... trần truồng
Là vẻ đẹp ta vừa mới lôi ra từ giấc ngủ.
Racine (Britanicus, màn 2, hồi 2)
Sáng hôm sau thức dậy sau một giấc ngủ nặng nề như say rượu, Lebrac chậm chạp duỗi người trong cảm giác thắt lưng đã bầm giập còn bụng thì đói cồn cào.
Nó nhớ lại chuyện hôm qua và đỏ mặt như có luồng hơi nóng xông lên đầu.
Áo quần nó vứt bừa bãi dưới chân giường và khắp phòng là bằng chứng về nỗi đau đớn thâm sâu mà chủ của chúng đã phải hứng chịu trước khi cởi bỏ chúng.
Lebrac ngẫm nghĩ chắc ông bố đã nguôi giận sau một đêm ngủ đẫy giấc. Nó đoán giờ giấc qua tiếng ồn ào trong nhà và ngoài phố. Lũ bò đã từ máng nước trở về, mẹ nó đang đổ thức ăn vào máng cho chúng. Đã đến lúc phải dậy để làm những việc sáng Chủ nhật nào nó cũng phải làm, nếu không muốn bị trừng phạt nặng hơn, đó là chùi sạch và đánh bóng năm đôi giày của cả nhà, chất đầy củi vào giỏ và lấy nước đầy bình tưới.
Lebrac nhảy ra khỏi giường, chụp mũ lên đầu. Rồi hai bàn tay nó sờ nắn cái mông đau rát. Vì không có gương để soi nên nó cố hết sức ngoái cổ nhìn qua vai:
Mông nó đỏ và nhiều lằn tím.
Phải chăng đó là vết roi của thằng Mặt Bánh đúc? Hay của bố nó? Có lẽ của cả hai.
Nó lại đỏ bừng mặt tới tận chân tóc vì nhục nhã và giận dữ:
Bọn Velrans khốn kiếp! Chúng sẽ phải đền món nợ này!
Ngay sau đó, nó xỏ tất rồi tìm chiếc quần cũ nó vẫn mặc khi phải làm những việc có thể khiến quần áo đẹp bị bẩn và hỏng. Nhè ngay hôm nay mới tức chứ! Nhưng nó không băn khoăn gì về sự trớ trêu của hoàn cảnh mà đi xuống bếp.
Lợi dụng lúc mẹ nó không có ở đấy, nó thuổng trong chạn một khúc bánh mì dày, giấu trong túi quần, thỉnh thoảng gặm một miếng to, nhai muốn trẹo quai hàm. Rồi nó lôi giày ra, ra sức chải như thể chiều hôm qua không có chuyện gì xảy ra cả.
Bố nó vừa treo roi ngựa lên cái móc sắt ở cây cột đá ngay chính giữa nhà bếp vừa nghiêm khắc liếc nhanh nó một cái khi đi qua nhưng không hé môi nói lời nào.
Còn bà mẹ, sau khi nó đã xong việc và ăn một đĩa xúp lót dạ, trông chừng nó làm vệ sinh thân thể ngày Chủ nhật.
Cần phải nói rằng Lebrac cũng giống như phần lớn lũ bạn nó - trừ thằng La Crique - có mối quan hệ rất xa xôi, nghĩa là không gần gũi, với nước; nó sợ nước y như con mèo Mitis của nhà nó. Nó chỉ thực sự ưa nước trong các con rãnh là nơi nó rất thích lội bì bõm cũng như nước tạo ra lực đẩy làm quay cái cối xay nhỏ với gàu do nó tự tạo có trục bằng gỗ cây cơm cháy và lá guồng bằng gỗ phỉ.
