Tôi muốn có nhiều tiền hơn nữa, nhiều tiền hơn cái bọn khí lực, đầu óc bã đậu, củ chuối không bằng tôi mà lại giàu có hơn tôi. Vô lý! Cuộc đời ngổn ngang đang mở ra biết bao cánh cửa hấp dẫn để cho con người có cơ hội lật đời, đổi đời và đã ối kẻ lật, đổi đến kinh thiên động địa rồi kia kìa. Thế mà tôi, một thằng đầy khát vọng vươn lên và đang vươn lên lại ngồi im thúc thủ cho tro trấu bay mù mịt cuộc đời ư? Không! Câu nói nhừa nhựa hơi men của ông nhà văn già phố núi bất đắc chí đã ám vào tôi đến khổ sở: “Suy cho cùng, con người ta có ba loại kiếm tiền. Loại thứ nhất là làm ra tiền, loại này vất vả, mồ hôi mồ kê lắm. Loại thứ hai khá hơn là nghĩ ra tiền và loại thứ ba, loại này mới thật siêu, là chơi ra tiền.”
Tôi tự nhận đang ở loại thứ nhất, loại trâu bò cày bừa cho nên bằng mọi cách phải nhảy lên loại thứ hai, loại nghĩ ra tiền, còn loại ba, chịu, chắc nó chỉ giành cho đẳng cấp siêu nhân mà tôi trước sau vẫn là kẻ dung tục, ăn nhiều ỉa bãi cứt to. Đó là chưa kể cái máy xát của tôi gần đây cũng không còn là của độc nữa. Trong xã bây giờ đã có đến bốn chiếc, vậy là đồng tiền thu nhập của tôi cũng tự nhiên phải chia ba chia bốn, tới đây còn chia mấy nữa, xót ruột như mất trộm, như bị ăn cướp.
Mẹ khỉ! Thì ra, ba cái cái mớ triết lý hổ lốn và sặc men rượu rẻ tiền của mấy tay văn chương quán cóc ấy nhiều khi cũng trở thành ám ảnh ra phết. Thảo nào ngày xưa vua chúa rất ghét họ cũng phải. Và bây giờ, nói dại, có khi cũng vậy. Kẻ cầm quyền nào mà chịu được những cái mồm cứ xoi xói nói vào giữa mặt mình, mà lại nói hay, nói đúng mới bỏ mẹ chứ.
Là một kẻ thích hành động hơn là ngồi im suy nghĩ, vậy mà tôi cũng bắt đầu sinh bệnh mất ngủ để tìm ra một chương trình hành động. Tìm được là mần luôn, không oong đơ gì hết.
Giống như cái lần tôi đang ngồi trước xe máy xỉa răng thì một chiếc xe máy loại sang trờ tới, dừng lại, ngự nồng nàn trên yên là một khuôn mặt bịt kín, một bộ ngực cong vênh, một đường eo hiểm nghèo, một cặp đùi nhức nhối và khi chiếc khăn được thả xuống thì là một đôi mắt hun hút, giằng xé, giễu cợt, thách thức và cả đau đớn, thèm thuồng hiển linh. Đôi mắt của Cái nhìn. Đôi mắt làm tôi căng cứng cả người, một sự căng cứng xuất thần mà không phải với con đàn bà nào tôi cũng có được, nếu không muốn nói cô ta là duy nhất. Và, tuổi mới trên hai nhăm nhưng trường tình và sự va đụng với đàn bà bằng lão đa tình bảy mươi, tôi đã đọc được đôi mắt kia nó muốn gì.
