Thằng Minh rủ mình làm một cuộc triển lãm tranh vào dịp cuối năm. Nó hẹn mình đến một quán nhậu sang trọng buổi trưa. Mình ái ngại, thôi cứ ngồi ở Nguyễn Du rượu thuốc là được rồi! Không, tôi không muốn cho chúng nó biết sớm! Mình phì cười, văn nghệ đã mở cửa được hơn chục năm rồi có gì mà phải giấu! Chính vì mấy năm nay quảng cáo ồn ào mà triển lãm luôn thất bại, tôi với ông gặp rồi bàn cụ thể, nhà hàng Lẩu nấm Hàn Quốc ở cuối đường Mai Hắc Đế nhé!
Mình vắt óc cũng không thể tưởng tượng ra con phố Mai Hắc Đế ngày nào hiu hắt êm đềm là thế. Những cây bàng cằn cỗi phủ bóng rợp xuống nóc phố ngói nâu lồi lõm như quang cảnh một thị trấn mạn ngược. Con phố duy nhất có những ngôi nhà kiên cố thò ra chiếm hết vỉa hè. Người Pháp dù rất nghiêm cẩn trong qui hoạch phố phường cũng đành phải chấp nhận một lịch sử để lại những ngôi nhà từ khi chưa có phố. Gượng gạo đặt một cái tên tây cho đúng luật gọi là Rue Charron(?) chạy qua đất hai thôn Giáo Phường và Phúc Lâm Tiểu. Thực ra thì Mai Hắc Đế là tên phố được đặt lại sau hòa bình. Tên của một lãnh tụ nông dân nổi lên ở miền Nghệ Tĩnh tự xưng vương đánh đuổi thái thú đô hộ phủ Tống Bình nhà Đường là Quách Sở Khách vào năm 722. Câu chuyện Mai Thúc Loan Hắc Đế là thủ lĩnh của đám nông phu gánh vải sang cống nạp nhà Đường bên Trung Quốc cho đến bây giờ vẫn còn là một nghi án lịch sử. Quả vải tươi ngày nay dù có được nhúng nước o-zon của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cũng không thể chịu đựng nổi quãng đường vận chuyển hàng mấy tháng trời gánh bộ. Nhưng cũng chẳng sao cả. Quả vải thiều là có thật ở ViệtNammà Trung Hoa chưa bao giờ trồng được. Mai Thúc Loan cũng là người thật. Làm thế nào để ông ấy gánh được quả vải tươi sang triều cống là việc của các nhà nghiên cứu lịch sử.
Hơn nghìn năm sau Phủ Tống Bình trở thành Hà Nội ngày nay. Người ta nhớ đến công lao của vị “thị trưởng” người Việt đầu tiên Mai Hắc Đế mà đặt tên cho phố. Phố Mai Hắc Đế ngày nhỏ mình biết là nơi cư trú của vài nghệ nhân sơn mài nổi tiếng. Thậm chí anh em ông Châu, ông Thái “phỉ” còn như những tác giả thứ hai trong các tác phẩm sơn mài vàng son lộng lẫy của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Sau này các ông không giúp thể hiện tranh sơn mài cho họa sĩ nữa thì chính Trần Văn Cẩn cũng không bao giờ tìm lại được “vàng son một thủa” trong sáng tác của mình.
Mình chạy xe máy từ Trần Nhân Tông rẽ vào đầu phố Mai Hắc Đế. Vượt qua cơ man nào là hàng quần áo thời trang phủ kín mặt phố. Rồi đến những hàng ăn uống sặc sỡ biển hiệu. Hàng cắt tóc gội đầu và quán Karaoke. Con phố lột xác để trở thành một trung tâm dịch vụ mua sắm ăn chơi lè phè với lượng người qua lại luôn trong tình trạng ứ nghẹn. Những góc bình lặng cuối cùng trong thành phố như con phố nhỏ Mai Hắc đế này đã bị cuốn phăng theo dòng chảy phố phường bát nháo xô bồ. Nó đã giống hệt những con phố khác. Nó là phố khác.