Ngay cả trong tuần, mặc cho bố Simon nổi cơn thịnh nộ nó cũng không bao giờ tắm táp mà chỉ rửa hai bàn tay là thứ phải chìa ra để ông kiểm tra xem có sạch sẽ hay không, hơn nữa nó thường dùng cát thay vì xà phòng. Nhưng ngày Chủ nhật thì nó phải nghiến răng cau có chịu trận. Mẹ nó dùng một miếng giẻ thô bằng vải bông không hồ đã thấm nước và xát xà phòng, mạnh tay kỳ cọ mặt, cổ và tai nó. Bên trong lỗ tai mẹ nó cũng không nương nhẹ tí nào với một góc khăn ướt xoắn lại như cái khoan. Sáng hôm nay Lebrac không hề dám kêu la phản đối. Sau khi thắng bộ cánh cho ngày Chủ nhật nó được phép ra khỏi nhà vào hồi chuông thánh lễ thứ hai, song bố mẹ nó mỉa mai chứ không hề giữ lịch sự cảnh báo nó rằng chỉ cần thêm một lần như hôm qua thôi, thì...
Cả đạo quân Longeverne đã tụ họp đầy đủ. Các chiến binh trò chuyện huyên thuyên, kiểm điểm lần nữa về trận thất bại và thấp thỏm chờ đợi chủ tướng.
Những á nh mắt long lanh nhìn Lebrac như thầm hỏi han khiến nó bồi hồi xúc động, nhưng nó vẫn đi tới gặp đám lính của mình một cách thản nhiên.
“Ừ,” nó nói, “tao bị một trận tơi bời hoa lá. Nhưng đã sao! Đâu chết được. Rõ ràng tao có mặt ở đây. Tuy nhiên mình còn thiếu nợ bọn kia và chúng sẽ phải trả mình.”
Cách nói này, thoạt tiên có vẻ chẳng logic gì với người ngoài cuộc, nhưng lại được cả lũ chấp nhận ngay, vì chúng vỗ tay tán thưởng.
“Cứ thế này thì không được!” Lebrac nói tiếp. “Không, mình nhất định phải nghĩ ra kế gì đấy. Tao không muốn về nhà ăn đòn lần nữa, vì trước hết tao sẽ bị cấm ra khỏi nhà, hơn nữa mình phải bắt bọn chúng trả món nợ hôm qua. Mình phải cân nhắc trong buổi thánh lễ rồi chiều nay mình thảo luận chuyện này lần nữa.”
Ngay lúc ấy đám con gái đi ngang qua. Chúng cũng cùng nhau đi lễ. Khi đi qua sân nhà thờ chúng đưa mắt tò mò nhìn Lebrac “để xem bộ dạng nó giờ thế nào”; vì chúng cũng hay tin tình hình chiến trận và qua anh em ruột hay anh em họ của mình mà biết rằng hôm qua, chủ tướng, dù ngoan cường chống trả, vẫn phải chịu số phận kẻ chiến bại và về nhà trong tình trạng thiểu não áo quần tơi tả.
Lebrac không phải là đứa nhút nhát, nhưng những tia mắt hừng hực lửa kia khiến nó đỏ mặt tía tai. Niềm tự hào của thằng con trai làm thủ lĩnh bị tổn thương ghê gớm qua trận chiến bại và nỗi nhục nhã tạm thời kia, và nó càng thấy khốn khổ hơn nữa khi bạn gái của nó, em thằng Tintin, nhìn nó âu yếm đến tuyệt vọng, một cái nhìn buồn bã, lo lắng, ướt át và dịu dàng, như nói với nó một cách đầy thuyết phục rằng cô bé chia sẻ sâu sắc sự không may của nó và dù thế nào thì cô cũng vẫn dành tình cảm thiết tha cho kẻ đã được trái tim cô lựa chọn.
Nhưng dấu hiệu mến thương rõ rệt kia không làm Lebrac yên tâm. Nó muốn gây được ấn tượng tốt trong mắt cô bạn bằng mọi giá cơ. Cho nên nó bỏ đám bạn lại, kéo tay Tintin ra chỗ khác rồi hỏi khi hai đứa mặt đối mặt:
“Ít nhất mày cũng kể cho em mày sự vụ đúng như thật chứ?”