Đọc được thì thủng thắng đi ra, thủng thắng cầm lấy tay lái và cũng thủng thẳng rồ ga bon đi. Đi đâu nhỉ? Thời ấy làm gì đã có cơ man nào là những nhà nghỉ hôi mùi nước rửa Toalet như sau này, muốn yêu nhau, muốn nhai nuốt, cấu xé nhau, muốn xuyên thủng nhau chỉ còn cách nhoài ra chìm vào thiên nhiên hoang vắng hay chờ bóng đêm rủ xuống đóng vai trò đồng loã. Nhưng thế mới ngon, sự đói ngấu nào chả ngon, miếng nào ra miếng đó, sần sật, cồn cào. Còn bây giờ, chuồng trại tha hổ, chưa đói đã ăn, chưa thèm đã quăng nhau nằm tênh hênh trên giường, chán ồm! Nghĩ thế, tôi nhấn ga đưa thẳng Cái nhìn ra hổ Cốc mà chẳng cần biết đối tượng có đồng ý hay không. Suốt đường đi gần sáu mươi cây số, cô ta cứ cà cà răng vào lưng vào vai tôi, ngửi hít đến nhột nhạt mùi mồ hôi của tôi, thỉnh thoảng lại cắn một cái đau điếng. Tôi ngửa mặt đón gió, nhe răng cười. Đến nơi trời vừa tối. Không nói không rằng, tôi tha cô ta xuống ven hồ, bảo tháo quần áo rồi... tòm, cả hai nhào xuống nước. Chao, không hiểu đã có ai được nếm náp cái huyền diệu được làm tình trong lòng nước chưa? Nó hơn tất cả những cuộc giao hoan ở trên bờ. Nước đây ra, nước hút vào, có mà không, không mà có, nhọc nhằn, rối rít, nước tràn vào mặt, nước len vào miệng, nước làm nhoè cái hôn, nước tinh khiết, nước van đục, rên rỉ, hồng hộc, cắn cấu... anh ơi em chết... em nhớ anh quá... nằm dưới cái bụng bia của thằng chồng em, em toàn mường tượng ra anh... thật đấy... ôi trời, anh đang làm gì em thế này... anh giết em đi... cho em chết đi... ghì em chặt vào... thế thế thế... trời ơi, vân và vân vân.
Đàn bà lạ không? Cứ tưởng sau lần tưới sũng nước đái như tưới rau ấy, cô ta sẽ thù tôi suốt đời vậy mà... thì ra, chỉ cần làm cho họ hứng khoái tột cùng là họ sẽ tha thứ cho anh hết, sẽ lẽo đẽo đi theo anh cả đời dù anh có thô bạo, lanh lẽo với họ thế nào, thậm chí càng lanh cái sự lao theo càng manh. Chịu, chả biết tại sao!
°
Nhưng sau những đêm không ngủ đó, có dè đâu cái chương trình hành động làm giàu tắt của tôi lại nhúng chân vào vòng cương toả lạnh lùng của luật pháp. Nói cho đúng là tôi có biết, mang máng biết, làm sao lại không biết nhưng cái siêu lợi nhuận của nó đã làm cho tôi mù loà, câm điếc hoàn toàn.
Tội lỗi nào chả có nguyên do, hành vi nào chả có nguyên cớ. Cái nguyên cớ chết người của tôi lại bắt đầu ngay từ cái lần đi cắt trĩ không có thật ấy. Đáng lẽ chuyện đã qua là qua luôn nếu như để phục vụ cho cái máy nổ khát dầu như khát nước ấy, ngày ngày tôi không đi qua khu bệnh viện ra thị xã để phải chứng kiến cái hình ảnh các chú lính già lính trẻ, ốm yếu có đỏ đắn có, mồ hôi mồ kê, ba lô xộc xệch lũ lượt kéo đến cổng viện, ngơ ngác làm các thủ tục ra viện nhập viện.
Theo thói quen vốn có của thằng đã từng là lính, tôi bỏ một buổi đi trinh sát thực địa trước xem bịnh tình ra sao rồi mới có thể đưa ra được quyết định cuối cùng. Thì ban đầu cũng xuất phát từ một chút tò mò, kể cả từ một chút thương người thử ghé vào xem có giúp gì được cho các chiến hữu không, tất nhiên là giúp bằng cái thủ thuật tẩy xoá, viết khống để gia hạn, gia bệnh, để được ở nhà như chính cái thằng tôi đã trải qua, đã thực hiện có hiệu quả từ hồi xà xẻo chất nổ đi đánh cá.
- Ê! - Tôi vẫy một cậu lính trẻ có nước da xanh rớt lại gần - Nhập viện hả? Đơn vị nào?
- Dạ, em ở E2, sư 3, quân đoàn 29 ạ!
- Tốt! Quân đoàn 29, quân đoàn biên giới, tốt. Tớ cũng ở 29 đấy.
- Anh... thủ trương cũng ra viện ạ? - Cậu lính nhìn tôi có vẻ tin cậy hơn.
- Không. Nhập rồi, ra rồi, phó thường dân rồi. Giờ hỏi thật nhé, chú mày muốn chui đầu vào đây hay về nhà nghỉ ngơi?
- Dạ...
- Đừng ngại, nếu muốn, tao sẽ giúp. Là lính biên cương khổ cực, chú đáng được như thế.
- Nhưng em...
- Nhưng nhiếc gì, người ta không có tình với mình thì minh phải tự điều chỉnh, cũng là lẽ công bằng. Đưa giấy đây tao xem.
Chàng lính ngần ngại móc túi ngực lấy ra tờ giấy ướt mồ hôi. Cầm tờ giấy có con dấu tròn quen thuộc tôi thoáng gai người như thấy cả một quãng đời năm năm làm lính nhọc nhằn hiện về. Tôi dắt cậu ta đến một cái quán vắng bảo ngồi đó chờ rồi sang bên kia đường mua một quả chanh, một lọ mực tím, đúng cái màu mực ghi trên giấy rồi trở lại, ngồi khuất vào cái bàn trong cùng. Do đã từng làm, lại thuộc loại khéo tay, tỉ mỉ nên mọi thao tác của tôi diễn ra ngọt lắm. Giọt a xít chanh lan đến đâu, chữ nghĩa biến mất như mơ đến đó, chỉ trừ con dấu là để lại, rồi thổi khô, viết những con chữ khác vào. Những con chữ mà đối với bất kỳ thằng lính xa nhà nào cũng trở thành vàng bạc kim cương hết:
- “Đồng chí... do suy nhược thần kinh, sức khoẻ không đảm bảo công tác và chiến đấu nên đơn vị đề nghị Quân y viện tạo điều kiện cho đồng chí... được điều trị cơ bản”.
Tôi đưa mảnh giây cho hắn, giọng rất cha chú:
- ‘’Mang vào đi! ít nhất họ sẽ cho chú thời hạn một tháng đến một tháng rưỡi thay bằng một tuần như đơn vị đã ghi, chú chỉ cần cắt lại toàn bộ phụ cấp, chế độ là có thể yên tâm ra về.’’
- Vâng, em sẽ để lại hết - Giọng cậu chàng run lên vì sung sướng - để lại thêm nữa cũng được miễn là em được về nhà. Mẹ em ở nhà yếu lắm... Nhưng anh cho phép em...
- Cái gì nữa?
- Cho em xin được trả tiền.
- Tiền gì? - Tôi trợn mắt - Tôi mà thèm lấy tiền của chú à? Vào đi!
Chú chàng líu ríu cám ơn xách ba lô định đi thì tôi chợt gọi lại:
- Này, hỏi tý cho vui, thế người ta nói thế nào mà chú lại định tiền nong với tớ?
- Dạ thưa... em nghe nói muốn có một bộ giây tờ như thế này, ít nhất phải ba mươi nghìn.
Ba mươi nghìn một bộ, đà này ngày có thể làm được bốn, năm bộ, vị chi là trăm rưỡi. Một tháng nhân ba mươi là... Cha cha! Đến lượt giọng tôi run lên:
- Tầm bậy tầm bạ nào, đi đi! Nghìn nghiếc gì, vớ vẩn!
Tôi đi như thằng say nắng về nhà. Cái máy xát giỏi
lắm một tháng cũng chỉ được chừng trên triệu lãi ròng mà cả nhà vất vả, còn việc này chả mất đồng vốn quái nào lại nhét túi gấp ba gấp bốn. Vậy thì chơi cả hai. Xay xát để bố lo. Giấy tờ nhập viện, ra viện để tôi mần, chỉ mình tôi.
Ai ngờ cái trĩ ảo nó lại có duyên thật với tôi đến nhường ấy. Cám ơn quân y viện, cám ơn những chiếc ba lô lính không lẫn vào đâu được, cám ơn vị chanh chua đã làm nên trò ảo thuật. Cám ơn cả những ngày tháng quân ngũ đã tạo nên cho tôi vốn sống, kỹ xảo và năng lực ma quái này, cám ơn!
Để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo sự kín đáo, tôi bỏ tiền mua sẵn một số bộ, tẩy xoá trước ở nhà, đến khi gặp mối chỉ việc lấy ra điền vào, rất nhanh rất gọn.
Làm được ít ngày thì mới nảy nòi ra một điều bất khả kháng: Hoá ra cái anh a xít chanh này chả ăn thua gì với cái anh bút Bi cả. Càng chua chữ càng nhoè. Chuyển sang dùng lưỡi lam thì chậm lắm mà cũng không an toàn, dễ phát hiện.
Vậy chỉ còn cách là làm riêng, in riêng hẳn ra một bộ.
Nhưng mà làm thế nào? Xứ núi lành hiền, thị trấn nhà quê, kiếm đâu ra cái năng lực thuộc hạng tội phạm thế kỷ như thế?
Nằm lơ mơ một lúc, chợt nhớ đến ông bạn vong niên cùng cánh lái trâu ngày nào có lần khoe thằng con tên Thịnh đang là công nhân nhà máy in ở Hà Nội, lương lậu khá lắm! Lão còn khoe thêm: Vừa rồi chả biết làm ăn thế nào mà tý nữa đi tù, may có người quen ở trên uỷ ban nên mới thoát.
Tù à? Tốt! Một thằng in ấn mà tý nữa đi tù là dứt khoát chỉ có dính đến chuyện in bậy in bạ. Tôi đang rất cần cái sự bậy bạ tuyệt vời đó đây. Vậy dông ra Hà Nội luôn. Dông bằng chiếc xe máy CD150 phân khối đen trũi, kềnh càng mới tậu rẻ lại được của thằng cha chủ lò gạch ở phố huyện. Cuộc đời hay thật! Mới có mươi năm mà hai lần về là hai lần khác hẳn. Lần trước là cái thằng ăn mày gặm bánh mỳ ở ghế đá bờ Hồ. Lần này bò cả cây, ria mép, cưỡi phân khối lớn rõ ra cái dáng ông chủ.
Xe nổ máy pành pành vào tận cửa nhà bà ngoại, kính cẩn đặt trước mặt bà một gói sâm Cao Ly to tướng, dúi vào túi bà ít tiền nữa để tưởng nhớ lại tô phở ngọt ngào năm xưa, nhận từ bà một tiếng chửi yêu: “Cha sư bố anh, tiêu tốn vừa chứ” rồi tiến thắng đến nhà in. Ai bảo có tiền không sướng? Mới có thế thôi mà nhân cách nhân quyền đã lên vù vù. Tiền vào thêm nữa thì nhân cách sẽ thăng hoa tới đâu? Tới trời!
Thịnh là một thanh niên nhỏ con, mắt toàn nhìn xéo, kiểu nhìn của một kẻ chứa nhiều phần tối trong đầu, da mặt ăn hơi chì nên lam nham như chó nướng dở. Như cái đểu của hầu hết những cư dân thành phố, nghe có người ở quê lên là mặt chảy ra sợ bị làm phiền, nhờ vả. Biết, tôi xưng là bạn làm ăn của ông bố đẻ ra Thịnh rồi kéo thếch hắn sang một quán ăn thuộc loại sang trên đường Tràng Thi, lớn tiếng gọi toàn những món độc, rượu độc đến nỗi thằng cha từ tôi tôi ông ông đã chuyển phắt sang em em anh anh từ lúc nào. Kiểu này nếu tôi chơi đẹp thêm một chút nữa thì có khi hắn lại chú chú cháu cháu nữa cũng chưa biết chừng.
Chờ cho miếng gỏi cá ướp theo kiểu Nhật óng mịn, ánh hổng chui ực qua cái cần cổ nổi cục của hắn, tôi tấn luôn:
- Tôi cần in một số bộ giấy, mỗi bộ hai tờ, một tờ cung cấp, một tờ tài chính, có con dấu, ông có làm được không?
Thịnh im lặng một lúc rồi mới nhìn lên, vấp váp:
- Được nhưng... đắt đấy.
- Đắt là bao nhiêu?
- Phải hai bát chữ, phải thuê thợ sắp chữ, thợ in. Mỗi giấy một chỉ, hai con dấu hai chỉ nữa.
- Tức là bốn. Được, tôi trả cả năm, miễn là nhanh, có độ chính xác cao. Giờ tôi đưa trước một nửa, xong, tôi đưa nốt.
Hắn nhìn tôi xanh lét một cái như phực lửa ga rồi nhét tọt mấy chỉ vàng vào túi như nhét miếng gỏi cá còn nguyên máu vào họng.
Còn tôi, sau chuyện này tôi đã trở thành một tên giả mạo giấy tờ chuyên nghiệp. Cũng biết lơ mơ rằng tội giả mạo là tội bị xử khá nặng nhưng khốn nạn, cái số tiền thu về hàng ngày lại còn nặng hơn. Nặng đến nỗi tôi đã quyết đinh bán rẻ cái máy xát để giải phóng sức lao động cho gia đình. Xát xiếc gì, với công việc này, chỉ vảy tay một cái là tôi đã có một khoản thu gấp mười lần, thu rất đều đặn, nguồn thu gần như độc quyền không có kẻ cạnh tranh mà chả ai dại dột lại đi cạnh tranh với tôi, kẻ được biệt danh là Hùng băng giá, Hùng liều, Hùng Manbro. Băng giá hay liều thì rõ rồi, nó đã được định hình ngay từ cái ngày tôi còn đi buôn chuyến, buôn trâu phong trần và nguy hiểm, còn Manbro là mới xuất hiện gần đây, xuất hiện từ khi tôi bắt đầu ghiền cái thứ thuốc nồng nặc mùi Cao bồi Têch Zat đó cũng như cái mũ của anh chàng chăn bò kia luôn được gắn lệch lệch, ngang tàng trên đầu tôi.
- Anh, nhà mình đang có việc làm vui vẻ, sao anh lại bán đi?
Con em tôi rớm rớm nước mắt hỏi. Tôi xoa đầu nó, cười:
- Để cho cả nhà được vui vẻ hơn mà không phải suốt năm suốt tháng ù tai, váng óc vì cái tiếng nổ chết giẫm của nó. Anh muốn mai mốt đi ữị bệnh về, em sẽ là một bà chủ thật sự, một bà chủ tiệm vàng hay tiệm cầm đổ gì đó.
- Em có khỏi được bệnh thật không, anh?
- Nhất định sẽ khỏi. Có tiền là có tất. Tháng sau anh sẽ gửi em sang bên kia và lúc trở về, em sẽ thành một người hoàn toàn khác, sẽ lấy chồng đẻ con, cả nhà mình sẽ chuyển về Hà Nội sinh sống.
Con Nết không hỏi gì nữa, chỉ cầm lấy tay tôi, khẽ cười. Lâu lắm tôi mới thấy nó cười, một cái cười tồi tội nhưng chứa chan hy vọng. Mẹ tôi đứng đằng sau, dựa vào cánh cửa, nghe câu chuyện của hai đứa con, bà khe khẽ đưa vạt áo lên lau mắt.
Giây phút đó, cả mẹ cả tôi lẫn nó đều đâu có biết rằng, một hiểm hoạ khôn lường đang chờ tôi ở phía trước.
°
Hiểm họ a được khởi nguồn từ chính thói ăn tạp của cái gã có đôi mắt xanh lè lửa ga kia. Thì ra tôi không phải là đối tác làm ăn duy nhất của gã, gã còn bành trướng cái bát chữ nhẫy dầu và khả năng khắc dấu sang cả các mặt hàng khác như nhãn bia nhãn rượu, nhãn bánh kẹo giả. Ở đời tham thì thâm, ấy là tôi đang nói cả tôi, một khi cái giả vừa phải, giả lén lút thì còn chịu được nhưng cái giả lại đòi cưỡng hiếp cái thật, muốn trở thành cái thật, giả công khai, giả nhâng nháo thì những người cầm cân nảy mực, dẫu cái sự cầm đó nói chung có lỏng lẻo đi nữa thì cũng thấy chướng mắt mà đã chướng là phải chặt, phải bẻ. Bẻ cái này ắt lòi ra cái kia, lòi luôn ra cả những bộ giấy mang hình dấu Quân y viện chết tiệt chưa kịp tiêu huỷ của tôi. Đã là kẻ lá nem, lấy cái sự giả mạo làm nhẽ sống thì làm gì có lòng trung thành, có lý tưởng, có sự khí khái của dân giang hồ bạt tử sẵn sàng lấy máu để bảo vệ nhau nên chưa hỏi gã đã phun ra phè phè như rắn bị thít cô rằng bộ giấy này là của ai, tên gì, đang cư trú tại đâu. Xong. Hết chối cãi. Bằng chứng, dấu vết sờ sờ ra đấy còn chối cãi cái nỗi gì. Ngu! Khi bị dẫn ra xe rồi tôi vẫn còn tự chửi mình. Đáng lẽ tôi không nên lộ diện, tôi không cho nó biết tên tuổi, địa chỉ, tôi chỉ nên núp đằng sau, chỉ cho phép nó cái quyền được quan hệ một chiều, tôi phải chuẩn bị số lùi để nếu cần xoá phát sach ngay. Đằng này... mẹ, ngu cho chết, cứ tưởng đồng tiền dễ kiếm là có thể nhơn nhơn coi trời bằng cái bánh đúc. Ôi, Hùng băng giá, Hùng liều, Hùng Manbro lúc này cũng chỉ như cái giẻ rách đính cứt, chỉ như cái thằng nghiện dặt dẹo trước con mắt của bàn dân thiên hạ khi chiếc xe công an chuyên dụng xộc đến trước cửa nhà tôi lúc nửa đêm.
Mà cái dân làng tôi cũng lạ. Ơ hay, đáng lẽ thấy tôi như thế họ phải mở cờ trong bụng theo đúng cái thói đố kỵ, ghen ăn ghét ở nơi xó quê, vậy mà họ lại nhìn tôi đầy ái ngại, có người còn thở dài và có người còn vô tình để lọt vào tai tôi một câu chả đâu vào đâu:
“Làm ăn lâu thế mà giờ mới bị bắt Giỏi! Đứa khác có muốn làm cũng chả được”.
Khi chiếc còng hình số 8 cụp mạnh vào cổ tay tôi, mẹ tôi khóc vật vã, hai tay cứ chắp vào nhau, rên rỉ:
“Tôi xin các anh, xin chính quyền, em nó trót dại, em nó mới phạm lần đầu, xin các anh tha cho, tôi cắn rơm cắn cỏ...”
Bố tôi vẫn ngồi giữa phản, mặt lạnh như hoá đá, gầm lên trong cổ:
“Nhục! Nhục quá con ơi! Những tưởng mày kiếm được đồng tiền sạch sẽ chứ ai ngờ mày lại lừa đảo, bẩn thỉu như thế, nhục!”
Tôi muốn quay lại vặc một câu, đại ý là:
“ Không nhục lắm đâu ông bố nhu nhược của tôi ạ! Còn khối những kẻ lừa đảo bẩn thỉu hơn nhiều kia, lừa đảo cả thể chế, lừa mị cả xã hội chỉ chưa bị vạch mặt thôi,”
nhưng nghe tiếng đờm rò rè trong cổ ông, nghĩ tội, lại nuốt vào.
Cái làm cho tôi buốt nhói nhất là đôi mắt của con em. Từ lúc chiếc xe hòm lao vào sân, nó không nói, không khóc, chỉ nhìn, một cái nhìn ngỡ ngàng, đau đớn lạ lắm, như đôi mắt con chim sẻ tôi bắn bị thương nát ngực hồi nào, cái nhìn đến suốt đời tôi không thể quên được. Chỉ đến khi chiếc xe nổ máy, nhìn lại, tôi mới thoáng thấy miệng em mấp máy: “Anh ơi... đi nhanh về với em... Em mệt lắm rồi!”
Tôi ghì trán vào cạnh sắc thành xe đến rớm máu. Nết ơi, anh làm khổ em rồi. Anh vùi đầu vào kiếm tiền một phần cũng là vì em, vì cuộc sống của em nhưng như thế này là anh giết em rồi...