Mình dừng xe ở quán Lẩu nấm Hàn Quốc có tấm biển hiệu màu gạch non diêm dúa. Cậu bảo vệ đón tay lái xe máy từ tay mình đạp chân chống quay một vòng ngọt lịm đẩy xe lên hè. Tiếp viên nữ trong bộ đồng phục váy xanh áo trắng dịu dàng, anh Minh đang chờ anh trên tầng hai! Mình theo chân cô ấy lên thang gác. Minh đã ngồi sẵn bên chiếc bàn kê sát cửa sổ. Nó cười cười nhìn mình, ngồi sát cửa có view đẹp! Nó nói đúng. Diện mạo con phố sau lớp cửa kính dày im lìm khác hẳn với những gì mình vừa len lỏi thoát qua. Cái nhốn nháo câm lặng của một bể cá cảnh đầy màu sắc sinh động. Những cây bàng khúc khuỷu cụt ngọn chĩa ra những cành ngang ngớ ngẩn như cây giả. Những chiếc ô tô sang trọng nhích từng bước một an toàn như người đi bộ. Những xe máy đủ màu phun khói vờn quanh như một cuộc tiễn đưa chùng chình tiếc nuối. Những gương mặt không có bất kì giao cảm nào với những gương mặt khác. Con phố như một dòng sông dài miên man bất tận. Cảm ơn tấm cửa kính. Cảm ơn bức tường cản âm không làm mất đi khoái cảm thị giác của mình.
Minh gọi món nướng và rượu dừa Chân Tiên. Cũng vẫn là công thức ủ rượu “cuốc lủi” cho vào quả dừa để lên men mà thôi. Nhàn nhạt và ấm nóng như Sake Nhật Bản. Ung ủng mùi cơm dừa ngầy ngậy xà phòng. Lại lẩn nhẩn những xác dừa khá khó uống. Nhưng căn cứ vào giá tiền có thể biết chắc nó còn hơn rượu thuốc hàng ngày. Nữ tiếp viên lực lưỡng trong chiếc áo sơ mi trắng chật căng cúi xuống bật nút bếp ga dưới gầm bàn. Mình hoa mắt vì ngoài quả dừa đựng rượu nâu bóng tròn căng thơm nức mùi men nếp để trên mép bàn còn có thêm hai quả nữa cạnh đấy. Nhạt mùi.
Thằng Minh nói với mình câu chuyện có lẽ đã được nó chuẩn bị kĩ càng. Cũng là lần đầu tiên sau vài chục năm biết nó mình mới chuyện trò tạm gọi là có nội dung. Những lần khác ở chỗ đông người thực ra mình và nó chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Câu chuyện ở những chỗ ấy cũng không bao giờ là chuyện riêng tư cho dù luôn là những chuyện đề cập đến việc chỉ hai người một đàn ông và một đàn bà biết được.
Minh có chút đắn đo cho một khởi đầu câu chuyện, ông thấy có nên quyết định mở một triển lãm tranh thật qui mô và bất ngờ không? Mình khuyến khí ch nó,
Đúng thế, thằng Minh bắt đầu nói về những kế hoạch cụ thể, tôi và ông mang tiếng cầm bút đã lâu năm mà chưa có chút gì ra mắt với đồng nghiệp kể cũng không phải. Rất dễ làm người ta tưởng nhầm chúng mình chỉ chúi mũi vào việc kiếm sống. Ông làm đồ họa sách báo là để sống. Tôi làm nội thất cũng là kiếm sống mà thôi. Ông có nhiều năm vẽ minh họa báo chí, giỏi vẽ con người. Tôi nhiều năm làm nội thất sở trường vẽ phong cảnh. Ta kết hợp bày một triển lãm sẽ tăng phần sinh động ở đề tài và lối vẽ. Tôi nghĩ sự kết hợp này cũng là một tìm tòi mới trong việc bày triển lãm! Mình lo lắng hỏi nó, ông đã có bao nhiêu bức rồi, tôi bây giờ vẫn là một con số không tròn trĩnh? Đừng ngại, tôi cũng chưa vẽ bức nào nhưng để có hai chục bức mang bày thì với tôi là điều không quá khó. Tôi tin ông còn nhiều khả năng và thời gian hơn tôi!
