Tôi làm mọi việc một cách máy móc, chán chường với cuộc đời không còn có tình cảm cũng như điều bất ngờ. Hugo và tôi chỉ liên lạc với nhau qua máy nhắn tin. Để an ủi mình, tôi tự nhủ rằng cần phải để cho anh ấy yên một thời gian; anh ấy biết rằng tôi vẫn ở bên anh nếu anh cần đến tôi. Tuy nhiên, những điều mà tôi tự nhắc đi nhắc lại đó là dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng toàn diện. Thực tế là tôi chẳng có ý nghĩa gì với ai cả. Bằng chứng là tôi tự bằng lòng với việc làm việc như điên và thầm hy vọng rằng cơn bão tố rồi sẽ tự tan đi.
Tôi quay lại với những buổi tối trống rỗng khi quá mệt mỏi sau nhiều đêm trực liên tiếp đến nỗi không còn biết mình là ai; những ngày nghỉ cuối tuần với cảm giác chông chênh như vừa rơi xuống một hành tinh khác, không còn đủ minh mẫn để làm việc gì khác ngoài đi xem phim cả buổi chiều, nhưng lại nhầm phim.
Trong trạng thái mệt mỏi và chán chường như vậy, một ngày chủ nhật, khi mở mắt dậy vào lúc giữa trưa, tôi quyết định đến nhà hàng của Didier vào giờ mà những người còn khủng hoảng hơn tôi gọi là "brunch", nghĩa là một bữa sáng kéo dài đến quá trưa với đầy những món rất béo bổ có thể ăn bất cứ lúc nào. Những bữa "brunch" như vậy chắc chắn là sẽ đẩy người ta vào trạng thái buồn rầu, nhất là những người có chiều hướng suy tư.
Đám khách hàng vô công rồi nghề túi rủng rỉnh của khu Marais ở trung tâm Paris đã đến ngồi kín nhà hàng. Didier, một trong hai cậu em trai sinh đôi của tôi, đeo tạp dề màu đen, ra đón tôi và hôn nhanh lên má:
- Chị vào đây. Chị ngồi ở quầy bar nhé?
- Ngoài sân thì hơn, chẳng mấy khi được bữa trời đẹp...
- Thôi, chị đừng có làm phức tạp thêm ra. Ở đây còn nói chuyện được, chứ ngoài kia lúc nào cũng có người gọi.
Ở quầy bar chỉ có Gilles ngày nào cũng đến hỏi thăm anh sinh đôi. Didier không muốn làm hỏng nghi thức hàng ngày giữa hai anh em, nhưng nếu tôi không quấy rầy thì mọi việc đều ổn cả. Hai cậu sinh đôi này lúc nào cũng dính lấy nhau, nhưng sẵn sàng chia sẻ với người khác. Thực ra thì cả hai cô vợ cũng rất tâm đầu ý hợp.
Gilles đón tiếp tôi với dáng vẻ một ông chủ và hỏi thăm tình hình con chó cảnh đã nhờ có sự can thiệp của cậu mà thoát chết. Tôi lúng túng giải thích rằng đó là trường hợp rất đặc biệt, rằng bình thường thì tôi hoàn toàn không muốn lẫn lộn việc riêng với việc công. Nhưng tôi nhanh chóng nhận thấy rằng hai cậu em tôi không có cùng quan niệm như tôi. Đối với Didier và Gilles, gia đình là chỗ dựa trong mọi lúc mọi nơi. Bằng chứng là sự kiện nóng hổi trong mục "thời sự" của gia đình Cabral sau đây:
- Tuần vừa rồi có một anh đồng nghiệp của chị đến đây ăn tối với chị Rosemarie, - Didier vừa thông báo vừa đặt cốc sôcôla nóng trước mặt tôi. - Một anh người Algérie, dễ thương lắm...
Tôi gần như bị ngạt thở:
- Ai cơ? Hakim à? Làm sao mà Hakim lại quen Rosemarie được cơ chứ?
Hai cậu anh em sinh đôi nhìn nhau với vẻ ngầm hiểu, như hai phóng viên ảnh paparazzi ngửi thấy hơi một vụ scandal. Chúng tôi đang bắt đầu thương lượng thì Didier nhìn ra cửa nhà hàng và bảo:
- Đây này, vừa nói đến xong...
Ngồi trên chiếc ghế bar cao lênh khênh, tôi thận trọng quay người lại. Rõ là Rosemarie đây rồi. Cái áo len Angora màu hồng rất hợp với những miếng vải màu đính trên quần jean - hai miếng ở hai đầu gối và một mảnh hình trái tim ở đùi. Tất nhiên, áo len là do Rosemarie tự đan lấy, chứ ngoài cửa hàng chẳng thể nào tìm thấy hàng kiểu này được.
Tôi nhìn sang Hakim, khiêm tốn và thoải mái. Quả thật là tôi không thể nào nói được là anh ta đẹp trai hay không. Điều đó còn phụ thuộc vào thái độ của anh ta, vào cách anh ta cầm điếu thuốc lá hoặc nhìn chăm chú với đôi mắt ánh vàng. Đáng lẽ tôi không nên giới thiệu Hakim với mẹ tôi. Tôi đoán chắc mẹ tôi ở đằng sau giật dây tất cả những vụ này. Tôi cũng sẵn sàng cá rằng Hakim không khai mình là cảnh sát.
Chúng tôi chào nhau một cách khá xã giao. Bình thường tôi chỉ ôm hôn chị em trong nhà vào dịp Tết, và tất nhiên là tôi không nhảy lên bá vai bá cổ Hakim làm gì. Tôi nhận thấy một ánh vui mừng trong đôi mắt lim dim. Hakim mặc áo sơmi vải técgan màu be sản xuất tại Algérie, khoác thêm áo khoác đen, quần bò mới và đi giày thể thao. Rõ ràng là việc điều tra cũng không bận lắm, vẫn còn thời gian đi mua sắm.
Tôi hỏi, giọng chua cay:
- Nói chuyện với anh hai phút được không?
Lần này, nụ cười nhẫn nại của anh ta làm tôi bực mình như là phải nghe tiếng móng tay cạo lên bảng đá. Hakim cầm tách cà phê đi theo tôi đến một bàn ở góc trong cùng, trong khi Gilles và Didier quây lấy Rosemarie đang nóng lòng muốn dốc bầu tâm sự.