“Dĩ nhiên!” thằng kia cam đoan. “Nó khóc toáng lên vì tức giận; nó còn bảo nếu thằng Mặt Bánh đúc lọt vào tay nó thì sẽ bị nó móc mắt.”
“Thế mày có nói rằng sở dĩ thế chỉ bởi vì tao muốn cứu thằng Camus và bọn chúng chẳng đời nào bắt được tao nếu tụi bay nhanh chân hơn một chút không?”
“Có chứ! Tao kể nó nghe hết mọi chuyện! Thậm chí tao còn kể rằng suốt trong lúc bị chúng nó hành hạ mày không ứa một giọt nước mắt và cuối cùng mày còn chổng mông vào chúng nó nữa. Chà, nó ngạc nhiên quá chừng! Marie thích mày lắm đấy, cứ tin đi. Nó còn nhờ tao hôn mày, nhưng giữa chúng ta, mày biết đấy, giữa đàn ông với nhau thì đâu có được, kỳ cục lắm! Nhưng cái chính là mày biết nó nghĩ thế nào! Chậc, bồ tèo ơi, phụ nữ mà... khi họ yêu... Nó còn bảo rằng nếu rảnh thì lần tới nó sẽ cố gắng theo sau bọn mình để đính lại cúc cho mày trong trường hợp mày bị chúng tóm lần nữa.”
“Bố khỉ! Còn lâu chúng mới tóm được tao lần nữa!” Lebrac thề. Nhưng nó rất xúc động.
“Bảo em mày rằng lúc nào lại đi chợ phiên ở Vercel tao sẽ mang về cho cô bé một cái bánh quế, không phải thứ nhỏ đâu, thứ thật to cơ. Mày biết loại bánh giá sáu xu một cái, hai bên có viết châm ngôn ấy.”
“Ồ, Marie sẽ vui lắm khi nghe tao kể,” Tintin cả quyết. Nó xao xuyến nghĩ ngay tới chuyện em nó vẫn chia cho nó những món tráng miệng. Thành thử nó lộ tẩy khi nói thêm trong cơn hào hứng:
“Có thể ba đứa mình sẽ cùng ăn cái bánh quế ấy.”
“Tao đâu định mua cho mày hay cho tao, mà mua cho cô bé!”
“Ừ, tao biết, phải rồi! Nhưng mày biết đấy... tao chỉ chợt nghĩ rằng có thể nó sẽ làm thế!”
“Dầu vậy cũng không được,” Lebrac trầm ngâm đáp. Rồi chúng vào nhà thờ trong tiếng chuông gióng giả.
Mỗi đứa con trai tới ngồi ở chỗ mà chúng - do thỏa thuận, do uy tín cá nhân hay do sức mạnh của nắm đấm - đã giành được qua bàn cãi lâu dài hay nhanh chóng hay qua đọ sức (những chỗ ngon lành nhất ở ngay kế bên dãy ghế của đám con gái). Rồi đứa này móc túi lấy ra tràng hạt, đứa kia một quyển sách kinh, đứa khác một bức ảnh thánh cho có vẻ “thích hợp”.
Lebrac, giống như bọn kia, móc túi áo khoác lấy ra một quyển sách kinh cũ kỹ, bìa da sờn mòn, chữ thật to, di vật của một người bà mắt kém, và mở bừa một trang nào đấy, chỉ để cho có vẻ, khỏi bị trách.
Nó chẳng quan tâm gì tới bài kinh đến nỗi cầm ngược quyển sách, và trong lúc nhìn đăm đăm mà không thấy gì vào những chữ cái to tướng của bài kinh cho đám cưới bằng tiếng La tinh nó suy nghĩ xem chiều nay sẽ đề nghị gì với đám sĩ tốt của nó; vì, nó biết tỏng là như mọi khi đám ngu ngốc chết tiệt kia sẽ chẳng nghĩ ra được gì ráo. Chúng sẽ lại vẫn để mình nó quyết định phải làm gì để ngăn ngừa mối nguy cơ khủng khiếp đang ít nhiều đe dọa tất cả bọn chúng.