Hắn chăm chú lắng nghe và có phần chán nản. Nghệ thuật đâu đến lượt các ông? Rồi sẽ lại chìm nghỉm như muôn vàn triển lãm diễn ra hàng ngày ở thành phố mà thôi. Triển lãm tranh mấy năm nay thành công không còn nằm ở tác phẩm cụ thể nữa. Nó cần có một bước chuẩn bị qui mô cho việc quảng cáo. Nó phải được các nhà phê bình nghệ thuật xúm vào tung hô. Phải có Mạnh Thường Quân đỡ đầu đứng ra mua tác phẩm. Phải có các gallery nhộn nhịp ra vào tạo không khí bán mua dù là giả tạo. Vài họa sĩ còn có thêm sáng kiến gửi tiền nhờ các gallery mua hộ tranh của chính mình. Hoặc xuất thân nghệ sĩ phải có gì đó đặc biệt tựa như giàu có chẳng hạn. Như chủ quán cơm chán việc đứng ghi hóa đơn thanh toán bỏ sang sáng tác hội họa. Như nhà thơ nhà văn hay nghệ sĩ biểu diễn thành đạt nổi tiếng chuyển sang vẽ giải trí. Cao Hành Kiện chẳng đã làm như thế là gì. Cả Bob Dylan nữa. Tuy Bob cũng hơi mang tiếng “đạo ảnh” của một tác giả ít tên tuổi khác để vẽ thành tranh của mình. Nhưng chẳng sao. Tranh và nhiếp ảnh là hai loại hình nghệ thuật khác nhau. Và Bob Dylan tuyệt đối không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh thấp cổ bé họng vô danh nào đó.
Họa sĩ mấy năm nay còn không ít người thành công bởi có những phát biểu kinh thiên động địa trên truyền thông đại chúng. Nơi mà sự am hiểu nghệ thuật tạo hình luôn là số 0 nếu như không muốn nói rằng đứng trước số 0 ấy là nhiều số 0 khác. Địa điểm mà họ đưa ra những lời phát biểu ấy lại hiếm khi hiu hắt như buổi khai mạc một triển lãm. Thường thì nó gắn với sự kiện biểu diễn hoặc khai trương những nhà hàng khách sạn sang trọng. Hắn đã đọc được trên báo chí vô số những lời lẽ khoa trương xủng xoảng câu chữ về những khái niệm hiện đại của nghệ thuật tạo hình. Những trình diễn, sắp đặt, tối giản, video art và concept. Những chi lưu của nghệ thuật tạo hình luôn đưa con người vào hoang mang huyền hoặc vô bờ bến. Cái đẹp chỉ còn lẩn khuất thân phận đâu đó trong bộn bề tác phẩm. Như thế mới là thời thượng. Thời thượng thì thành công và thành công phải thời thượng.
Hắn nhớ đến cuộc triển lãm cá nhân gần đây nhất của mình. Đã sáu năm rồi. Một thành công cay đắng chìm khuất trong vô vàn thành công của các đồng nghiệp. Người xem được chia làm hai loại. Nhưng vẫn chỉ là một mà thôi. Họ cùng quan tâm đến loại tranh ở đẳng cấp thấp. Loại thứ nhất là chủ các gallery tập tọng vào nghề chuyên đi săn lùng tranh giá rẻ. Loại thứ hai xuýt xoa khen ngợi những bức tranh phong cảnh tĩnh vật vẽ theo lối hiện thực. Những tác phẩm vẽ về con người đầy công phu và nhiệt huyết gần như không ai tỏ ý quan tâm. Hắn chán nản bán cả mớ gần hết phòng triển lãm cho một gallery mới mở.
Hắn nghĩ rằng cái đám họa sĩ lìu tìu hàng ngày lê la quán rượu thuốc tốt nhất nên yên ổn chú tâm vào việc kiếm sống mà thôi. Đã chẳng giàu có lại là những kẻ rất kém quan hệ bởi cái tính tự phụ của mình. Không những chẳng ưa gì các nhà lí luận phê bình mĩ thuật mà còn rất dị ứng với những phát ngôn thời thượng. Kiếm tiền thì có gì là xấu. Không nhất thiết ai ai học vẽ cũng phải trở thành họa sĩ sáng tác.
*
Mình không nghĩ thế. Ít nhất ở thành phố cũng còn có hơn một người không nghĩ thế. Với tay nghề của mình và thằng Minh được học hành qui củ chẳng lẽ cứ giương mắt ngồi nhìn thiên hạ múa may. Mình và nó không giàu nhưng để sắm sanh vật liệu cho việc vẽ là chuyện quá nhỏ. Sơn và toan bày bán ê hề trên phố. Học sinh các trường mĩ thuật tiêu tiền phụ huynh cũng có thể mua chẳng thiếu
thứ gì.
Mình hào hứng rót thêm rượu từ quả dừa ra hai chiếc chén đứng thành. Hai thằng nâng cốc im lặng. Đọc trên nét mặt thằng Minh mình thấy một quyết tâm sôi sục ghê gớm. Trong cái quyết tâm ấy hình như còn có một nỗi ân hận nặng nề về quãng thời gian quá dài hoang phí cho những việc vô bổ khác. Mình rụt rè bàn với nó, có lẽ phải mua một chiếc máy ảnh, tài liệu kí họa bao nhiêu năm chuyển nhà dọn dẹp rơi vãi mất cả rồi! Nó tán thành, phải đấy, bây giờ thì mình thừa sức vẽ theo ảnh, thậm chí có thể vẽ theo trí nhớ chỉ lấy ảnh làm gợi ý! Tự nhiên mình chợt thấy khoảng cách giữa mình và nó thu hẹp lại. Có bao nhiêu người ở thành phố cùng nghĩ về một công việc xa vời như thế mình cũng không biết nữa. Có thể đó là cách làm cho dân phố dễ gần nhau nhất. Nhưng cũng nhận ra rằng khoảng cách giữa mình và lũ bạn rượu ngoài quán chợt giãn ra. Thằng Thắng, thằng Quân mà nghe được chuyện này hẳn nhiên sẽ phải nén cười ngán ngẩm.
Lần đầu tiên trong đời hắn bước chân từ quán rượu về nhà trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Cái thứ nước dừa lên men hắn biết chắc có phần pha thêm rượu trắng ở quán này vẫn chưa đủ độ cồn để có thể gọi là rượu. Chia tay thằng Minh, hắn chầm chậm lách xe rẽ sang phố Huế. Đường một chiều khá thoáng dù rằng hướng đi của nó không phải là lối về gần nhất. Và quan trọng hơn, hắn sẽ rẽ vào đường Trần Nhân Tông ngắm hàng cây bồ đề mùa này đang mướt xanh như ngọc. Đoạn phố chưa đầy trăm mét trước cửa trường Tây Sơn có đến hơn chục gốc bồ đề già nua bình thản đứng. Hàng cây như như một bức tường lá chắn ngang những bon chen sôi sục phố phường. Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần đi qua bức tường lá ấy hắn cũng thấy lòng thanh thản vợi đi rất nhiều những buồn phiền giăng mắc trong tâm tưởng.