-Tôi biết là chị nghĩ gì rồi, - anh ta mở màn với giọng bình thản.
-Việc đã như thế này thì xưng hô anh em cũng được đấy. – Tôi cười khẩy.
Anh ta gật đầu và nói như không có chuyện gì xảy ra:
- Em nghĩ rằng anh lợi dụng em phải không? Em đưa anh đến nhà và việc đầu tiên xảy ra lại là anh quyến rũ chị của em.
- Tôi nghĩ rằng có bàn tay của mẹ tôi trong chuyện này. Mẹ tôi hỏi anh gì nào?
- Không, anh chỉ đưa bọn trẻ con đến trường và mẹ em có nói một chút về Rosemarie.
- Anh đánh giá mẹ tôi thấp quá đấy. Đó là một bậc thầy về đòn chiến tâm lý.
Anh ta xua tay phủ nhận:
- Không phải đâu. Mẹ em tâm sự với anh bởi vì bác nghĩ rằng có gì đó giữa hai chúng ta.
- Gì cơ?
- Mẹ em nghĩ rằng khi em đưa ai đó về nhà là một dấu hiệu.
Món trứng tráng nấm làm tôi suýt nghẹn.
- Thật là linh tinh. Thế Rosemarie thì thế nào?
- Anh nói với mẹ em rằng anh là cảnh sát và anh có thể đến nói chuyện với ông bồ của Rosemarie.
Tôi ngồi thẳng lên:
- "Đến nói chuyện" nghĩa là thế nào?
Anh ta cười thành tiếng:
- Anh không đánh ông ta đâu… Nhưng đàn ông với nhau thì dễ hiểu nhau thôi mà. Dù sao thì ông ta cũng không nghiêm túc đâu mà. Ông ta chỉ tìm cách lợi dụng tình hình thôi, đúng như mẹ em nói. Mẹ em sáng suốt lắm.
Thật là tuyệt vời! Bây giờ mẹ tôi lại có thêm một đệ tử rồi. Anh ta tiếp tục:
- Nhưng cũng phải tế nhị. Bởi vì Rosemarie lại tưởng là chính chị ấy đã bỏ ông ta. Lúc đầu thì cũng khó ra phết. Nhưng bây giờ thì chị ấy nguôi ngoai rồi, anh cũng dành thời gian đưa chị đi chơi. Quan trọng nhất là Rosemarie cũng phải được giải trí, chứ cứ ru rú ở nhà bố mẹ với bọn trẻ con…
- Thì chị ấy chỉ việc chuyển ra ở riêng!
Anh ta nhún vai để tỏ thái độ về đề nghị đó của tôi:
- Em thử tưởng tượng bố mẹ em ở trong một căn hộ rộng mênh mang, còn Rosemarie với ba đứa trẻ thì chen chúc trong một phòng nhỏ xem nào. Chị ấy lương ít lắm, kể cả tiền trợ cấp cũng không là bao… Em cứ chờ để chị ấy kiếm được chồng đã.
Anh ta nói về gia đình chúng tôi như một ông anh họ có việc qua Paris tranh thủ đến thăm và nhân tiện giúp giải quyết một số việc trong nhà. Nghe anh ta nói có cảm giác như anh ta biết cặn kẽ mọi chuyện và rõ ràng là người trong gia đình. Đó là một cảm giác là lạ, vậy mà đáng lẽ phải chống lại sự can thiệp vào việc gia đình đó, thì tôi lại có cảm giác đó gần như là một chuyện bình thường.
- Mẹ em tưởng anh là bạn mới của em thật à? - Tự nhiên tôi hỏi thế. - Thế mà mẹ em vẫn quý Hugo lắm. Em vẫn nghĩ rằng mẹ sẽ làm ầm lên nếu em cắt đứt với anh ấy…
Im lặng… Hakim dụi tàn thuốc lá một cách rất chăm chú. Tôi nhớ lại, nhưng đã hơi muộn, rằng tôi không muốn biết anh nghĩ gì về Hugo. Tôi biết quá rõ đi rồi. Đúng lúc ấy Rosemarie xuất hiện và cứu nguy cho tôi khỏi một bàn thua trông thấy:
- Hakim, anh có đi không nào?
Anh ta mỉm cười nhìn Rosemarie như một cô em gái đỏng đảnh và quay sang giải thích cho tôi:
- Bọn anh đi xem phim James Bond.
Anh ta bắt tay hai cậu em tôi, kéo cổ áo khoác lên, đi theo Rosemarie và làm như tôi không tồn tại nữa.
Khi tôi về đến nhà thì máy nhắn tin nhấp nháy với vẻ hưng phấn như đèn màu trước cửa hiệu sex-shop ở khu Pigalle. Tôi vừa ấn nút máy vừa tháo dây giày. "Xin chào, đây là Véra. Xin mọi người nói ngắn gọn". Sau lời nhắn đó của tôi là một khoảng im lặng. Máy nhắn tin ghi lại hơi thở của ai đó trong vòng nhiều giây đồng hồ. Tôi đứng như trời trồng trước máy nhắn tin, hy vọng là người đó sẽ lên tiếng. Nhưng rồi tôi chỉ nghe thấy một tiếng "kích" khi phía bên kia dập máy. Tin nhắn thứ hai cũng vậy. Tất cả có bốn tin nhắn cùng một kiểu, cứ mười phút một lần, mỗi lần tiếng thở lại gấp gáp hơn, cho đến tin cuối cùng thì tiếng thở hổn hển như đang có người làm "chuyện ấy". Thật dễ chịu! Tôi vừa xóa từng tin nhắn vừa nghĩ rằng ngày hôm nay sẽ là một ngày chủ nhật chẳng ra sao. Tôi cố động viên mình nghe tin nhắn cuối cùng. Đó là bà sếp của tôi nhắn tôi gọi ngay về nhà bà ấy. Tin này làm tôi thật sự lo lắng vì bà ấy cũng như tôi, là người cổ vũ cho phái "ở riêng".
Tôi bực bội bấm số điện thoại.
- Có chuyện gì vậy hả chị?
- Bà Sheila bị tai nạn rồi đấy. Bà ấy đang dọn dẹp ở nhà bố thì bị ngã từ thang cao xuống.
- Bà ấy làm gì mà trèo lên thang thế? Nặng thế thì phải dùng cần cẩu, chứ thang làm sao được!