Tintin cứ phải huých để Lebrac quỳ xuống, đứng lên hay ngồi theo đúng nghi lễ cho từng lúc. Thấy Lebrac không hề ngó qua đám con gái lần nào trong khi bọn này thỉnh thoảng lại liếc trộm xem một kẻ vừa bị ăn đòn nhừ tử giận dữ ra sao, Tintin rút ra kết luận rằng đầu óc chủ tướng của nó đang căng thẳng ghê gớm.
Lebrac, vốn thường ưa giải pháp triệt để, đã chọn một trong nhiều khả năng nảy ra trong óc nó; rồi khi các chiến binh Longeverne tụ họp ở mỏ đá Pepiot sau thánh lễ chiều thì nó đề nghị thẳng với chúng rõ ràng, trầm tĩnh và không chút vòng vo.
“Chỉ có một cách chắc chắn để bảo vệ quần áo của mình thôi, đó là không mặc gì hết. Cho nên tao đề nghị mình cởi truồng đánh nhau!”
“Trần như nhộng à?” số đông chiến hữu thảng thốt kêu lên, sửng sốt, thậm chí kinh hoàng; giải pháp quá đáng này có lẽ đã làm chúng xấu hổ.
“Đúng thế,” Lebrac đáp. “Nếu hôm qua tụi bay phải nếm đòn thì chắc c hắn tụi bay cũng sẽ không ngần ngại gì mà nói như tao.”
Lebrac không có ý định lòe lũ bạn, nhưng để thuyết phục chúng, nó kể tỉ mỉ những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần khi bị bắt ở bìa rừng và sự chào đón nồng nhiệt ở nhà.
“Nhưng nhỡ có ai đi ngang qua,” Boulot phản đối. “Ngộ nhỡ có một tay ăn mày tình cờ đi tới rồi lấy mất đồ của bọn mình hoặc nhỡ mình bị lão Bédouin bắt được!”
“Một là mình giấu đồ của mình đi,” Lebrac đáp, “hai là nếu cần mình cử một đứa canh giữ.
Còn nếu có ai thấy tụi mình rồi đâm ngượng thì họ chỉ việc nhìn qua chỗ khác. Còn lão Bédouin ấy à... mình coi ra cái cóc gì! Tụi bay thấy chiều hôm qua tao làm gì với lão rồi mà!”
“Ờ, nhưng mà...” Boulot nói, rõ ràng không hứng thú chuyện ở truồng trước người khác.
“Thế đấy!” Camus nói xen vào và khóa miệng thằng kia bằng một luận cứ không cãi được: “Tao biết tại sao mày không dám cởi truồng rồi. Mày sợ tụi tao thấy cái bớt rượu vang trên mông mày rồi cười nhạo chứ gì. Boulot ơi, mày vớ vẩn quá! Cái bớt trên mông thì ăn thua gì! Nào phải vì thế mà mày là đứa què quặt đâu, thành ra việc gì phải xấu hổ! Vết bớt ấy chẳng qua là do khi có mang mày mẹ mày bỗng thèm uống rượu vang, rồi lại gãi mông ngay lúc đó. Phải, mày có vết bớt chính vì thế! Mà thèm rượu vang thì đâu có gì xấu.
Khi mang bầu đàn bà có nhiều ý nghĩ lạ lắm, đôi khi kinh tởm nữa cơ, các bồ ạ. Tớ từng nghe một bà đỡ ở Rocfontaine kể với mẹ tớ rằng có những bà bầu chỉ thích ăn cư... thôi!”
“Cư... à?”
“Ừ!”
“Eo ơi!”
“Thật đấy, các bồ ạ, thậm chí phân của lính tráng và đủ thứ dơ dáy đến chó cũng không ngửi nổi từ xa.”
“Lúc ấy họ điên à?” Tétard kêu lên.
“Hiển nhiên. Trong, trước và sau lúc ấy.”
“Dẫu sao thì bố tao vẫn luôn bảo thế và tao tin lời bố tao. Không thể làm gì để họ đừng kêu than như gà bị vặt lông lúc đang sống nhăn! Trái ý một tí là ăn tát ngay.”
“Ừ, đúng thế. Đàn bà là thứ xấu xa!”
“Thế nào đây, mình có chịu ở truồng đánh nhau không? Có hay không?” Lebrac nhắc lại.
“Mình phải bỏ phiếu mới được!” Boulot đòi hỏi. Rõ ràng nó không thoải mái phải phơi cái mông có vết bớt mang dấu tích thèm uống vang của mẹ nó.
“Mày thật là ngu ngốc!” Tintin nói. “Tao đã nói là tụi tao không thèm để ý đến vết bớt của mày mà!”
“Tụi bay thì không, nhưng... bọn Velrans... nếu chúng thấy vết bớt... thì, thì... không, tao không thích!”
Bấy giờ La Crique mới can thiệp, cố dàn xếp tình hình:
“Xem nào, nếu Boulot mặc nguyên quần áo còn bọn mình ở truồng đánh nhau thì có được không?”
“Không được, không được!” có vài chiến binh phản đối. Những điều Camus vừa tiết lộ làm chúng tò mò về cơ thể của thằng bạn, chúng muốn được tận mắt thấy dấu vết của sự thèm muốn. Nên chúng kiên quyết đòi Boulot cũng phải ở truồng như mọi người.
“Nào, Boulot, cho lũ ngu xuẩn này xem vết bớt của mày đi!” La Crique khuyến khích. “Chúng ngu hơn cả đầu gối tao! Hẳn là chúng chưa từng được thấy gì hết, kể cả chuyện bò đẻ hay dắt dê cái cho dê đực nhảy.”
Boulot biết không làm sao khác được nên đã anh dũng phục tùng số phận. Nó cởi dây đeo, buông quần xuống, vén áo lên rồi chỉ cho đám chiến sĩ Longeverne đang ít nhiều hăm hở thấy vết bớt “thèm muốn” trên mông nó. Sau đó, như thường lệ, đề nghị của Lebrac, có Camus, Tintin, La Crique ủng hộ, được “nhất một trí” chấp thuận.
“Nhưng chưa hết,” Lebrac lại nói. “Mình cũng cần phải biết cởi quần áo ở đâu và cất giấu chỗ nào chứ. Nếu ngẫu nhiên Boulot thấy có người tới, chẳng hạn bố Simon hay cha xứ, thì tốt hơn không nên để họ thấy mình trần như nhộng, kẻo biết đâu về nhà lại lôi thôi to.”
“Tao biết chỗ rồi,” Camus tuyên bố. Rồi nhà trinh sát này tự nguyện dẫn đám quân nhỏ bé tới một mỏ đá bỏ hoang nằm sâu tuốt trong khu rừng khai thác cây, được che chắn cả bốn phía, từ đây có thể dễ dàng vượt qua một thứ tầng cây thấp tới sau hào lũy ở Bụi Cây Lớn, nghĩa là tới chiến trường.
Chúng bật lên reo hò:
“Tuyệt cú mèo!”
“Hết sảy!”
“Chu cha, nhất rồi!”
Chỗ này quá thích hợp thật. Thế là ngay tại chỗ chúng quyết định hôm sau Camus và hai dũng sĩ nữa sẽ đi trước làm trinh sát và bảo vệ đại quân chủ lực, trong khi đạo quân này tới đây để gọi là “khoác chiến y”.
Trên đường về, Lebrac kéo Camus qua một bên kín đáo hỏi:
“Mày làm cách nào tìm được một chỗ thay đồ tuyệt vời thế?”
“À,” Camus đáp và nháy mắt một cách suồng sã với chiến hữu đồng thời là chủ tướng của nó.
Nó vừa đưa lưỡi liếm môi vừa lim dim mắt trước cái nhìn dò hỏi lặng lẽ của sếp:
“Bồ tèo ơi, đây là chuyện của đàn bà! Lúc nào chỉ có hai đứa mình tao sẽ kể mày nghe.”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !