Đinh Toán, Đinh Công Tuấn cũng lấy cớ vãn việc quân, xin ngược về quê trên ngọn nước. Anh em Cao Lỗ, Cao Tứ thình lình bỏ đi đâu không biết. Trong hàng quan ngày nay, những người theo vua chủ từ thuở gối đất, còn trơ trọi ba bố con ông Đô Nồi. Mỗi năm hội võ, lực sĩ các nơi về đông đảo, lại kén được vào hàng quan nhiều người trẻ, nhưng đám quan triều cũ thì cứ ngày một lơ thơ đi, chẳng còn mấy. Mà có những hầu, những tướng ở quan đã lâu, cũng có người bực bội, có người chán nản, đâm ra ham mê rong chơi, chè chén. Mấy năm rồi mà vẫn lại chỉ bố con ông Đô Nồi giơ tay cũng đẩy ngã các hàng quan thân cận. Mỗi lần các quan vào hội thử sức, chẳng còn hào hứng đâu. Những lo lắng ngổn ngang ấy dẫn ông Đô Nồi ruổi ngựa vào dinh vua chủ. Đô Nồi đã kể lại với vua chủ những điều mình nghĩ. Không thể dè dặt, phải nói hết. Vua Thục nghe, im, rồi nói:

- Thời thiên hạ rối loạn, lấy chiếc nỏ mũi tên làm trọng. Thời thái bình lấy hạt thóc ống cơm là giường mối. Các ông ra mở cõi, ta thật bụng nghĩ thế. Cốt đừng ai làm trái ta, dối ta. Bốn phương đã phẳng lặng, việc quân đã ngơi, quan quân về cày cuốc, lo tuần phòng, có chơi nhởi, say sưa cũng là điềm đất ta đã hết xao xuyến, khốn khổ. Còn như vua Triệu với ta thuở nay đã nên đôi bên thông hiếu.

Trọng Thủy được ở rể đây. Xá gì câu nói tò mò của đồ trẻ nhỏ cũng như mọi lời sàm báng sau lưng. Còn như ông đe nẹt Trọng Thủy thế là phải. Biết, chỉ có ta biết nỏ thần mà thôi. Đâu đấy tuân thủ nghiêm ngặt bao năm nay vẫn thế. Ông yên tâm về nghỉ. Đô Nồi không nói thế nào hơn được nữa. Con ngựa lại thong thả nhấc bước. Nhưng lòng người càng ngổn ngang nặng trĩu. Rồi chẳng bao lâu đã đến ngày hội rửa nỏ. Thuyền mảng người đi xem chen nhau ghé các bến quanh hào, cạnh dải bờ tre bao bọc tường thành. ở đôi chỗ trống, trông ra thấy dòng sông vươn mình đỏ ngầu. Trên mặt nước, những chiếc thuyền thúng tròng trành, người ngồi thả hai bàn tay, nhẹ nhàng chém nước. Những chiếc độc mộc đuôi cong mũi nhọn, mỗi bên mạn có tới năm mươi tay khoan thai chèo. Giữa thuyền, một ông già đứng, râu trắng bạc phơ bay bay. Trên tấm khố lục, khoác chiếc áo năm thân không dải, tay cầm hai thành xênh trúc. Tiếng xênh rộn rã nhịp cho các tay thoai thoải chèo. Trọng Thủy tựa cửa, đăm đăm nhìn ra mặt nước nhộn nhịp thuyền đổ người vào các bến cổng thành. Dòng sông cũng đương miên man đưa Trọng Thủy nghĩ lại về ngày ra đi. Tính đốt ngón tay, chốc đã bao năm rồi. Trọng Thủy nhớ lời cha dặn. Cái nhớ ấy vẫn nhớ. Nhưng quả thật có đậm có nhạt nổi chìm mỗi lúc. Có khi bối rối. Có khi lặng lờ. Nhưng mà nhớ vẫn nhớ.

- Con ơi! Đến chết cũng không nhắm được mắt.

- Vài năm nữa, dân tình nguôi nguôi cái sợ, ta lại mộ quân, luyện binh.

- Sức người chọi với thần thì bằng đem trứng chọi đá. Không được.

- ...

- Bao nhiêu đêm nay, cứ nửa đêm ta ra nhìn trời, bỗng thấy phải hẵng khoan việc binh.

- ...

- Không còn việc cánh cung, mà là việc đầu lưỡi. Chước này phải biết luỵ.

- Nhưng vua Thục đã rõ ta cạn quân rồi.