Hélène, bà sếp của tôi, thở dài:
- Hình như là bà ấy trèo lên để lau một bộ đèn chùm…
- Thế có ai thay bà ấy không?
- Monique bảo là chị ấy có thể thu xếp giúp cho tuần này… Nhưng vấn đề là chị ấy không muốn trông chó.
Tôi có sẵn một giải pháp rất hay:
- Thế thì tiêm thuốc cho nó chết quách đi là xong!
Trong điện thoại có một khoảng im lặng, rồi Hélène nói với giọng mệt mỏi, rất mệt mỏi:
- Thật ra là bà Sheila định nhờ cô trông giúp con chó…
Đến đây thì tôi không thể chịu được nữa và cười khẩy:
- Tất nhiên rồi! Hay là bảo bà ấy nói với ông bố rằng muốn có đèn chùm thì phải trông chó, thành một chuỗi logic đấy, không tách ra được đâu…
- Véra, tôi nói nghiêm túc đấy.
- Tôi cũng vậy!
Lại im lặng trong điện thoại, dài hơn lúc nãy. Tôi thừa biết tính Hélène, bà ấy không bao giờ áp đặt điều gì cả. Khi bà ấy không nói gì có nghĩa là bà ấy cho thời gian để suy nghĩ. Bà ấy có nguyên tắc là người ta không ai ngu ngốc cả. Nhưng mà tôi sẽ chứng tỏ rằng bà ấy đã sai lầm.
- Chị Hélène, nói thật là tôi căm ghét con chó này. Từ hồi đầu tôi đã phản đối việc cho phép nó ở trong cơ quan…
- Thế không phải cô đã gọi ông bác sĩ thú y đến à?
Trong vòng một giây đồng hồ, tôi có cảm giác như mình sẽ không chịu nổi, sẽ ném điện thoại xuống đất và sẽ nhảy lên giẫm nát nó ra. Nhưng tôi không làm như vậy mà chỉ trả lời một cách lạnh lùng:
- Lúc đó tôi không có cách nào khác. Có một vấn đề trong cơ quan, tôi đã giải quyết vấn đề đó. Chị hãy tìm người khác đi.
Cuối cùng thì sếp của tôi cũng phải chịu thua:
- Thôi được rồi. Tôi sẽ tìm xem có cách nào khác hay không.
Nhưng tôi cũng không yên tâm ở nhà mà lại chạy đến cơ quan ngay để xem Monique có xoay xở được hay không…
Điều đầu tiên mà Monique làm khi tiếp quản phòng thư ký là tống cái giỏ bẩn thỉu của con Kiki vào trong tủ. Sau khi chúc mừng chị ta về việc làm đúng đắn đó, tôi giải thích cách sử dụng máy tổng đài điện thoại và nhắc lại quy tắc phân bổ các cuộc gọi. Tôi nhắc lại rằng nên tránh gọi điện thoại nói chuyện cá nhân trong giờ làm việc, và bản thân tôi cũng không bao giờ nhận điện thoại của người nhà khi tôi đang phải trực. Vừa lúc đó chuông điện thoại reo. Đó là Hugo.
- Em đi làm à? – Hugo hỏi, giọng ngạc nhiên.
Tim tôi hơi thót lại và tôi đoán rằng anh hy vọng sẽ chỉ phải để lại tin nhắn.
- Cơ quan em có vấn đề, - tôi nói và hoàn toàn có ý thức rằng Monique đang nghe lỏm với một nụ cười mỉa mai. – Anh muốn nói gì vậy?
- Giselle Leguerche ngày mai sẽ ra viện, - Hugo thông báo. – Nói ra viện có nghĩa là chị ta sẽ quay lại nhà tù.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì chị ta gần như hoàn toàn bình phục rồi. Chị ta vẫn cần phải được theo dõi, nhưng không có gì buộc phải giữ chị ta trong viện cả.
Tôi như bị một xô nước lạnh xối vào người. Tôi không hoàn toàn chắc, nhưng có cảm giác là Hugo đang trả thù tôi. Vậy mà cho đến bây giờ, ngay cả trong những lúc xung đột cao độ nhất, chúng tôi bao giờ cũng yên tâm là có thể cùng nhau hợp tác trong một ca bệnh. Hình như tinh thần đoàn kết đó đến nay đã kết thúc.
Tôi cố gắng lấy giọng thật bình thản:
- Bây giờ thì em không nói được lâu. Nhưng khi nào xong việc em sẽ lên gặp Giselle Leguerche ngay.
- Lúc đó chắc anh đã về rồi.
- Thế thì chúc anh một buổi tối tốt đẹp.
Thế là kết thúc cuộc nói chuyện.
Nếu chị ta nhớ mặt tôi, nhớ những chi tiết trong lần gặp đầu tiên cũng như khi tôi can thiệp lúc chị ta bị cách ly, Giselle Leguerche cũng không tỏ thái độ gì cả. Trên khuôn mặt khắc khổ với đôi mắt nâu sáng của chị ta không có dấu vết gì đặc biệt, ngoài một vết đen dưới mắt và một vết tím loang lổ trên má. Tóc của chị ta bị cắt trụi ở phía sau gáy, và nhìn nghiêng thì mớ tóc còn lại cũng không che nổi miếng băng to tướng.
Một lần nữa, tôi lại bị bất ngờ bởi vẻ đẹp lẫn với vẻ xấu xí này. Đôi mắt thật sáng, nhưng đôi má lại hõm sâu xuống và cái mũi to làm cho khuôn mặt của chị ta như là một vùng đất bị giày xéo một cách phũ phàng. Chị ta có thể có cái gì đó hấp dẫn, nhưng không thể nói là đẹp được.
Tôi không mang theo hồ sơ để tạo ra một không khí cởi mở hơn trong buổi nói chuyện đầu tiên này. Tôi kéo ghế ngồi cạnh giường. Trông vẻ chị ta theo dõi nhất cử nhất động của tôi, tôi công nhận rằng chị ta đã hoàn toàn bình phục.
- Chị cảm thấy thế nào?
- Tốt cả.
- Trông chị cũng đỡ hơn nhiều rồi. Chị có còn đau đầu hay buồn nôn không?
- Không.
- Thế thì tốt rồi. Chị có nhớ hôm được đưa vào bệnh viện này không?
- Có.
- Chị có nhớ tôi là ai không?
- Bà là bác sĩ đến lúc tôi phạm tội.
Theo tôi thì việc giết người nặng hơn là phạm tội, nhưng đây không phải là lúc bàn cãi chuyện từ ngữ.
- Sau đó tôi có đến trại giam một lần nữa. Chị có nhớ không?
- Không.
- Như vậy chị không biết làm sao lại được chuyển đến bệnh viện à?
- Tôi cóc cần biết.
Tôi thì tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại. Thực ra thì chị ta quá kiêu hãnh để có thể tự nhận rằng đã bị tù nhân đánh đập. Vì vậy, để không nói đến việc này, chị ta quyết định nói đến việc "phạm tội".
Tôi giải thích rằng tôi đã đến nhà để gặp bố mẹ của chị ta.
- Đó không phải là nhà tôi. - Chị ta ngắt lời tôi. - Ở đó là nhà của họ. Nhà của tôi là trại giam.
- Chị cảm thấy ở đó như nhà chị à?
Chị ta cười một cách cay độc:
- Không ai có thể bắt tôi đi khỏi đó. Tôi bị kết án cả trăm năm rồi.
- Theo như tôi hiểu thì chị không muốn về nhà bố mẹ chị…
- Trước hết, đó không phải là bố mẹ tôi. Đó chỉ là bố tôi và bà vợ hai của ông ta, bà ta vẫn tự nhận mình là mẹ tôi. Bà cứ đọc giấy khai sinh của tôi thì rõ, đó không phải là mẹ tôi đâu.
- Có thể là như vậy thật. Tôi không được đọc giấy khai sinh của chị.
- Tôi sinh ra ở bên Algérie. Ở Biskra. Khi mẹ tôi mất, bố tôi đưa tôi về Pháp. Sau đó ông ấy mới lấy bà ta…
Tôi im lặng và suy nghĩ về ý nghĩa của thông tin mới này. Trong hồ sơ chỉ có ngày sinh và nơi sinh của người bị truy tố, nhưng không có ngày cưới của bố mẹ người này. Tôi hoàn toàn không có lý do gì để nghi ngờ rằng ông Leguerche có hai đời vợ. Chỉ ông ta hoặc bà vợ mới có thể nói cho tôi biết điều đó.
Vậy tại sao họ không nói cho tôi biết? Liệu có phải vì họ không muốn cho tôi biết bất cứ một thông tin nào và biến mọi thông tin, kể cả những thông tin bình thường nhất, thành một loại bí mật quốc gia? Hay đó không phải là một thông tin bình thường?
Tôi thận trọng bước vào một địa phận mà tôi biết là nguy hiểm:
- Vậy quan hệ của chị với mẹ nuôi thế nào?
- Tôi không phải là con nuôi của ai cả. Tôi là con của bố tôi và của mẹ tôi đã chết. Lão đểu ấy có kể gì thì cũng chẳng quan trọng.
- Xin lỗi chị, tôi nói mẹ nuôi thì chỉ là một cách nói thôi. Tôi không biết rằng trước đó, khi đi nghĩa vụ quân sự ở Algerie thì bố chị đã có vợ.
- Lão ấy không đi nghĩa vụ gì đâu. Lão ấy ở trong quân đội. Mẹ tôi và tôi sống ở ngay cạnh trại lính. Mẹ tôi đẹp lắm, chứ không như tôi đâu.
Chị ta nói nhát gừng, như ném từng từ vào mặt người khác làm cho tôi phải cố gắng lắm mới hiểu được. Mỗi từ được phát ngôn ra như là một con dao đâm vào ngực. Nhưng chị ta thuộc loại đàn bà có thể tự nhổ răng sâu được.
Tôi hỏi với giọng đều đều:
- Chị có nhớ gì về thời thơ ấu của mình hồi ở bên Algérie không?
- Không, tôi bé quá. Tôi cũng không nhớ gì về mẹ tôi cả. Tôi chỉ biết rằng mẹ tôi chết dần chết mòn vì một bệnh ung thư quái gở. Sau đó thì bố tôi ra khỏi quân đội. Ông ấy về Pháp. Giá mà được chọn thì tôi muốn ông ta sẽ gửi tôi vào trường nội trú, hoặc là ông ta chết ngoài mặt trận. Thật đấy. Thật tiếc quá! Nhưng bao giờ cũng thế đấy. Khi mọi việc đã bắt đầu dở dang như tôi ấy, mẹ chết rồi bao nhiêu chuyện nữa, khi bắt đầu bị dính cái dớp vào người thì, mẹ nó chứ, không thể nào tránh được. Cứ là không may suốt. Thật là khỉ, khỉ, khỉ.
Chị ta phát ra một tiếng gì đó giống như tiếng cười, một âm thanh buồn buồn và như vỡ mộng.
- Khi bố chị biết rằng chị có bạn trai là người gốc Algérie, - tôi nói theo tiếng cười này – thì bố chị đã phản ứng thế nào?
- Như là một thằng đểu chứ còn gì nữa. Lão ấy đánh tôi. Lão ấy bắt tôi phải về ở nhà. Tôi không biết làm sao mà lão lại biết chuyện của Amar với tôi. Tôi chắc rằng Evelyne đã lỡ mồm hoặc là đại loại như thế.
Tôi chờ thêm một lát và hy vọng chị ta sẽ tiếp tục. Nhưng chị ta lại trở lại im lặng và mệt mỏi. Tôi tiếp tục hỏi:
- Lúc ra tòa, chị nói rằng Evelyne trở nên vướng víu… Chính vì vậy mà chị đã giết cô ấy à? Tại vì cô ấy đã mách với bố mẹ chị à?
Chị ta quay đầu nhìn tôi như muốn thăm dò:
- Tôi không chắc lắm. Làm sao ông bà ấy lại biết là chúng tôi có quan hệ với nhau? Hay có khi thấy chúng tôi ngoài đường…
Câu hỏi này rõ ràng vẫn ám ảnh chị ta. Có lẽ đã hàng nghìn lần chị ta cố lục lọi trong ký ức để tìm lại một dấu hiệu, một chi tiết nào đó mà chị ta nghĩ là đã bỏ qua, một chi tiết nhỏ nhưng lại có thể lý giải được việc cuộc đời của chị ta xuống dốc như vậy. Đây chính là lúc cần phải đưa cái phong bì bí ẩn kia ra.
- Chị này, hôm tôi đưa chị vào viện thì có cái phong bì này được gửi đến, - tôi vừa nói vừa đưa phong bì lấy từ trong túi áo ra. – Phong bì đã được mở ra để kiểm tra.
- Thư à? Thư cho tôi à?
Chị ta vội vàng giật lấy phong bì và thò tay vào bên trong, vẻ tò mò.
- Mẹ nó, cái gì đây?
Chị ta kêu hốt hoảng khi nhìn thấy mớ tóc nâu rơi trên ga giường trắng. Vẻ ngạc nhiên, rồi vẻ ghê tởm, và cuối cùng là sự giận dữ thay nhau thể hiện trên mặt chị ta với một tốc độ nhanh kinh khủng.
- Cái gì đây? – Chị ta lại kêu lên và phủi mạnh đám tóc xuống đất. – Bà cũng muốn hành hạ tôi à?
Có thể là tôi nh 6a07 m, nhưng sau cơn bão tố bề ngoài đó, chị ta run lên vì xúc động.
- Tôi rất tiếc. – Tôi nói và ngồi yên tại chỗ. - Ở trại giam, người ta đưa phong bì này cho tôi để chuyển cho chị. Lúc đó thư từ vừa mới đến.
Chị ta không nghe thấy tiếng tôi nói, chỉ hoàn toàn tập trung nhìn những sợi tóc còn sót lại trong phong bì với một vẻ mê mải lạ lùng. Vài giây sau, vẻ sợ hãi, chị ta quyết định giơ tay ra, lấy đầu ngón tay sờ vào sợi tóc. Đột nhiên, chị ta vơ lấy phong bì, vo viên lại thành một quả bóng tròn và ném mạnh nó vào tường.
- Không phải tóc! – Cô ta hét lên. – Lông đấy! Lông...! Lông của lão ấy! Lão ấy đã giết nó rồi! Tôi biết là lão ấy đã giết nó rồi mà!
Chị ta lăn lộn trên giường và kêu thét đến nỗi có thể làm đứt mạch máu: "Đồ đểu! Đồ điểu!".
Ngoài hành lang có tiếng ồn ào, rồi hai giây sau có một cô y tá chạy vào, theo sau là hai bảo vệ to cao lực lưỡng.
- Có việc gì vậy? – cô y tá vừa hỏi vừa bắt mạch - Chị sẽ tự làm mình đau đấy.
Chị ta rơi phịch xuống gối, ướt mướt mát. Một giọt nước long lanh ở đầu mũi, nhưng tôi không xác định được đó là mồ hôi hay là nước mắt. Bước ra khỏi phòng, tôi nghe thấy cô y tá đang đo huyết áp và nói với giọng ngạc nhiên:
- Sao lại có tóc ở đây? Chị Giselle tự cắt tóc à?
Khi về đến Trung tâm, tôi tránh đi qua trước phòng thư ký và vào thẳng phòng làm việc đóng cửa lại. Vào cuối buổi chiều chủ nhật này, chim hót véo von và trời xanh dịu. Đáng lẽ tôi phải về nhà để làm những việc như những người bình thường vẫn làm trong một ngày chủ nhật, nhưng tôi muốn ghi lại ngay những gì vừa xảy ra và rút ra những kết luận ban đầu.
Như vậy là Giselle Leguerche sinh năm 1961, ở Algérie. Chiến tranh đến hồi quyết liệt và trung sĩ Leguerche chắc chắn rất bận rộn và căng thẳng, nhất là vợ ông ta đang
Trong báo cáo tâm thần đầu tiên không có thông tin gì về ngày chết của mẹ đẻ Giselle. Lại một thiếu sót nữa, mặc dù người không giàu trí tưởng tượng cũng có thể dễ dàng đoán ra rằng cái chết của bà mẹ đã ảnh hưởng đến Giselle. Nhất là khi cô ta chỉ giết toàn phụ nữ.
Tôi cố gắng tưởng tượng ra hình ảnh đứa bé bám chặt lấy người mẹ đang chờ chết. Bệnh ung thư của bà ta là bệnh gì mà vẫn có thể sinh ra một đứa bé khỏe mạnh như vậy? Nhưng cũng không ai nói rằng Giselle hồi bé khỏe mạnh cả. Ngược lại, có thể là vấn đề sức khỏe của đứa bé sơ sinh đã buộc ông bố phải xin xuất ngũ để đưa con về Pháp. Có lẽ vì thế mà có tình cảm kỳ lạ giữa hai bố con và thái độ kỳ thị đối với người theo đạo Hồi. Chắc hẳn là ông Leguerche không chịu chấp nhận kết cục chiến tranh bởi lúc đó ông ta không có mặt ở chiến trường. Về Pháp cũng có nghĩa là bỏ đồng đội lại chiến lũy, và chắc là ông ta vẫn cảm thấy mình có lỗi. Ông ta chắc nghĩ rằng nếu ông ta vẫn ở lại Algérie thì Algérie sẽ vẫn còn là đất của Pháp.
Như vậy là ông ta đã hy sinh cuộc đời mình cho con gái, và con gái ông ta phải xứng đáng với sự hy sinh đó. Chỉ riêng điều đó cũng đủ để một cô gái trẻ sẵn sàng làm bất kỳ điều gì. Quan hệ ít nhiều quá tình cảm với ông bố, cũng như sự ghen tị đối với bà mẹ kế, đã đẩy Giselle vào vòng tay của bất kỳ một người Algérie nào. Liệu chị ta có tìm cách vượt qua điều cấm kỵ hay không? Có lẽ là không chỉ có vậy. Có lẽ là trong vô thức, chị ta muốn Amar Zitoun kể cho chị ta nghe về Algérie và qua đó hiểu thêm về người mẹ đã mất.
Nhưng từ đó làm sao chị ta lại có thể trở thành một kẻ sát nhân? Làm thế nào mà từ một cô gái đang yêu, chị ta lại trở thành người đàn bà thù hận và đau khổ mà tôi gặp?
Chắc chắn là đứa trẻ có một vai trò quyết định. Chị ta có tình cảm khá sâu sắc với Amar, vì vậy không loại trừ khả năng chị ta đã muốn giữ đứa con, mặc dù bị bỏ rơi trong thời gian mang thai. Có khả năng là có người đã bắt chị ta phải sinh con ở nhà và đem đứa bé sơ sinh đi cho. Tôi sẵn sàng tin rằng ông bố vũ phu và bà mẹ kế dám làm cho chị ta tưởng rằng đứa bé đã chết. Thậm chí họ có thể nói rằng họ đã giết đứa bé. Tôi đã chứng kiến những chuyện còn khủng khiếp hơn nhiều.
Nhưng điều này không giải thích được vụ giết người đầu tiên, cũng như vụ thứ hai. Chị ta tìm cách ở lại tù để trốn tránh điều gì? Mà tại sao chị ta lại trở thành một người đàn bà "dễ dãi"? Có lẽ là chị ta đã muốn hiến mình cho bất kỳ ai, để có cảm giác là mình tồn tại, hoặc để tự trừng phạt mình.
Ngón tay tôi đang lướt trên bàn phím máy tính thì chuông điện thoại reo làm mất cả hứng.
Tôi miễn cưỡng cầm điện thoại.
- Bác sĩ Cabral đấy ạ? - Một giọng thều thào khó nghe. – Bác sĩ cho tôi nói với nó một lát, tôi van xin bác sĩ. Bác sĩ cho tôi nghe giọng nó với…
- Ai vậy?
- Sheila đây. Tôi đang ở bệnh viện, tôi được đưa vào cấp cứu vì bị phổi. Đau lắm bác sĩ ạ…
Tôi lo lắng phản đối:
- Nhưng chị không được nói đâu! Chị gọi điện để làm gì?
- Bởi vì con Kiki! Ôi, bác sĩ tốt bụng quá! Bác sĩ lại đồng ý trông nó, thật là quý quá!
- Nhưng tôi…
- Nếu tôi mà không biết nó được ở với bác sĩ thì tôi đã lo lắng đến phát điên lên được, bác sĩ ạ…
Tôi nuốt nước bọt trước khi nói một cách giả tạo nhất trên đời:
- Chị Sheila ạ, nói thật thì tôi còn chưa có thời gian…
- Tôi biết, tôi biết mà, - chị ta ngắt lời. – Tôi hiểu chứ. Nhất là lại đúng hôm chủ nhật bác sĩ không phải trực nữa… Nhưng tôi có thể trả tiền taxi. Tôi cũng có điều kiện chứ…
- Taxi à? Taxi nào?
Tôi nghe bà ta thở nặng nhọc.
- Bố tôi lo xếp đồ đạc cho nó đấy, - bà ta vừa nói vừa thở. - Bác sĩ thấy đủ cả chứ?
Con Kiki ở đâu nhỉ? Bộ não của tôi cố chạy hết công suất để lấy thông tin. Bây giờ cái con chó chết tiệt ấy đang ở đâu đây?
Nhưng vì người ta nghĩ rằng tôi biết, nên tôi cũng không dám hỏi thẳng. Tôi đành lắp bắp:
- Đủ cả… Cụ thể là để làm gì?
- Cám ơn bác sĩ. Tôi không thể ngờ được là bác sĩ lại tốt đến như vậy. Nhưng bao giờ cũng thế đấy, những người cứ tưởng là khó tính nhất thì lại giúp nhiều nhất…
Và bà ta nói thêm, với giọng hoàn toàn kiệt sức:
- Bác sĩ hôn nó hộ tôi nhé… Rồi bác sĩ sẽ thấy, nó thích được âu yếm lắm…
Bà ấy vừa bỏ điện thoại thì tôi chạy bổ ra phòng thường trực để tìm một lời giải thích có cơ sở.
Đến cửa, tôi đứng sững lại: Con Kiki đã lại có mặt ở đây rồi! Đầu nó đặt trên hai chân trước, nó nhìn tôi thách thức với hai con mắt tròn đen có vẻ rất tinh ranh. Khi nó ngẩng đầu lên, một dòng nước dãi chảy dài hàng kilômét giữa mồm nó và sàn nhà. Chỉ riêng việc đó, nghĩ đến bộ ghế xe ôtô là tôi đã thấy thắt cả ruột rồi.
- Phải mang nó đi chỗ khác! – Monique tuyên bố, giọng gióng giả. – Tôi bị dị ứng đấy.
Khi tôi đỗ xe trước cửa gia đình Leguerche thì trời vẫn còn sáng. Từng đám mây trắng kéo dài trên nền trời che khuất cả mặt trời đang lặn. Chủ nhật hay ngày trong tuần thì khu phố này cũng vẫn giữ vẻ buồn buồn hấp dẫn giống như không khí ở những nơi có người quá cố. Ngôi nhà của ông bà Leguerche thật đúng là một kiệt tác kiến trúc, tường nhà màu xám gây cho người ta cảm tưởng về cái chết lâm sàng. Mảnh vườn lát bêtông, cây anh đào duy nhất trụi lá, những chiếc rèm trắng dày che kín cửa sổ, toàn bộ ngôi nhà tỏa ra một không khí thù địch đượm màu bí ẩn.
Trong xe, con Kiki sủa ầm ĩ như muốn đánh thức cả khu phố dậy. Tôi không có cách nào khác là cho nó ra khỏi xe. Nó trả ơn tôi ngay bằng cách ghếch chân lên đái vào bánh xe.
Đứng nấp sau hàng rào vườn, tôi phát hiện ra rằng gara ôtô của nhà Leguerche trống không và họ chắc đi chơi chủ nhật còn chưa về. Thôi thì đành vậy. Hoặc là thôi thì càng tốt. Quả thật là tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn vì không phải gặp mặt họ. Tôi muốn được cảm nhận không khí của ngôi nhà và tìm cách xé tấm màn bí mật như những tấm rèm trắng nặng nề trong lúc họ vắng mặt.
Cửa vườn vừa mở ra vừa kêu cót két. Tôi giả vờ huýt sáo gọi con Kiki chạy phía trước, mũi rà rà trên mặt đất. Quả là cũng tiện. Nếu có ai thấy tôi thì tôi có thể nói rằng con Kiki đã bỏ trốn và tôi phải chạy theo nó. Tất nhiên là sẽ không ai tin cả, nhưng ít ra là giữ được thể diện.