- Chim sẻ chim ri làm sao biết được chí chim hộc, chim hồng. Cái khó này chỉ mỗi một mình con gỡ được.

- Xin lĩnh mệnh cha.

Trọng Thủy vẫn đương bồi hồi nhớ lại. Nét mặt đau đớn sa sầm, có lúc tái ngắt. Có lúc tự dưng Trọng Thủy giơ tay sờ lên lằn khăn trên đầu rồi cúi nhìn tấm áo nhuộm vỏ dà rộng thùng thình. áo đất Kẻ Chủ mặc đã bao năm. Cũng bằng người ở đây rồi. Bất giác, Trọng Thủy thở dài, nặng nề não nuột cúi mặt xuống. Mỵ Châu nhấc mành bước ra. Trọng Thủy dường như không biết. Trọng Thủy vẫn mải nhìn ra dòng sông. Lại nghĩ đến những năm tháng đôi vợ chồng trẻ... Nghĩ đến lẫn lộn, hoảng hốt. Trọng Thủy giật mình, nhìn Mỵ Châu. Mỵ Châu không để ý, bước tới.

- Mình chưa đi hầu à?

Trọng Thủy bình tĩnh lại, lơ đãng:

- Chưa nghe tiếng chiêng mở cổng thành mà.

Mỵ Châu cười:

- Chiêng nổi mấy hồi rồi kia.

Trọng Thủy giảng giải:

- Đấy là chiêng giục nhấc rào cho thuyền các vạn ngoài sông vào. Sau mới đến lượt chiêng mở cổng thành cho các cõi xem hội.

Mỵ Châu nói:

- Mình nhớ lệ quá.

Trọng Thủy đếm ngón tay:

- Tám năm, ờ, tám năm rồi.

Mỵ Châu ngơ ngác:

- Mình sốt ruột a? Phải đếm từng năm a?

Trọng Thủy không nhìn Mỵ Châu, nói:

- Vợ chồng chỉ có một đời, làm gì có từng năm mà đếm được, tôi không... Giữa lúc ấy, dưới chân lầu, ngân ngư nổi một hồi trống.

Tiếng đồng âm vang dài xa mãi tận đằng kia. Mỵ Châu nói:

- Trống rước vua cha lên thành đấy. Mình ra theo hầu người đi.

Trọng Thủy bước xuống thềm, men theo một dãy tường phủ những dây móng rồng lá xanh dày. Cánh hoa móng rồng vàng muốt, cong cong như ngón tay búp măng. Những con sáo mỏ ngà đậu trên cành trúc trước mặt. Cả khoảng vườn đan thành chiếc lồng lớn, khiến cho sáo trong lồng ngỡ nhởn nhơ trong cây. Thấy bóng người, hai con chim sáo bay đến bụi trúc, cất tiếng nói:

- Nhà có khách! Nhà có khách! Khách! Khách!

Cả đàn chim sáo trong cây ríu rít nói theo: Nhà có khách! Nhà có khách! Trọng Thủy xăm xăm tới, mắm môi, kiễng chân, với tay lên đập mạnh một cái. Cả mấy con sáo rơi xuống đất. ở trong nhà chạy ra, Mỵ Châu kêu lên:

- Sao bỗng dưng giết chim thế?

Trọng Thủy hằm hằm nói:

- Ta là chủ, ta là chủ...

Mỵ Châu ngậm ngùi nhìn xác chim:

- Tội con chim học nói thôi. Hội rửa nỏ ngoài kia đã đương nhộn nhịp khắp đất Kẻ Chủ.

Chỉ còn có một mình Mỵ Châu ngẩn ngơ đứng đấy thương con chim chết. Người các nơi vào thành, mỗi lúc một đông. Mỗi nhà các làng ven nội đến các trường, nhà nào cũng làm cỗ cúng. Những thúng xôi trắng, xôi gấc, những vò rượu, mâm oản, rồi cả tảng thịt trâu thui, cả con lợn thui. Lại từng mẹt trầu không, cau tươi, một cây vỏ ăn trầu đỏ lịm dựng giữa ngã ba đường. Người đi qua nhặt ăn một khẩu trầu cho ấm miệng. Những bó hương đen nhả khói ngào ngạt. Đường cái bộn những người. Giữa ban ngày mà chốc lại thấy một bọn vác ngang cây liệu trên vai. Đuốc cháy, lửa phừn phựt, khói tuôn nghi ngút. Bọn ấy đã đi suốt sáng từ nơi xa về. Từng đám tụ lại các ngã ba ngã tư, nhường đường cho những toán quân rầm rộ trảy từ bốn phía chân thành vào. Những con ngựa chiến cao lớn bước nối nhau. Bộ cương bằng thừng nhuộm điều quấn quanh cổ, vòng xuống tận khấu đuôi. Những hàng quân đeo nỏ ngồi ngay chăm chắm trên lưng ngựa. Người nào cũng mình trần lưng ngực nổi vết xăm chàm vằn vèo. Hai cánh nỏ như hai tán quạt, thân nỏ dài đến mười đốt trúc. Một vai khoác ống tên che dưới lá khiên ken mây. Ngựa thong thả bước một, cứ nghe hồi cồng lại cất vó chồm lên. Rồi những thớt voi trận thủng thỉnh tới. Con voi gồ ghề như tảng đá. Trên đầu voi, người quản tượng ngồi vắt vẻo, cởi trần trùng trục, cũng khoác nỏ như quân cưỡi ngựa. Một tay quản tượng cầm chiếc vồ gõ một hồi chiêng xong rồi thẳng cánh bổ xuống đầu voi. Những con voi đương thủng thỉnh bỗng cất vòi, bồn vào làn bụi mù mịt. Ngoài cổng thành, thuyền mảng đậu chi chít như trải chiếu trên mặt nước liền vào tận chân cầu. Người chen nhau lên bến. Các cụ lão ông mặt đỏ như gấc, áo cởi phanh tơi tả, nghênh ngang như vừa ở đám cỗ bước ra theo con cháu đi hội. Các lão bà, chân đất, váy chàm. Các cô váy điều, váy hoa hiên tươi màu mở ra từng nếp. Trên khăn vuông, dải yếm, thắt lưng buộc theo những chiếc lông đuôi công tím biếc, lông trĩ trắng, lông chim trả hồng. Các cô nàng đi như có hoa rắc theo, như có đàn bướm giỡn lỏa tỏa quanh. Bọn người đương đi trên các ngả đường bị các đàn voi, đàn ngựa đẩy dồn lại, đứng bối rối, luống cuống chưa biết đi lên thế nào, lại thấy mỗi lúc mỗi đông những ông quan võ oai vệ áo giáp da trâu nhuộm lục che ngực, đai lưng thắt khóa đồng, tay cầm rìu đồng bước oai nghiêm. Người sấn đến xem lại phải giật lùi, giạt sang hai bên. Vừa có tiếng cồng rước vua chủ trong thành đi tới. Hai hàng đôi bên xách cồng là những cô gái vấn khăn chằm ngược, váy xắn cao.