Tôi chậm rãi đi theo con đường lát xi măng dẫn đến cửa nhà và bấm chuông. Tôi đi một vòng quanh ngôi nhà. Tường hai bên không có cửa sổ, nhưng ở phía sau thì có hai cửa sổ ở trên tầng một và một cửa phụ bằng kim loại. Giữa tường nhà và tường ngăn cách với nhà hàng xóm có một dây phơi quần áo mắc trên hai cái cột để cho cảnh quan thêm phần vui vẻ. Vườn trống trơn, chỉ có vài cụm cỏ dại. Chủ nhà rõ ràng là không có tâm hồn làm vườn. Tôi đoán rằng họ sống co cụm trong nhà với những nỗi thất vọng của họ. Tôi thử xoay tay cầm nhưng không được vì cửa khóa.
Trong khi đó, con Kiki chạy khắp gara ôtô, rất hưng phấn vì phát hiện ra một con gì đó chắc đã trốn vào sau lò sưởi chạy bằng ga. Lò sưởi không hoạt động, chắc vì chủ nhà cũng không phải là người sợ rét. Chắc là nước sông Seine phải đóng băng thì họ mới bật lò sưởi.
Trong gara, tôi phát hiện ra có một cánh cửa để đi thẳng vào trong nhà. Cửa này không khóa. Tôi hơi ngần ngại. Một mặt, tôi khó mà có thể nói được rằng con Kiki đã tự mở cửa chạy vào nhà. Mặt khác, vợ chồng Leguerche còn lâu mới thú thật chuyện đã xảy ra với Giselle. Tôi phải quyết tâm thôi.
Cùng với con Kiki theo sát chân, tôi mở cửa bước vào một phòng để đồ lạnh ngắt và tối om. Một cái máy giặt cổ lỗ chềnh ềnh ở giữa phòng, chắc là loại máy dùng hàng thế kỷ cũng không hỏng và lại được chủ nhà thay curoa và bôi dầu động cơ thường xuyên. Chi tiết này hoàn toàn phù hợp với việc lò sưởi không hoạt động và trong nhà lạnh như băng.
Sau đó tôi vào đến nhà bếp, cái gì cũng sạch bong như trong một phòng thí nghiệm. Tôi cố gắng bước thật nhẹ nhàng và đi theo hành lang dài dẫn đến phòng khách vuông vắn có bộ sopha bằng nhung màu nâu và hai ghế bành cùng màu. Trên bàn nước có chân gỗ tiện tròn đặt một tờ chương trình vô tuyến, một tạp chí dành cho những người thích đan lát. Sau đó tôi qua phòng ăn nơi diễn ra buổi nói chuyện lần trước, có một tivi to và nặng với một cây cảnh để lên trên. Không có đầu video, cũng không có đầu DVD, mà nhìn kỹ thì tôi cũng không chắc là tivi này có màu hay không. Tôi thử mở vài ngăn kéo nhưng cũng không có gì đặc biệt: toàn là những vật dùng trong nhà như đèn pin, kéo, một cái lược, vài cái ghim, v.v. Trên tủ thấp có một hộp khăn giấy đã mở và một con búp bê mặc quần áo Tây Ban Nha để trên một bệ bằng nhựa.
Nấp ở dưới cầu thang, tôi nghe ngóng. Tôi không dám tin vào các giác quan của mình nữa. Làm sao mà có thể sống được trong một căn nhà trống trơn như thế này? Ai mà có thể xóa hết, không để lại dấu vết như thế này? Tôi tự hỏi là bà Leguerche liệu từ trước đã là một nghệ nhân trong việc dọn dẹp nhà cửa hay là năng lực của bà ta phát triển cùng với thời gian. Tất nhiên là tôi không nghĩ rằng ông chồng có thể giúp đỡ bà ta trong chuyện này, vì trong gia đình này, vai trò của mỗi người chắc là đã được phân chia rõ ràng theo truyền thống gia đình và vẫn được tuân thủ một cách nghiêm túc, có nghĩa là bà trong bếp, còn ông ở ngoài gara ôtô.
Không thể chịu được nữa, tôi trèo nhanh lên mấy bậc thang và kiểm tra mấy phòng ở trên tầng hai. Không có gì đặc biệt. Không hề có dấu vết gì về tuổi thơ của Giselle, cũng như về việc cô ta có thể trở về sống ở đây. Tôi nhận ra phòng ngủ của vợ chồng Leguerche với hai giường cá nhân xếp song song. Phòng của Giselle chỉ có một giường, còn phòng thứ ba thì dùng để làm nơi là quần áo. Mấy cái tủ đầy ga giường và khăn bông, không biết họ còn lúc nào để dùng. Phía sau cửa phòng tắm treo một bộ pyjama màu xanh ghi và một áo ngủ màu xanh lá cây, mỗi thứ treo riêng trên một mắc áo.
Tôi đang kiểm tra bàn chải đánh răng thì tiếng con Kiki sủa ầm ĩ làm tôi giật mình như bị điện giật. Tôi dường như không phải chạy, mà là bay xuống cầu thang. Tim tôi đập thình thịch, tay ướt mồ hôi, tôi thận trọng nâng một góc riđô lên để theo dõi tình hình ngoài vườn, nhỡ đâu vợ chồng Leguerche lại về bất chợt. Nhưng lần này là báo động giả.
Tôi ra thì thấy con Kiki vẫn tiếp tục sủa trong phòng để đồ. Nó đứng sủa trước cửa gara ôtô, thật ra vì nó chỉ muốn ra khỏi đây.
Tôi vừa thở phào nhẹ nhõm thì bỗng nhiên tôi nhận thấy rằng con chó khốn nạn đó đã ăn hết bát thức ăn của chó nhà này. Lúc tôi vào thì còn đầy cả một bát thức ăn màu đo đỏ, thế mà bây giờ thì đã hết trơn và để ở phía bên cạnh một giỏ mây to có đệm mút đã cũ. Keo kiệt như nhà này thì thế nào họ cũng phát hiện ra việc thức ăn của chó đã biến mất. Nhất là con chó nhà này thế nào cũng đói mèm. Trong tủ bếp, tôi nhanh chóng tìm thấy một loạt đồ hộp dành riêng cho chó. Tay run lên vì căng thẳng, tôi đổ đầy một bát và cẩn thận giấu vỏ hộp dưới đống rác trong sọt rác nhà bếp. Sau khi kiểm tra lần cuối cùng để không quên gì, tôi rời khỏi hiện trường cũng im hơi lặng tiếng như lúc đến.
Hai phút sau, xe tôi chạy bon bon trên đường phố lờ mờ sáng. Con Kiki nằm ngủ ngáy khò khò trên ghế xe đằng sau. Tôi ghen tị với vợ chồng nhà Leguerche vì đã có một con chó ngoan thế, không bậy bạ ở ngoài vườn, cũng không để lông bám vào đồ đạc trong nhà. Tôi đang cay đắng nghĩ mình đúng là trúng xổ số thì mới được con Kiki này, thì đột nhiên có một chi tiết rất nhỏ trở lại trong trí nhớ của tôi: vấn đề là nhà này không có chó.
Tôi kiên trì chờ. Đã hơn hai giờ đồng hồ, tôi chờ vợ chồng Leguerche về. Tôi sẽ chờ đến sáng mai, nếu cần. Con Kiki chắc là khát nước, nhưng tôi chỉ nhượng bộ ở một điểm duy nhất là cho phép nó tự do đi lại trên vỉa hè. Rõ ràng là nó cố tình hành hạ tôi bằng cách nhất định không chịu xuống xe. Nó chắc còn chờ đệm ghế hoàn toàn đẫm nước dãi của nó, nhưng bởi lông nó rụng rất nhiều, thành ra tôi còn có thể yên tâm.
Trong hai tiếng đồng hồ, khu phố yên tĩnh này chỉ có hai xe đạp, một xe tải chở hàng của hãng Ikea và một cô gái trượt patanh đi qua. Cô ta chuyển động về phía tôi một cách nhịp nhàng như người từ hành tinh khác tới, tóc bay trong gió. Cô ta đi qua mà không giảm tốc độ, dường như say bởi chính mình và bởi niềm hạnh phúc được trượt trong không khí yên tĩnh của trời chiều. Khi cô ta đã biến mất ở góc phố thì tôi hoàn toàn lúng túng. Lúc đầu kế hoạch của tôi là qua nhà bố mẹ tôi để tống khứ con Kiki đi, nhưng trên đường về trung tâm Paris, quận 11, thì tôi lại nảy ra ý định rẽ qua khu Montreuil vì tiện đường. Tôi không ngờ rằng đến hơn bảy giờ tối tôi vẫn còn ở đây.
Nhưng tôi nhất định không đầu hàng. Vở kịch này đã kéo dài quá lâu rồi. Tôi cần phải gặp vợ chồng Leguerche và tìm cách làm cho họ phải thú nhận. Ở giai đoạn này thì chẳng nên gọi cảnh sát làm gì, bởi tôi không có đến một mẩu bằng chứng nào.
Nhưng tôi tin chắc rằng đứa bé này có thật. Nó chắc trốn sau lò sưởi, vì thế con Kiki mới chạy đi chạy lại trong gara như vậy. Sau đó, chắc là nó muốn vào nhà, nhưng con Kiki sủa làm nó không dám.
Sau đó tôi lại nghi ngờ. Thật ra hoàn toàn không có dấu vết của một người thứ ba nào trong căn nhà này, ngoại trừ bát thức ăn và đệm cho chó. Hoàn toàn không có một dấu vết gì khác. Nếu tôi nghe tiếng nói từ trong thâm tâm thì tôi đã bỏ cuộc, và có thể bàn với bà thẩm phán Kotlas. Tôi tự hỏi mình là làm sao tôi biết được nhà Leguerche lại không có chó? Bởi vì lần đầu tiên tôi không thấy con chó nào à? Nhưng họ có thể mới mất chó và có thể đã không đang tâm bỏ cái giỏ đi. Hoặc có thể là họ đang chờ có một con chó mới thì sao. Có lẽ đúng là như vậy. Có lẽ là tôi đã đến vào giữa hai thời điểm đó. Nhưng tại sao lại có thức ăn cơ chứ? Chẳng lẽ họ lại làm thế để tưởng nhớ đến con vật yêu quý hay sao?
Điện thoại di động của tôi réo lên làm tôi giật mình.
- Véra à? - Giọng của bà Lili Markovich trong điện thoại. – Véra này, tôi ngần ngại mãi mới quyết định gọi cho cô, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta phải nói chuyện với nhau. Giữa phụ nữ với nhau ấy mà, cô có hiểu không?
- Vâng ạ.
Từ câu trả lời này đến việc tôi cho rằng đó là một ý tưởng hay ho thì còn xa.
- Cám ơn cô, - bà ta nói, vẻ yên tâm hơn. – Tôi biết rằng cô là một phụ nữ thông minh và cởi mở. Fabrice thì không khéo một chút nào. Mà gần đây thì cứ hết việc này đến việc kia…
Tôi thầm hỏi Fabrice có kể với bà Lili về vụ anh ta chơi đểu tôi hay không, nhưng ngay sau đó tôi gạt ngay giả thuyết đó. Tất nhiên là anh ta không nói gì rồi. Bà Lili cũng có phải là ngu ngốc gì đâu. Nếu biết chuyện thì bà ta còn lâu mới dám gọi điện cho tôi.
- Tôi biết rằng cô rất bận. – Bà ta cố nài nỉ. – Tôi đề nghị là chúng ta sẽ ăn trưa cùng nhau, trưa mai chẳng hạn. Ý cô thế nào? Tôi có thể đến gần khu Monmartre nếu cô muốn…
Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng bữa ăn trưa này sẽ giải quyết được việc gì, nhưng vừa lúc đó chiếc xe Citroen màu xanh lá cây xuất hiện trong kính chiếu hậu. Tôi cố gắng thoát khỏi bà Lili một cách nhanh nhất:
- Được ạ. Mai ở quán Wepler lúc 2 giờ chiều bác nhé.
Tôi gác máy khi chiếc xe kia dừng lại giữa phố. Ông Leguerche chậm rãi bước xuống để mở cửa gara, còn bà Leguerche thì vẫn ngồi trên xe, lưng thẳng đứng. Rõ ràng là những người tử tế.
- Ông Leguerche à?
Tôi gọi đúng lúc ông ta đang lên xe. Ngỡ ngàng, ông ta nhìn tôi đi về phía mình. Tôi đã cài cúc áo khoác, buộc tóc gọn lại và vẫn đeo kính. Tôi không có vẻ là muốn đùa một chút nào. Ông ta nhìn tôi và hỏi với vẻ nghi ngờ:
- Cô làm gì ở đây?
- Tôi cần nói chuyện với ông bà.
- Ông à, có hàng xóm đấy! - Bà Leguerche nhắc nhở.
Câu này tóm gọn rất nhiều điều.