Đội cồng dẹp đường cho vua chủ ra. Vua Thục mặc tấm áo vóc đỏ, buộc dải lụa. Voi đi giữa hai hàng quạt vả lông trĩ sặc sỡ che xuống hai bên bành voi. Quản tượng ngồi trước, giơ chiếc vồ gỗ tròn thu lu. Đằng sau, đến đám ngựa các quan rồi lại tiếp một lũ voi thồ. Trên lưng mỗi voi đặt cả chục cảnh rượu rửa nỏ. Người quản tượng quay lại cầm mảnh vải điều phủ xuống miệng những chiếc cảnh cao. Một con voi khiêng mâm chõng xôi trắng đơm đầy ngọn. Trên bày nguyên một con lợn thui. Quản tượng voi ấy đứng trên lưng voi cạnh chõng xôi ngự. Rồi đến một hàng ngựa quân hầu. Có người ôm trên tay một con gà chọi, đuôi dài lê thê. Lại một đoàn long đình tiến ra. Những chiếc kiệu che vải điều, tám người khiêng. Những chiếc xe trâu kéo bọc da gẫu đen tuyền, da báo loang lổ. Phân rõ ngôi thứ vợ vua, con vua. Lại những người khiêng chiếc kiệu gỗ che vải chàm, trên xếp cảnh rượu, mâm xôi, mâm thịt lợn thui, lợn luộc có cô nàng hầu ngồi ghé cầm quạt lá cọ che. Một ông quan lạc cưỡi ngựa đi đóng đám. Ông quan nhấc tù và khoác bên vai, nhìn lại quãng đường vừa đi qua, cất tiếng ốc gióng giả một hồi dài. Người hai bên đường ồ ra, ùn ùn chạy theo. Tiếng reo lẫn trong tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống đồng. Khói cây đình liệu cả giữa ban ngày vẫn lên ngùn ngụt. Từ mặt nước vào chân thành, vào các phường cứ đông ghế người lên. Những túp lều, những quán tre, không biết nhà ai, chòm nào phường nào mới dựng, chỉ sơ sài có mấy chiếc cọc trống mà cũng bộn người ngồi ăn trầu và từng bọn đứng hát xúm quanh. Bên kia, gió thổi ngả nghiêng bờ tre. Đông người quá. Những đàn bò trong bụi tre sợ đến vỡ tổ, bay hối hả qua mặt nước. Trên thành, suốt bốn mặt, dãy thềm đá đặt nỏ chạy dài sang tận góc đằng kia. Có đến hàng nghìn tay nỏ đã túc trực. Sau bệ, những đống trầm hương, đống quế được chất lên như gò củi. Khói nghi ngút thơm lừng. Mỗi quãng có một lực sĩ, tay cầm dựng cây đuốc. Lửa lên ngọn rừng rực giữa ban ngày. Ken quanh từng quãng đuốc, những cô gái đội cồng nghiêng người khoan thai giơ tay cầm dùi nghiêm trang gõ cổng. Những chiếc lông trĩ ngũ sắc óng ánh được gài vào đuôi mũi tên đã đặt lên mỗi máng nỏ. Bao nhiêu tay nỏ khố chàm cởi áo buộc xuống thắt lưng, lưng người nào cũng to một ôm như tượng đá. Mỗi tay quỳ một gối bên cánh nỏ. Hai mắt chăm chắm, đợi lệnh. Trước gối mỗi người đặt một cái kỷ. Trên mặt kỷ, lót tầu lá chuối, lù lù một đấu xôi nếp tím thẫm. Trên mỗi đấu xôi úp ngược bày một con gà luộc. Những mâm xôi trắng đầy có ngọn, cả con lợn thui vàng sẫm đặt trên mặt xôi. Vua Thục đứng giữa thềm đá trên mặt thành. Vua Thục cầm một sừng trâu rượu giơ lên. Tiếng cồng rền theo tay rượu. Các tay nỏ bốn mặt thành vùng phất dậy, rút chiếc sừng trâu giắt bên lưng, nhấc quai cảnh rượu đặt cạnh bệ, đổ đầy một sừng, rồi quỳ xuống. Trong tiếng cồng đánh đổ hồi, mỗi người dốc ngược sừng rượu vào giữa thân nỏ. Những chiếc vạc đồng đun rượu bắc trên những tảng đá. Lửa củi đỏ rực. Rượu hâm lại đã sôi sùng sục. Các cô đội cồng đến vục chiếc liễn sành da lươn vào múc rượu nóng, đem ra đổ vào từng sừng rượu cho các tay đô làm lễ rửa nỏ. Tiếng cồng nổi vang. Suốt chân thành, rung chuyển tiếng ngựa hí, tiếng voi gầm. Trọng Thủy chạy đến trước mặt vua Thục, quỳ phủ phục. Vua Thục ngước nhìn ra. Vua Thục xắn áo, với tay cầm một chiếc lao trúc, bước lại đầu tường thành. Ngọn lao buộc một túm lông chim trĩ màu rực rỡ phóng bay lên rồi rơi xuống mặt nước dưới kia. Như quả còn đuôi lua tua các màu cầu vồng. Lệnh cho nỏ bắn đã ban ra. Các mặt thành đã nhìn thấy mũi tên lông trĩ vua chủ ném xuống. Quân reo rầm rầm trong tiếng dây nỏ bật. Tên bay chíu chít, mặt sông bóng mờ như sương phủ. Những đàn ống bương lệnh nổ như sấm. Một ông lạc tướng, tay cầm dùi, tay giơ chiếc chiêng đại. Quang cảnh càng uy nghi, dồn dập. Tiếng chiêng rền vang. Lại một ông quan võ cầm chiêng lên. Tiếng chiêng nối tiếp, làm lệnh cho các làn nỏ bắn ra. Từng khoảng trên tường thành, mỗi khi nổi tiếng chiêng lệnh, nét mặt, ánh mắt quân quan lại kiêu hãnh nhìn nhau. Trọng Thủy quỳ rạp trước vua Thục:

- Xin vua chủ cho lệnh.

Lúc ấy, có những con mắt trợn ngược dưới làn trán díu nhìn sang Trọng Thủy rồi lại quay ngoắt đi. Chiêng vẫn rền vang. Những tay nỏ thoăn thoắt rút tên trong ống, tì thân nỏ trên tấm ngực trần, thả chiếc tên vào máng, làn cây bật liên tiếp theo nhịp chiêng thúc. Những mũi tên lủa tủa nối nhau đến lóa mắt, xám trắng như bụi, như khói, lan mờ trên mặt nước. Tiếng người reo, tiếng ngựa hí. Hội rửa nỏ rầm rộ nhất khi đến những quãng chiêng thúc nỏ bắn dồn dập này. Vua Thục oai phong đứng giữa bao nhiêu rộn rã, tiếng quan sôi nổi bốn bề. Nhớ lại, những cái lo, cái ngại, cái nghi của anh em Đô Lỗ, lúc này cứ làm lửa giận bừng bừng. Cả nghìn voi ngựa vào trận, cả vạn tay nỏ một lúc bật cánh, đến mặt trăng cũng phải thủng. Uy dũng nhường kia mà chúng họ vẫn ngơ ngác thảng thốt như ngày còn bơ vơ trốn lủi ngoài nghìn dặm, phải nhổ nước bọt đánh dấu đi nhanh đi chậm. Thủ túc ta bạc nhược quá rồi. Phải đâu ta sao nhãng việc quân. Không, quanh năm ta đi tuần thú cõi ngoài, lặn lội đến những nơi thật hiểm, bây giờ vẫn như ngày trước. Việc quân, việc đồng bãi. Kho tàng, binh lương lúc nào cũng ăm ắp. Mũi giáo, mũi lao, lưỡi rìu, tên ba cạnh múi khế, áo giáp da trâu đủ dùng mười cõi. Đâu đấy nghiêm ngặt ngày đêm sẵn sàng. Ai chểnh mảng, khác mắt, bất kể người ngồi chiếu nào, đều phải chịu tội phạt trượng rồi điệu xuống làm quân vào rừng bắt voi, bắt ngựa. Chẳng một lúc ta ngơi tay, ngơi nghỉ đâu. Mới cả tháng vừa rồi, ra ngồi thuyền xem quân thủy luyện nỏ suốt cửa sông Cái, rồi về thẳng đây dự hội rửa nỏ này. Giận thay, giận thay. Chân tay ta có người đã thảng thốt, mỏi mệt mất rồi. Nhưng ta thì không. Vua Thục cứ vừa đăm chiêu lại vừa hào hứng nghĩ thế. Quân trên các mặt thành trảy xuống các đường vòng thành gập ghềnh, cuồn cuộn. Tan lễ rửa nỏ ở đây, hội bắt đầu về các phường ra tới ven nội. Suốt đêm ba mươi, cơ chừng trời đất Kẻ Nhồi, Kẻ Vang, Kẻ Chủ này thành sáng trăng đến sáng. Đô Nồi bước tới trước mặt vua chủ. Vua chủ hỏi:

- Ông chưa về hội vui trong thành, còn ở đây làm gì?

Đô Nồi nhìn vua chủ vẫn đương ngoảnh mặt ra ngắm những đoàn quân rầm rộ xuống bậc thành quanh co, rào rào như nước lũ réo. Tiếng chiêng hội đã nổi rền lan khắp các phường xa xa. Đô Nồi bỗng xẵng giọng, hằm hằm nói:

- Hết người rồi sao, cả lớp quan lạc vừa tuyển hội võ năm nay không được người nào sao mà vua chủ lại để đứa con tin vào dâng lời xin mở lễ rửa nỏ!

Vua Thục quay lại nhìn Đô Nồi, như ngạc nhiên về câu nói bộc trực. Tiếng vua Thục bỗng vang như chiêng gióng:

- Chỉ quanh quẩn những tiểu tiết vặt vãnh ấy, thế thì làm tướng lo đại sự thế nào! Ông đã biết rồi, đến đêm nay mới là chính lễ rửa nỏ thần. Một mình ta sắp lên thành cấm, chỉ có một mình ta với trời đất trên thành cấm. Đấy mới là việc trọng nhất cõi. Mà ông không được nói xàm.

Trọng Thủy nay là người trong nhà... Rồi vua Thục nghiêm mặt:

- Ra ngay! Đô Nồi cúi mặt, bước lùi. Đêm ấy, gọi hai tướng Đống, tướng Vực đến.

Ông Đô Nồi khóc mà nói:

- Vua chủ ta lẫn lộn mất rồi. Trong thành Kẻ Chủ vẫn đương hội vui.

Hôm sau, vợ chồng con cái ông Đô Nồi trở về Chiêm Trạch.

 

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/51659


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận